Tương Nhi
22-06-2015
“Quyền im lặng” và “nghĩa vụ phản kháng”, theo tôi ở một khía cạnh nào đó, tưởng không liên quan mà lại có sự liên quan mật thiết đến lạ kỳ.
“Quyền im lặng” hiện đang trở thành một đề tài được bàn luận sôi nổi trên cộng đồng mạng sau tuyên bố của một ông Nghị gật rằng: “Mấy việc oan sai rất ít mà sửa luật làm khó cơ quan tố tụng.” Còn “nghĩa vụ phản kháng” thì đang âm ỉ cháy dưới dạng thức kêu gọi tiếng nói cộng đồng như “nói gì đi chứ” hoặc kêu gọi sự tham gia của công dân đối với các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật của “Todocabi”.
Hai thứ quyền và nghĩa vụ này tương đồng hay xung đột, đang vận động dưới dạng thức nào trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình không? Có áp dụng được vào chính cuộc sống của mình không?
“Quyền im lặng”
Sẽ có những người có khả năng giải thích cho các bạn cặn kẽ, chính xác và dài dòng hơn tôi rất nhiều về “Quyền im lặng” và chắc chắn với những nguồn thông tin rộng lớn và đa dạng hiện nay trên mạng, các bạn có thể tìm hiểu một cách dễ dàng về “quyền im lặng”, bởi vậy, tôi sẽ chỉ giới thiệu ngắn gọn và đơn giản về “quyền im lặng” như sau: “quyền im lặng” là quyền giữ im lặng của nghi phạm trước sự thẩm vấn của các cơ quan điều tra có thẩm quyền kể cả khi có hay không có sự đại diện/có mặt của người đại diện hợp pháp về mặt pháp luật.
“Quyền im lặng” ra đời sau án lệ Miranda nhằm phòng tránh tối đa 3 yếu tố: thứ nhất việc bức cung bằng các nghiệp vụ chuyên môn (tâm lý, bạo lực) của cơ quan điều tra, thứ hai việc tự cung khai có tội dưới áp lực điều tra mà không có hiểu biết đầy đủ về pháp luật của người bị tình nghi cũng như việc buộc tội/công nhận có tội chỉ dựa trên lời khai của người bị tình nghi và thứ ba là việc cáo buộc trách nhiệm liên quan đối với người đại diện về mặt pháp luật cho người bị tình nghi.
“Quyền im lặng” ra đời sau án lệ Miranda vào ngày 2/6 cách nay nửa thế kỷ. Nhắc đến án lệ Miranda là nhắc đến một bước ngoặt về luật pháp hiện đại trên tôn chỉ tôn trọng và đặt quyền con người lên trước nhất. Đây là vụ án mà tác động của nó không chỉ có ảnh hưởng lớn tới luật pháp của nước Mỹ mà còn là sự thay đổi và bước tiến đối với nhân quyền trên toàn thế giới.
Án lệ Miranda đã cho ra đời “Cảnh báo Miranda”. Cảnh báo này, theo quy ước, phải được cơ quan điều tra thông báo và làm rõ cho nghi phạm về quyền cũng như nghĩa vụ của họ trước khi bị thẩm vấn. Ngoài ra, công nhận “Cảnh báo Miranda” và “quyền im lặng” cũng là công nhận việc xét xử dựa trên chứng cứ thông qua điều tra xác tín và loại bỏ việc sử dụng bản buộc tội như một chứng cứ hợp pháp để buộc tội nghi phạm khi họ chưa có hiểu biết đầy đủ về tình trạng, quyền, nghĩa vụ của họ.
Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nước thông qua, công nhận và hợp pháp hóa “quyền im lặng”. Tại Việt Nam, “quyền im lặng” vẫn đang trong quá trình thảo luận và ở dạng “dự thảo”.
“Nghĩa vụ phản kháng”
Thực ra khái niệm này tôi không rõ trong chúng ta đã có ai từng nghe chưa nhưng vào năm thứ ba Đại học, khi còn học tiếng Nhật tại trường, tôi có được học một bài đọc nói về vấn đề này. Bài viết được đặt tiêu đề là “nghĩa vụ phản kháng”. Và cho dù thời gian đã bào mòn đi rất nhiều ký ức về thời gian cắp sách tới trường, tôi vẫn không quên được tôi đã ấn tượng với bài viết đó như thế nào khi người Nhật đưa ra một khái niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với xã hội như vậy.
Thế nên tôi sẽ phân tích nó dựa trên bài viết tôi từng học và qua sự hiểu của tôi vậy. “Nghĩa vụ phản kháng” được đề cập tới trong bài viết có nghĩa là sự phản đối, lên tiếng, chống lại những hình thái, hành vi, hành động có ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng, cho dù hành vi đó lớn hay nhỏ. Bạn có thể tự hỏi rằng vì sao đối với một dân tộc coi trọng sự hòa hợp cộng đồng như Nhật Bản lại có thể đưa ra một khái niệm nghe có vẻ hoàn toàn hiếu chiến đến như vậy?
Tôi đã từng có băn khoăn tương tự. Nhưng bài viết đó đã đưa tôi đến một kết luận khác: Chính vì coi trọng hòa hợp cộng đồng, họ bắt buộc phải có tiếng nói phản đối những hành vi ảnh hưởng tới nó. Đó nên được nhìn nhận là một động thái tích cực mang tính xây dựng thay vì phá hoại. Ngoài ra, do bản thân người Nhật có một lợi thế lớn trong việc kiểm soát sự chỉ trích, chính vì vậy, việc phản đối không mang lại nhiều tiêu cực và tác dụng phụ như người Việt Nam ta có thể hình dung ra.
Và bạn sẽ ngạc nhiên. Ngạc nhiên khi biết rằng các chuyên gia viết ra bài viết đó chỉ đưa ra những ví dụ hết sức nhỏ bé để yêu cầu người Nhật phản kháng: chen hàng, gian dối, ồn ào nơi công cộng… Nhìn ở vị trí của chúng ta những điều đó rất nhỏ bé nhưng với người Nhật, việc chu toàn ngay từ những tiểu tiết có thể tạo ra một nền tảng bền vững để hình thành một con người hay một cộng đồng bền vững, có giá trị phát triển.
“Nghĩa vụ phản kháng” còn được đề cập và nhấn mạnh rất nhiều lần bởi các nhà hoạt động như anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi hay mục sư Martin Luther King Jr., chứng minh tầm quan trọng của tiếng nói của mỗi con người trong một quần thể xã hội. Việc tự ý thức được việc lên tiếng của mình đồng nghĩa với tác động lay chuyển những bất công cũng như sai trái mà có lẽ bất kỳ thể chế, cộng đồng nào cũng có thể gặp phải trong tiến trình phát triển là một đánh dấu quan trọng để tiến lên.
Ví như Martin Luther King Jr. đã nói:
“Có những đạo luật công chính và có những đạo luật bất công. Tôi tán thành với St. Augustine rằng những đạo luật bất công thì không phải là luật dưới bất kỳ hình thức nào. Người có mong muốn chống lại một đạo luật bất công phải công khai thực hiện với tấm lòng yêu thương. Tôi cho rằng một người chống lại một đạo luật mà lương tâm nói cho anh ta biết rằng nó sai trái cũng như sẵn sàng chấp nhận hình phạt vì chống lại đạo luật đó nhằm khơi lên lương tâm của cả một cộng đồng đối với những bất công xã hội thì đó chính là một người thể hiện tinh thần trọng pháp cao độ.”
Chúng ta có cái gì tương tự “nghĩa vụ phản kháng” hay không?
Có lẽ chúng ta đều đã có thể hiểu “nghĩa vụ phản kháng” là gì và mơ hồ thấy chúng ta có một thứ tương tự. Chủ nghĩa anh hùng, tư tưởng người quân tử trong Nho giáo là một thứ như vậy, là một kiểu phản kháng như vậy đối với cái sai cái xấu trong xã hội. Tuy nhiên, vì Nho giáo, sau mấy ngàn năm truyền bá, dần chỉ chủ yếu tập trung phát triển vào tầng lớp cầm quyền nghĩa là vẫn mang nặng tính chất cai trị, do đó, “nghĩa vụ phản kháng” chỉ được thể hiện ở một phương diện rất hẹp và thực thi bởi người nắm quyền.
Điều đó hết sức rủi ro. Lịch sử đã chứng minh bởi những kẻ cầm quyền không phải bao giờ cũng là người đủ sáng suốt để đưa ra sự phản kháng đúng đắn đối với những biểu hiện đi xuống của xã hội. Hitler khi phát động chiến tranh diệt chủng đối với tộc người Do Thái, chắc chắn trong lòng đã nghĩ rằng chủng tộc người đó là một sự sai trái đối với sự tiến hóa của toàn nhân loại. Việc thiếu vắng “nghĩa vụ phản kháng” của nhân dân Đức đã dẫn nước Đức vào một thời kỳ tăm tối trước, trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai cho tới khi có thể hoàn toàn hồi phục.
Ngược lại, “nghĩa vụ phản kháng” được đưa ra bởi các chuyên gia Nhật là nghĩa vụ áp dụng đối với mọi con người trong xã hội với tư duy khuyến khích mọi công dân tham gia vào công cuộc xây dựng cải cách và phát triển cộng đồng, đất nước. Lời kêu gọi này thể hiện sự tôn trọng của chính phủ đối với tiếng nói của người dân, sự khuyến khích người dân tham gia vào việc điều hành đất nước cũng như thể hiện tinh thần trọng thị nhân quyền, lấy con người làm nhân tố chính của đất nước.
Vì sao cần có “nghĩa vụ phản kháng”?
Thời gian gần đây các bạn có lẽ đều đã đọc những bài chia sẻ về vụ việc dàn dựng quen biết để cướp trên xe buýt và cô gái đó đã không nhận được sự giúp đỡ nào từ những người xung quanh. Khoan nói đến tính xác thực của vụ việc này, nhưng chỉ cần nhìn vào một hiện tượng như thế (hay như bất cứ vụ tai nạn nào trên đường phố với sự thờ ơ của người qua đường) chúng ta sẽ nhận thấy sự vắng bóng của “nghĩa vụ phản kháng”.
Con nguời thiếu “nghĩa vụ phản kháng” sẽ không còn thấy cái xấu để đấu tranh nữa. Và cho dù buồn bã, chúng ta đều sẽ phải công nhận rằng cái xấu không bao giờ biến mất trong xã hội này. Nếu chúng ta, ngay từ những vấn đề nhỏ bé nhất, không lên tiếng để chống lại chúng, chúng ta sẽ mãi tăm tối và một ngày nào đó, không thể trách móc khi không nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng bởi sự thờ ơ đã làm triệt tiêu đi cảm giác về lương tâm mất rồi.
“Tôi tin rằng bất hợp tác với cái xấu cũng có tầm quan trọng ngang với tán thành và phát huy cái tốt.” – Martin Luther King Jr.
Có lẽ, nhắc đến vụ việc tiêu biểu nhất trong thời gian vừa qua liên quan tới vấn đề tôi đang trình bày, thì không thể bỏ qua sự việc người dân Hà Nội lên tiếng trong sự kiện chủ trương chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội. Với một thái độ ôn hòa, bản thân cũng là người có tham gia việc tuần hành hai lần, tôi cảm nhận được nhu cầu được nói được lắng nghe của người dân đối với chính quyền là rất lớn.
Và để không gây ra những tranh cãi về bất đồng quan điểm trong vụ việc cây cối này thì tôi muốn khẳng định lại một lần nữa: Tiếng nói người dân cất lên để được hiểu và biết về một dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống do thành phố tiến hành, không nhằm ngăn chặn việc thay đổi bộ mặt đô thị nếu dự án đó được giải trình hợp lý đối với người dân. Người dân muốn được biết và thông tin chính xác đầy đủ. Và với hình thức đấu tranh ôn hòa, tuần hành đi bộ, đạp xe trên phố, tôi ngạc nhiên cũng như vui mừng bởi người dân cho dù chỉ là số ít, vẫn phần nào ý thức được vị trí và tầm quan trọng của tiếng nói của mình.
Nhưng có một sự thực đáng buồn tại Việt Nam rằng chúng ta vẫn chưa có cả “quyền im lặng” lẫn “nghĩa vụ phản kháng” một cách hệ thống, sâu sắc. Không có “quyền im lặng” thể hiện sự thiếu sót với vấn đề nhân quyền nhưng không có “nghĩa vụ phản kháng” thể hiện sự thiếu sót của nhân tâm.
Bạn có thể cho rằng “nghĩa vụ phản kháng” không dành cho bạn, không thuộc về bạn, không phải là bạn. Nhưng hãy nghĩ tới việc bạn sẽ có gia đình, con cái, trong một xã hội rối ren, khi luật pháp vẫn áp dụng trên quy ước răn đe thay vì tinh thần thượng tôn pháp luật thì lòng tốt của con người sẽ giúp cho bạn yên tâm hơn mỗi khi bước ra đường vào ban đêm, con cái bạn sẽ có thể có một môi trường sạch sẽ hơn để làm những điều chúng muốn.
Vậy nên “nghĩa vụ phản kháng” không phải là điều xa lạ, không nên là một điều xa lạ. Nó và “quyền im lặng” là hai mặt của một đồng xu, trong túi bạn, ở trong tay bạn, chỉ là bạn sẽ sử dụng nó như thế nào mà thôi?
Bởi vì “không phải bao giờ một người tốt cũng đồng nghĩa với một công dân tốt.” mà công dân tốt cũng chỉ là một định nghĩa được áp lên xã hội do một chính thể cầm quyền. Tôi thì thích làm người tốt hơn…
Comments
Post a Comment