AFR Dân Nguyễn
30-05-2015
Tranh luận dẫn đến tiến bộ hay để thụt lùi?
Quốc Hội VN đang tranh luận về dự thảo “quyền im lặng”. Nhiều ông tướng công an, tức những người thực thi pháp luật, cụ thể là bên điều tra, phản đối dự luật này.
Phản đối dự luật này không chỉ có những người bên điều tra, tố tụng, mà còn có cả đại biểu QH. Đó là ông Đỗ Văn Đương (mà dư luận đặt cho ông cái biệt danh “dễ thương” – ông nghị rau muống). Tuy nhiên cũng có một số đại biểu QH (ĐBQH) phản đối những ý kiến của các vị kể trên, tức là ủng hộ dự luật “quyền im lặng”.
Không ngạc nhiên về những người chủ trương phản đối dự luật này thế nào, thì người ta cũng không ngạc nhiên như thế về những người chủ trương ủng hộ dự luật. Trong số những nghị sỹ ủng hộ, có gương mặt sáng giá – ĐB Trần Du Lịch. Đó là một ĐB có “quan trí” xứng đáng là ĐB của Nhân Dân.
Trở lại vấn đề về “quyền im lặng”. “Quyền im lặng” là gì?
Tôi không phải là luật sư và cũng là người rất kém hiểu biết về lĩnh vực pháp luật, nhưng chỉ thoạt nghe về cái dự luật này, tôi cho rằng đó là một bước tiến, một tiến bộ đáng thực hiện, thậm chí đáng ca ngợi của nền tư pháp VN.
Không biết có phải dự luật này được đưa ra từ sau vụ án oan chấn động cả nước – vụ ông Chấn – một người nông dân rất đỗi hiền lành, bỗng dưng bị quàng vào cổ cái gông án giết người không có cách gì gỡ, và đã thụ án được 10 năm? Nếu dự luật này được dự thảo từ trước đó, thì sau cái án oan của ông Chấn, nó khiến cho dự luật này càng đáng được đặt lên bàn cân, đáng thu hút sự quan tâm của dư luận, đáng được nghiên cứu, chứng minh tính đúng đắn và đáng được “luật hóa” sớm nhất có thể…
Khi điều tra cứ bám chặt vào cái nền trọng cung hơn trọng chứng cổ truyền… “Bút sa gà chết”
Một cách khoa học, biện chứng và do vậy đảm bảo tính khách quan, dẫn đến công bằng, ấy là cơ quan điều tra phải lấy trọng chứng làm đầu. Lẽ thường, phản ứng tự nhiên khi một nghi phạm bị điều tra luôn tìm cách chối tội. (Giống như trường hợp ông tổng thanh tra của đảng Trần Văn Truyền, khi mới bị điều tra thì chối quyết liệt, bằng cách chứng minh tài sản mình có được do người này, người kia giúp, cho vay và cả cho tặng, gồm luôn cả việc lao động đến “thối cả móng tay”…). Ở những nước văn minh, các thám tử cũng như những cảnh sát điều tra họ trọng chứng hơn trọng cung. Họ để nghi phạm chối tội thả phanh, thậm chí lặng thinh coi nhẹ ngay cả việc một số nghi can đe dọa nhân viên điều tra. Nghi phạm giữ im lặng? OK. Nhưng trong tiến trình điều tra, các nhân viên buộc nghi can phải chứng minh được chứng cứ ngoại phạm của mình. Và chỉ khi họ bảo vệ được chứng cứ ngoại phạm, thì họ mới được thoát khỏi cuộc điều tra. Ngược lại, khi nghi phạm không “phản biện” được những chứng cứ mà bên điều tra đưa ra, thì dù nghi phạm không nhận tội, vẫn bị kết tội như thường. (Xin được phép dẫn lại ví dụ trường hợp ông TTT Trần văn Truyền, khi bên thanh tra có bằng chứng cụ thể, thì những lời chối tội của ông chẳng còn giá trị gì, ông buộc phải cúi đầu nhận tội bằng cách… xin lỗi đảng vì đã làm mất uy tín của đảng; và bị kết án với bản án thích đáng – cảnh cáo, thể hiện tính “nghiêm minh” của pháp luật XHCN, bảo đảm tính bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân…).
Đó là một bằng chứng về giá trị không thể thay thế của việc trọng chứng hơn trọng cung trong quá trình điều tra phá án. Mặt khác, khi nghi phạm tự nhận tội, cũng không dễ gì được bên điều tra chấp nhận và tòa xử “nguyên tội” mà nghi phạm tự khai, bởi có nhiều trường hợp đồng bọn, đồng đảng nhận tội thay cho nhau. Thực hiện được điều này lại chứng minh thêm một điều trọng chứng, thay vì trọng cung, và đó là yếu tố dẫn tới không để lọt tội, nhất là không để oan sai…
Để tránh oan sai là điều cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ là đòi hỏi của công lý, mà còn mang cả yếu tố đạo lý, văn minh. Thế nên công tác tranh tụng tại tòa cũng là điều hết sức quan trọng, và phải diễn ra công khai. Nếu quá trình điều tra mắc sai lầm, thì người bị oan có cơ hội này để minh oan. Đã có nhiều người vì bị tra tấn dã man, bị nhục hình không chịu thấu mà phải dùng biện pháp tình thế tự nhận tội để chờ dịp ra tòa minh oan. Họ hy vọng vào một ông bao công cầm cái cân công lý ở phiên tòa gỡ tội cho mình. Nhưng hỡi ôi, đáng tiếc thay, nhiều phiên tòa mà ở đó quan tòa cũng như bên công tố “đồng một quan điểm” với bên điều tra. Sở dĩ xảy ra điều này, trước hết do cái sai từ gốc, tức từ khâu điều tra, rồi đến sự tắc trách, vô cảm trước nỗi đau của người khác bởi quan tòa và cả khâu tranh tụng thiếu công bằng, tiếng nói của luật sư bào chữa không được lắng nghe, ghi nhận…
Xuất phát từ tư duy “Bút sa gà chết”, (tức trọng cung hơn trọng chứng), mà cán bộ điều tra cố ép cung, bao gồm từ đe dọa, mớm cung cho tới tra tấn, nhục hình…
Có nhiều lý do khiến cho tiến trình này diễn ra, tái diễn. Bỏ qua yếu tố nghiệp vụ non kém, thì rõ ràng, để xảy ra điều tồi tệ này là bởi cán bộ điều tra tắc trách, vô cảm… mà sâu xa hơn là bởi nền pháp chế XHCN, bởi thể chế này cho đội ngũ hành pháp, tư pháp được đứng trên cả pháp luật…
Để vô hiệu hóa cái tư duy cổ truyền tai hại trên, “quyền im lặng” chính là giải pháp hữu hiệu chấm dứt (hay hạn chế đáng kể) oan sai. Ls Ngô Ngọc Trai thậm chí còn cho rằng, chỉ “quyền im lặng” thôi, vẫn chưa đủ.
Ấy vậy mà, dù “chưa đủ”, nó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của những cái thủ thủ cựu rồi.
Một ông tướng công an – ĐBQH cho rằng, “quyền im lặng” làm khó cho công tác điều tra, phòng chống tội phạm. Đã chắc gì! Mà cho dù có thế thật, thì cũng không thể vì “khó khăn” đó mà tiêu hủy cái văn minh non trẻ “quyền im lặng” kia phôi thai. Quyết tâm ngăn ngừa sự ra đời của dự luật này, ông tướng công an trên còn cho rằng oan sai chỉ là cá biệt, là do sự nóng vội của anh em điều tra (!?)
Theo ông này thì bao nhiêu vụ oan sai mới là đủ, là để được coi là không cá biệt?
Tính nhân đạo cao cả của luật pháp văn minh chính ở chỗ thà bỏ lọt tội phạm hơn bắt nhầm gây oan sai. Tư duy của ông tướng này ngược lại, thà giết nhầm hơn bỏ sót. Đó là tư duy “mang nặng tính bạo quyền” (Ls Ngô Ngọc Trai).
Đi xa hơn ông tướng này, ĐB Đỗ Văn Đương còn la lối: Dự luật “quyền im lặng” dung túng cho tội phạm…
“Tội phạm” nào ở đây hả ông nghị Đương? Người đang bị điều tra, sao ông đã cho người ta là tội phạm? Lấy ví dụ về trường hợp ông Chấn, trong quá trình điều tra, (và cho cả tới bây giờ), ông đã xác định ai là tội phạm? Ông Chấn, hay những cán bộ điều tra – những kẻ lạm quyền để bức cung, hãm hại người lương thiện? Và khi ông hứng chí hay phẫn chí, không biết vì động cơ gì, lý do gì mà thốt lên: Quy định về quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại Nhân Dân…thì quả là không còn gì để nói (hay nói đúng hơn là không biết nói thế nào để ông “ngộ” ra lẽ phải… ). Hết bình luận!
Nếu cán bộ điều tra, tòa án, viện kiểm sát thực tâm và nêu cao trách nhiệm trong công tác “đấu tranh chống tội phạm” thì thiếu gì biện pháp hữu hiệu. “Quyền im lặng” nếu được thực thi, bên điều tra không lo gặp khó khăn khi lấy cung xác minh tội phạm, mà dường như họ cảm thấy cái quyền “bạo quyền” của họ bị thách thức thì đúng hơn…
Đưa ra cả những lý lẽ tội phạm cứ im mồm không nói (!), thì sao lấy cung, sao điều tra…
Đó là tư duy ấu trĩ, hoặc là bao biện; Bởi vì ai cũng có thể hiểu rằng, “quyền im lặng” chỉ nhằm chống lại hành vi ép cung hay tra tấn, nhục hình…mà thôi. Làm gì có chuyện luật cho phép nghi can cứ “vô tư” im lặng mãi. Để yên lòng các người bên điều tra xét hỏi, người ta chỉ cần quy định, đại loại như: Nghi phạm được quyền im lặng cho tới khi có luật sư hay người làm chứng do mình chỉ định giám sát hay chứng kiến cuộc thẩm vấn. Chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo quyền của nghi phạm hơn nữa thì quy định bất cứ buổi lấy cung nào cũng phải diễn ra dưới sự ghi hình của máy quay camera…
Ở đâu đó dưới thời thuộc Pháp, thậm chí dưới thời phong kiến, hay ngay cả thời trung cổ, thượng cổ, người ta cũng có thể chưng ra những bằng chứng về những quyền của nghi phạm, hay quyền bình đẳng của mọi con người trước pháp luật. Những minh chứng đó khiến thần dân của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, sống trong Thời đại HCM giữa TK 21 phát thèm và mơ ước vươn tới nền pháp trị đó.
Người ta không sợ án oan sai bằng việc phải suy gẫm về con đường dẫn đến oan sai…
Comments
Post a Comment