HÀ NỘI (NV) .- Một tàu vận tải tiếp liệu và chuyển người của hải quân CSVN khi di chuyển trong vùng biển quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc xua đuổi.
Hải trình của đoàn công tác Hải quân CSVN đi giữa cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN), ngang qua các bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma.(Hình: Vietnamnet)
|
Theo một ký sự gồm nhiều hình ảnh của Vietnamnet hôm Thứ Hai 25/5/2015, chiếc tàu vận tải của hải quân CSVN mang danh số HQ-571 chở một đoàn công tác khi đi gần bãi đá Huy Gô (cũng được gọi là đá Tư Nghĩa, tên quốc tế là Hughes hay Hugh Reef) thì bị “phía TQ lập tức phát tín hiệu bộ đàm xua đuổi, đồng thời bắn pháo sáng cảnh cáo”.
Bãi đá Huy Gô bị Trung Quốc cướp từ hồi đầu năm 1988 mà vào dịp này hơn sáu chục cán binh CSVN đã thiệt mạng tại bãi đá Gạc Ma. Hiện Trung Quốc đang ráo riết xây dựng biến hai bãi đá vừa kể cùng 5 bãi đá ngầm khác tại khu vực quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Trên đó là các căn cứ quân sự gồm cả cảng biển và phi trường.
Không thấy bản tin của VietnamNet nói phản ứng của tàu HQ-571 ra sao khi bị xua đuổi và đe dọa. Chỉ thấy đưa ra lộ trình của HQ-571 băng qua bãi Huy Gô để tới đảo Côn Lin.
Tòa nhà trung tâm đảo nhân tạo Huy Gô (Hugh Reef) được xây theo cấu trúc đa giác với 5 tầng nổi, có cầu dẫn từ mặt đất lên tầng 2 để vận chuyển trang thiết bị hạng nặng. Mỗi góc tòa nhà là một hệ thống tháp chiến đấu, bố trí các lỗ châu mai ra tất cả các hướng xung quanh.(Hình: Vietnamnet)
|
Phóng viên VietnamNet chụp các tấm hình khá rõ nét về các hoạt động của Trung Quốc tại đảo nhân tạo Huy Gô cũng như tại Gạc Ma. Đây là các tấm hình cận cảnh khác với những tấm hình không ảnh tổng quát chụp từ vệ tinh được công bố trên một số báo chí quốc tế.
Hồi tuần trước, Trung Quốc xua đuổi một máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Hoa Kỳ qua hệ thống truyền tin khi bay trên vùng biển Trường Sa. Trước đó tàu tuần cận duyên USS Fort Worth cũng di chuyển ở khu vực này cũng đã bị xua đuổi qua hệ thống truyền tin. Tàu chiến và máy bay Mỹ, theo tin tức tường thuật vẫn di chuyển trên lộ trình mà họ gọi là trong khu vực biển và không phận quốc tế.
Các bản tin tường thuật lại hai sự kiện liên quan đến phi cơ tuần tra và tàu tuần của Hoa Kỳ ở khu vực Trường Sa đều không đề cập gì tới việc bị bắn trái sáng cảnh cáo hay đe dọa như tàu HQ-571 của Hải quân CSVN đã gặp.
Tòa nhà 6 tầng trên đảo nhân tạo Gạc Ma được thiết kế với các tháp chiến đấu ở mỗi góc, bố trí lỗ châu mai phong tỏa khu vực xung quanh. Các đống vật liệu ngổn ngang cho thấy công việc xây dựng vẫn đang được tiến hành.(Hình: Vietnamnet)
|
Mấy năm trước, tàu tiếp tế của hải quân CSVN cũng đã bị xua đuổi ở khu vực Trường Sa khi các bãi đá ngầm mà Trung Quốc cướp được của Việt Nam vẫn chỉ có các công sự, pháo đài nhỏ dựng bên trên.
Có rất nhiều lời bình luận về tình hình khu vực Biển Đông sẽ càng ngày càng nóng vì chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc. Đây là một thùng thuốc súng chờ dịp nổ tung nếu Bắc Kinh tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không tương tự như đã lập trên biển Hoa Đông. (TN)
Comments
Post a Comment