LTS : Cứ mỗi kỳ thi về, các phụ huynh và học sinh lại chộn rộn với kết quả học tập của các em. Nhưng những năm gần đây, các phụ huynh và chuyên gia giáo dục lại bắt đầu hoang mang vì... nhiều học sinh giỏi quá. Áp lực và thời gian học hành gia tăng ; nhưng cái giỏi này có thực chất không, có đi đôi với hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống không ?
Tuần Việt Nam mở diễn đàn Thế nào là giỏi và giỏi để làm gì ? Mời các phụ huynh và chuyên gia giáo dục cùng tham gia thảo luận.
Các 'siêu nhân' Việt Nam
Hơn 20 năm đi học trong nước và nước ngoài, trải nghiệm cả hai nền giáo dục Á Âu, tôi luôn tự hào về khả năng tính nhẩm rất nhanh của mình, dù rằng chưa bao giờ được coi là một người khá toán khi còn học trong nước.
Niềm tự hào đó chắc sẽ là mãi mãi cho đến một cuộc đối thoại của giữa tôi và một người bạn nước ngoài.
Thán phục trước khả năng tính nhẩm trong chớp mắt của tôi, trong khi bạn phải bấm máy tính rất lâu mặc dù phép tính khá đơn giản với đa số học sinh tiểu học ở Việt Nam. Chúng tôi đưa câu chuyện đi xa hơn khi hỏi về quá trình học tập của nhau khi còn là học sinh.
Ra là bạn hoàn toàn không được học những gì chúng tôi đã học : không biết tính nhẩm chỉ biết bấm máy tính nhưng lại được học kiên nhẫn xếp hàng khi qua đường hay chờ đợi ; không hề biết giải những bài toán cực khó mà học sinh lớp 10 ở Việt Nam ngày nào cũng luyện, nhưng lại có kỹ năng lập kế hoạch công việc rất tốt và chính xác.
Nếu xét theo tiêu chí của người Việt "nét chữ nết người" thì có lẽ anh bạn tôi hẳn không phải… người tốt. Chữ anh quá xấu, nghiêng ngả hết cả, do chưa có ngày nào được học tập viết trên vở ô ly như chúng tôi ngày xưa. Thế nhưng anh lại có thể say sưa kể với tôi về những vở kịch kinh điển của Shakespeare, sẵn sàng bỏ hàng giờ lang thang trong Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) để kể cho tôi về hòn đá Rosetta (The Rosetta Stone) và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày.
Các du học sinh ở Anh. Ảnh : Studylink
Tôi thấy may cho bạn đã không học ở Việt Nam, vì với cái kiểu đấy, tôi biết bạn sẽ chẳng bao giờ được là học sinh giỏi. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại thật tường minh và nghiêm túc "Thế nào là học giỏi và có nhất thiết phải học giỏi bằng mọi giá hay không ?".
Quả thật có một sự khác biệt rất lớn trong đường lối giáo dục của thế giới phương Tây và Việt Nam.
Nền giáo dục Anh và nhiều nước khác chú trọng đào tạo ra con người phát triển toàn diện, giúp từng cá nhân nắm bắt và định vị được tiềm năng để tự định hướng đi phù hợp và phát triển khả năng thích ứng với đa dạng cuộc sống.
Sau kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc (16-17 tuổi) và thi lấy chứng chỉ giáo dục phổ thông (GCSE), các em học sinh được rộng mở với hai lựa chọn : học các nghề các em ưa thích và đã được định hướng từ trước tại các trường cao đẳng hay các khoá học nghề ; hoặc theo đuổi con đường học vấn bằng cách tiếp tục học dự bị A-levels để vào các trường đại học.
Sẽ không có kỳ thị thành hay bại cho bất cứ lựa chọn nào.
Giáo dục Việt Nam lại đang cố gắng đào tạo con người "học giỏi" theo những khuôn mẫu được xã hội định dạng sẵn. Như thế nào là học giỏi "kiểu Việt Nam" ? Là điểm số cao chót vót ? Là giấy khen - danh hiệu ? Là nhất định phải đỗ đại học ? Tất cả những điều đó dường như đã trở thành những quy chuẩn mặc định khó có thể lung lay. Phụ huynh Việt đặc biệt dễ phát sốt lên với "thần đồng".
Dốt cũng được, nhưng không được dốt... một mình
Khi theo học ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường không mấy khó khăn để giành những điểm số rất ấn tượng trong các môn Toán - Khoa học… tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi tươi đẹp của tảng băng.
"Học tốt nhưng kỹ năng giao tiếp hạn chế - làm việc nhóm chưa hiệu quả - chưa thật tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá"… thường là những lời nhận xét không hiếm gặp của các thầy Tây cho trò Việt ở Anh.
Để trở thành học sinh giỏi, học sinh Việt phải chăng đang mất nhiều hơn "được" ?
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải quên ăn quên ngủ, quên chơi và quên cả tuổi thơ để bố mẹ đang "đầu cơ" vào các lò luyện chữ luyện viết chữ đẹp, để phấn đấu góp phần đưa nước ta trở thành đất nước có chữ viết tay đẹp nhất trong thế giới toàn dùng máy tính ?
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải tự cắt bớt thời gian thư giãn, nghỉ ngơi của mình để chạy theo guồng máy đầy áp lực của thi cử ? Phải là Giỏi, phải là Xuất sắc, phải là người dẫn đầu, dù có là dẫn đầu trong mệt mỏi… Đó là chưa kể tới những trường hợp "con cứ việc học, còn giấy khen… để bố mẹ lo".
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải vật lộn với những môn học, những đơn vị kiến thức mà có thể rất lâu sau hoặc cũng có thể không bao giờ các em hiểu rằng cần học điều đó để làm gì.
Đồng phục là một nét đẹp nhân văn nơi học đường, tuy nhiên đồng phục giấy khen- đồng phục tư duy- đồng phục "Học sinh giỏi" đang ngày càng phổ biến như hiện nay thật khó có thể coi là một chuyện đáng mừng.
Tôi tự hỏi sau cùng bố mẹ Việt có thực sự sợ con mình dốt không ? Không, đúng ra là họ sợ con mình dốt trong khi xung quanh "con nhà người ta" giỏi hết. Dốt cũng được, nhưng tuyệt đối không được dốt… một mình.
"Quyền được học dốt" hay gọi tên chính xác hơn là quyền được học - được phát triển với đúng năng lực bản thân đang là một quyền mà phần đông học sinh Việt Nam đang chính bố mẹ, thầy cô, và xã hội vô hình trung xâm phạm một cách không thương tiếc.
Tuổi thơ và những tháng ngày tươi đẹp nhất của rất nhiều học sinh Việt Nam đang bị đánh cắp bởi một logic đang ngày càng tỏ ra không phù hợp trong thời đại mới "Học giỏi là con đường độc đạo để thành công."
Con bạn có được quyền đi ngủ lúc 9g tối nay thay vì luyện đến gần sáng chỉ để chuẩn bị thi vở sạch chữ đẹp hay không - đó không phải là câu hỏi dành cho Bộ Giáo dục và nhà trường, mà dành cho chính bạn, những quý vị phụ huynh đáng mến - những người định hướng quan trọng nhất cho con em mình.
Con học giỏi vì cuộc sống, hay học giỏi vì thành tích ? Chỉ chính quý vị mới có thể trả lời.
Hoàng Huy
Theo TuanVietnam, 22/06/2015
Bài viết thuộc bản quyền Chuyên trang Tuần Việt Nam, Báo VietNamNet.
Comments
Post a Comment