5-9-2015
Việc anh Nguyen Thanh Son và chị Nguyen Thi Thao giới thiệu kinh nghiệm của BBC để tham khảo là rất cần thiết (Theo anh, chị này thì BBC cấm phóng viên bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng xã hội – Nga Pham, Giang Nguyen). Tuy nhiên, nếu bộ quy tắc ứng xử này mà áp dụng ở VN thì Bộ Thông tin phải… rút thẻ của hơn 20 nghìn nhà báo vì đã ủng hộ đường lối của đảng Cộng sản VN.
Trong một nền chính trị đa đảng, các báo muốn có người đọc, muốn người đọc tin là khách quan thì việc đầu tiên là phải tuyên bố phi đảng phái (cho dù báo Mỹ cũng có tờ ngầm ủng hộ Dân chủ, có tờ ngầm ủng hộ Cộng hòa). Nhưng so sánh báo chí Anh, Mỹ với báo chí VN thì cũng giống như so sánh một lít với một kilogram, so sánh hai số hạng không cùng đại lượng!
Tuy nhiên, nhầm lẫn hết sức tai hại ở đây là, các anh chị ấy đã chưa phân biệt được mối quan hệ giữa nhà nước – công dân với quan hệ “chủ – thợ”. Bộ quy tắc ứng xử của BBC và phóng viên là quan hệ hợp đồng lao động. BBC có thể “xử lý” một phóng viên bày tỏ quan điểm chính trị trên Twitter hay FB nhưng nếu chính phủ Anh mà “rút thẻ”(tước quyền hành nghề) một nhà báo nào đó chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị (có thể là trái với quan điểm của đảng cầm quyền) thì chính phủ đó sụp liền.
Thanh Niên có thể cách chức nhà báo Đỗ Hùng nếu trong hợp đồng lao động (hoặc bộ quy tắc ứng xử) có điều khoản cấm phóng viên… hài hước chính trị. Nhưng, Bộ Thông tin rút thẻ của nhà báo Đỗ Hùng thì lại là một sự lạm quyền. Trong một nhà nước (nếu có) pháp quyền thì một cơ quan hành chính không thể tước quyền hành nghề, cũng như tước quyền tự do ngôn luận (ghi trong Hiến pháp) của công dân (chỉ có tòa án mới có thể áp dụng hình phạt tước các quyền hành một số nghề với những công dân phạm một số tội nhất định nào đó).
Chúng ta có thể không đồng tình với cách viết của nhà báo Đỗ Hùng nhưng nếu chúng ta bào chữa cho quyết định của Bộ Thông tin thì có nghĩa là chúng ta đang bỏ phiếu cho một nhà nước không hiến pháp.
Comments
Post a Comment