Từ chốn cung đình cộng sản, nơi nảy nòi cái ác, nơi duy trì cái sai, nếu những gì về ông Cơ mà Huy Đức vừa viết là thật, thì ông cũng hơn ối đồng chí và cả “nguyên” đồng chí của ông. Chắc chắn đám tang của ông sẽ có nhiều nước mắt hơn đám tang của ông Tổng Trọng nay mai…
AFR Dân Nguyễn
30-06-2015
Cuối tháng 6 có ba đám tang ba nhân vật thuộc hàng VIP. Giáo sư nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, và ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng bộ ngoại giao…
Hai trong số ba con người nổi tiếng đó làm nghề nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc- một môn nghệ thuật có thể được coi là dẫn đầu trong các bộ môn nghệ thuật khác.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu để lại nhiều baì hát hay. Có nhiều nhạc sỹ nổi tiếng khác cũng để lại nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”; nhưng Phan Huỳnh Điểu khác họ. Hầu hết các bài hát của ông có giai điệu trữ tình, ca từ giản dị, và đặc biệt không xúi giục người ta đi vào cuộc chiến tương tàn như Phạm Tuyên hay những nhạc sỹ khác.
Ông ra đi, có thể không phải là “một tổn thất vô cùng to lớn” cho nền âm nhạc VN; nhưng “tiếc thương” thì có… “Câu hò bên bờ Hiền Lương” –một bài hát hay, vô cùng sâu lắng, mà người ta ở cả hai bên bờ Hiền Lương đều có thể hát trong những năm thương đau của hai miền Đất Nước…Ông còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng khác mà ông là tác giả phần nhạc…
Ông Trần Quang Cơ, một chính trị gia, từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao, cũng vừa ra đi. Cái chết của ông nhắc nhở tôi một bài viết của ông hơn 20 năm trước, trên tờ South China Morning Post – một tờ báo ấn bản bằng tiếng Anh tại Hongkong. Sau khi đọc bài báo của ông (đã được dịch sang tiếng Việt, được dẫn lại bởi “sổ tin Cao ủy Liên Hợp Quốc”, phát cho người tỵ nạn VN tại Hongkong), tôi có bài viết: “Những luận điệu xảo trá”.
Bài viết của ông Cơ có nội dung thế nào, đến nỗi tôi phải chọn một cái tiêu đề nặng nề như thế cho bài viết của mình phản bác lại bài viết của ông. Bài viết của tôi đăng trên Tạp chí Hiệp Hội – một tờ nguyệt san của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản. (Số tháng 4 và tháng 5, 1994). Cũng cần nói thêm rằng, sau bài viết của ông Trần Quang Cơ, không chỉ có bài của tôi phản biện lại, mà còn có nhiều bài khác, trong đó có bài của bác sỹ Quân, anh trai bác sỹ Nguyễn Đan Quế, và bài của một giáo sư tại Pháp.
Bài của ông Cơ có tiêu đề tiếng Anh “Value and Rights”. Sổ tin Cao Ủy dịch tiêu đề này là “Quyền lợi và tiêu chuẩn”, trong khi một tờ báo hải ngoại dịch là “Quyền lợi và những giá trị”…
Nội dung bài viết của ông Cơ đề cập tới vấn đề đã trở thành vấn nạn, là gánh nặng cho cộng đồng quốc tế cũng như các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực khi đó. Đó là vấn đề thuyền nhân VN (hay người tầm trú VN). Những nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines là những nước tiếp nhận người VN từ phía Nam vượt thoát ra đi, trong khi tại vùng lãnh thổ Hongkong đón người các tỉnh phía Bắc lũ lượt kéo tới. Trại tỵ nạn Hongkong, lúc cao điểm có tới trên một trăm ngàn “thuyền nhân”.
Lúc này lòng nhân đạo của thế giới đã mai một. Thế giới đã quá mệt mỏi với “boat people”! Do vậy một tiến trình “thanh lọc” được đặt ra, nghĩa là mọi thuyền nhân sau khi cập bến các nước dung nạp tạm thời, đều phải trải qua cuộc phỏng vấn để xác định xem có hội đủ tư cách (hay tiêu chuẩn) là tỵ nạn hay không. Cũng bắt đầu từ đây, một khái niệm “tỵ nạn chính trị” và “tỵ nạn kinh tế” được đưa ra. Những ai ra đi từ VN mà không hội đủ chứng cứ là vì lý do chính trị, sẽ đối diện với chương trình hồi hương sớm muộn, dù muốn hay không.
Trở lại bài viết của ông Trần Quang Cơ có liên quan tới vấn đề thuyền nhân VN. Ông Cơ cho rằng người Việt bỏ nước ra đi là do vấn đề kinh tế VN khó khăn, (ông còn “giải thích” thêm lý do khó khăn kinh tế, do VN vừa trải qua cuộc chiến tàn khốc, lại bị bao vây cấm vận kinh tế, chứ không hề có lý do nào liên quan tới nền kinh tế XHCN được lãnh đạo bởi “đỉnh cao trí tuệ!”).
Phải nói rằng, vấn đề người tỵ nạn VN là một giai đoạn, một trang bi thương trong lịch sử. Không thể xem đó là một vấn đề nhỏ, càng không thể lý giải nguyên nhân một cách quấy quá hoặc cố tình bóp méo sự thật về nguyên nhân người Việt bỏ nước ra đi. Trang sử bi thương này đã lấy đi biết bao là nước mắt, và góp thêm nước vào bể hận thù. Không thể đổ tại chiến tranh, vì trong lịch sử giữ nước, người Việt đã đi qua bao cuộc chiến, mà không hề xảy ra dòng người di tản, bỏ nước ra đi. Cũng không thể đổ lỗi cho người Việt không yêu nước, vì người Việt vốn có truyền thống yêu quê hương.
Ấy vậy mà trong bài viết của mình, ông Cơ (nỡ lòng nào) khẳng định người Việt bỏ nước ra đi là vì lý do kinh tế. (Khác nào lời miệt thị người Việt vượt biên là những kẻ ăn mày!). Nói như vậy, ông đã đạt được hai mục tiêu cùng lúc: Chối tội cho chế độ cộng sản, và mặc cả với thế giới rót tiền cho thể chế cộng sản nếu muốn có sự hợp tác trong giải quyết vấn đề thuyền nhân…
Ngoài ra, trong bài viết của mình, ông Cơ còn đưa ra vấn đề cũng khá thời sự, ấy là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Ông viết rằng, trong một quốc gia chưa phát triển, thì việc giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc cho người dân, là vấn đề ưu tiên, chứ không phải vấn đề dân chủ nhân quyền. Cần lưu ý rằng quan điểm này đã được ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham nêu lên trước đó không lâu, trong cuộc trả lời phỏng vấn của một tờ báo Tây Phương…
Không có gì ngạc nhiên khi một quan chức VN lặp lại một lời nói hay một quan điểm chính trị mà đã được nêu ra tại Trung Nam Hải, nhưng điều làm người ta ngạc nhiên là ông Cơ vẫn muốn dẫn người ta vào lối tư duy chẳng khác nào phải gỡ mối bòng bong, kiểu “con gà có trước, hay quả trứng có trước”. Chưa cần xét tới mối quan hệ tương hỗ giữa “con gà” dân chủ nhân quyền, với “quả trứng” “cơm ăn áo mặc”, mà chỉ xét cái nào có trước, cái nào có sau từ quan điểm của ông Cơ, xem ra không ổn lắm.
Có lẽ các đồng chí của ông Cơ ngày nay đã phát triển quan điểm này của ông “lên một tầm cao mới” trong việc giải thích luật biểu tình chưa được ban hành do dân trí chưa cao, hay “trong một đất nước đang phát triển, thì việc lo nâng cao dân trí phải được ưu tiên, chứ không phải luật biểu tình hay tự do báo chí… (!?). Và như thế, một kẻ mắc bệnh down cũng có thể đặt câu hỏi lại rằng, bao giờ dân trí mới “cao” khi mà chưa có tự do báo chí, tự do biểu đạt ý nguyện thông qua biểu tình…
Bài của ông Cơ trên South China Morning Post còn có đoạn: “Dân chủ và nhân quyền mãi mãi là một vấn đề nhạy cảm, và là sản phẩm của cuộc tiến hóa nhân sinh…”. (Hoàn toàn trùng khớp với lời của ngoại trưởng Trung Quốc trước đó!…)
Xem ra, từ hơn hai ngàn năm trước, cụ thể vào năm 450 trước công nguyên, nền dân chủ và nhân quyền đã được ban hành, được sử dụng rộng rãi tại Hy Lạp và Roma cổ đại, và chính nền dân chủ sớm sủa này là nền tảng thiết chế nên nền văn minh nở rộ khắp lục địa Âu châu ngày nay…
Như vậy, nền dân chủ của nhân loại có từ sớm lắm rồi, cách nay những hai ngàn rưỡi năm. Đúng dân chủ nhân quyền là “sản phẩm của cuộc tiến hóa nhân sinh”; Nhưng làm sao “sản phẩm” này có mặt ở xã hội cộng sản? Nếu con người thoát thai từ loài vượn, và ngày nay loài vượn vẫn tồn tại song hành cùng xã hội văn minh loài người, được lý giải rằng, do sự phát triển theo hai nhánh khác nhau, do vậy loài khỉ ngày nay mãi mãi vẫn chỉ là khỉ, không thể tiến hóa thành người nữa…thì một cách biện chứng, người ta cũng có thể nói rằng, nền dân chủ không bao giờ có thể có trong một xã hội mà cộng sản thống trị. Những người cộng sản đã dẫn dắt thần dân đi theo “nhánh” khác, nên việc thiếu vắng bóng dân chủ nhân quyền là điều dễ hiểu và hiển nhiên…
Trong phần kết bài viết của mình phản bác bài viết của ông Trần Quang Cơ, tôi kết luận: “Cho dù ‘dân chủ và nhân quyền mãi mãi là một vấn đề nhạy cảm, và là sản phẩm của cuộc tiến hóa nhân sinh…’, thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng, dân chủ, nhân quyền cũng cần thiết như cơm ăn áo mặc, như khí trời để thở; và nó luôn gắn liền với hình thái chính trị. Nói cách khác, nó là hệ quả của cấu trúc chế độ chính trị. Điều này được minh chứng bằng quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa…”.
Nhắc lại câu chuyện này thật rất không nên, vì ông Cơ đã trở thành người thiên cổ. Lại vì “nhân vô thập toàn” nữa. Nếu những người lãnh đạo cộng sản ở ngôi cao quyền lực mà bảo thủ, xấu xa, tàn nhẫn là cơ bản, là bản chất, thì trong cái xấu đó, người ta cố xem ai ít xấu hơn để mà lượng thứ.
Từ chốn cung đình cộng sản, nơi nảy nòi cái ác, nơi duy trì cái sai, nếu những gì về ông Cơ mà Huy Đức vừa viết là thật, thì ông cũng hơn ối đồng chí và cả “nguyên” đồng chí của ông. Chắc chắn đám tang của ông sẽ có nhiều nước mắt hơn đám tang của ông Tổng Trọng nay mai…
___
Bài liên quan: Ông Trần Quang Cơ qua đời (BBC/ Ba Sàm). –MỘT CÁI TÊN ĐÃ THÀNH DANH: TRẦN QUANG CƠ (Huy Đức/ Ba Sàm). – Khí phách Trần Quang Cơ (BBC/ Ba Sàm).
Khí phách Trần Quang Cơ
TS Đinh Hoàng Thắng
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
29-06-2015
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.
Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.
Không tham quyền cố vị
Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.
Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.
Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.
Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.
Cống hiến và phản biện
Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.
Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.
Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại.
Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.
Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.
Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.
Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.
Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
* Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao
____
Bài liên quan: Ông Trần Quang Cơ qua đời (BBC/ Ba Sàm). –MỘT CÁI TÊN ĐÃ THÀNH DANH: TRẦN QUANG CƠ (Huy Đức/ Ba Sàm).
Comments
Post a Comment