Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
22-06-2015
Sự bùng nổ câu chuyện trên các phương tiện truyền thông thế giới đã báo trước ngày 30 tháng 4 năm 2015, kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc diễu hành quân sự được dàn dựng cùng với các bài phát biểu yêu nước lê thê đánh dấu sự kiện này. Ở hàng phía truớc và ngay giữa trong số các vị chức sắc đến dự là khoảng hơn hai mươi người còn sống trong số hàng trăm nhà báo phương Tây và Nhật Bản có những câu chuyện, hình ảnh và video clip đem cuộc chiến này tới từng nhà trên toàn thế giới, nhưng với cái giá phải trả rất lớn. Ít nhất 65 nhà báo đã chết ở đó.
Với tư cách một nhóm, “các cựu phóng viên” (old hacks) như họ tự xưng, hớn hở được trở lại đây lần nữa, nhưng cũng khá ngạc nhiên bởi sự nổi tiếng mới đây của họ. Họ đã đưa tin về cuộc chiến từ phía Mỹ / VNCH và thường được xem với sự nghi hoặc. Những kẻ thua trận ở Mỹ đổ lỗi cho họ vì đã biến công chúng Mỹ thành chống chiến tranh. Sau đó, khi một nhóm tổ chức còn lỏng lẻo các cựu nhà báo về chiến tranh Việt Nam bắt đầu tổ chức các cuộc họp mặt ở Phnom Penh và Sài Gòn – lần đầu tiên vào năm 1995 rồi mỗi 5 năm sau đó – họ đã bị chính phủ Việt Nam nghi ngờ có ý đồ không tốt. Nhưng không phải năm nay. Về lần kỷ niệm thứ 40 này, công an giám sát họ đã lẫn mất, thảm chào đón được trải ra, đối với các phóng viên nghỉ hưu yếu kém tài chính, Bộ Ngoại giao Việt Nam đài thọ chi phí.
Ba người trong nhóm được chú ý nhiều hơn từ phía chủ nhà và đặc biệt là từ các phóng viên Việt Nam, họ đã được Bộ Thông tin trao cho carte blanche (quyền được hành động không bị hạn chế) để viết báo về nhóm Old Hacks. Một người là Tim Page, phóng viên ảnh can trường đã giúp tổ chức một bộ sưu tập các hình ảnh do các phóng viên nhiếp ảnh của cả hai phía đã thiệt mạng trong cuộc xung đột 30 năm. Triển lãm đó là phần nổi trội của Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh TP HCM. Hai người còn lại đã từng đọat giải Pulitzer là Peter Arnett (vào năm 1966, cho phóng sự về sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm dưới sức ép của Việt Cộng và phong trào Phật Giáo) và Huỳnh Công “Nick” Út.
Út là người Việt Nam duy nhất trong nhóm ‘Old Hacks’ có mặt tại cuộc họp mặt này, đã được trao giải Pulitzer vào năm 1973 vì một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng của cuộc xung đột lâu dài này, ảnh ’em bé napalm’ vốn tự nó đã đốt cháy trên nhãn cầu toàn thế giới. Gần như cũng đáng chú ý như bức ảnh là câu chuyện của chính Út. Anh chỉ mới 15 tuổi vào lúc phóng viên ảnh huyền thoại Horst Faas thuê anh làm việc trong phòng tối thuộc văn phòng của Associated Press ở Sài Gòn. Người anh của Út đã sát cánh với Faas cho đến khi anh chết bi thảm trong lúc cố săn tin về một cuộc hành quân năm 1965. Khi đó Faas bảo trợ cho Út. Theo các đồng nghiệp cũ, Út khao khát theo đuổi nghề nghiệp của anh mình. Tuy nhiên, Faas quyết định một cái chết trong gia đình của Út là đã quá nhiều rồi, nên từ chối không để cho chàng Út trẻ đi làm tin chiến đấu.
Tuy nhiên, một ngày vào tháng 6 năm 1972, Út quá giang xe đi Trảng Bàng, khoảng 50 km về phía tây bắc Sài Gòn, nơi mà một đơn vị Bắc Việt đã chiếm giữ một ngôi làng trên quốc lộ đi đến Phnom Penh. Khi Út và một số phóng viên ảnh tự do Việt Nam gặp quân đội Sài Gòn được điều đến để làm thông quốc lộ, một phi công của không quân VNCH thả một quả bom napalm (xăng đặc) vào chỗ mà ông nghĩ là vị trí của cộng sản.
Khi khói tan, rõ ràng rằng quả bom đã thả sai một cách bi thảm. Dân làng chạy trốn theo một dốc về phía các phóng viên ảnh. Nhiều người, quần áo bị cháy xém đen, bị bom napalm làm bỏng. Ở giữa quốc lộ, cô bé chín tuổi tên là Kim Phúc, trần truồng đang chạy và la hét.
Các ống kính máy ảnh đóng mở điên cuồng khi dân làng chạy tới nơi an toàn với đơn vị VNCH. Các phóng viên ảnh chạy đua trở lại thành phố. Buổi tối hôm đó, in cắt, hình ảnh ‘cô gái napalm’ của AP đã gửi qua vô tuyến cho báo chí khắp thế giới.
Bám lấy câu chuyện cũ
Những ngày này, Nick Út thường ở Việt Nam. Giống như nhiều người Việt Nam khác được xác định có quan hệ chặt chẽ với người Mỹ, Út đã được di tản đến Mỹ khi lực lượng miền Bắc tới gần Sài Gòn. Ông định cư tại Los Angeles và tiếp tục làm việc cho AP. Tuy nhiên, từ năm 1989 trở đi, Út cũng phát hiện rằng nhờ vào sức mạnh của bức ảnh nổi tiếng đó, bây giờ ông trở thành một người nổi tiếng ở Việt Nam.
Ít nhất đối với công chúng, Nick Út đã góp vào câu chuyện kể về sự thống nhất không đau đớn của Hà Nội. Sự thay đổi đó bảo đảm cho ông được bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước chào đón nồng nhiệt nhưng nó lại làm cho ông chuốc lấy chỉ trích ngày càng nhiều từ các blogger và những người khác vốn cảm thấy ông đã quay lưng lại với những người đang tìm cách có được quyền tự do chính trị nhiều hơn trong nước và đặc biệt là một nền báo chí tự do hơn. Khi Út được phỏng vấn, ông đã gạn lọc những câu trả lời khỏi bất kỳ gợi ý rằng ông đã từng trung thành với chế độ Sài Gòn. Ông nói với Báo Lao Động vào năm 2003 “Tôi ghi lại khuôn mặt của chiến tranh với lời cầu khẩn, niềm mong mỏi: Hoà bình hãy đến càng sớm càng tốt cho Việt Nam! Sau khi bức ảnh Kim Phúc đăng báo, đồng nghiệp bảo tôi mang ảnh đi thi giải Putlizer. Tôi không muốn. Buồn nếu được giải vì chụp nỗi đau đồng loại trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh quá đủ với tôi!”
Sáu tuần sau lễ hội kỷ niệm 40 năm Giải Phóng, ông Út đã trở lại, ông quay lại như một ngôi sao tại lễ khai mạc triển lãm 58 bức ảnh được Associated Press tổ chức trong một phòng trưng bày do nhà nước tổ chức tại Hà Nội. Bình luận về phần triển lãm của AP, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang nói với một phóng viên rằng những bức ảnh đó “đã cho toàn thế giới một bức tranh đầy đủ về những gì đã diễn ra ở Việt Nam. Tôi tin rằng những tấm ảnh này đã góp phần rất lớn vào việc đưa chiến tranh… đến kết thúc”.
Giám đốc điều hành AP, ông Gary Pruitt cũng ca cùng một giọng: “AP giới thiệu những hình ảnh về những gì thực sự xảy ra trong cuộc chiến… Nhiều lúc chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy việc làm của AP đã phá hoại nỗ lực quân sự của họ… AP chống lại áp lực đó…”
Các bài báo về triển lãm của AP đã thúc đẩy bình luận trong thế giới blog sống động của Việt Nam. Tại sao câu chuyện thật của “em bé napalm” Kim Phúc lại bị đè nén, blogger Đức Hồng và Tuấn Khanh hỏi. Và tại sao Nick Út, kẻ biết được nội tình câu chuyện, lại giữ im lặng?
Trong bài viết tương tự, dựa theo ký sự của chính Kim Phúc, các blogger nêu rằng sau chiến thắng của Hà Nội vào năm 1975, gia đình Phúc đã bị phân loại là “tư sản”. Phúc đã bị buộc phải bỏ học ở trường dược và trở về quê chịu sự giám sát của công an. Cô buộc phải kể đi kể lại câu chuyện của mình cho các khách nước ngoài tới thăm theo những gì đã được phê duyệt.
Bây giờ Kim Phúc đang sống ở Canada. Cô đã không đến đó theo cách bình thường, blogger Hồng nhấn mạnh. “Cô ấy đã phải bỏ trốn, xin tị nạn chính trị”. Cơ hội đến khi cô được phép tới Cuba vào năm 1986 với tư cách du học sinh. Trong tuần trăng mật cùng với người chồng mới cưới ở Moscow, Phúc đã đào thoát khi máy bay của cô trên đường bay từ Moscow về Cuba, dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Gander, Newfoundland. Giờ đây là công dân Canada, Phúc chưa bao giờ trở về Việt Nam.
Tâm trạng các blogger khá phức tạp. Blogger Tuấn Khanh lập luận, Nick Út đã bám chặt vào bức ảnh làm ông nổi tiếng nhưng qua việc không nói toàn bộ câu chuyện của Kim Phúc, ông đã phản bội nghề nghiệp của mình. Phúc, dù có các vết sẹo đau đớn, đã hoàn toàn không hài lòng khi đóng vai một con tốt của bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. Ngược lại, Út dường như thích thú với món đặc quyền và sự nổi tiếng được tưới tắm lên mình để ông im lặng trước việc Hà Nội vo tròn, bóp mép bức ảnh nổi tiếng đó.
Tuấn Khanh nhắc lại, đồng nghiệp AP của Út là Eddie Adams cũng giành được giải Pulitzer cho một ảnh mang tính biểu tượng. Bức ảnh đó cho thấy Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc của chế độ Sài Gòn, bắn vào đầu một chỉ huy trung đội đặc công Việt Cộng trong trận Tết Mậu Thân 1968. Không giống như Út, Adams đã không để Hà Nội thao túng bức ảnh của mình. Khi có cơ hội, ông giải thích bối cảnh của việc xử bắn tức thì này và bày tỏ sự hối tiếc rằng bức ảnh của ông đã bị sử dụng để tuyên truyền chống lại Saigon.
“Tôi làm việc cho AP hơn 40 năm”, Nick Út nói với mạng tin Việt Nam Express Hà Nội một vài năm trước đây. Bất cứ lúc nào, “chỉ cần một sai lầm nhỏ thì chắc chắn sẽ bị mất việc ngay. Vì thế, đến với nghề phóng viên ảnh, sự cẩn thận, tận tâm với nghề điều cần phải có”.
Có lẽ sự nổi giận quá mức có tính xét lại của các blogger Việt Nam đối với Út là quá khắc khe. Khi thời gian trôi đi thì một câu chuyện kể đi kể lại nhiều lần sẽ có xu hướng tiến triển khác đi. Bây giờ sắp về hưu, có lẽ Nick Út thực sự tin rằng cách mà ông kể lại câu chuyện của Kim Phúc là một cách đúng vể một mặt đó.
Mời xem lại:
Comments
Post a Comment