Skip to main content

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: Tuyển tập “Cộng sản và Tôi”

Dân Làm Báo 

và tuyển tập “Cộng sản và Tôi”

Uyên Thao

communismNgày 26/2/2015, Blog Dân Làm Báo thông báo mở cuộc thi viết với chủ đề “Cộng Sản và Tôi”. Thể lệ và nội dung cuộc thi không nêu điều kiện nào với người tham dự cũng như bài viết. Mọi người Việt Nam từng sống dưới tác động của chủ nghĩa Cộng Sản kể từ ngày đảng Cộng Sản Việt Nam xuất hiện đều có thể dự thi và bài viết không buộc phải bày tỏ thái độ nào ngoài tính biểu hiện trung thực tâm tư người viết.
Về cuộc thi viết trên Dân Làm Báo và tuyển tập “Cộng sản và Tôi”
Nguồn:  T.s. Tiếng Quê Hương
Nguồn: T.s. Tiếng Quê Hương
Thời gian nhận bài dự trù chấm dứt ngày 25-4-2015 và kết quả cuộc thi sẽ được công bố ngày 14/5/2015. Dự trù này phải thay đổi một chút bởi có nhiều thư yêu cầu kéo dài thêm thời hạn nhận bài. Đáp ứng yêu cầu, Ban Tổ Chức đẩy lui thời hạn nhận bài tới ngày 28/4/2015, nhưng cuộc thi cũng chỉ gồm vỏn vẹn 60 ngày. Dù vậy, số lượng bài tham dự vẫn hết sức dồi dào đủ để sau thời gian lọc lựa đã có 90 bài của 70 tác giả được chọn vào vòng chung kết.
Suốt tiến trình cuộc thi, nhiều bạn không giấu nổi mối ưu tư về cuộc thi có thể bị khai thác bởi các thủ đoạn thừa gió bẻ măng của chế độ Cộng Sản đang nắm trong tay một lực lượng dư luận viên công cụ đông đảo như mọi người đều biết. Nhưng từ ngày đầu đến ngày chót, hết thẩy các bài dự thi đều thể hiện nghiêm túc tính chất phản ảnh tâm tư người viết.
Đặc biệt nổi bật là hết thẩy bài viết của các tác giả thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi đều phơi bày nỗi bất hạnh cùng cực của cuộc sống Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Càng đặc biệt hơn là tiếng nói này đã cất lên từ không ít người từng đứng trong hàng ngũ Cộng Sản, thậm chí có người hiện vẫn đang là thành viên các hội đoàn cộng sản ngay tại Việt Nam.
Dù viết dưới hình thức văn, thơ, hồi ký, ký sự, nghị luận…, các bài dự thi đều diễn tả thảm họa bi thương mà chế độ Cộng Sản đã gieo vào cuộc sống Việt Nam trên mọi lãnh vực từ phạm vi sinh hoạt cá nhân oan nghiệt tới hiện trạng ngập tràn tai ương của đất nước và viễn ảnh tương lai dân tộc mịt mù. Nhiều bài viết còn khắc họa nỗi đau tự dằn vặt của người viết vì đã nhẹ dạ cả tin tự biến mình thành công cụ cho chế độ Cộng Sản lợi dụng để hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Từ đây, cuộc thi mở ra không với điều kiện bắt buộc nào đã trở thành cơ hội bày tỏ tâm tư cho mọi thế hệ con dân Việt Nam có mặt gần trọn thế kỷ qua, và những bài viết dù thể hiện dưới hình thức nào cũng mang cùng tính chất giãi bày chân thực nỗi lòng bị đè nén suốt nhiều năm tháng trong tủi hờn, phẫn uất trước mọi thủ đoạn bức chế, đày đọa bất nhân … của tập thể bạo quyền.
Tính chất này còn được biểu lộ từ hai sự kiện cụ thể trong việc hình thành ban giám khảo cuộc thi qua trường hợp nhà văn Nguyễn Viện và chuyên gia Nguyễn Thanh Giang.
Nhà văn Nguyễn Viện được mời tham gia Ban Giám Khảo từ ngày mở đầu cuộc thi, nhưng vì đang sống tại Việt Nam nên đã bị đặt trước chọn lựa bắt buộc phải rút khỏi Ban Giám Khảo. Bởi nếu không theo chọn lựa này, Nguyễn Viện cũng vô phương tiếp nhận nhiệm vụ giám khảo, do sẵn sàng bị vắng mặt lập tức khỏi cuộc sống bình thường vì bất kỳ lý do nào mà mọi người dân tại Việt Nam hiện nay đều bất khả tránh khi tập thể đương quyền muốn. Ban tổ chức đã mời tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thay thế. Nhưng cũng ngay lập tức, Nguyễn Thanh Giang lại thấy sức cuốn hút của cơ hội bày tỏ tâm tư do cuộc thi mang lại, nên xin từ chối vai trò giám khảo để được tham dự cuộc thi hầu giới thiệu những trang viết chất chứa nỗi lòng bị dồn nén bấy lâu.
Do đó, Ban Giám Khảo cuộc thi đã gồm 5 nhân vật sau: Luật sư Lê Công Định, luật sư Nguyễn Văn Đài(*), nhà văn Trần Trung Đạo, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình và nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Theo dự trù, cuộc thi Cộng Sản Và Tôi sẽ có một giải Khôi Nguyên với phần thưởng là một chuyến du lịch tham quan miền Đông Hoa Kỳ hoặc 2000 USD tùy chọn lựa của người đoạt giải và một giải Nhì với phần thưởng 1000 USD.
Việc chấm giải được quy định không tuyệt đối dựa theo cảm quan của Ban Giám Khảo mà cần dung hợp với ý kiến chung của bạn đọc thu góp suốt thời gian phổ biến các bài dự thi. Tất nhiên dung hợp với ý kiến bạn đọc không hoàn toàn đơn giản khi không gian tiếp nhận mở rộng thoải mái bất kể ý đồ đổi trắng thay đen, bôi xóa sự thật bằng các luận điệu xuyên tạc, đả kích ngược ngạo luôn rình rập khai thác cơ hội theo chỉ đạo của những thế lực bất chính, trong đó cụ thể là tập thể đương quyền Cộng Sản Việt Nam. Đây là chướng ngại chắc chắn xảy ra, tuy nhiên, không phải là chướng ngại bất khả đối phó.
Cuối cùng, đúng theo dự hướng với tinh thần dung hợp thận trọng giữa các ý kiến chân thành đóng góp từ bạn đọc và cảm quan chung của Ban Giám Khảo, có 90 bài đã được chọn vào vòng chung kết.
Do cuộc thi không nêu quy định bắt buộc về thể tài, ngoài yêu cầu thể hiện chủ đềCộng Sản và Tôi nên các bài viết mang đủ mọi hình thức như văn, thơ, hồi ký, ký sự, nghị luận… Từ đây, tiêu chuẩn định giá phải đặt nặng về nội dung theo đặc trưng mà hết thẩy các bài viết đã biểu hiện là nỗi lòng của chính người viết qua các cảnh ngộ từng trải trong cuộc sống thực tế.
Tiêu chuẩn này giúp khẳng định cuộc thi không gắn kết với bất kỳ ngành sinh hoạt chữ nghĩa quen thuộc nào như văn học, nghệ thuật, chính luận, biên khảo vv… mà chỉ nhắm thu gom những trang viết chuyển tải nỗi lòng con người trong một giai đoạn lịch sử nhất định dưới tác động của một thể chế chính trị cụ thể. Vì thế, kỹ thuật biểu hiện tuy vẫn là tiêu điểm bắt buộc phải đặt ra để định giá các bài dự thi nhưng rõ ràng không dễ so sánh một bài thơ với một bài chính luận, một bài hồi ức hay một bài ký sự… nên đã đặt Ban Giám Khảo trước tình huống liên tục khó khăn.
Mức khó khăn kéo dài ngay cả khi số bài được chọn để trao giải đã thu hẹp tối đa. Bởi mọi nỗi lòng trước các cảnh huống bi thương dù chứa những nét khắc hoàn toàn riêng biệt, lại đều in sâu các vết hằn cùng một mức độ nơi tâm não người được nghe nhắc.
Xin hãy nghe tác giả Uyên Trần tâm sự:
“Với tôi, qua bốn mươi năm từ lúc tuổi thơ cho đến bây giờ, tôi chiêm nghiệm và tin chắc một điều: Người Cộng Sản đã làm được điều mà ông tổ Karl Marx của họ từng nguyền rủa “chỉ có cầm thú mới quay mặt đi trước nỗi đau của đồng loại để liếm bộ lông của mình!” Khi ngay với cả chị em, anh em ruột thịt, họ có thể quay lưng vì người đó nghèo quá, không còn “xứng tầm” với họ thì nghĩa lý gì một thành phố, một hàng cây, nghĩa lý gì với hơn 90 triệu dân mà phần đông là đói khổ, cần lao, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không phải họ hàng của họ!”
Và đây là vài mảnh đời do Hoàng Hùng ghi lại:
“Đất đai không còn, chỉ còn tay trắng, cuộc sống người dân quê tôi lùi dần cho đến những năm 70 thì đúng là không ai giàu hơn ai. Nhiều nhà trong thôn, hai anh em mấy năm chỉ có một chiếc quần dài, đứa học sáng đứa học chiều thay nhau mặc, còn nếu học chung buổi thì một thằng tự nghỉ ……
Lão Lục đầu làng có con đi làm ăn xa, Tết không về, thương đứa con dâu vất vả nuôi ba đứa con nhỏ, để bớt miệng ăn lão đã treo cổ vào chiều Ba Mươi Tết. Trước khi lìa đời, lão còn kịp để lại cho con dâu và ba đứa cháu hai cái măng tre mà đêm trước lão đào trộm ở rặng tre gai gần khu nghĩa địa.”
Trước các thực cảnh đó là nỗi lòng của Quang Hình:
“Nếu trong quá khứ, tôi từng thần tượng, tôn thờ những gì về Cộng Sản, thì giờ đây tôi đã hiểu ra được, những thứ ấy đều chỉ là ảo ảnh từ bàn tay Cộng Sản tạo dựng nên để “cấy hạt giống đỏ” cho các thế hệ sinh sau đẻ muộn. Những trang sử hào hùng, những thành tích vang dội năm châu địa cầu chỉ là một màn kịch lừa bịp của Cộng Sản để mị dân mà dễ bề thống trị và vơ vét của cải toàn dân thành của riêng mình….”
Qủa là khó định mức thấp cao giữa các bày tỏ trên.
Do thực tế này, Ban Giám Khảo không thể chỉ trao giải Khôi Nguyên và một giải Nhì như ấn định lúc đầu mà phải thay bằng 3 giải Nhì Đồng Hạng, đồng thời, quyết định tặng thêm 25 giải gồm 3 giải Ba – Tư – Năm, 1 giải Khuyến Khích Đặc Biệt và 21 giải Khuyến Khích.
Ngày 14/5/2015, Ban Tổ Chức công bố kết quả cuộc thi và gom 90 bài vào vòng chung kết gồm 28 bài được trao giải cùng 62 bài còn lại, hợp thành tuyển tập Cộng Sản Và Tôi để ấn hành giới thiệu cùng bạn đọc.
Với đặc trưng đã kể, Cộng Sản và Tôi hiển nhiên không thể định danh là một tuyển tập thơ, văn hay bất kỳ thể loại chuyên biệt nào khác. Nhưng, dù hình thành bài viết theo bất kỳ thể loại nào, 70 tác giả vẫn cùng chung ý hướng chuyển tải tâm tư của chính bản thân trong cảnh sống thực tế từng trải dưới tác động của chế độ Cộng Sản. Từ nội dung này, thể loại tâm bút tương đối gần với tuyển tập nếu cần phải định danh.
Tuy nhiên, với Cộng Sản và Tôi, việc định danh về thể loại có thể đặt xuống hàng thứ yếu trước đặc trưng nổi bật của nội dung — nhất là trong tình huống vẫn còn sự lập lại cách nhìn mù lòa về thực tế đời sống Việt Nam kéo dài gần trọn thế kỷ qua.
Cách nhìn mù lòa này khởi phát từ giữa thập niên 1950, được thể hiện qua tác phẩm của nhiều tác giả. Cũng cần nói ngay khó thể kể hết tên tác giả và tác phẩm viết về Việt Nam từ thập niên 1950 tới nay. Về tác phẩm là một số lượng khổng lồ và về tác giả đã có không ít đại danh quốc tế trong hàng ngũ cầm bút thuộc nhiều ngành sinh hoạt giáo dục, lịch sử, báo chí, văn học…
Việt Nam 1954 - Passage Operation ĐẾN TỰ DO - Các tàu sân bay HMS WARRIOR - Bắc tị nạn Việt. The aircraft carrier HMS WARRIOR evacuates 1,455 refugees from Haiphong, North Vietnam to Saigon during Operation PASSAGE TO FREEDOM, 4 September 1954. Families eat a meal of rice and other food
Việt Nam 1954 – Chiến dịch Đường đến  Tự do – Tàu sân bay HMS WARRIOR – Người miền Bắc Việt Nam bỏ quê đi tị nạn cộng sản.
The aircraft carrier HMS WARRIOR evacuates 1,455 refugees from Haiphong, North Vietnam to Saigon during Operation PASSAGE TO FREEDOM, 4 September 1954. Families eat a meal of rice and other food. Nguồn: US NAVY.
Tất nhiên không phải mọi tác giả đều có chung một cách nhìn, nhưng trong đó đã hiện ra không ít kẻ ngu độn — nếu muốn tránh gọi thẳng là một lũ bất lương, xảo trá, vô liêm sỉ. Điều trùng hợp lạ lùng giữa các tác giả loại này là luôn trao cho đảng Cộng Sản Việt Nam vai trò đại diện dân tộc Việt Nam và đồng hóa đảng này với hình ảnh nhân vật Hồ Chí Minh theo cách diễn tả ngoài mọi tưởng tượng. Chẳng hạn năm 1966, qua “Livre Jaune du Viet-Nam”(*), nữ tác giả Pháp Hélène Tournaire viết:
“Hình ảnh Hồ Chí Minh đã kết hợp hoàn chỉnh đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê-Nin và tình cảm của một gia trưởng…”
Mấy năm sau, phóng viên Mỹ đoạt giải Pulitzer 1964, David Halberstam diễn tả qua tác phẩm Ho(**):
“Hồ Chí Minh là anh hùng số một, anh hùng duy nhất của Việt Nam, là hiện thân cuộc cách mạng của dân tộc ông … là nhà ái quốc vĩ đại nhất Việt Nam …”
Vượt xa hơn hai tác giả trên, vào năm đầu thế kỷ 21, sử gia Mỹ William J. Duiker trong tác phẩm Ho Chi Minh, A Life ca tụng công ơn Hồ Chí Minh với lớp người cùng khổ không riêng tại Việt Nam mà trên khắp thế giới như sau:
“Ông Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ các anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ….”
Với hình ảnh Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam qua màu sắc tô điểm kiểu đó, thực tế Việt Nam được lập lại gần như theo nguyên vẹn luận điệu tuyên truyền Cộng Sản bởi hàng loạt tác giả khác.
Nữ sử gia Mỹ Marilyn B. Young, qua tác phẩm The Vietnam War : How the US Intervened in the History of Southeast Asia ấn hành năm 1990, quả quyết một số nhà báo và chính tổng thống Nixon bịa đặt, thổi phồng con số nạn nhân bị sát hại trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất tại Bắc Việt lên thành 50 ngàn hoặc 500 ngàn nạn nhân, trong khi trên thực tế chỉ có 3 ngàn, hoặc tối đa là 15 ngàn mà thôi.(1) Cũng theo Marilyn B. Young, vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại Huế gồm khoảng 300 đến 400 nạn nhân do bom đạn Mỹ giết hại đã bị gán cho bộ đội Cộng Sản. (2)
Vào thời điểm thế giới chấn động kinh hoàng trước thảm cảnh “boat people” trên Biển Đông của người Việt Nam, Neil Sheehan qua tác phẩm A Bright Shining Lie cũng xác nhận số nạn nhân cuộc Cải Cách Ruộng Đất tại Bắc Việt chỉ do CIA bịa đặt và chỉ có vài ngàn người bị giết oan do lầm lẫn cá nhân của riêng Trường Chinh chứ không do chủ trương của đảng Cộng Sản. Neil Sheehan còn định tính cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến của những người Cộng Sản yêu nước ngăn chống tham vọng xâm lăng của Mỹ. Bốn năm sau khi phát hành tác phẩm trên, năm 1992, Neil Sheehan còn tiến xa hơn trong tác phẩm After the War Was Over, kể về thực tế Việt Nam sau ngày 30/4/1975 như sau:
Người miền Nam và miền Bắc Việt Nam bỏ quê hương, vượt biên, vượt biển tị nạn cộng sản năm 1975.
Người miền Nam và miền Bắc Việt Nam bỏ quê hương, vượt biên, vượt biển tị nạn cộng sản năm 1975. Nguồn K. Gaugler/UNHCR
“… Người Cộng Sản Việt Nam sau chiến thắng 1975 đã cư xử trong mức độ tự kiềm chế đối với kẻ thù bại trận. Nỗi kinh hoàng “tắm máu” không xẩy ra mà chỉ có gần 100 ngàn cựu sĩ quan, viên chức của chế độ Sài Gòn bị giữ trong “các trại cải tạo” ít năm (tùy theo cấp bậc và hồ sơ lý lịch). Chín mươi bốn ngàn tù nhân trong các trại cải tạo đều còn sống và đã được thả hết… Chỉ khoảng 120 người tiếp tục bị giữ tại trại cải tạo cuối cùng gần Hàm Tân, phía đông bắc Sài Gòn.” (3)
Neil Sheehan nhắc lại lời giải thích việc giam giữ 120 người này hoàn toàn vì lý do nhân đạo: “Nếu họ chịu thú nhận các hành vi đã phạm thì họ sẽ được trả tự do …. Giam giữ 120 người này là điều tốt cho họ hơn là đưa họ ra xét xử. Bởi xét xử thì một số người sẽ bị kết án tử hình nhiều lần do các tội ác của họ.” (4)
Riêng từ “boat people”, theo Neil Sheehan, nhắm chỉ những người Trung Hoa bị trục xuất khỏi Việt Nam bằng đường biển do họ có thể trở thành đạo quân thứ năm của Bắc Kinh để quấy phá Việt Nam.
Cách diễn tả của Neil Sheehan cùng số tác giả đồng loại không rời xa cách mà Daniel Ellsberg — một cựu viên chức Ngũ Giác Đài — đề ra từ thập niên 1970 và giữ tới hiện nay. Năm 2002, trong tác phẩm Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Daniel Ellsberg vẫn ghi tại Việt Nam không có cuộc nội chiến nào vì không có vấn đề miền Bắc xâm lăng miền Nam mà “chỉ có người Việt Nam cầm súng chống xâm lược Mỹ để bảo vệ đất nước”, đồng thời cũng không có vấn đề người dân chạy trốn Cộng Sản mà chỉ có chuyện “người dân phải tìm tới các trại tị nạn để tránh bom đạn Mỹ.”
Cách diễn tả đó về thực tế đời sống Việt Nam không chỉ biểu hiện ý đồ đổi trắng thay đen của những kẻ xảo trá bất lương vô liêm sỉ. Vượt xa hơn, cách diễn tả đó còn là hành vi trà đạp lên trăm ngàn thống khổ đẫm máu và nước mắt của hàng triệu nạn nhân, là sự lăng mạ hỗn xược đối với cả một dân tộc và với nhiều triệu người đã trở thành hồn ma uất nghẹn sau những cái chết oan khiên.
Vì thế, chuyên gia Mỹ Robert L. Turner đã hơn một lần thú nhận qua nhiều tác phẩm, nhiều dịp diễn thuyết, là không thể cầm nổi nước mắt mỗi khi chỉ chợt nhìn thấy một sinh viên Việt Nam, thậm chí một sinh viên Á Châu. Turner kể rằng những lúc bất ngờ đó luôn khơi dậy hàng loạt hình ảnh bi thảm kinh hoàng của người dân Việt Nam cố tháo chạy khỏi vòng đai Cộng Sản vào tháng 4/1975, và đã phát biểu “Tôi biết là tôi sẽ đem những hình ảnh đó theo xuống đáy mồ” vì vô phương bôi xóa.
Cùng tâm trạng trên là thượng nghị sĩ James Webb với hình ảnh Việt Nam luôn phơi bày trước mắt là “những thân hình xoay giữa không trung như những bông tuyết, rơi xuống chết thảm khốc sau khi đeo bám tuyệt vọng vào thân trực thăng hay máy bay… những lớp lớp nạn nhân bị vùi lấp tức tưởi giữa biển sâu….” Do đó, James Webb không thể ngưng thắc mắc tại sao có những kẻ được học hành đầy đủ, được sống giữa vùng đất tự do lại đui mù khủng khiếp đến mức trở thành xảo trá tận cùng như vậy. James Webb không thể trả lời nhưng luôn tự dày vò vì “chúng ta và họ đang sống trong cùng một đất nước.” Riêng Turner thú nhận đã mong ước ngược hẳn tâm nguyện là mong ước những kẻ kia cùng hàng loạt tên tuổi lớn — được Turner nêu đích danh — trên chính trường Mỹ giai đoạn 1960–1990 “phải mục nát dưới Địa Ngục” để bảo đảm công lý không bao giờ vắng mặt.
Về cuộc chiến Việt Nam, ngay năm 1953 đã có tác phẩm Histoire d’une Paix Manquée: Indochine 1945–1947 của Jean Sainteny và thời gian sau đó là các tác phẩm của Jean Lacouture, Philippe Devillers… ca ngợi Hồ Chí Minh yêu nước và coi đảng Cộng Sản là lực lượng đấu tranh cho nguyện vọng dân tộc. Cái nhìn của những tác giả này hiển nhiên tương tự các tác giả được nhắc ở trên. Tuy nhiên, lý do thúc đẩy nhận thức của các tác giả này không khó nhận ra.
Trước hết, họ có nhiều cơ hội giao tiếp với nhân vật Hồ Chí Minh và gần như đã trở thành bạn bè, dù tuổi tác chênh lệch. Quan trọng hơn là chính họ không thể chối bỏ cảnh sống tối tăm ngột ngạt của người dân Việt Nam dưới chế độ quan liêu độc đoán bất nhân của thực dân Pháp.
Ngay thập niên 1930, tình trạng bạo ngược với người dân đã phô bày qua các tác phẩm Trente Ans de Tonkin của L.Bonnafont, Vietnam La Tragedie Indochinoise của Louis Roubaud và Indochine S.O.S của nữ ký giả Andrée Viollis với lời tựa của André Malraux. Văn hào Pháp lẫy lừng thuở đó đã phải kêu lên “bất kỳ người Việt Nam nào có lương tâm đều phải chống lại chế độ thực dân Pháp.” Cho nên, đa số thành phần trí thức Pháp thuở đó, dù muốn dù không, đều có xu hướng ngưỡng mộ người đấu tranh chống chế độ thực dân để giành quyền độc lập, nhất là sau vụ chặt đầu 13 liệt sĩ tại Yên Bái năm 1930. Thái độ dứt khoát từ chối ký đơn xin ân xá của các tử tù và yêu cầu cuối cùng chỉ đơn giản đòi được nằm ngửa nhìn lưỡi dao máy chém thả xuống cổ họng mình đã buộc hết thảy phải cúi đầu kính phục.
Giữa thời điểm đó, Hồ Chí Minh giấu kín tung tích cộng sản, khai thác chiêu bài dân tộc nên không ngạc nhiên khi có người tin Hồ Chí Minh yêu nước và đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng đấu tranh cho nguyện vọng dân tộc. Có thể bảo đây là thời kỳ biểu hiện chứng tích cụ thể nhất cho lời nhắc “nhiệt tình cộng với ngu si trở thành phá hoại.”
Từ thập niên 1970, thời kỳ trên đã trở thành dấu tích dĩ vãng nên việc diễn tả hình ảnh yêu nước, cứu nước của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam không do con tim nhiệt tình bị dẫn dắt bởi bộ não ngu si nữa mà khởi từ một dụng tâm nào đó.
Nhưng dù do dụng tâm nào thì thực tế này vẫn bội tăng tính nạn nhân trên thân phận nạn nhân bi thảm của người dân Việt Nam. Vì ngay giữa lúc bị đọa đày dưới đủ loại gông xiềng Cộng Sản, các nạn nhân lại bị khoác cho vai trò nhảy múa ngợi ca chính kẻ cùm xích mình. Những người ngoài cuộc như Robert L. Turner, như James Webb đã phẫn nộ suốt mấy chục năm dài trước thực tế nhơ nhuốc này tương tự cơn phẫn nộ bùng phát giữa thập niên 1960 của văn hào John Steinbeck.
Cuộc thi của blog Dân Làm Báo với kết quả là tuyển tập “Cộng Sản và Tôi” gần như không hề quan tâm tới các luận điệu dối trá đê nhục đang có, nhưng đã đặt thực tế nhơ nhuốc này trước phán quyết cuối cùng của công luận.
Với 70 tác giả thuộc mọi thế hệ, mọi thành phần, mọi xu hướng tản lạc khắp nơi, Cộng Sản và Tôi đã cất lên cùng một tiếng nói, diễn tả cùng một cách nhìn, biểu hiện cùng một tâm tư. Đó là tiếng nói, cách nhìn và tâm tư của những chứng nhân đồng thời cũng là nạn nhân trong giai đoạn lịch sử Việt Nam đặt dưới quyền lực Cộng Sản. Điều này không chỉ nêu một hình ảnh phản biện đối với hình ảnh ngụy tạo chưa ngưng được cổ võ mà còn là động tác lột bỏ những chiếc mặt nạ che đậy các chân tướng bất lương.
Tuy nhiên, các tác giả “Cộng Sản và Tôi” không gói gọn tâm tư trong ý hướng phản biện một mưu toan dối trá đê nhục. Bởi từ từng dòng chữ, người viết dù thuộc thế hệ nào, thành phần nào, đang ở phương trời nào … cũng nặng trĩu ước mong dựng lại cuộc sống Việt Nam không còn dấu vết bi thương đã kéo dài gần một thế kỷ qua tới nay.
Chính ước mong này đã thúc đẩy mọi người cùng cầm bút, thúc đẩy mọi người cùng khẳng định đoạn đường mà Việt Nam phải vượt qua — đoạn đường một chiều bắt buộc với đích đến là đập tan quyền lực Cộng Sản. Chỉ khi đó, cuộc sống ước mong mới có thể hiện hình thành thực tế.
Có thể nói không sợ lầm rằng điểm chính của nội dung tuyển tập “Cộng Sản và Tôi” là nhắc nhở nghĩa vụ bắt buộc của mọi thế hệ nạn nhân để tìm lại cuộc sống cho bản thân và các thế hệ mai sau. Nhắc nhở này vẫn luôn cất lên suốt những ngày tháng qua nhưng chưa bao giờ được cất lên cùng lúc với một tập thể đại diện cho nhiều thế hệ, nhiều thành phần để trở thành biểu hiệu của một ước mong nhất quán như qua nội dung tuyển tập “Cộng Sản và Tôi”.
Cuối cùng, nhắc nhở này cũng chính là di ngôn từ hàng triệu – triệu vong hồn uổng tử đang vơ vất không chỉ trên đất nước Việt Nam mà khắp các vùng biển cả, rừng sâu từng ghi dấu tích bi thương của người dân Việt mấy thập kỷ qua. Chỉ riêng với tính chất này thôi, tuyển tập “Cộng Sản và Tôi” đã tự khẳng định vị thế trong tâm tư mọi người.
Virginia August 19, 2015
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Bài do tác giả nhờ gởi. DCVOnline minh hoạ và ghi chú bổ túc.
(1) “Lịch Sử Kinh Tế VN 1945-2000”, Hà Nội 2004: “Đợt 5, CCRĐ 1955-1956, có 172.008 người bị giết trong đó có 123.266 người bị giết oan.” Đây là tài liệu chính thức của CS và chỉ là con số của đợt 5 chứ không phải tổng số 5 đợt khởi từ 1953.
(2) Hà Cẩn, “Mao Chủ Tịch Của Tôi”: “4900 người bị giết oan trong trận tấn công Huế 1968 khiến uy tín Đảng CS và MTGPMN giảm nặng. Việc đổ tội cho hạ cấp không có hiệu quả.” 
Tạp chí Indochina Chronicle tháng 6/1974 ghi khoảng 6700 người bị giết.
(3) Nguyên văn tài liệu TN/QP-14 Bộ Quốc Phòng CSVN ghi: “Tổng số tù nhân tham gia học tập cải tạo sau khi chế độ Sài Gòn đầu hàng là 1.321.506 người.”
(4) “If they would admit what they’ve done, they’d be released.” “…120 men as preferable to putting them on trial. If they had been tried, “some might have been executed once or twice or several times because of their guilt.”
DCVOnline:(*) Ông Nguyễn Văn Đài là người đang ở trong nước.
(**) Hélène Tournaire. “Livre jaune du Viet-Nam: Enquête en collaboration avec Robert Bouteaud” Reliure inconnue – 351 pages, Librairie Academique Perrin; First Edition (1966)) de Hélène Tournaire (Auteur), Robert Bouteaud (Auteur). Classement des meilleures ventes d’Amazon: 1.161.567 en Livres.
Đọc thêm bài điểm sách “Livre jaune du Viet-Nam” của Pierre Béarn trong mục “Le livre de la semaine” trang 12, báo Nouvelliste du Rhone, Thứ Bẩy 11 và Chủ Nhật 12, tháng Sáu 1966.
(***) David Halberstam, “Ho” (1971), London: Barrie and Jenkins, 120 pages
Đọc thêm nhận xét của Michael Lind về cuốn “Ho” của David Halberstam trong “Vietnam, the Necessary War: A Reinterpretation of America’s Most Disastrous Military Conflict”, của Michael Lind (Simon & Schuster, 1999), pp. 176-178.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...