Từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng “tứ hiện đại hóa”, kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển. Sau thỏa ước Thành Đô 9 – 1990, hàng hóa TQ bắt đầu tràn vào Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, điều này thực sự đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người lao động VN.
Trước đó, trong hàng chục năm, nền sản xuất VN vô cùng trì trệ và èo uột. Cái gọi là nền công nghiệp quốc doanh sản xuất ra những sản phẩm mạt hạng, tính năng sử dụng kém, dùng được ít hôm thì hỏng, đã thế giá cả lại “trên trời”. Khi hàng Tàu tràn vào, người ta thực sự ngỡ ngàng, vì độ bền tuy chưa tuyệt hảo nhưng cũng hơn hàng Việt hàng chục lần, mẫu mã hơn hẳn, mà giá thì… như bèo! Chỉ cần lấy một ví dụ để so sánh. Lúc đó, trong nhà tôi có một cái quạt “con cóc”, phải cậy cục nhờ chú em làm ở nhà máy điện cơ dẫn đến gặp giám đốc trình bày hoàn cảnh mới được mua với “giá gốc”. Lúc đó bật lên thấy cũng đã mát mặt, nhưng bây giờ, khi đã quen với những loại quạt mạnh thì bật cái đó lên chẳng thấy tí gió nào. Vài năm sau, vợ tôi ra chợ đen mua về một cái quạt hơi nhỏ hơn, treo ngay trong mùng, lượng gió gấp chục lần cái quạt con cóc mua của nhà máy, mà giá thì chỉ 12 ngàn, bằng khoảng 1/10 cái kia, trong khi mỗi lần đi sửa cái kia hết 50 ngàn!
Hàng tiêu dùng TQ đã gần như ngay lập tức bóp nghẹt nền công nghiệp nhẹ nội địa. Mà bóp nghẹt cái lối làm ăn điêu toa là đúng! Sau đó vài năm thì các nhà sản xuất – kinh doanh trong nước buộc phải thay đổi cách làm ăn, nâng cao dần chất lượng và giảm giá bán.
Việc đó cùng với một số thay đổi chính sách kinh tế trong nước đã làm cuộc sống dễ thở hẳn. Các nhà khởi xướng “đổi mới” được thể ca ngợi “công lao trời biển” của chính mình. (Trên thực tế thì sự thay đổi quá rõ là do chính sách trước đó quá ngu, chứ chẳng phải chính sách mới thông thái chi ghê gớm.)
Nói như vậy thì việc giao thương với TQ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của VN? Đúng, ở giai đoạn đầu nó đã từng đóng một vai trò như vậy. Nhưng có hai điều khác cần lưu ý: 1 – vai trò của việc giao thương với TQ không phải là không thay thế được; 2 – ngay sau giai đoạn đầu tạo ra sự kích thích đối với sản xuất hàng hóa ở VN, giao thương với TQ đã tạo ra những nguy cơ lâu dài cho nền kinh tế và cuộc sống người VN ta.
Dù không thuận lợi do vị trí địa lý, giao thương với các nước khác vẫn có thể thay thế cho giao thương với TQ. Có thể sự thay thế này dẫn đến sự cải thiện chậm hơn, nhưng về lâu dài, nó bền vững hơn và không tạo ra những hiểm họa tiềm tàng như mối quan hệ làm ăn với Tàu Cộng. Những hiểm họa đó có thể điểm qua như sau: 1 – sự mất cân bằng mậu dịch (nhập siêu quá lớn) và sự lệ thuộc vào phía bên kia; 2 – lệ thuộc kinh tế ắt dẫn đến lệ thuộc chính trị); 3 – người TQ tràn vào VN gây mất an ninh và gây ra sự tàn phá môi trường; 4 – hàng hóa Tàu chứa quá nhiều chất độc hại, dẫn đến những hiểm họa cho sức khỏe của người tiêu dùng; v. v.
Xin miễn cho tôi phải dẫn ra ví dụ về những nguy cơ này. Dăm ba ví dụ sẽ là quá ít, và chúng thậm chí tạo ra ảo tưởng rằng chỉ có vài vụ lẻ tẻ như vậy. Nếu nhiều hơn nữa, nhất là kèm theo phân tích thì bài viết sẽ quá dài, làm khổ người đọc.
Mở rộng ra phạm vi quốc tế, các nước khác cũng không sung sướng gì sau vài thập niên giao thương với Tàu Cộng. Nếu tính lợi thuần túy qua việc đếm tiền thì có thể đúng là nước nào giao thương với TQ cũng đều có lợi. Nhưng tổng lượng tiền không phải là tất cả. Nhiều tiền hơn chưa chắc cuộc sống tốt hơn.
Hãy nêu câu hỏi: Cuộc sống của người dân ở các nước làm ăn với Tàu hiện nay có hạnh phúc hơn trước khi giao thương? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào từng lớp người. Với những nhà kinh doanh chỉ nghĩ thuần túy đến lợi nhuận thì có. Nhưng đa số dân chúng thì có lẽ không có cảm giác hạnh phúc hơn. Ngược lại, đâu đâu cũng thấy nguy cơ nhiễm độc vì thức ăn, thậm chí vì cả đồ dùng, quần áo, đồ chơi. Và về an ninh, rõ ràng TQ, nước được lợi nhiều nhất do giao thương với các nước khác và hiện đã trở thành nước có GDP thứ nhì thế giới, đang liên tục gây ra những điều khó chịu và những sự đe dọa đối với các quốc gia khác.
Một TQ vươn lên mạnh mẽ sẽ là điều tốt cho thế giới này chỉ khi giới cầm quyền của nó không còn trung thành với những thứ như “tư tưởng Mao”, cái thứ đã từng đẩy hơn 60 triệu người vào chỗ chết và đẩy mấy trăm triệu người còn lại vào cảnh bần cùng, và tham vọng bành trướng. Ngày nay, tuy cuộc sống của người lao động TQ có được cải thiện, nhưng họ vẫn là người nghèo và vẫn phải sống cuộc đời nô lệ. Đã thế, họ lại còn bị nhồi sọ bởi tư tưởng đại Hán, khinh ghét các dân tộc khác, nhất là các nước láng giềng. Dân Trung Hoa đang bị biến thành một đội quân sẵn sàng gieo rắc tai họa cho các dân tộc trên trái đất, và cho chính họ.
Vì những mối lợi trước mắt, giới làm ăn ở các nước tìm mọi cách để thuyết phục giới cầm quyền nước họ giao thương với TQ. Kết quả là thu nhập tăng lên, nhưng rất tai hại là chính họ làm cho một nước TQ hung hăng và ác độc mạnh lên, đe dọa tương lai nước họ và an ninh của cả thế giới.
Con người sẽ là ngu xuẩn nếu chỉ vì đố kỵ mà muốn mình bị đui một mắt để người hàng xóm bị gấp đôi. Nhưng với một thằng hàng xóm như TQ, thì đúng là thà chịu đui một mắt!
Cùng nhau liên kết để cô lập hoặc ít nhất là kiềm chế Tàu Cộng – đó sẽ là một chính sách đúng đắn đối với các chính phủ trên thế giới. Nhưng vì lòng tham, điều này khó có thể được thực hiện.
Nguyễn Trần Sâm
23-06-2015
Comments
Post a Comment