Các ấn phẩm vừa phát hành cung cấp cho bạn đọc các tư liệu, phân tích thú vị về sự phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam lẫn xu hướng báo chí đương đại của thế giới.
Các sản phẩm mới thuộc tủ sách chuyên đề “Truyền thông Báo chí” của NXB Trẻ. Bốn tác phẩm cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về nghề báo, làng báo trong và ngoài nước.
Ấn phẩm đầu tiên là cuốn Làng báo Sài Gòn 1916-1930 (tên tiếng Anh: The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930) của tác giả Philippe M.F.Peycam), người dịch Trần Đức Tài.
Đây là luận án tiến sĩ của tác giả và là một công trình nghiên cứu độc lập về báo chí Sài Gòn thời kỳ đầu Pháp thuộc. Công trình này tái hiện một thời làm báo sôi nổi của giới trí thức Sài Gòn nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
Bà Sophie Quinn Judge, tác giả cuốn Ho Chi MInh: The Missing Years, nhận xét: “Công trình miêu tả sinh động của Philippe M.F.Peycam mang đến một đóng góp độc đáo vào lịch sử Việt Nam đương đại và các nghiên cứu về thuộc địa. Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu như vậy bằng tiếng Anh. Peycam cho chúng ta chân dung về các nhà báo, chủ bút, biên tập… Ông thận trọng sử dụng các báo cáo của mật vụ Pháp và làm sống lại những con người này. Ông nhấn mạnh bản chất lai tạp của nền chính trị ở Sài Gòn bằng các tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn”.
Cuốn thứ hai là Báo Quấc ngữ Sài Gòn cuối thế kỷ thứ mười chín của nhà báo Trần Nhật Vy.
Đây là tập khảo luận của nhà báo Trần Nhật Vy dựa trên việc nghiên cứu những tờ báo được xem là thủy tổ của làng báo Việt Nam. Đó là bốn tờ: Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình, Nam Kỳ nhựt trình và Phan Yên báo. Bốn tờ báo này đánh dấu nỗ lực của các bậc tiền nhân về một nền báo chí bản địa giữa lòng thực dân. Ông Trần Nhật Vy đưa ra những kiến giải về sự hình thành, tôn chỉ, mục đích và vai trò của các tờ báo này trong lịch sử 150 năm báo chí quốc ngữ (1865-2015).
Cuốn thứ ba là Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn của nhiều tác giả.
Đây là tập ký sự về báo chí và người làm báo trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Cuốn sách được chia làm hai phần chính và một phần phụ lục, đưa độc giả đi vào làng báo cách mạng Việt Nam từ thời kỳ còn hoạt động bí mật trước năm 1945, đến giai đoạn báo chí làm “kháng chiến” công khai giữa Sài Gòn (1945-1954). Chân dung của nhiều nhà báo yêu nước cũng được khắc họa một cách sống động, như: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai…
Cuối cùng là cuốn Hơn cả tin tức – Tương lai của báo chí (Beyond News – The future of Journalism) của Mitchell Stephens, nhóm dịch giả Dương Hiếu – Kim Phượng – Hiếu Trung chuyển ngữ.
Cuốn sách là nghiên cứu thú vị của Mitchell Stephens về sự phát triển và vận hành của báo chí đương đại, từ báo giấy đến báo mạng. Tác giả đưa ra những dẫn chứng, phân tích để cùng người đọc đi vào một thế giới báo chí sôi động của kỷ nguyên Internet. Đồng thời, ông cũng đưa ra phân tích dựa trên hiểu biết về nghề báo của thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của tác gia nổi Mỹ nổi tiếng Benjamin Franklink từ thế kỷ 18.
Thất Sơn
21-06-2015
Comments
Post a Comment