Tài xế ô tô nhảy xuống đạp người xe máy, nam thanh niên hành hung người già vì va chạm làm rơi bó hoa… Phản ứng này nói lên điều gì ?
Người Việt va chạm và đánh nhau giữa đường- ảnh chụp từ clip trên báo Bild (Đức).
Mới đây, văn hóa giao thông của người Việt đã được lên cả báo nước ngoài. Tờ nhật báo "Bild"của Đức mới đây đã đưa một clip lên trang báo điện tử của mình với tiêu đề : ""Cú đá kungfu ! Hãy cùng xem công lý giao thông trên đường phố Việt Nam".
Clip này dài hơn một phút, mô tả một tài xế ô tô mang biển kiểm soát Hà Nội đang lưu thông trên đường thì bị xe máy tạt đầu để vòng ngược trở lại. Người lái ô tô mở cửa xe lao xuống đạp người lái xe máy ngã ra vệ đường.
Người lái xe máy không kém cạnh, vùng dậy lấy mũ bảo hiểm đập thẳng vào đầu đối phương, rồi cả hai lao vào đấm đá nhau như những võ sĩ thiện chiến nhất. Báo "Bild"còn lồng vào đoạn clip này một đoạn nhạc dân tộc rất đặc trưng Việt Nam, xem chẳng khác nào phim chưởng !
Đó là báo nước ngoài, còn báo trong nước cũng không kém. Một clip ghi lại cảnh vụ va chạm trên đường Yên Phụ (Hà Nội) giữa một thanh niên và một người đàn ông cỡ 65 tuổi. Cú va chạm làm bó hoa của người phụ nữ mang bầu ngồi sau thanh niên rơi xuống đất.
Thế là họ xông vào đánh nhau, mạt sát, chửi bới khiến cộng sảnGT phải đến can thiệp mới yên chuyện.
Trước đó, một vụ va chạm cũng nổi đình nổi đám khác là của nhân viên mặt đất một hãng hàng không với hành khách. Theo biên bản được lập, vì cãi nhau liên quan đến hành lý, nhân viên và khách to tiếng.
Khách hàng chắc cũng "không phải dạng vừa đâu"vì trong biên bản ghi là người này định trèo lên tát nhân viên. Nhân viên thì ném toàn bộ giấy tờ của khách xuống đất. Khách dọa chụp ảnh thì nhân viên giơ 2 ngón tay chữ V (biểu tượng chiến thắng) thách thức.
Nói tóm lại, qua 3 vụ va chạm khẽ nhưng dẫn đến xô xát lớn thế này, có thể rút ra kết luận : Người Việt chúng ta "không phải dạng vừa đâu"như tên một bài hát rất đang được lòng giới trẻ.
Cái thói hung hãn ấy hình như đang trở thành phổ biến trong ứng xử giữa người với người ở thời điểm hiện tại. Rõ ràng đã có một thay đổi lớn, bởi cách đây hơn 2 thế kỷ, khi những người Tây phương đặt chân đến Việt Nam, trong con mắt họ, người Việt là những người hiền lành, ngại va chạm, dễ tiếp xúc.
Một trong những điều khiến chúng ta bất an nhất khi ra đường hiện nay, đó là sợ va chạm. Bởi mỗi một va chạm dù nhỏ thôi, cũng rất dễ châm ngòi cho một xung đột lớn, thậm chí đổ máu, mất mạng như chơi.
Điều gì đã làm cho số đông trở thành một thùng thuốc súng, hay như là cái van xả hơi của nồi áp suất, chỉ cần chạm khẽ vào là bùng nổ, xì khói ? Đó là một vấn đề lớn của toàn xã hội, cần tất cả các thành viên cùng nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Sự bất bình, ấm ức, không hài lòng vì những bất công, cái tâm lý "khôn sống mống chết", "được làm vua thua làm giặc"đã khiến một bộ phận người Việt trở nên hung hãn một cách dị thường. Và chúng ta đang bớt thương nhau, bớt đùm bọc nhau đi.
Chưa bao giờ mà việc giáo dục để trẻ em lớn lên thành người với đầy đủ tình yêu thương, lòng bác ái, sự cảm thông, tính thượng tôn pháp luật lại cần phải đặt ra nghiêm túc đến thế.
Có lẽ hơn ai hết, các bậc cha mẹ càng phải thấm thía điều này, rằng chúng ta cần những đứa trẻ biết yêu thương, biết hành xử đúng mực, cao thượng, không vô cảm với đồng loại hơn là những đứa trẻ được nhồi nhét thật nhiều kiến thức.
Hãy nhìn những hành xử xung quanh ta để biết xã hội hôm nay cần gì. Chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận đói nghèo, rách rưới hơn bây giờ nhưng sẽ vẫn hạnh phúc nếu người với người biết thương lấy nhau.
Những tòa nhà chọc trời trong thành phố, những phương tiện đi lại đắt tiền xa hoa liệu có thể khiến chúng ta ấm áp và cảm thấy hạnh phúc hơn không khi nếu chỉ khẽ va chạm là có thể xúm vào đập nhau như gấu chó ?
Hãy thay đổi chính mình, trước khi chúng ta trở thành những cỗ máy sống, vô cảm, lạnh lùng và không có trái tim.
Ông Tây giúp dân khỏi ngã, người Việt ngồi cười ?
Sau cơn mưa giông ở Hà Nội, một người ngoại quốc đã đứng giữa ngã tư để cảnh báo xe máy khỏi ngã, còn người Việt thì… ngồi cười.
Ông Tây đứng giữa đường để cảnh báo nguy hiểm đường trơn ở phố Tạ Hiện. Ảnh trên mạng xã hội facebook
Mấy ngày sau cơn giông, ở Hà Nội có bao nhiêu là chuyện. Nào là chuyện cây trồng kiểu "nguyên đai nguyên kiện", khuyến mãi cả túi nilon bọc bầu đất nên đổ ngã chỏng trơ. Nào là phố phường cột điện dây điện ngổn ngang chưa thu dọn kịp. Nào là tranh cãi về cây xanh, nên bảo vệ hay nên chặt bớt…
Trong tất cả những chuyện xôn xao đó, tôi chú ý tới một bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội đang khiến nhiều người phải suy nghĩ. Đó là bức ảnh chụp một người đàn ông ngoại quốc lom khom đứng ở ngã tư phố Tạ Hiện (Hà Nội), bên cạnh tấm biển báo thô sơ "Đi chậm"bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh.
Thông tin trên mạng xã hội cho biết : "Người đàn ông này đứng giữa ngã tư để cảnh báo cho những người đi xe máy khỏi trượt ngã vì đường trơn. Trong khi những người Việt Nam ngồi uống nước xung quanh được những trận cười khoái chí khi thấy từng chiếc xe máy bị trượt ngã". Ảnh chụp ở phố Tạ Hiện sau trận mưa giông ngày 13/6 vừa qua.
Thật tiếc là thông tin chỉ có vậy thôi. Không biết rõ hơn tên của "ông Tây"tốt bụng kia là gì, người nước nào, ông đến du lịch hay làm việc ở Hà Nội. Nhưng nhiếp ảnh có ngôn ngữ riêng của nó, tự bản thân bức ảnh đã toát lên rất nhiều điều.
Thú thực là tôi cảm thấy xấu hổ trước người đàn ông ngoại quốc này, bởi mình là người Việt Nam, đang sống trên đất nước mình nhưng chưa bao giờ có can đảm và đủ tự tin để làm một việc tốt bình thường như ông.
Việc tốt ấy có khó không ? Không hề khó. Chỉ là một tấm biển cảnh báo tự tạo buộc vào cán chổi, cắm vào chiếc ghế gỗ hỏng một nhà nào đó bỏ đi, nhưng chắc chắn nhờ nó, và quan trọng hơn, nhờ vào người đàn ông bất chấp hiểm nguy, đứng giữa ngã 4 để báo hiệu cho mọi người, nhiều người đã thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Trong khi người ngoại quốc làm thế, thì buồn thay, người Việt ngồi xung quanh đó chỉ khoái trí cười ầm ĩ khi thấy xe máy ngã vì đường trơn. Thật là xấu hổ.
Cái phản ứng cười khoái trí khi thấy người đi đường chẳng may ngã, đổ xe là chuyện không hề hiếm gặp ở người Việt chúng ta. Chẳng hiểu gọi nên nó là gì, là sản phẩm của cá tính "hay cười, dễ cười"của người Việt hay là sự thiếu cảm thông, thương xót với đồng loại tới mức hơi có phần… ngu muội (!?)
Chắc có người sẽ chậc lưỡi bảo, đó là sản phẩm của hai nền văn hóa khác nhau, phương Đông và phương Tây. Không, dù là sản phẩm của nền văn hóa nào, thì nó cũng phải gặp nhau chung ở một điểm chứ, đó là tình thương, tình người, tình đồng loại.
Tại sao chúng ta không thể thay đổi cách suy nghĩ chỉ bo bo lo cho mối lợi của bản thân mình, gia đình mình mà vô cảm với xã hội ? Nếu xã hội có nhiều những con người vô cảm, chỉ biết bản thân, còn lại là mặc kệ mọi chuyện tốt xấu, thì do lỗi của ai ?
Thực ra quá phức tạp để truy đến tận ngọn nguồn. Mọi ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội đều bắt nguồn từ một chuỗi những phản ứng đã trở thành "kinh nghiệm sống". Có thể người Việt ngày nay ít đối xử tốt với nhau, ít sống vì nhau bởi họ nhận ra, làm điều tốt nhiều khi chỉ mang đến tai vạ, mắc họa vào thân.
Nhưng cứ nghĩ mà xem, mỗi một việc tốt, một điều tử tế bạn làm cho cộng đồng, nó sẽ có một hiệu ứng "domino"vô cùng mãnh liệt. Người A tốt với người B, người B tốt với người C… chuỗi tử tế ấy sẽ tỏa rộng ra và điều tốt đẹp trên cuộc đời sẽ không bao giờ bị tuyệt diệt. Điều đó ý nghĩa lắm chứ.
Những điều tốt đẹp bạn làm hôm nay, có thể ngày mai bạn sẽ chưa được nhận về trái ngọt, nhưng xin bạn đừng ngã lòng, đừng nản chí. Hãy tiếp tục hành động theo sự mách bảo của thiên lương, của nhân tính, rồi tất cả chúng ta sẽ đều có một thành quả đẹp.
Nhìn bức ảnh người đàn ông ngoại quốc đứng giữa ngã 4 đường để cảnh báo hiểm nguy ở đường phố Hà Nội sau cơn mưa giông, tôi và có lẽ nhiều người như tôi, cảm thấy xấu hổ nhưng cũng cảm nhận được sự ấm áp của một ngọn lửa vô tận.
Ngọn lửa ấy động viên chúng ta, khuyến khích chúng ta để cùng nhau sống tốt đẹp hơn, sống vì người khác hơn.
Mi An
Theo Đất Việt, 23/06/2015
Comments
Post a Comment