Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Một dấu hỏi rất lớn đang hình thành trong vụ Vũ “Nhôm” dẫn đến khởi tố và tống giam hai sỹ quan tình báo của Tổng cục V Bộ Công an vào ngày 17/4/2018: Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ và cấp trên của ông Vũ là Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, đã “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” gì, quan trọng đến mức nào mà cả đến một tướng tình báo cũng bị bắt, còn Tổng cục Tình báo Bộ Công an thì gần như sẽ bị “xóa sổ” sau vụ này?
Vào thời gian phát lệnh truy nã Vũ “Nhôm” cuối tháng Mười Hai năm 2017, “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là lý do để Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đưa ra truy nã. Tuy nhiên, cũng với tội danh này, cho đến ngày 17/4/2018 khi thực hiện lệnh khởi tố và bắt giam đối với cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Phan Hữu Tuấn, vai trò của Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng thuộc Bộ Công an. Đây cũng là một dấu hỏi không nhỏ, bởi tài liệu bị cố ý làm lộ rất có thể là tài liệu chính trị chứ không phải kinh tế, do vậy ngay từ đầu đã được Cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra.
Về mặt nội bộ Tổng cục Tình báo, nếu Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi tướng Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Nhưng có thể là tài liệu nào?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một scandal ghê gớm mà sẽ khiến nhiều lãnh đạo Bộ Công an phải “đội nón ra đi”.
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một danh sách như thế được công khai hóa trên mạng xã hội hay được đề cập bởi báo chí quốc tế.
Trong khi đó, thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ “Nhôm” rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Những tài liệu và bằng chứng này chắc hẳn là nhiều hoặc rất nhiều mà Vũ “Nhôm” đã khai báo với cơ quan điều tra kể từ khi bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018 đến nay.
Nhưng có lẽ “bí mật nhà nước” được hình dung bị lộ lọt rõ hơn cả là “Báo cáo tin tình báo”.
Cùng vào tháng 12/2017 khi Vũ “Nhôm” bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên “Báo cáo tin tình báo”, với địa chỉ được cho là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) – Bộ Quốc phòng, ký tên Trung tướng Phạm Ngọc Hùng – Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Bản “Báo cáo tin tình báo” trên dài đến 4 trang, đặc biệt đề cập về Vũ “Nhôm” và “phe cánh chính trị” không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến “trung ương”, cùng mối quan hệ của Vũ “Nhôm” với một số nhân vật và quan chức khác.
Nếu đọc kỹ bản báo cáo trên thì có thể nhận ra một số “biện pháp nghiệp vụ” mà cơ quan được cho là Tổng cục 2 quân đội đã áp dụng để theo dõi Vũ “Nhôm”.
Vậy phía quân đội đã phản ứng thế nào với tài liệu hiếm có trên?
Thông thường, việc xuất hiện một tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu cùng độ bảo mật cao như vậy là một sự kiện “động trời” trong ngành tình báo, phải khiến cho đương sự là Tổng cục 2 “nhảy nhổm lên”, để ngay lập tức có hành động “phản bác các luận điệu sai trái” trên mạng xã hội, nhất là khi Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã khoe khoang về “lực lượng 47” có đến 10.000 dư luận viên vào cuối năm 2017.
Nhưng rất lạ lùng là cho tới nay, đã 4 tháng trôi qua kể từ thời điểm hiện ra “Báo cáo tin tình báo” trên, người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác tính vô xác cứ của tài liệu này.
Mà như vậy, ngày càng xác cứ rằng “Báo cáo tin tình báo” trên là có thực.
Trong thực tế, mối quan hệ giữa hai cơ quan tình báo công an và quân đội vẫn được duy trì bằng cơ chế trao đổi tin tức bằng hình thức thông báo miệng, hoặc cần kíp hơn thì bằng văn bản. Do vậy, việc cơ quan tình báo này nắm được tình hình bằng văn bản của cơ quan tình báo kia là không có gì lạ.
Mà chuyện lạ là nếu những quan chức tình báo dùng chính văn bản nội bộ để tung lên mạng xã hội. Khi đó, vấn đề sẽ không còn đơn thuần là “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, mà còn “vĩ đại” hơn thế nhiều: xung đột phe cánh chính trị.
Đó chính là nguồn cơn để giới quan chức không chỉ cho nhau vào tù mà còn có thể “giết” nhau.
Comments
Post a Comment