Thảm kịch tỵ nạn và di dân đang làm rúng động lương tâm thế giới. Năm mươi ba (53) triệu người tỵ nạn, thêm 12 triệu người từ đầu năm 2014. Những người có phương tiện nhất tìm cách di chuyển sang Tây Âu, bằng cả đường bộ lẫn đường biển. Các báo đài mỗi ngày đưa tin hàng trăm người chết đuối trên biển Địa Trung Hải cùng với hình ảnh bi đát của những người tỵ nạn trên đường chạy trốn chiến tranh và bạo lực. Trách nhiệm tại ai? Tại các cuộc nội chiến, tại những chính quyển bạo ngược và lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo? Đúng, nhưng người có trách nhiệm lớn nhất là Barack Obama.
Bức ảnh này cho thấy một người đàn ông Syria, Laith Majid, ôm hai con trong vòng tay của mình, sau một hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến hòn đảo của Hy Lạp Kos bằng một chiếc thuyền phao bị xì phải lên tục bơm hơi cho đến khi tới bờ.
"Một đất nước khổ đau hiện ra trên khuôn mặt của một người cha," MaryFitzger tweet sau khi xem tấm hình đăng trên New York Times.
"Tôi bị choáng ngợp bởi những giọt nước mắt lóe lên chút hy vọng của gia đình này. Đây là lý do tại sao tôi làm những gì tôi làm", nhiếp ảnh gia người Đức Daniel Etter viết.
Riêng trong hai nước Syria và Iraq đã có 17 triệu người tỵ nạn, đa số đã di tản trong năm 2014 sau những cuộc tấn công ồ ạt của lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo tại cả Iraq lẫn Syria. Con số người Syria đã ra khỏi nước và đang xin định cư tại các nước châu Âu được ước lượng là bốn triệu. Số người chết trong trong cuộc nội chiến Syria là khoảng 300.000 người và còn đang tăng lên nhanh chóng.
Hai sai lầm của Hoa Kỳ đã góp phần quyết định cho thảm kịch này.
Abdullah Kurdi, cha của bé Aylan, ôm con lần cuối
Trước hết là tại Iraq. Quyết định tấn công Iraq để đánh đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003 đã là một sai lầm. Tốn kém ước lượng ban đầu là 50 tỷ USD sau cùng đã là hơn 3000 tỷ USD và tình hình đã không ổn định nhanh chóng như bộ tham mưu của Georges W. Bush tưởng lúc ban đầu. Họ cũng đã sai lầm lớn khi giải tán toàn bộ quân đội và cảnh sát của chế độ Saddam Hussein. Tuy vậy cuộc chiến Iraq gần như đã kết thúc khi Obama lên cầm quyền, loạn quân Hồi Giáo đã bị đánh bại và một chế độ dân chủ đã được thành lập. Đó đã là một thắng lợi quá đắt giá nhưng dù sao cũng vẫn là một thắng lợi. Hoa Kỳ chỉ cần tiếp tục yểm trợ chính quyền Iraq mới cho đến khi nó thực sự đủ sức tự lập với tốn kém rất vừa phải. Việc triệt thoái hấp tấp của Obama đã cho phép lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo mạnh trở lại và mở cuộc tổng tấn công mùa hè 2014 với hậu quả mà thế giới đã thấy và buộc Hoa Kỳ phải can thiệp trở lại trong những điều kiện khó khăn và tốn kém hơn nhiều.
Sai lầm thứ hai là tại Syria. Obama thực tiễn và mị dân nhưng lại rất cơ hội nên đã vội vã chủ trương đánh đổ chính quyền Bachar al-Assad khi cuộc cách mạng Ả Rập bùng nổ. Tuy vậy ông đã không dám quả quyết giúp đỡ các lực lượng dân chủ khi chế độ Al-Assad chống trả mạnh mẽ. Kết quả là chế độ Al-Assad vẫn còn đó và lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo đã mạnh hẳn lên. Nó đã chiếm được nhiều giếng dầu và một phần quan trọng các vũ khí mà Hoa Kỳ cung cấp cho chính quyền Iraq và lực lượng dân chủ Syria để trở thành một đe dọa cho hòa bình và tạo ra làn sóng tỵ nạn. Cũng đừng quên hàng ngàn người vô tội bị hành quyết sơ sài và những di tích lịch sử quí báu bị tàn phá.
Obama sẽ được nhớ đến như một trong những chính trị gia mà sự thiển cận đã làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người và gây thảm kịch cho hàng chục triệu người khác. Trách nhiệm của ông rất lớn. Tuy vậy còn một thủ phạm khác. Đó là chế độ tổng thống, chế độ bầu cho một người thay vì cho một chính đảng đã cho phép những người như Obama lên cầm quyền.
Cho tới nay các chuyên gia về hiến pháp và định chế chính trị đều đồng ý rằng chế độ tổng thống đã thất bại ở mọi nước mà nó được đem áp dụng trừ Hoa Kỳ. Họ không thấy rằng nó cũng thất bại ngay tại Hoa Kỳ vì nạn nhân của những sai lầm của Hoa Kỳ thường là những dân tộc khác.
Ban biên tập Tổ Quốc
Comments
Post a Comment