Ở phiên tòa sơ thẩm, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù giam về hành vi “làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đơn kháng cáo, ông Thăng cho rằng bản án sơ thẩm đã không khách quan khi chẳng xem xét đến bối cảnh trong việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư 800 tỷ vào OceanBank.
Theo ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, người từng nằm trong số những nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng là do Ngân hàng nhà nước bắt buộc mua OceanBank. Vậy nhưng, việc này lại không được tòa án xem xét, gây mất quyền lợi cho ông trước tòa.
Cũng như trong phiên sơ thẩm, trong đơn kháng cáo của mình, ông Đinh La Thăng nói, ông đã rời khỏi PVN từ năm 2011 nên không thể nào phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà những người đến sau gây ra. Do đó, ông yêu cầu tòa phải xem xét phần trách nhiệm dân sự cho mình.
Đơn kháng cáo của ông Đinh La Thăng chắc chắn sẽ được xem xét và sẽ có phiên tòa phúc thầm diễn ra trong nay mai. Tuy nhiên, bản án có giảm nhẹ hay không lại không phụ thuộc vào chủ tọa phiên tòa, mà phụ thuộc vào những người trong Bộ Chính trị đảng CSVN, những người từng là đồng chí với ông Đinh La Thăng. Rất có thể trong phiên tòa phúc thẩm, những tình tiết mới có liên đới trách nhiệm đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được ông Đinh La Thăng tiết lộ. Song, theo giới quan sát, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chưa dám đụng đến Nguyễn Tấn Dũng. Cho dù, ông Dũng đã về hưu.
Ý kiến trên phần nào có cơ sở, khi trong phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã phán quyết rằng, ông Đinh La Thăng đã đầu tư vào OceanBank mà không hề có sự chấp thuận của thủ tướng chính phủ vào thời điểm đó.
Tự bản thân ông Đinh La Thăng cũng biết rằng, việc kháng cáo cũng chỉ mang tính hình thức, vì tòa án ở Việt Nam không xét xử theo luật, mà theo chủ trương từ Bộ Chính trị. Cho dù trong phiên sơ thẩm, tất cả những luận cứ của ông Thăng và các luật sư đều hết sức vững chắc nhưng bản án 18 năm tù dành cho ông Thăng vẫn được tuyên ra. Tại phiên tòa, ông Thăng đã phải bùi ngùi van xin cho được xét xử như một con người. Những lời cay đắng ấy thật khó tin lại xuất hiện từ trên môi miệng của một Ủy viên Bộ Chính trị, một trong những người quyền lực nhất ở Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, đến cả một Ủy viên Bộ Chính trị cũng không được đối xử như một con người, thì đối với dân chúng còn tệ hơn. Tất cả các cá thể sống xã hội Việt Nam, dưới sự cai trị của chính quyền độc tài Cộng sản đều không được đối xử như một con người. Họ không được luật pháp bảo vệ. Luật pháp được lập ra là để bảo vệ giới cầm quyền. Khi ông Thăng không còn thực quyền thì đó cũng là lúc ông không còn được đối xử như một con người.
Cùng kháng cáo với ông Đinh La Thăng còn có những người chung án với ông, trong đó có: Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó Tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đúc, cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN, Ninh Văn Quỳnh, cựu kế toán trưởng và Kiểm toán PVN.
Nguoi Quan Sat
Comments
Post a Comment