Nhà đất hợp pháp của một hộ dân có công với cách mạng đã bị các cấp chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi để giao cho doanh nghiệp xây dựng khu văn phòng.
Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1962) trú tại 69A Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tố cáo UBND quận 1 đã câu kết với Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm đoạt tài sản trái phép nhà ở của gia đình ông Thanh.
Quyết định giao nhà của Sở Quản lý Nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty Vật phẩm văn hóa năm 1984.
Được biết, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (mẹ đẻ ông Thanh, đã mất năm 2014), 45 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ có nhiều cống hiến cho cách mạng, tháng 11/1984, bà được Nhà bước giao cho căn nhà số 72 Phước Hưng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Do nhu cầu xây dựng công trình công ích, đến ngày 12/5/1994, Bộ Văn hóa có Quyết định số 593/QĐ-KHXD giao cho gia đình bà Hiền toàn quyền sử dụng căn nhà số 8 Nguyễn Trung Trực (nay là số 69A Lý Tự Trọng).
Vì phục vụ mục đích công ích, gia đình bà Hiền đồng ý chuyển đến căn nhà mới tại số 69A Lý Tự Trọng mà không đòi hỏi có bất cứ điều kiện gì.
Trên cơ sở đó, ngày 23/1/1993, Công ty quản lý nhà quận 1 đã ký hợp đồng cho thuê nhà đối với bà Hiền (Hợp đồng số 379/HĐT/KDN - Q1 ngày 09/6/1998) tại địa chỉ số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1. Từ đó đến nay, gia đình bà Hiền sử dụng ổn định căn nhà tại 69A Lý Tự Trọng.
Thông báo vô lý, lạm quyền của Công ty TNHH MTV Công ích quận 1.
Ngày 07/1/2007, gia đình bà Hiền có đơn đề nghị được mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước, trên cơ sở đó Bộ Văn hóa thông tin đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho gia đình bà Hiền được mua nhà, ổn định cuộc sống.
Sau đó, ngày 15/5/2008, Văn phòng HĐND và UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 3826 - ĐTMT giao ban chỉ đạo 09 Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thông tin, UBND quận 1 và các cơ quan có liên quan chọn một căn nhà khác để hoán đổi căn nhà 69A Lý Tự Trọng cho bà Hiền để cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện dự án đầu tư xây dựng Thư viện Thiếu nhi.
Tuy nhiên, ngày 23/10/2010, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại có Công văn số 5358/UBND-ĐTMT về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được thuê đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (69A Lý Tự Trọng) để xây dựng dự án văn phòng.
Quyết định có dấu hiệu "lợi ích nhóm" của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đến, ngày 22/6/2011, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 3163/QĐ - UBND về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam được sử dụng thửa đất số 3, tờ bản đồ số 1 có diện tích là 1.296,4 m2 thuộc khuôn viên nhà 69A Lý Tự Trọng và nhà số 8 Nguyễn Trung Trực để làm dự án văn phòng làm việc.
Khi phát hiện ra mục đích dự án đã bị thay đổi, từ công ích chuyển dần sang thương mại, gia đình bà Hiền kiên quyết phản đối. Đồng thời, có đơn tố cáo các hành vi sai phạm và dấu hiệu trục lợi, mờ ám của chính quyền.
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, gia đình bà Hiền cho rằng việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa có quyết định thu hồi đất và căn nhà số 69A Lý Tự Trọng (sử dụng hợp pháp) mà đã vội vã chấp thuận giao đất cho Công ty Bắc Nam 79 là trái với Luật Đất đai.
Đồng thời, đơn thư tố cáo hành vi trục lợi của một số cán bộ quận 1 và UBND Thành phố Hồ Chí Minh khi ngang nhiên biến đất Nhà nước, dự án công ích thành dự án của doanh nghiệp tư nhân là hành vi sai trái, có tổ chức.
Không những vậy, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 còn liên tục có văn bản gây sức ép, đe dọa với mệnh lệnh chỉ đạo như : ...ông Nguyễn Ngọc Thanh trong thời gian 15 ngày phải thu xếp và bàn giao căn nhà số 69A Lý Tự Trọng cho Công ty cổ phần Nam Bắc 79.
Gia đình bà Hiền cho rằng, không những có sự "vô ơn" của chính quyền khi đối xử bất công, vô lý với người có nhiều đóng cho cách mạng như bà Thanh Hiền mà còn có dấu hiệu tiêu cực tại dự án tại số 69A Lý Tự Trọng.
Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ sự việc.
Hải Ninh - Phan Thiên
Theo GDVN, 22/06/2015
**********************
Về nhũng lạm và cát cứ của những nhóm lợi ích địa phương, đọc thêm :
Chiêm ngưỡng cơ ngơi "khủng" xây dựng không phép, "mọc" trên đất lấn chiếm (GDVN, 18/06/2015)
Mặc dù xây dựng không có giấy phép trên phần đất lấn chiếm nhưng công trình "khủng" tại Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn nhanh chóng được hoàn thành...
Ít ai ngờ rằng tòa nhà sừng sững nằm tọa lạc ngay ven đường Quốc lộ 1A, thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội lại xây dựng không phép và nằm trên phần đất nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài thi công, công trình này đã "qua mắt" được các cơ quan ban ngành địa phương.
Theo quan sát của phóng viên, tòa nhà này nằm trong một khuôn viên rộng tới gần 1.000m2. Ngoài diện tích xây dựng lớn, phần sân của công trình này cũng lên tới vài trăm mét vuông được lát gạch một cách cẩn thận. Phần cổng và tường bao cũng được xây dựng một cách cầu kỳ.
Công trình không giấy phép, mọc trên đất lấn chiếm ngay cạnh Quốc lộ 1A tại huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Ảnh : Phan Thiên
Ngoài việc diện tích xây dựng lớn, kiến trúc của tòa nhà này cũng thuộc loại độc đáo và hiếm gặp.
Theo nhiều người dân sinh sống tại xã Đại Xuyên, toà nhà này được xếp vào loại "hoành tráng" bậc nhất của huyện Phú Xuyên.
Theo tìm hiểu, chủ công trình nguy nga, tráng lệ này là của ông Nguyễn Đức Thắng, giám đốc một doanh nghiệp "có tiếng" tại địa phương. Doanh nghiệp này chuyên nhận được các "gói" thi công trình quan trọng trên địa bàn huyện.
Theo tài liệu của UBND xã Đại Xuyên cung cấp, ông Thắng sở hữu một mảnh đất rộng tới 856 m2 nằm ngay quốc lộ 1A.
Trong đó, diện tích đất giãn dân được Nhà nước giao là 435 m2, đất lấn chiếm là 421 m2. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 2011 trên diện tích 320,1 m2. Trong tổng số 320,1 m2 đất xây dựng, chỉ có 69,3 m2 xây dựng trên đất được Nhà nước giao. Phần diện tích hơn 200 m2 còn lại được xây dựng hoàn toàn trên phần đất đã lấn chiếm.
Một điều nữa mà ông Vũ Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết, tòa nhà này được xây dựng không có giấy phép.
Báo cáo về sai phạm về công trình của chính quyền địa phương.
Khi được phóng viên hỏi, tại sao không xử lý việc xây dựng không có giấy phép này, ông Việt cho biết, năm 2011 UBND xã đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm. Sau khi lập biên bản vi phạm, UBND xã đã ra quyết định xử phạt hành chính.
Trong quyết định đình chỉ thi công, UBND xã đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cấp điện, cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm trong 24h kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà công trình xây dựng không phép vẫn được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng, không một cuộc cưỡng chế nào được đưa ra.
Vì sao một công trình to lớn, hoành tráng tọa lạc ngay quốc lộ 1A vào loại bậc nhất của huyện Phú Xuyên xây dựng không phép trên đất lấn chiếm mà các cơ quan ban nghành huyện Phú Xuyên không biết để xử lý hay cố tình "làm ngơ" cho sai phạm ?
Chủ công trình có "mối quan hệ" như thế nào với chính quyền để có thể "dễ dàng" xây dựng công xây dựng công trình khủng như vậy ?
Hải Ninh-Phan Thiên
Comments
Post a Comment