Hay cũng có thể gọi bài viết này là làm sao Bắc Việt có được chiến thắng 30/4/1975.
Bài viết này trước hết muốn trình bày một luận điểm rằng cuộc chiến Việt Nam có kết thúc như đã xảy ra là do đã có sự dự tính chiến lược của chính phủ Nixon qua những kế hoạch và những chuyến ngoại giao của ngoại trưởng Kissinger. Dư luận công chúng thế giới đã biết nhiều về sự dàn xếp cuộc chiến qua mọi sự kiện và tài liệu từ những năm qua; ngay cả người miền Nam cũng đã có một số ít người đã đặt những giả thuyết này từ khi những chuyến đi của Nixon xảy ra vào năm 72 và đã tiên đoán sự bức tử của miền Nam từ khi hiệp định Paris ’73 được ký.
Nhưng ở đây, tôi muốn dịch sang tiếng Việt những đoạn chính của các tài liệu này bàn riêng về vấn đề Việt Nam để những người Việt thiếu khả năng Anh ngữ được rõ hơn và để chứng minh sự dàn xếp chặt chẽ qua chính trị cũng như quân sự của Mỹ để đưa đến kết quả ta đã biết, dù chắc chắn rằng, những yếu tố chủ động cho việc đánh chiếm miền Nam sau 73 đều là trong tay của phe Bắc Việt. Do đó, bài viết này không nhằm chỉ lên án người Mỹ như nhiều người miền Nam đã từng làm và như cựu TT Thiệu đã bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với báo Spiegel của Đức năm 1979, dù điều đó không sai, nhưng để đưa ra những sự kiện chứng minh những nghi ngờ đó cũng nhưa đưa ra những cách nhìn và sự kiện có lẽ ít người biết tới, nhất là những người Việt trong nước.
Bài viết này đặt trọng điểm vào những cuộc mật đàm giữa Kissinger và Chu Ân Lai với sự tham dự của các phụ tá của hai bên Mỹ và Trung Hoa được ghi lại trong những tài liệu tối mật của chính quyền Mỹ mà đã chỉ được bạch hóa từ ngày 9 tháng 5, 2001. Tôi đặc biệt muốn bàn tới hai tài liệu từ Kho Lưu Trữ Quốc Gia của Hoa Kỳ mà đại học George Washington có bản sao: 1) Bản ghi lại cuộc đàm thoại ngày 29 tháng 7, 1971 và 2) Bản ghi lại cuộc đàm thoại ngày 20 tháng 6, 1972 ở đây.
Phần dưới đây của bài có cách trình bày riêng để dễ đọc và tránh hiểu lầm:
- Các đối thoại được dịch là phần in ngả.
- Phần được in đậm nghiêng là tôi muốn nhấn mạnh đến chi tiết việc bỏ ngỏ, hay ý định ‘bán đứng’ miền Nam như người VNCH thường nói.
- Phần trong [] là chú giải của tôi qua các đoạn đàm thoại trong tài liệu
- Phần trong () của các phát biểu là chi tiết tôi thêm để chú thích cho rõ ý nghĩa.
1. Tài liệu về cuộc họp năm 71.
Trong tài liệu 1 của năm 71, bắt đầu trong cuối trang 16 được ghi lại như sau:
Kissinger: Tôi xin được phép để bàn đến vấn đề Đông Dương với quí ông. Chúng tôi biết những nguyên tắc đạo đức và tình bạn của quí vị. Chúng tôi tin rằng thời điểm để làm hòa đã tới, vì lợi ích của dân chúng Đông Dương, vì lợi ích hòa bình cho Á Châu, và vì lợi ích hòa bình cho thế giới.
Tôi xin cam đoan với ông rằng chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam qua đàm phán, và chúng tôi sẵn lòng chuẩn bị định ngày giờ cho việc rút hết tất cả lực lượng quân sự của chúng tôi ra khỏi Việt Nam và Đông Dương như ông đã đề nghị trước đây.
Nhưng chúng tôi muốn một sự giàn xếp phù hợp với danh dự và sự tự trọng của chúng tôi, và nếu chúng tôi không có được điều này, thì cuộc chiến sẽ tiếp diễn, với những hậu quả mà chính ông đã diễn tả và sẽ lại làm gián đoạn việc cải thiện mối quan hệ của chúng ta bất kể đến những ích lợi mà chúng ta muốn.
Những sự việc như đã xảy ra ở Cambodia và Lào cũng như những hoạt động khác xảy ra nếu chiến tranh tiếp diễn sẽ không bao giờ nhắm vào nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, nhưng nó sẽ có những hậu quả không tốt cho quan hệ chung mà chúng tôi rất muốn tránh.
Một trong những khó khăn, theo tôi nhận thấy, mà tôi muốn nói thẳng ra là chúng ta nhìn vấn đề theo phối cảnh của hòa bình thế giới, nhưng Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ có một vấn đề về chính sách đối ngoại, đó là Đông Dương.
Tôi biết Hà Nội rất nghi ngờ, và họ sợ rằng họ sẽ mất đi những gì mà họ đã thắng được trên chiến trường trong bàn hội nghị. Và đôi khi tôi thật sự muốn nói rằng tôi có cảm tưởng là họ sợ bị đánh lừa hơn là sợ bị thua. Họ nghĩ là họ đã bị lừa năm 1954. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng tôi là những người thực tiễn. Chúng tôi biết rằng một khi hòa bình được thành tựu thì chúng tôi sẽ cách xa cả 10000 dặm, trong khi họ sẽ vẫn ở đó.
Cho nên điều ích lợi chúng tôi muốn là tạo một hòa bình mà họ sẽ muốn giữ. Chúng tôi không muốn chiến tranh lại xảy ra nữa.
Tôi xin cho ông biết, Thủ Tướng (Chu), về những gì tôi tin là việc thương lượng (với Bắc Việt) đã đi đến đâu.
Là một chuyên viên trong những chuyến đi bí mật, tôi đã bí mật đến Paris ngày 31 tháng Năm (71) và đưa đề nghị đến Bắc Việt mà ông có thể biết đến.
Chu: Tôi không rõ về việc đó.
Kissinger: Tôi đã nhân danh TT Nixon đề nghị rằng, chúng tôi sẽ đặt ngày cho cuộc rút quân.
Chu: Một ngày cho cuộc rút quân toàn diện?
Kissinger: Đúng vậy.
Thứ nhì, một phần của sự giàn xếp là sẽ có ngưng chiến hoàn toàn ở Đông Dương.
Thứ ba, tất cả các tù binh sẽ được trả tự do.
Thứ tư, Hiệp định Geneve sẽ được tôn trọng.
Và có vài khoản khác về giám định quốc tế và không xâm nhập, nhưng tôi cho đó là những điều phụ thuộc.
Vào ngày 26 tháng 6, tại một cuộc họp mật khác, Lê Đức Thọ đáp lại với đề nghị chín điểm có phần hơi khác với đề nghị của bà Bình, nhưng không khác bao nhiêu.
Có những điểm tích cực, nhưng hai phương diện tiêu cực về đề nghị của Bắc Việt.
Có vài chi tiết đề nghị về quân sự mà không thể chấp nhận được theo dạng hiện thời của nó, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể thương lượng và không muốn phiền hà Thủ Tướng trừ khi ông Thọ muốn bàn về nó.
[ Đoạn kế tiếp không cần dịch ra đây để giữ bài không quá dài ]
Kissinger sau đó nói về lối suy nghĩ của Nixon với những khác biệt so với những người trước của chính quyền Mỹ (trang 22):
Kissinger: Chúng tôi không đối phó với vấn đề cộng sản một cách trừu tượng mà là với riêng từng chính thể cộng sản dựa vào những tác động cụ thể của họ đối với chúng tôi, không phải là cuộc giáo chiến dựa trên lý thuyết.
Chúng tôi tin là nếu một dân tộc nào muốn tự bảo vệ, họ phải làm việc đó qua căn bản của chính những nỗ lực của họ và không phải qua nỗ lực của một quốc gia ở xa 10000 dặm.
Vì vậy khi tôi đưa đề nghị để rút ra khỏi Việt Nam, đó không phải là tìm mưu mẹo gì để rồi lại vào lại (VN) trong cách nào khác, nhưng là chúng tôi muốn chính sách ngoại giao của chúng tôi dựa vào những điều thực tại hiện thời, không phải dựa vào những giấc mơ của quá khứ.
Sau đó, Kissinger và Chu Ân Lai nói lại về sự đồng ý của những việc: Mỹ rút khỏi Đông Dương, để dân Việt Nam tự quyết định giải pháp cho quốc gia họ, v.v. và Kissinger nhấn mạnh lại việc rút ra của tất cả mọi thành phần của quân lực Mỹ và đồng minh từ các nước, ngoại trừ một số cố vấn về kỹ thuật và hậu cần.
Rồi để trả lời TT Chu về việc Mỹ rút đi và những hậu quả sau đó nếu những cuộc giết người lại xảy ra mà ông cho rằng sẽ khiến nội chiến lại tiếp tục.
Kissinger: Tôi xin trả lời trên hai mặt.
Thứ nhất, chúng ta nên có một cuộc đình chiến cho toàn Đông Dương trong thiện chí đáng tin cậy.
Thứ nhì, phải có một nỗ lực đáng kể của mọi phe trong Đông Dương hiện thời để giải quyết những khác biệt của họ với nhau.
Thứ ba, chúng tôi không phải là trẻ con, và lịch sử sẽ không đứng lại ngày khế ước hòa bình được ký. Nếu quân địa phương lại tái xuất, và không được giúp bởi những quân lực bên ngoài, chúng tôi chắc không sẽ trở lại từ 10000 dặm xa xôi. Chúng tôi không đề nghị hiệp ước để ngừng lịch sử.
2. Tài liệu về cuộc họp năm 1972.
Rồi vào tháng 6 năm 1972, sau khi Nixon đã đi qua Tàu gặp Mao và đã có Tuyên Bố Thượng Hải về hợp tác giữa Mỹ và Trung Cộng, Kissinger lại gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh. Trong cuộc bàn luận dài về mọi vấn đề chính trị thế giới được ghi lại trong tài liệu 2, Kissinger đã buộc tội một cách gián tiếp cho Trung Cộng về cuộc tấn công của Bắc Việt vào tháng Tư năm đó (Mùa Hè Đỏ Lửa) khiến Mỹ đã phải trả đáp với sự hỗ trợ cho VNCH của Mỹ; Kissinger cho là đã có sự lãnh đạo và giúp đỡ của Trung Cộng trong cuộc tấn công này, điều mà các lãnh tụ của Soviet và khối Đông Âu đều xác nhận với Kissinger (trang 9, 10, 12); Chu đã tránh né và tìm biện luận để chối các điều đó nhưng rồi bỏ tranh luận về việc này.
Trong trang 28, Kissinger đã trìng bày với Chu Ân Lai đề nghị của ông ta, để qua ông ta, Mao sẽ hiểu rõ hơn ý định của Mỹ:
Kissinger: Tôi sẽ đưa thẳng xác định của chúng tôi. Tôi biết nó không hợp ý với ông, nhưng tôi nghĩ dầu sao nó cũng sẽ có ích lợi để ông hiểu về cái nhìn của chúng tôi về tình thế. Và tôi sẽ lấy tình thế từ lúc Bắc Việt tấn công vào ngày 30 tháng 3.
Tôi tin là tôi đã giải thích với Thủ Tướng về mục đích chung chung của chúng tôi về Đông Dương là gì rồi. Điều khá rõ ràng là chính sách của chính quyền hiện nay của chúng tôi là không thể giữ các căn cứ quân sự ở Đông Dương nữa, hay là tiếp tục các chính sách đã bắt đầu từ các Bộ Trưởng Ngoại Giao (Mỹ) đã từng không chịu bắt tay với Thủ Tướng (Chu) trong quá khứ. Không phải thế … chúng ta đang ở giai đoạn lịch sử khác. Chúng tôi tin rằng quan hệ tương lai của chúng tôi đối với Bắc Kinh là còn quan trọng hơn rất nhiều cho tương lai của Á Châu, hơn xa những gì xảy ra ở Phnom Penh, Hà Nội hay ở Saigon.
Khi TT Johnson đưa quân lính Mỹ đến Việt Nam chắc ông còn nhớ rằng ông ta đã biện hộ một phần cho việc đó rằng những gì xảy ra ở Đông Dương là đã do Bắc Kinh vạch ra kế hoạch, và là một phần của âm mưu chiếm cả thế giới. Ngoại trưởng Dean Rusk đã nói thế trong một phát biểu. Ông thì lúc đó đang vướng vào cuộc Cách Mạng Văn Hóa và, theo tôi hiểu, đã không đặt nặng về những cuộc phiêu lưu quốc ngoại.
Vì vậy, chính sự kiện mà chúng ta ngồi đây trong phòng này thay đổi mục đích nền tảng cái gốc của việc can thiệp ở Đông Dương. Về phần chúng tôi khi thừa hưởng cuộc chiến này thì vấn đề của chúng tôi là làm sao thanh toán nó trong một cách để không ảnh hưởng toàn diện đến vị trí quốc tế của chúng tôi và – điều này không phải là sự quan tâm của ông – tìm ổn định trong nước của Hoa Kỳ. Vì thế nên tôi đã thực tình thử tìm cách chấm dứt chiến tranh, và như ông có thể đã biết, tôi đã tự mình bắt đầu việc thương lượng với Bắc Việt trong năm 1967 khi tôi đã chỉ mới còn ở bên vòng ngoài của chính phủ, khi mà việc đó rất thiếu sự ủng hộ của dân chúng, vì tôi tin là phải có kết thúc bằng chính trị cho cuộc chiến.
Nên từ khi chúng tôi nắm quyền thì chúng tôi đã tìm cách để chấm dứt chiến tranh. Và tôi đã hiểu, như tôi đã nói với ông trước, rằng chính thể Dân Chủ Cộng Hòa Việt Nam là một phần tử cố định trong bán đảo Đông Dương và có thể là khối mạnh nhất. Và chúng tôi đã không có ý muốn phá hủy nó hoặc đánh thắng nó. Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi sẽ rút đi xa 12000 dặm. Chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa vẫn sẽ ở cách Saigon 300 dặm. Đó là sự thật mà họ có vẻ như không hiểu.
Chu: Điều mà họ đang chú ý đến là việc gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh của các ông.
[ Đoạn kế tiếp không cần dịch ra đây để giữ bài không quá dài ]
Kissinger nói về việc thương lượng với Lê Đức Thọ:
Kissinger: Họ đã hỏi chúng tôi … chỉ có một đòi hỏi của họ mà chúng tôi đã không làm và không thể làm và sẽ không làm, bất kể giá gì cho quan hệ của chúng ta, đó là việc đòi chúng tôi phá đổ những người mà chúng tôi đã có những liên hệ và, vì lệ thuộc vào chúng tôi, họ đã làm những việc (với chúng tôi). Đây không phải vì bất cứ cảm tình cá nhân cho bất cứ nhân vật liên hệ nào đó. Cũng không phải vì chúng tôi muốn một chính phủ có thiện cảm với Mỹ ở Saigon. Tại sao, hỡi Trời, chúng tôi lại muốn một chính phủ thân Mỹ ở Saigon khi mà chúng tôi có thể sống với những chính phủ không thân thiện với Mỹ ở các nước lớn hơn của Á Châu? Chúng tôi không thể làm thế vì một quốc gia không thể bị đòi hỏi lấy những hành động phản bội hệ trọng để làm căn bản cho chính sách ngoại giao của họ.
Chu Ân Lai vẫn không tin những điều Kissinger đề nghị năm trước nên ông ta lại hỏi.
Chu: Ông nói rút quân đội ra. Ông muốn nói là rút ra toàn diện quân Bộ binh, Hải quân, Không quân, các căn cứ quân sự và tất cả?
Kissinger: Khi tôi ở đây năm trước, ông Thủ Tướng đã hỏi tôi điều đó rồi. Tôi đã nói là chúng tôi muốn một số cố vấn ở lại. Ông TT đã phát biểu rất thuyết phục về hậu quả của cái mà ông gọi là “để cái đuôi lại”. Phần lớn vì lý do đó, chúng tôi, sau đó trong một tháng, đã thay đổi đề nghị và bây giờ là rút hoàn toàn mọi cố vấn trong các phạm trù ông đề cập đến. Chúng tôi sẵn sàng rút ra mọi thành phần quân lực.
[ Đoạn kế tiếp không cần dịch ra đây để giữ bài không quá dài ]
Chu: Nếu sau khi quí vị rút ra và các tù binh được trả về, nếu sau đó nội chiến lại bùng nổ ra ở Việt Nam, quí ông sẽ làm gì? Chắc là khó cho ông trả lời việc đó.
Kissinger: Nó khó trả lời cho tôi vì tôi không muốn khích lệ cho điều đó xảy ra. Nhưng tôi xin trả lời theo nhận định tốt nhất tôi thấy. Thí dụ, nếu như đề nghị vào mùng 8 tháng 5 của tôi được chấp nhận, trong đó có 4 tháng cho cuộc rút quân và 4 tháng để trao đổi tù binh, nếu tháng thứ năm mà chiến tranh lại tái diễn, rất có thể chúng tôi sẽ cho là hiệp định này chỉ là một trò để đưa chúng tôi ra ngoài, thì chúng tôi sẽ không thể chấp nhận điều đó.
Trái lại nếu Bắc Việt tiến hành cuộc thương lượng đứng đắn với Nam Việt, và nếu sau một thời gian dài chiến tranh lại xảy ra sau khi chúng tôi đã tách rời khỏi vấn đề, nhận xét của riêng tôi là khó mà chúng tôi sẽ trở lại, rất ít khả năng.
Chu: Năm trước ông cũng đã nói thế.
[ Đoạn kế tiếp không cần dịch ra đây để giữ bài không quá dài ]
Đến phần cuối của cuộc họp hôm đó, ở trang 37 trong bài ghi lại, Kissenger nói:
Kissinger: Vì thế chúng ta nên tìm cách để ngưng chiến tranh, chấm dứt nó ở tình trạng tầm quốc tế, và cho phép một tiến trình đến một tình trạng mà tương lai của Đông Dương được trả lại cho người Đông Dương. Và tôi cam đoan với ông rằng đây là mục đích duy nhất của chúng tôi ở Đông Dương, và tôi không tin là nó có gì khác xa lắm với mục đích của quí ông. Chúng tôi không muốn điều gì cho chúng tôi ở đó cả. Và mặc dầu chúng tôi không thể mang một chính quyền cộng sản lên nắm quyền, nếu nó xảy ra sau một thời gian với tiến hóa lịch sử, thì nếu chúng tôi có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Hoa, đương nhiên chúng tôi nên chấp nhận khả năng của điều đó ở Đông Dương.
Ông Thủ Tướng gặp tôi trong một ngày mà tôi thích nói nhiều.
[Cười và nói chuyện bên lề để kết thúc cuộc họp.]
3. Hậu quả của những mật đàm riêng giữa Mỹ và Trung Cộng.
Chắc chắn mọi chi tiết về cuộc mật đậm này đã không thể biết được bởi Bắc Việt, nhưng lãnh đạo Trung Cộng đã nhờ đó mà hướng dẫn giúp Bắc Việt tiếp tục theo đuổi mục đích với phần thắng nắm trong tay để cùng chiếm Đông Dương cho lợi ích của họ. (Về Thái Lan, xin đọc hai tài liệu trên để hiểu tại sao Mỹ đã vẫn giữ được căn cứ quân sự ở đó.) Cũng cần nói, cuộc chiến chiếm Hoàng Sa năm 74 sau đó có thể đã là sự thử lửa của Trung Cộng để, một phần vừa thử thách sự tín nhiệm của Mỹ với những gì đã đàm phán, một phần vừa là thời cơ để thực hiện mộng chiếm Biển Đông họ đã có từ 1949.
Và từ đó, cuộc đàm phán bốn phía đã xúc tiến ở Paris mà chi tiết không cần viết thêm ra đây vì đã có nhiều bài viết bàn về việc này. Ở đây tôi chỉ muốn nêu ra những sự kiện sau đây:
1. Vì những bất đồng không giải quyết được mà Hà Nội cho là do Kissinger và phe VNCH gây ra, sau khi đã có thỏa thuận vào tháng 10/1972, Hà Nội đã thu hồi các nhượng bộ trước đó và bỏ cuộc đàm phán Paris ngày 16 tháng 12.
2. Nixon gửi tối hậu thư đòi Hà Nội phải quay lại trong 72 tiếng để chấp nhận phương án của Hoa Kỳ đề nghị, bằng không sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.
3. Ngày 18 tháng 12 khi Hà Nội đã không trở lại, chiến dịch <a href=”http://en.wikipedia.org/wiki/Operation_Linebacker_II”>Linebacker II</a> oanh tạc Bắc Việt đã diễn ra và kéo dài 11 ngày, tới 29 tháng 12, 1972.
4. Ngày 22 tháng 12, Nixon lại lên tiếng đòi Hà Nội trở lại đàm phán với các điều khoản đã được thỏa thuận từ tháng 10 trước đó.
5. Ngày 26 tháng 12, ba ngày trước khi cuộc bỏ bom chấm dứt, Hà Nội đã báo là ”họ sẽ trở lại” và “cuộc dội bom không phải là lý do họ trở lại”, cũng như “không đặt điều kiện là phải ngưng oanh tạc để trở lại đàm phán”. Nixon muốn tái hội nghị vào ngày 2 tháng 1, và các phe đã đồng ý.
(Theo phần đàm phán trong trang Chiến dịch Linebacker II)
Hà Nội sau đó đã đi đến ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 73 với các điều khoản mà họ đã đồng thuận từ tháng 10/72 dù có những nhượng bộ nhỏ không đáng kể cho Mỹ và VNCH. Nếu nhìn một cách vô tư bên ngoài thì áp lực của cuộc dội bom đã không phải là nhỏ để Hà Nội trở lại và ký kết cho sự chấm dứt chính thức của Hoa Kỳ ở Việt Nam sớm như thế. Riêng theo phe Bắc Việt, họ đã ghi lại trong lịch sử và dạy cho dân chúng Việt Nam là Mỹ đã thua nặng trong một “Điện Biên Phủ trên không” của chiến dịch Linebacker này như Pháp đã bị năm 54 và đã vì thế phải trở lại để kết thúc hiệp định mà rút ra Việt Nam. Sự kiện số #2 và #4 trên chứng tỏ Mỹ đã tính trước việc đòi Hà Nội trở lại trước khi bắt đầu oanh tạc và lại đòi vài ngày sau đó, sau khi cuộc oanh tạc bắt đầu.
Về phía VNCH, với áp lực chính trị của Mỹ cũng như đe dọa và hứa hẹn riêng của TT Nixon, TT Thiệu cũng đã phải chấp nhận ký kết Hiệp định mà họ đã biết đầy nguy hiểm và bất lợi.
Sau khi hiệp định kết thúc, đã sớm có những dấu hiệu không tốt cho VNCH ở quốc hội Mỹ. Khi ra Thượng viện để được giám định cho việc nhậm chức Bộ Trưởng Quốc Phòng trong nhiệm kỳ mới của Nixon, ông James Schlesinger đã bị chỉ trích nặng nề bởi một số thượng nghị sĩ khi ông phát biểu rằng ông sẽ đề nghị tái oanh tạc Bắc Việt nếu họ mở cuộc tấn công qui mô lớn vào miền Nam. Cũng vào tháng 6 năm đó, quốc hội Mỹ đã ra luật “Case-Church Amendment” buộc TT Mỹ không được trở lại Việt Nam, Lào và Cambodia trừ khi được quốc hội cho phép trước. Rồi sau khi Nixon bị xấu hổ với vụ phạm pháp Watergate để rồi phải từ chức năm 74, quốc hội Mỹ đã từ chối trợ cấp những khoản tiền cần để bảo vệ miền Nam như đã hứa trước đó, dù chỉ là bù lại một-thế-một những chi tiêu cho cuộc chiến khi chính phủ Gerald Ford yêu cầu khoản viện trợ cho VNCH ở quốc hội Mỹ.
Do đó, việc lãnh đạo của VNCH và TT Thiệu tìm cách đối phó với tình trạng mất viện trợ quân sự ngày càng trầm trọng là một sự vô vọng mà đến lúc cuối, đã có thể trở thành cuộc thảm sát đẫm máu hơn trước khi bị buộc đầu hàng nếu cứ tiếp tục tìm cách kéo dài cuộc tự vệ miền Nam. Tất cả các cố gắng để xoay sở, tìm chiến thắng ngắn hạn hay di tản chiến thuật để phối trí lại quân và dân ở Trung phần hay trong Nam phần đều là những hành động tạm thời trong tuyệt vọng; nó chỉ là chi tiết, không có ý nghĩa gì trong dài hạn nếu ta đã thấy bài toán của việc mất hỏa lực quân sự một cách hệ thống và toàn diện như thế. Sự thật này dù không được phát biểu qua ngôn từ rõ ràng của những người lãnh đạo còn mong giữ VNCH, nhưng nó đã là sự thật chi phối tiềm thức họ, nhất là TT Thiệu khi những lời hứa của Nixon và cam kết viện trợ mà ông còn hy vọng trong những giờ phút cuối đã không hề xảy ra; điều ‘bội bạc’ mà ông không hề ngờ có thể có từ những người Mỹ.
Tôi cũng xin trình bày sự quan trọng của hậu cần ở miền Bắc qua hai chiến dịch Linebacker I và II của năm 72.
Chiến dịch Linebacker I nhằm hỗ trợ cho VNCH phản công lại cuộc tấn công Hè 72 của Bắc Việt khắp miền Nam; bên cạnh đó, đã có những phi vụ xâm nhập miền Bắc nhằm phá hệ thống hậu cần ở các tỉnh bên kia sông Bến Hải của Bắc Việt.
Chiến dịch Linebacker II vào tháng 12/72, trên phương diện nổi với tuyên bố của Nixon, là để buộc Hà Nội phải trở lại hòa đàm, nhưng 11 ngày tỏa cảng và bỏ bom đó có mục địch chính là nhắm vào các mục tiêu quân sự sâu trong đất Bắc, các kho trữ tiếp tế từ Trung Cộng và Nga (qua đường biển), các vị trí và đường xá, đường rầy cho việc chuyên chở quân trang, vũ khí, từ quanh Hà Nội đến Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, v.v. Nói chung là hệ thống hậu cần cho cuộc chiến với miền Nam mà Bắc Việt thường dùng đường mòn Hồ Chí Minh để đưa vũ khí vào Nam.
Hà Nội sau 2 năm xây dựng lại và sửa chữa hệ thống này đã lấy lại sức để có cuộc tổng tấn công năm 75 lớn hơn cuộc tấn công Hè 72 và đạt mục đích.
Hai chiến dịch này, nhất là Linebacker II, không phải là sự phản ứng nhất thời của Mỹ đối với những hành động của Bắc Việt khi nó xảy ra. Nếu độc giả là người am hiểu trò chơi “Football” của Mỹ thì có lẽ đã hiểu sự việc vì chính cái tên của chiến dịch trên không này gắn liền với chiến lược mà nó có tương tự với trò chơi phổ thông ở Mỹ. Tôi xin giải thích sau đây cho những người không rõ về trò chơi này.
Linebacker là những cầu thủ của phe phòng thủ có nhiệm vụ chuyên tấn công Quaterback của phe tấn công; Quarterback là cầu thủ cầm banh điều khiển cuộc chơi cho phe tấn công, thường ném banh cho các Receivers hay các Tight Ends. Nếu Quarterback bị “sacked” bởi Linebacker của phe đối thủ, tức là bị bắt dừng lại ở đằng sau điểm bắt đầu, thì họ sẽ mất từ vài thước hay nhiều hơn mỗi lần bị “sacked”; và rồi như thế qua vài lần bị “sacked”, dù có banh để tấn công, đội banh tấn công sẽ mất nhiều thời gian hơn và phải thêm nỗ lực để mà họ có thể mang banh chạy vào đích để lấy điểm và thắng đối phương. Banh bầu dục (football) là súng đạn, Quarterback là lãnh đạo chỉ huy, Receivers hay Tight Ends là quân binh tiền chiến. Nếu không có banh, hoặc Quaterback có nhưng bị “sacked” khi chưa kịp ném, thì không thế nào Receiver làm điểm được.
Hệ thống hậu cần của miền Bắc khi bị phá bởi chiến dịch Linebacker II, đương nhiên không phải nhằm biến Bắc Việt trở về với thời đồ đá như Bắc Việt vẫn tuyên truyền (nếu ai nghi ngờ về chuyện này, hãy Google về “bombing Tokyo” sẽ rõ Mỹ đã làm sao trong Thế Chiến II) hoặc chỉ để áp đảo miền Bắc để ký kết, mà là nhằm phá khả năng tấn công qui mô của Bắc Việt một khi Hiệp định Paris được ký và tạo một khoảng thời gian dài (cái gọi là “Decent Interval”) để Mỹ không thể bị lâm vào hoàn cảnh mà vừa có thể làm tệ hơn danh dự của Mỹ vì đã bỏ miền Nam và coi như đã bị Bắc Việt lừa, vừa phải bị trở lại với những chi phí tốn kém/thương vong không còn cần thiết, và nhất là sẽ có thể phá hỏng chương trình bắt tay với Trung Cộng để tách khối cộng sản làm hai.
Cuộc mật đàm giữa Kissinger và Chu Ân Lai từ 1971 như đã trình bày ở trên đã chứng minh như thế. Sự bỏ ngỏ miền Nam với một Hiệp định Paris 73 quá bất lợi cho miền Nam đã có thể diễn biến trong hòa bình và đường lối tích cực nếu Bắc Việt đã tôn trọng hiệp định đó, nhưng chính sách và thái độ của Bắc Việt chứng minh mong đợi những điều đó là sự mơ mộng không tưởng và Mỹ đã biết rõ nhưng vì danh dự vẫn phải tạo một Hiệp định có đồng thuận của mọi bên để chính thức hóa giải pháp với quốc tế, dù Kissinger và Nixon đã phải vừa nói dối vừa đe dọa đồng minh mình đế có được điều đó. Mỹ đã nhất quyết bỏ cuộc chiến ở Việt Nam, dự phòng cho trường hợp tồi tệ nhất, và với những tấn công nhỏ xâm phạm hiệp định của Bắc Việt từ khi ký xong hiệp ước, đã xúc tiến chương trình quyết định cúp viện trợ để làm việc VNCH thua cuộc một cách dễ dàng hơn trong mục đích của chiến lược toàn cầu đối phó với chủ nghĩa Cộng Sản, với thời gian khoảng cách đã tạo bởi Linebacker II.
Nhìn rộng vấn đề hơn, Mỹ đã thua trận chiến ở địa thế gọi là Việt Nam, nhưng chủ nghĩa Cộng Sản đã thua trong chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai khối gọi là Tư Bản và Cộng Sản, kể cả ở hai nước Trung Cộng và Việt Nam hiện nay với hệ thống kinh tế thị trường mà nhiều người gọi là một kiểu tư bản hoang dã. Người Việt Nam trong nước, dù có hay không là đảng viên, vì giáo huấn và tuyên truyền của nhà nước đều đã vẫn chỉ coi mục đích thống nhất, độc lập của đất nước là mục đích chính đáng duy nhất, nhưng họ vẫn còn thiếu ý thức của vấn đề Cộng Sản mà nếu đã không có nó, chính thể VNCH đã không cần phải có và chiến tranh cũng đã không thể xảy ra. Hy vọng bài này đóng góp thêm vào ý thức cho người Việt về quá khứ chiến tranh của chúng ta ở trong bối cảnh của các vấn đề thế giới.
Timsuthat
29/4/2015
© Đàn Chim Việt
Comments
Post a Comment