Bình luận của GS Nguyễn Văn Tuấn: “Không biết có nên xem những dòng chữ dưới đây là một ‘phát hiện’, nhưng đây là những lời đanh thép tố cáo chính quyền thực dân Pháp cướp quyền tự do báo chí từ người Việt. Điều thú vị là tác giả những lời tố cáo đanh thép này chẳng ai khác hơn là bác Hồ. Trong bài này, ông cụ nói bọn Pháp không cho tư nhân ra báo, còn báo được ra là toàn của chính quyền và chỉ bàn chuyện nắng mưa hay ru ngủ người dân bằng những tin vớ vẩn. Ui chao, đọc những chữ này sao mà thấm thế smile emoticon , và ông cụ quả thật là người có viễn kiến trác tuyệt”.Trích lời ông cụ: “Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy“.
10-07-2013
Báo Chí
Hồ Chí Minh
Nói xong vấn đề giáo dục, thì tự nhiên chúng tôi nghĩ ngay tới câu hỏi: Thế còn báo chí? Những điều tôi sẽ kể về báo chí An Nam nó kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được. Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Lý do như thế này. Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đǎng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy. (Chúng tôi bị cai trị bằng chế độ sắc lệnh do viên toàn quyền ban bố chứ không phải bằng những đạo luật đã được thảo luận và biểu quyết ở nghị viện). Trên thực tế còn tệ hơn nữa. Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.
Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.
Ngay cho đến cả những tờ thông tin thuần tuý về kinh tế và thương mại, người ký giả bản xứ cũng chỉ xin được phép bằng những biện pháp quanh co. Anh ta phải thuê tiền một người Pháp có địa vị và được kính nể. Ông này đi gặp quan cai trị và xin phép cho ông ta, là người Pháp. Vì ông ta vẫn sẽ là sáng lập viên của tờ báo, mặc dầu ông chẳng biết một tiếng An Nam nào gọi là có, ông chẳng phải bỏ tiền túi ra lấy một xu nhỏ, chẳng phải đụng tí gì đến công việc của tờ báo cả trừ việc đi gặp viên quan cai trị. Chỉ việc cho mượn tên mình, người Pháp kia nhận được hằng tháng một số tiền rất hậu mà người ký giả bản xứ phải trả cho ông lâu dài, báo còn ra là còn phải trả.
Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đǎng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho Nhà nước. Khi đất nước bị một thiên tai nào, lụt lội, bão táp, đói kém, v.v., phòng kiểm duyệt cấm báo không được cho dân chúng biết những tin “không vui” ấy, cấm báo không được mở lạc quyên giúp những người bị nạn. Báo không có quyền nói gì, dù chỉ bóng gió, đến việc bầu cử hội đồng thuộc địa hay hội đồng hàng tỉnh. Có một tờ, dịch ra tiếng An Nam đạo luật cấm những hành vi hối lộ trong việc tuyển cử, đã bị kiểm duyệt trắng mất nửa tờ báo mà còn bị khiển trách thêm nữa. Nhiều khi người ta cấm cả dịch đǎng những bài đã đǎng ở các báo tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương.
Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tích tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lậu của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng. Vừa rồi, người ta cấm báo chí không được đả động đến việc Chính phủ nhượng quyền kinh doanh hải cảng Sài Gòn, nếu không phải để tán dương công đức của công ty độc quyền và lòng vô tư của Chính phủ. Có một tờ cũng đã “tán dương”, nhưng kém nhiệt tình, nên phòng kiểm duyệt trước hết đã theo dõi bí mật, rồi đóng cửa hẳn tờ báo ấy.
Những người vào làng Tây, được hưởng quyền công dân Pháp, có thể xuất bản báo, nhưng chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi – ở Nam Kỳ có 5, 6 tờ báo vào loại ấy. Ở các vùng khác, không có tờ báo nào, vì không có hay có ít người vào làng Tây. Trong số các cơ quan ngôn luận ấy – thường là bán nguyệt san – có hai hay ba tờ có khuynh hướng quốc gia hợp pháp. Ghép hai tính từ trái ngược nhau ấy với nhau, có thể kỳ dị đấy và cần giải thích đôi chút. Những tờ báo này là của bọn tư sản bản xứ mới lên, có địa vị là nhờ ở nền đô hộ Pháp. Nền đô hộ ấy đã sinh ra bọn này, nhưng lại không để cho họ phát triển. Vì vậy, tầng lớp tư sản nhỏ bé đó bị ngạt thở trong phạm vi chật hẹp và phụ thuộc mà quan thầy ngoại quốc – cha đỡ đầu của họ- đã dành cho họ. Và vì thế, họ hờn mát nhưng cũng nhè nhẹ thôi. Bởi thân phận nửa dơi nửa chuột của họ, chẳng thuộc hoàn toàn trong xã hội An Nam vì họ là những người vào làng Tây, mà cũng chẳng thuộc trong tầng lớp “quý tộc” Tây vì họ xuất thân ra là người An Nam – nên họ cảm thấy lúng túng trong mọi việc. Đồng thời trong mọi hành động và tư tưởng của họ, đều thấy cái mâu thuẫn xã hội và tâm lý ấy. Báo của họ chỉ trích những vụ hà lạm, nhưng lại phỉnh nịnh những kẻ hà lạm; họ than phiền về những đạo luật đè nén áp bức, nhưng vẫn cậy thế vào nước mẹ; họ mủi lòng cho số phận khốn khổ của người An Nam, nhưng vẫn ca tụng công đức mơ hồ của một nền khai hoá tốt đẹp hơn. Họ muốn chữa bệnh, nhưng lại không dám tìm và tấn công vào nguồn gốc của bệnh.
Ảnh hưởng của họ bị cản trở mọi đường:
a) Vì chính sách ngu dân như các bạn đã biết, nên độc giả chỉ có một dúm người rất hạn chế. Mỗi số phát hành không bao giờ quá một hay hai nghìn bản, ấy thế mà bán không hết.
b) Vì thái độ lừng chừng, vì không có chương trình cụ thể, không có kế hoạch rõ ràng, không có khuynh hướng mạnh dạn, nên mấy tờ báo ấy không thu hút được cảm tình của dân chúng. Họ ngả nghiêng, hay đúng hơn, lơ lửng giữa dân chúng mà họ không gần gũi được và những kẻ thống trị không ưa họ.
c) Nhà nước thuộc địa cố tâm phá phách họ. Họ bị phá bằng nhiều cách. Sau đây là những cách thông thường nhất:
1. Nhà nước báo cho công chức và nhân viên người bản xứ biết rằng cấp trên đã coi những tờ báo ấy như làm cách mạng, rằng những người nào đọc những báo đó sẽ bị ghi danh sách riêng, và dĩ nhiên là bản danh sách ấy sẽ đính theo báo cáo thǎng hay giáng chức. Có nhiều công chức đã bị bắt buộc phải đổi đi chỗ khác hay bị bắt về hưu chỉ vì đã vi phạm những điều rǎn đe ấy.
2. Đối với những độc giả không phải là công chức (tôi nói không phải là công chức chứ không nói tự do, vì ở đất nước chúng tôi không ai được tự do cả, trừ bọn xỏ lá ba que ra) thì viên quan cai trị cho gọi họ đến bàn giấy, ân cần khuyên bảo họ điều hơn lẽ thiệt. Nếu họ không biết nghe những lời khuyên tử tế ấy, thì họ bị cảnh sát theo dõi. Và cứ mười lần thì có đến chín, báo chí và thư từ của họ bị thất lạc như bị phép thần. Chính phủ hãy tạm vui lòng như thế trong lúc chờ đợi cơ hội để tóm cổ họ vì lẽ này hay lẽ khác.
3. Chính phủ cho bọn chủ nhà in lựa chọn nên làm việc cho một tờ báo “tin vịt không biết điều” được ít tiền, hay nên nhận in cho Nhà nước được lợi lộc và bảo đảm hơn nhiều.
Vì thế, một tờ báo ở Sài Gòn đã buộc phải đổi chủ in nhiều lần trong một tháng.
4. Chính phủ vi phạm quyền tự do thư tín, ngay cả thư riêng của các ký giả. Những người này bị “ghi” vào sổ đen, bị theo dõi, dò la, do thám và vu cáo. Chính phủ dùng cả áp lực đối với gia đình, bà con thân thuộc và bè bạn họ nữa. Chỉ nhờ địa vị có làng Tây và nhờ mánh khoé khôn khéo kết thúc mọi bình luận bằng cách nịnh hót tâng bốc hết mức nước mẹ bảo hộ, nhân từ, thiêng liêng, v.v. mà họ thoát khỏi đi tù.
Báo chí bản xứ bằng tiếng Pháp bị phá phách như vậy đấy. Những hành vi bất hợp pháp của lối trị an đê hèn ấy còn được tǎng cường và bổ sung thêm bằng những điều lệ pháp lý như thế này: “Mọi việc trưng bày hay gửi đi nơi khác những bài hát, bức hoạ hay tranh ảnh trái đạo tôn kính đối với các vị đại diện của Nhà nước, sẽ bị trừng phạt bao nhiêu tháng tù và phạt tiền bao nhiêu phrǎng đó, v.v.”.
Chưa hết đâu. Nền vǎn minh của thực dân đã dùng ngọn đuốc cổ truyền thủ tiêu đến chút tự do cuối cùng của người bản xứ. Đã làm cho người bản xứ phải đần độn và câm, chúng vẫn chưa vừa lòng; chúng còn muốn họ phải điếc nữa kia. Chúng bịt tai họ không cho họ nghe tiếng vang của những biến cố bên ngoài. Chỉ đơn giản bằng một nét bút, chúng đình chỉ hẳn đời sống tinh thần của cả một dân tộc. Cũng sắc lệnh vừa kể trên định rằng: “Sự lưu hành báo và tạp chí bất cứ bằng tiếng gì, có thể bị cấm do một nghị định của quan toàn quyền”. Các bạn có tin chắc rằng quan toàn quyền nhân từ chẳng sơ suất gì mà không dùng và lạm dụng quyền hành ấy. Báo chí bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pari, gửi sang đều bị tịch thu ở Đông Dương. Sở bưu chính, sở mật thám và các cơ quan hành chính cùng nhau làm nhiệm vụ đê hèn ấy. Và người ta doạ trừng phạt những người có tên nhận những tờ báo ấy. Người ta cấm ngặt không cho đọc báo Nhật và Trung Quốc. Giữ một tờ tạp chí, một quyển sách Trung Quốc nào đó có thể là một trọng tội đối với người An Nam. Tôi biết nhiều nhà vǎn thân bị kết án khổ sai chung thân vì đã đọc tạp chí Trung Quốc hồn, ẩm bǎng và những bài cùng loại ấy của các nhà duy tân Trung Quốc. Nǎm 1920, có nhiều người An Nam ở Bắc Kỳ bị kết án từ hai đến nǎm nǎm tù, chỉ vì một người đã làm thơ ca tụng tự do và các người khác đã nghe ngâm bài thơ ấy.
Comments
Post a Comment