Lao động Việt Nam - File photo
Sau ba tháng đầy biến động trên thị trường cổ phiếu rồi thị trường ngoại hối của Trung Quốc, giới quan sát quốc tế cho rằng chỉ dấu suy trầm kinh tế của Trung Quốc đã ngày càng rõ rệt hơn. Nhìn xa hơn thế, kinh tế Trung Quốc không chỉ hạ cánh mà có thể còn đi vào hướng khác trong các năm tới và mất dần lợi thế cạnh tranh của một xứ đông dân với nhân công rẻ. Vào hoàn cảnh đó, nhiều nền kinh tế khác, kể cả Việt Nam, lại có cơ hội phát triển mới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về cơ hội ấy qua phần trao đổi của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam : Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ Tháng 11 đến nay, Trung Quốc năm lần hạ lãi suất để kích thích sản xuất mà sau cùng kinh tế vẫn trì trệ, cả xuất và nhập khẩu đều giảm nên tuần qua, lãnh đạo kinh tế xứ này lại hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng là điều không ai ngạc nhiên. Điều gây ngạc nhiên là sự lúng túng khi họ can thiệp vào thị trường chứng khoán rồi thị trường ngoại hối mà không hiệu quả trong khi dự trữ ngoại tệ lại sụt ở mức cực mạnh là Tháng Tám vừa qua mất gần 94 tỷ, nay chỉ còn ba ngàn 560 tỷ đô la. Tức là như ông phân tích kỳ trước, "kho đạn của Bắc Kinh" đanh cạn dần. Cũng trên diễn đàn này thì từ năm 2013 rồi năm ngoái, ông có nói đến việc Bắc Kinh phải chuyển hướng kinh tế và tìm lợi thế phát triển khác hơn là một công xưởng toàn cầu, cho nên trật tự kinh tế của thế giới sẽ thay đổi lớn. Qua những biến động đang xảy ra thì hình như sự chuyển dịch ấy đã bắt đầu. Thưa ông, hôm nay ta lại nói về chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta không nên chỉ nhìn vào những dao động ngắn hạn của thị trường mà thẩm định sự chuyển động trường kỳ của các trào lưu lớn. Thí dụ như thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ hốt hoảng sụt giá mươi hôm trước rồi hồ hởi lên giá vào hôm qua khi có những tin xấu tốt từ Trung Quốc. Khi nhìn vào Trung Quốc trong viễn cảnh dài, ta thấy xứ này có dân số đông, áp dụng chiến lược phát triển của Nhật Bản và Đông Á đi trước và khai thác lợi thế nhân công rẻ để làm gia công cho thế giới nhờ xuất khẩu hàng chế biến với giá thấp.
Vì khởi đi từ gần số không, Trung Quốc có đà gia tăng lớn chẳng khác gì các nước kia vào những thập niên trước, mà thật ra Trung Quốc vẫn thiếu phẩm chất trong tăng trưởng. Khi ưu thế lương rẻ hết công hiệu từ ba năm trước, họ phải bước lên trình độ sản xuất cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn như các nước tân hưng Đông Á là Nhật Bản, rồi Đài Loan và Nam Hàn. Nhưng vì quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, khi thấy toàn cầu bị Tổng suy trầm năm 2008, Bắc Kinh ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế mà bơm không đúng chỗ và thổi lên bong bóng đầu cơ trong sản xuất thừa nên sẽ bị khủng hoảng như các nước Đông Á đã từng bị. Chúng ta đang chứng kiến chuyện này.
Nguyên Lam : Ông cho rằng những gì đang xảy ra tại Trung Quốc đã xuất hiện trước đó ở nơi khác nên chẳng có gì là đáng ngạc nhiên ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta cần nhắc lại chuyện xưa để thấy là sau khi bị khủng hoảng năm 1991, Nhật Bản không dám cải sửa nên trải qua 20 năm lụn bại đến nay mới tạm hồi phục. Trái lại, Nam Hàn bị khủng hoảng năm 1997 mà lập tức cải cách nên có cơ sở vững mạnh hơn và cạnh tranh thắng lợi với chính Nhật Bản là một khuôn mẫu đi trước. Các bài học đó là kinh nghiệm cho Việt Nam khi môi trường chung quanh đang thay đổi, vừa mở ra cơ hội mới mà cũng đặt ra nhiều thách thức, chưa nói gì đến vấn đề an ninh vì vị trí riêng của xứ này bên cạnh Trung Quốc.
Nguyên Lam : Từ cái nhìn rộng mở về thời gian lẫn không gian để nói tới nhiều chuyển động đang xảy ra và kéo dài trong tương lai, thưa ông, đâu là các định đề chính mà Việt Nam cần quan tâm ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn "cất cánh" khi áp dụng quy luật thị trường, Việt Nam cần vốn nên phải huy động đầu tư ngoài quốc. Các nước kia, kể cả Trung Quốc, đều qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là ta có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư ?
Tập đoàn Samsung tại Việt Nam
Thế rồi, sau mấy năm hồ hởi khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO với lượng đầu tư quốc tế tăng vọt vào năm 2008, tình hình lại sa sút, từ đỉnh cao là hơn 70 tỷ đô la vào năm 2008 lại sụt tới 23 tỷ năm 2009 và mấy năm qua vẫn còn chật vật với yêu cầu này. Ta nên nhớ lại như vậy vì vào thời điểm 2009, khối công nghiệp hoá bị co cụm và dồn đầu tư vào các nước đang lên để tìm cơ hội kiếm lời cao hơn vậy mà thật ra họ vẫn tránh Việt Nam vì nhiều sai lầm và lạm dụng trong quản lý vĩ mô. Bây giờ biến động tại Trung Quốc lại là một cơ hội mới cho Việt Nam.
Nguyên Lam : Ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng một môi trường thuận lợi cho đầu tư quốc tế khi các doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường Trung Quốc để tìm nơi có lợi hơn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quy luật phũ phàng của kinh tế hay kinh doanh là "vui lòng khách đến, buồn lòng khách đi". Trong chuyện này, khách là các doanh nghiệp có vốn đầu tư.
Thứ nhất, họ ào ạt trút tiền vào rồi thất vọng bảo nhau triệt thoái thì đều có thể gây chấn động cho nền kinh tế, đấy là điều các nước Đông Á đã thấy từ vụ khủng hoảng 1997-98. Thứ hai, các doanh nghiệp có thể quyết định đem tiền đầu tư vào rất nhanh thường là loại nhỏ và vừa, với yêu cầu khác biệt với các tập đoàn lớn. Đầu tư vào một quán bán thịt bầm ngoài phố hay một shop may có khác với đầu tư của Intel hay Samsung ở ngoại thành. Thứ ba và quan trọng nhất, Việt Nam nên nhớ lợi thế nhân công rẻ không là yếu tố bất biến và vĩnh cửu vì chúng ta bán sự nghèo khổ cho khách đầu tư bằng lương bổng thấp để mong nguồn vốn đó sẽ làm cho dân mình giàu hơn, tức là có lương cao hơn sau này. Cho nên ưu thế về lương sẽ hết và được thay thế bằng năng suất cao.
Do đó, từ khi huy động đầu tư để làm gia công cho thiên hạ thì đã phải nghĩ đến việc tiến lên lớp cao hơn của chu trình cung cấp và chế biến, để làm ra mặt hàng có giá trị hơn, đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật khác. Khi đó ta mới hy vọng giữ khách đầu tư ở lại để tìm doanh lợi cao hơn. Muốn vậy, nhân công của ta phải có năng suất, được giáo dục đào tạo theo hướng khác hơn là giữ khách bằng lương rẻ, vì ngoài Việt Nam còn vài chục xứ khác, kể cả Miên, Lào, Phi, Thái, Miến hay Bangladesh cũng khai thác lợi thế lương rẻ. Đó là chuyện trường kỳ mà mình nên sớm thấy ra.
Nguyên Lam : Thưa ông, ngay trong hiện tại thì Việt Nam có những lợi thế nào khả dĩ huy động được nguồn lực đầu tư của các nước một khi họ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì xứ này cũng bước lên một cấp cao hơn hay vì họ gặp nhiều biến động ở bên trong ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi chưa lạc quan với việc dòng tiền từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam. Trước hết, các tổ hợp quốc tế Âu-Mỹ-Nhật đã đầu tư vào Hoa lục từ lâu và xây dựng được chu trình cung cấp hội nhập, nôm na là làm cơ phận này để ráp chế với cơ phận khác cũng sản xuất tại Trung Quốc trước khi xuất ra ngoài. Với tình trạng thoái trào hiện nay, Bắc Kinh cố kích thích tiêu thụ thay vì đầu tư sản xuất để xuất khẩu, vì vậy, thị trường nội địa của họ vẫn còn sự hấp dẫn nên chưa chắc là các tập đoàn đầu tư, kể cả Nhật Bản, đã rút hết và nhìn vào Việt Nam với thiện cảm nếu Việt Nam chưa có ưu thế nổi bật khi so với Trung Quốc, hay Malaysia hoặc Indonesia.
Nguyên Lam : Thưa ông, khi nhà đầu tư quyết định về việc bỏ vốn vào xứ này hay xứ khác, họ lập bảng tiêu chuẩn ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi tính đầu tư vào một xứ như Việt Nam chẳng hạn, thiên hạ chú ý đến đến hạ tầng cơ sở. Hạ tầng ấy có loại vật chất là hệ thống xây dựng, giao thông vận tải lẫn hủy thải phế vật để bảo vệ môi trường sinh sống. Tai nạn dồn dập tại Thiên Tân hay Sơn Đông bên Tầu là cơ hội tiếp thu kinh nghiệm để tránh và để trình bày ưu thế của mình nếu có.
Hạ tầng này cũng có loại vô hình là nền tảng luật lệ công minh và bộ máy hành chính liêm khiết, hữu hiệu. Thứ ba, hạ tầng này còn có loại tinh thần là trình độ kiến năng, là kiến thức và khả năng, của nhân công vì các tổ hợp quốc tế suy nghĩ cho 5-10 năm tới chứ không chơi trò mỳ ăn liền. Trong năm 10 năm đó, họ sẽ đào tạo ra lớp nhân viên có tay nghề và khả năng tiến lên bậc thang cao hơn của chu trình sản xuất. Vì thế, họ quan tâm đến giáo dục và đào tạo, nhất là trong các ngành kỹ thuật và quản trị.
Khi kiểm lại dù sơ sài như vậy, ta cũng thấy ra nhiều nhược điểm của môi trường Việt Nam là chưa có trục lộ giao thông hay mạng lưới yểm trợ hạ tầng tỏa rộng mà chỉ tập trung vào Sàigon, vùng đồng bằng Cửu Long và chung quanh Hà Nội, Đà Nẵng. Việt Nam cần khai thác tiềm lực của các địa phương khác thì mới có được sự phát triển cân đối và công bằng, là điều Trung Quốc muốn làm từ lâu mà thất bại nên mới rơi vào thoái trào.
Nguyên Lam : Một cách lạc quan thì Việt Nam có ưu thế tương đối nào không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người dân Việt Nam nổi tiếng cần cù hiếu học, thế giới đã công nhận nét văn hóa đặc sắc ấy khi tiếp nhận di dân Việt Nam từ bốn chục năm qua. Dân Việt Nam cũng ưa chuộng kinh tế thị trường và tư nhân đang cố thoát khỏi những câu thúc lạc hậu của bộ máy công quyền. Và Việt Nam có dân số đủ lớn để thị trường tiêu thụ nội địa cũng là điểm hấp dẫn.
Sau cùng, ưu thế của Việt Nam bên một Trung Quốc thoái trào trong những năm tới là việc Việt Nam có thể cải thiện luật lệ và môi trường kinh doanh lao động để gia nhập Hiệp ước TPP. Nên xây dựng ưu thế đó ngay từ bây giờ chứ đừng tranh cãi để bảo vệ nguyên trạng tồi tệ hiện nay. Đấy mới là cách thoát Tầu để có ngày cạnh tranh với Tầu trong nhiều lĩnh vực và sự hiện hữu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng là cơ hội và đòn bẩy đáng kể nếu ta biết coi trọng nhân quyền và dân quyền.
Nguyên Lam : Câu hòi cuối thưa ông, nói về hạ tầng cơ sở của kiến năng và cả sự hỗ trợ của người Việt ở bên ngoài như ông trình bày, thì người ta không quên Nghị định 72 ban hành mấy năm trước về việc kiếm soát mạng lưới điện toán. Ông nghĩ sao về chuyện này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đấy là tai họa vô lường và là một vụ tự sát chính trị !
Khi Intel hay Samsung trút bạc tỷ vào Việt Nam và đào tạo một thế hệ mới có khả năng rất cao về công nghệ tin học thì Hà Nội lại đòi bịt mắt giới trẻ bằng mạng lưới kiểm soát thông tin và gây phản ứng từ quốc tế thì đấy là một cách chứng minh rằng Hà Nội cũng chẳng khác Bắc Kinh !
Từ đó, thiên hạ lại suy ra chuyện khác. Cái gọi là ưu thế ổn định chính trị của Việt Nam cũng chỉ là chuyện ảo. Giới đầu tư quốc tế sớm hiểu ra nỗi lo sợ của chế độ và còn thấy rõ hơn khi lãnh đạo Việt Nam vẫn duy trì vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước để bảo vệ quyền lợi của tay chân và thân tộc. Nói cách khác, nếu Việt Nam chỉ là một sao bản con con của Trung Quốc thì chưa thể là một giải pháp thay thế khi người ta đã thất vọng với Trung Quốc.
Nguyên Lam : Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Nguyên Lam thực hiện
Theo RFA, 09/09/2015
Comments
Post a Comment