“Để có một cuộc cách mạng xảy ra ở VN là điều không thể” tôi vẫn thường nghe người ta nói thế, kể cả những nhà bất đồng chính kiến có tiếng ở VN và Hải Ngoại. Lịch sử đã chứng minh rằng: “Chỉ có người cộng sản mới diệt được cộng sản”, Liên Xô là một minh chứng cho chân lý đó. Cộng sản quá tinh vi, quá xảo quyệt, quá chuyên nghiệp, quá mạnh, quá độc ác…tất cả đều dẫn tới một kết luận là “quá khó” hay nói đúng hơn là “không thể” lật đổ nếu họ không tự tan rã, tự huỷ diệt lẫn nhau. Nếu VN chỉ có thể có dân chủ và tự do khi cộng sản từ bỏ quyền lực, thì tại sao tôi còn bàn đến cách mạng cho VN để làm gì?
Tôi nghĩ có nhiều người đang cười chế nhạo khi nghĩ về ý định muốn lật để chế độ cộng sản bằng cách mạng bất bạo động, chính tôi cũng đang tự cười cho cái suy nghĩ điên rồ này của mình. Tôi cười không phải vì nghĩ rằng mình điên mà cười vì tin vào điều ai cũng muốn nhưng không ai dám tin, bàn chuyện ai cũng suy nghĩ nhưng ít ai dám đem ra thảo luận. Tôi tin rằng chúng ta có thể lật đổ chế độ cộng sản bằng cách mạng bất bạo động, và vì thế tôi muốn viết ra suy tư của một người trẻ cách để bắt đầu một cuộc cách mạng cho VN.
Quyền lực cộng sản VN đến từ đâu?
Quyền lực của bất kì nhà nước nào cũng đến từ số đông. Dân chủ hay độc tài cũng đều dựa vào phần đông dân chúng ủng hộ. Sự ủng hộ có được lại từ mục đích tồn tại mà ra. Chẳng có nhà nước nào được dân chúng ủng hộ để làm điều ác, tất cả đều bảo vì nhân dân, vì công bằng xã hội, vì dân giàu nước mạnh. Cá nhân có thể mù mờ về mục đích tồn tại của mình trong xã hội, nhưng nhà nước thì không thể mập mờ về điều đó, bởi nếu họ không rõ ràng sẽ chẳng có ai ủng hộ để giao quyền lực vào tay họ. Nhưng mục đích giữa lý thuyết và thực tế nhiều khi khác nhau hoàn toàn. Các nhà nước độc tài là minh chứng cho nghịch lý giữa nói và làm. Bởi thế để bớt đi quyền lực của nhà nước độc tài cần phải làm rõ tính chính danh của họ cho nhiều, nhiều người dân được biết.
Giảm số người ủng hộ, tin tưởng cộng sản cũng đồng thời làm tăng số lượng người chống đối họ, thêm nhiều người theo đuổi nhà nước dân chủ và tự do. Hay hiểu đơn giản cần có một lực lưỡng đối kháng đủ mạnh, đủ lớn để làm cách mạng. Làm cách mạng mà chỉ phù thuộc vào một nhóm người dù có đạo đức, có tri thức tới mấy thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Hay phù thuộc vào sức ép từ quốc tế thì cũng chẳng khác “ôm cây đợi thỏ”. Phải xây dựng và hình thành một tổ chức đối kháng thực sự mới hi vọng về cuộc cách mạng cho VN.
Làm thế nào để xây dựng lực lượng đối khác?
Thực ra thì công việc này đang diễn ra từng giờ, từng ngày trên các trang mạng xã hội. Mạng xã hội có lợi thể để khai dân trí nhưng nó chưa đủ để hoàn thành cái gọi là “lực lượng đối kháng chính trị”. Một rào cản lớn nhất của mạng xã hội trong việc hình thành xã hội dân sự ở VN là thiếu sự tiếp xúc trực tiếp.
Quyền lực cộng sản đến từ số đông nhưng để duy trì quyền lực đó họ cần nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ. Một xã hội nhìn đâu cũng thấy an ninh, nhìn đâu cũng thấy kẻ xấu lợi dụng thì lòng tin là thứ xa xỉ mà chúng ta không dễ để có. Tôi có thể kết bạn với trăm, với nghìn người trên FB nhưng để họ cùng tôi làm một cái gì đó thực tế từ cuộc sống lại là một điều khác. Niềm tin không thể đến từ những bài viết trên FB, bởi cuộc đời đã dạy cho chúng ta rằng: có những kẻ “miệng nói nam mô nhưng đầy một bụng dao găm”. Mạng xã hội có thể giúp nhiều người hiểu về quyền của họ, hiểu rõ bản chất của nhà nước độc tài nhưng không thể giúp hình thành một lực lượng đối kháng chính trị thực sự. Chúng ta có thể có hàng trăm, hay thậm chí hàng triệu facebooker phản đối chính quyền nhưng nếu không xuống đường, không cùng bước chung với nhau trong cuộc đời thì thực sự vẫn chỉ là những anh hùng bàn phím.
Lòng tin giống như xi măng kết dính những vật liệu rời rạc thành một ngôi nhà theo bản vẽ, thiếu lòng tin thì dù chúng ta có đông tới mấy cũng chỉ như cát bụi, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ thổi tất cả bày vào khoảng không vô định. Phải xây dựng lòng tin? Phải tạo ra niềm tin cho nhau, cho mọi người thì mới hi vọng có một cuộc cách mạng cho VN.
Xây dựng lòng tin như thế nào?
Điều gì làm chúng ta nghi ngờ nhau? Đương nhiên là từ cuộc sống, từ kinh nghiệm của người khác và của chính mình. Chúng ta vẫn thường bắt gặp đâu đó những tên công an đội lốt nhà dân chủ, những kẻ cướp khoác áo tu hành, những kẻ buôn bán người dưới mác doanh nhân, những tổ chức lừa đảo dưới cái danh hội từ thiện. Tất cả những điều đó làm chúng ta nghi ngờ những người xung quanh, nghi ngờ luôn cả những người có tâm ý tốt lành. Khi nghĩ về nó tôi cảm thấy bất lực để tiếp tục viết về cách mạng, bởi không thể bắt người khác hoài nghi về mình, và bắt mình hoài nghi về người khác. Nhưng rồi tôi hiểu ra được rằng hoài nghi là điều kiện cần để bắt đầu tạo dựng một niềm tin giữa người với người. Thay vi tập trung loại bỏ sự nghi ngờ tại sao chúng ta không tìm cách xây dựng lòng tin với nhau.
Tôi chỉ tin những ai tôi hiểu, tôi tiếp xúc. Họ là gia đình, là bạn bè, và là những người qua gia đình, bạn bè tôi giới thiệu. Tôi từng có một thời gian tham gia bán hàng đa cấp, và tôi thấy chúng ta có thể xây dựng niềm tin theo mô hình bán hàng đa cấp.
Tôi tin anh A vì đó là người tôi hiểu, tôi quen biết và có mối thân tình lâu năm. Từ anh A tôi quen biết anh B, tôi tin anh B bởi vì đó là người anh A giới thiệu và tiếp xúc với tôi. Đương nhiên giữa anh A và anh B phải có mối thân tình như tôi với anh A thì niềm tin tôi mới nảy nở với anh B. Cứ thế từ anh B tôi quen biết được anh C, anh D…
Chúng ta có thể xây dựng niềm tin qua sự tiếp xúc trực tiếp này và qua những trung gian mà chúng ta thật sự tin tưởng. Nếu điều này áp dụng cho các tổ chức xã hội dân sự thì lòng tin vô hình kết nối từng tổ chức riêng lẻ thành một khối thống nhất mà không đồng hóa với nhau.
Vậy phải chăng khi xã hội hình thành một lực lượng đối kháng đủ lớn và mạnh thì cách mạng đã có thể xảy ra?
Đương nhiên điều đó còn tùy vào sự chuẩn bị của chúng ta. Điều tối thấy thiếu trong xã hội VN ngày hôm nay không chỉ là một lực lượng đối kháng chính trị đủ lớn có ảnh hưởng lên dân chúng, mà còn thiếu tính chủ động, kế hoạch và tâm lí chiến trong các phong trào dân chủ và tự do.
Có mấy ai trong những người bất đồng chính kiến suy nghĩ rằng họ đang trong một cuộc chiến. Tâm lý chiến tranh là điều thiếu trong mọi người, bởi ai cũng nghĩ mình chỉ bị mất tự do, mất quyền lợi là do không hiểu biết, do thờ ơ, do im lặng chỉ cần hiểu biết, cần lên tiếng là sẽ được tự do, được đối xử công bằng trước pháp luật. Chúng ta đã không gọi tên một cuộc chiến và vì thế chúng ta cũng rất bị động trước những đàn áp của chính quyền. Một người lính khi ra trận họ sẽ không thể bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội và dành chiến thắng vì nhờ lên tiếng và hiểu biết về địch mà là nhờ có những phương án đối phó với các chiến dịch tấn công hay phòng thủ của địch.
Bởi thiếu tâm lí chiến, thiếu chủ động, thiếu kế hoạch và một tổ chức đủ lớn nên có ai đó bị đàn áp, bị khủng bổ thì chúng ta cũng chỉ biết kêu gào trên mạng, chỉ biết lan truyền thông tin mà chưa có một sự dấn thân dứt khoát để bảo vệ những người cùng chí hướng với mình. Nhiều người vừa muốn chống độc tài lại vừa muốn độc tài bảo vệ, vừa muốn lật đổ họ lại muốn tính mạng an toàn thì làm sao trọn vẹn đôi đường. Tôi từng nghĩ nếu không có một thế hệ dám chết để đòi hỏi tự do cho mình và cho con em mình thì sẽ còn lâu mới làm lung lay nổi quyền lực cai trị của họ. Và khi độc tài còn cai tri thì sẽ còn nhiều nhiều thề hệ trẻ người Việt bị nhồi sọ, bị tẩy não, sống người không ra người ma không ra ma.
Bòn rút quyền lực của chính quyền độc tài, hình thành lực lượng đối kháng chính trị bằng cách tạo dựng niềm tin, và hoạt động với tâm lí sẵn sàng chịu áp bức có tính chủ động và kế hoạch là cách để VN bắt đầu một cuộc cách mạng bất bạo động. Trên chỉ là những gởi mở rất nhỏ và khá bao quát để bắt đầu một cuộc cách mạng cho VN. Cần nhiều hơn cho một cuộc cách mạng bởi cách mạng đâu chỉ là xóa bỏ cái cũ mà còn là xây dựng cái mới. Một cuộc cách mạng thành công thực sự phải là xây dựng một xã hội không còn bất kì chế độ nào trong lương lai biến thành độc tài.
5-9-2015
Comments
Post a Comment