Ngày 24/04/2018 vừa qua, tại cảng Vũng Áng – Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng nước biển chuyển màu khiến hàng tấn hải sản của các hộ kinh doanh trong khu vực thi nhau chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ đến các hộ kinh doanh. Vụ việc khiến dư luận Việt Nam quan tâm đến thảm họa Formosa Hà Tĩnh vào tháng 04/2016, hậu quả cho đến nay một số doanh nghiệp bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù thỏa đáng …
Báo chí nhà nước Việt Nam mà cụ thể ở đây là tờ báo Dân Sinh thuộc Cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội vào ngày 24/04/2018 cho biết, sáng cùng ngày các hộ kinh doanh hải sản tại cảng Vũng Áng -Hà Tĩnh phát hiện nước biển xuất hiện hiện tượng đang trong bỗng chuyển sang màu xanh lá cây và sau đó hải sản trong lồng bè như cá, tôm, cua, mực… thi nhau chết hàng loạt.
Mặc dù sau đó, các hộ kinh doanh đã dùng máy sục oxy sục nước để đẩy dòng nước màu xanh, cứu sống được một phần hải sản nhưng thiệt hại không tránh khỏi, ước chừng còn số hải sản chết lên đến hàng tấn, tương đương với số tiền cũng hàng tỷ đồng.
Báo chí Việt Nam ngày 25/04, tức là một ngày sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản thi nhau chết hàng loạt ở cảng Vũ Áng đã thông tin cho dư luận biết nguyên do có thể do thiếu oxy. Cụ thể báo chí Việt Nam đã dẫn lời ông Phạm Văn Hùng-Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Thị xã Kỳ Anh cho rằng sau khi nhận được tin báo về vụ việc thì phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường để kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm và nước gửi viện Khoa học môi trường thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường để phân tích. Theo nhận định ban đầu, do khu vực cảng kín, các cầu cảng số 3, 4 và 5 đang thi công dự án của Công ty cảng Quốc tế Lào- Việt nên gây ứ đọng, giảm khả năng lưu thông nguồn nước, có thể tác động đến môi trường nuôi, làm thiếu ô xy cục bộ nên khiến hải sản chết. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cũng có trích dẫn lời của ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng ban quản lý các hoạt động thi công Bến cảng số 3 kéo dài mấy tháng nay không có dấu hiệu gì cho thấy ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước.
Hiện tượng hải sản thi nhau chết hàng loạt tại cảng Vũng Áng- Hà Tĩnh vào ngày 24/04 vừa qua khiến dư luận như bị nhắc lại thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào đầu tháng 04/2016, thảm họa đã gây thiệt hại nặng nề và trực tiếp cho ngư nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hải sản miền Trung.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số: 1880/QĐ-TTg ký vào ngày 29/09/2016 về việc Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, và sau đó Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số: 309/QĐ-TTg ký vào ngày 09/03/2017 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số: 1880/QĐ-TTg nhưng qua trao đổi với Cali Today, một số doanh nghiệp ở huyện Lộc Hà- Hà Tĩnh cho biết đến nay họ đã nhận được một khoản đền bù thiệt hại nhưng không thỏa đáng, chẳng đáng là bao so với tổng thiệt hại mà Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Chủ một cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn huyện Lộc Hà tên H đã cho Cali Today biết:
“Thảm họa môi trường năm 2016 cơ sở của chúng tôi bị ảnh hưởng quá lớn hàng chục tỷ bạc. Cơ sở chúng tôi có hàng hải sản như; khô, ruốc, nước mắm, sứa thì họ có đền 100% nhưng còn khô thì họ hỗ trợ 30%, còn ruốc và nước mắm thì chưa có gì cả. Chúng tôi còn thiệt thòi cả chục tỷ bạc.”
Chủ cơ sở tên H cho Cali Today biết, tính từ thời điểm xảy ra thảm họa môi trường biển miền Trung 2016 cho đến nay, việc làm ăn của cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Người dân từ việc ngưng ăn hải sản rồi mạnh dạn ăn khoảng mấy chục % và hiện tại thì có vẻ như đang ngưng ăn trở lại. Rồi cơ sở kinh doanh còn chịu áp lực về các khoản nợ ở ngân hàng.
Chủ cơ sở H nói:
“Việc làm ăn giờ cũng khó khăn. Bây giờ môi trường bị thảm họa như vậy, người dân họ chưa dám ăn (hải sản) trở lại, người dân có ăn một chút thời gian nhưng giờ người dân đã ngưng trở lại. Chúng tôi làm ăn, buôn bán giờ thất quá nói chung không ăn thua. Tiếp nữa là bên phía ngân hàng, Thủ tướng đã có công văn cho khoanh nợ khó khăn thanh toán và cho hỗ trợ tiền lãi nhưng bây giờ chúng tôi chưa được một cái gì cả. Bây giờ các cơ sở như chúng tôi chỉ nhờ vào lãi suất ở ngân hàng chứ còn mà vay ở bên ngoài thì mức lãi suất cao quá chúng tôi không thể làm ăn gì được. Chúng tôi giờ vay ngân hàng thì họ đem chúng tôi vào nhóm nợ xấu trong khi khó khăn của chúng tôi do khách quan gây ra chứ đâu phải do ở chúng tôi.”
“Chúng tôi bây giờ phải vay vợ bên ngoài để trả nợ ngân hàng mà họ cũng không xóa nhóm nợ xấu cho chúng tôi.”
Đi nộp đơn khiếu nại có vẻ như không ăn thua, không riêng gì chủ cơ sở kinh doanh tên H cho biết những khó khăn mà cơ sở kinh doanh của mình đang đối diện, các chủ cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn huyện Lộc Hà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các chủ cơ sở cho biết giờ chỉ còn trông chờ sự lên tiếng của báo đài, truyền thông đánh động đến Chính phủ và các cấp chính quyền phần nào, khó khăn của họ do Formosa Hà Tĩnh gây ra và không thể bồi thường theo kiểu “bố thí” vài ba đồng bạc, không thấm tháp vào đâu rồi bỏ mặc họ gánh chịu những hậu quả đầy rẫy những khó khăn.
Trong khi đó, tại Nghệ An vào ngày 24/04/2018, Tòa án tỉnh đã tuyên y án phúc thẩm 14 năm tù giam cho nhà hoạt động tích cực vì môi trường, chống Formos Hà Tĩnh là anh Hoàng Đức Bình./.
QUÊ HƯƠNG
Comments
Post a Comment