Sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Alaska không khiến Mỹ bận tâm...
Lầu Năm Góc cho hay 5 chiến hạm của Hải quân Trung Quốc (PLAN-People's Liberation Army Navy) bao gồm 3 tàu chiến mặt nước, một tàu đổ bộ và một tàu tiếp dầu, "đã vô tình đi ngang qua" vùng biển 12 hải lý của hòn đảo Aleutian, giáp biên giới phía nam biển Bering hôm 2/9.
Truyền thông Trung Quốc hoan hỉ, tung hô sự kiện này, coi đó là một "động thái chiến lược khôn ngoan"…Đương nhiên, "động thái" mà Trung Quốc muốn cho Mỹ hiểu thì nhiều, nhưng chắc chắn "động thái" mà Trung Quốc gửi đến Mỹ không thể thiếu là vấn đề Biển Đông.
Trước đây, khi còn yếu, để mặc cả với Mỹ nhưng tránh đối đầu với Mỹ, Trung Quốc gửi đến Mỹ một nửa thông điệp : "Nếu người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người". Giờ đây khi đã mạnh lên, Trung Quốc gửi tiếp cho Mỹ nửa thông điệp (mệnh đề) còn lại : "Nếu người đụng đến ta thì ta sẽ đụng đến người".
Đáng tiếc là Trung Quốc vốn đã, đang đi sau Mỹ và lại mang "bệnh ung thư bành trướng" nên không bao giờ "khỏe mạnh, tỉnh táo" ngang Mỹ và như Mỹ.
Liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Trung Quốc đã đi sau Mỹ rất lâu, hàng thập kỷ về việc phê chuẩn hay không phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS-United Nations Convention on the Law of the Sea).
Mỹ không phê chuẩn UNCLOS, trong khi qua 2 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan buộc Trung Quốc phải phê chuẩn.
Đặc biệt, do Mỹ không có tư tưởng bành trướng chủ quyền lãnh hải (hoặc không cần) nên không phê chuẩn UNCLOS là có thể có lý với một cường quốc số 1 thế giới, điều này không mâu thuẫn với mục tiêu tự do hàng hải càng sâu, càng rộng, trên vùng biển quốc tế càng nhiều, càng tốt, của Mỹ.
Trung Quốc hiện nay muốn từ bỏ UNCLOS có thể cũng không là vấn đề lớn với Trung Quốc nhưng để muốn như Mỹ thì lại không thể vì điều này mâu thuẫn cực kỳ gay gắt với tư tưởng bành trướng, chiếm đoạt lãnh hải.
Bởi thế nên thái độ, hành động của Mỹ và Trung Quốc khi tàu thuyền ai đó vào lãnh hải, chủ quyền hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn :
Trên Biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố (phi lý, phi pháp) là chủ quyền của họ nên sự xuất hiện của Mỹ trên đó luôn bị Trung Quốc cư xử rất hung hăng, quyết liệt thái quá. Nào là đâm va, cắt mặt, dùng loa cảnh cáo, dùng tàu tên lửa bám đuôi…nhưng khi 5 tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải Mỹ thì Mỹ "lạnh nhạt", coi đó là bình thường… "Đây chính là phương thức hoạt động của siêu cường trưởng thành. Khi mỗi lần có tàu chiến hoạt động hợp pháp không cần bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1" (nhận xét của Giáo sư David Tiley về phản ứng của Mỹ ).
Tại sao Mỹ coi đó là chuyện bình thường, còn khuyến khích Trung Quốc cứ "vô tư" đi ? Đơn giản là Mỹ quá mạnh ; đơn giản là có cho kẹo, PLAN của Trung Quốc cũng không dám, không đủ sức để thách thức trực tiếp an ninh trên lãnh hải của Mỹ ở Guam chứ nói gì bờ biển phía Đông Bắc nước Mỹ.
Trung Quốc nắn gân Mỹ ? Mỹ im lặng, khuyến khích cho nắn thỏa mái, có vẻ như Mỹ đang chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng, Mỹ tiếp thu chân thành thông điệp, vế thứ 2 của mệnh đề "nếu" của Bắc Kinh "nếu người đụng đến ta thì ta sẽ đụng đến người" đang chuyển tới nước Mỹ.
Điều Trung Quốc muốn là Mỹ sẽ cuống cuồng điều tàu chiến, máy bay ra để ngăn chặn, xua đuổi, cảnh cáo rầm rộ như một cường quốc bá chủ thế giới khi phát hiện một "hạm đội" Trung Quốc vào lãnh hải. Lúc đó Trung Quốc nở mày nở mặt vì chỉ có Trung Quốc mới dám chơi với Mỹ như vậy, chỉ có Trung Quốc mới dạy cho Mỹ bài học khi lăm le tuần tra trên vùng 12 hải lý của nước khác… nhưng Trung Quốc đã cụt hứng và nhận ra rằng, đây là "động thái chiến lược thiếu khôn ngoan" thì đã muộn.
Mỹ cho đây là hành động bình thường, có nghĩa là Mỹ coi thường Trung Quốc. Và Biển Đông, Trung Quốc hãy đợi đấy ! Nhưng chưa đủ, biển Hoa Đông một ngày nào đó Trung Quốc phát hiện ra tàu ngầm Mỹ cách Thượng Hải 15 hải lý thì Trung Quốc hãy... im lặng học cách xử sự của Mỹ.
Đây không phải là cái bẫy Mỹ giăng ra nhưng chính Trung Quốc làm nên, tự mở ra và chui vào.
Lê Ngọc Thống
Theo Đất Việt, 09/09/2015
*************************
Mỹ xem xét điều tàu chiến tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông (Dân Trí, 09/09/2015)
Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng đưa tàu chiến và máy tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, tôn tạo trái phép ở Biển Đông. Đây được cho là động thái nhằm đáp trả việc 5 tàu chiến của Bắc Kinh đi vào vùng biển Alaska của Mỹ hồi tuần trước.
Trung Quốc có thể xây đường băng dài 3.000 mét trên bãi Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh : CSIS)
Trang điện tử nhật báo Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 6/9 đưa tin, Mỹ đang cân nhắc việc điều các tàu và máy bay quân sự tới gần các đảo nhân tạo trên biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi đắp, tôn tạo trái phép trong thời gian gần đây.
Cân nhắc này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc thông báo phát hiện 5 tàu hải quân của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Bering, ngoài khơi Alaska. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, 5 tàu này đã đi vào khu vực 12 hải lý, nghĩa là đã xâm phạm vào hải phận của Mỹ.
Theo luật pháp quốc tế, các tàu nước ngoài có thể đi ngang qua hải phận của nước khác nếu không có các hoạt động quân sự. Giới chức Mỹ xác nhận chưa phát hiện bất kì hành vi quân sự nào của 5 tàu Trung Quốc nói trên.
Tuy nhiên, sự việc này diễn ra đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm tới bang Alaska và đây được coi như một hành động khiêu khích từ phía Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, bài viết trên nhật báo Nikkei cũng đề cập tới việc Mỹ đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, liên quan đến các vụ tấn công mạng mà Washington cáo buộc Bắc Kinh là thủ phạm.
Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển của Mỹ là vì các lý do chính trị, song một số ứng viên thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng Nhà Trắng cần có thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Những ý kiến này được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ.
Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Obama đã có những phản ứng mạnh mẽ về vụ việc này. Nhà Trắng không muốn dư luận coi đây là một thất bại của những chính sách ngoại giao đối với Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, việc Washington lên tiếng nhanh chóng về sự xuất hiện của các tàu quân sự Trung Quốc tại vùng biển Alaska là nhằm chuẩn bị cho chiến lược điều tàu và máy bay quân sự vào khu vực gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép trên Biển Đông.
Nhật Minh
Theo Nikkei
Comments
Post a Comment