Đằng-Giao/Người Việt
CLAREMONT, California (NV) – Giáo sư Đại Học Pomona, Thái Cẩm Hưng, hoàn tất công trình nghiên cứu về một đề tài ai ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ làm, nhưng không hề hiểu biết chi tiết về việc ấy: Gởi tiền về Việt Nam.
Cuốn sách có tựa đề 'Insufficient Funds,' tạm dịch là “Không Đủ Tiền.”
Cuốn sách mới của Giáo Sư Thái Cẩm Hưng.(Hình do ông Thái Cẩm Hưng cung cấp)
|
“Không đủ tiền” đã lập tức nhận được giải thưởng Sách Hay Nhất Năm 2015 về Á Châu của Hội Xã Hội Học Hoa Kỳ.
Giáo sư Hưng trả lời nhật báo Người Việt: “Tựa này là do một Việt kiều ở Virginia gặp tôi tại Việt Nam đề nghị.”
“Anh ta kể một hôm ra ATM rút tiền nhưng không được, chỉ thấy biên nhận có dòng chữ: “INSUFFICIENT FUNDS: SORRY YOU CANNOT WITHDRAW MONEY AT THIS TIME. (Không đủ tiền: Xin cáo lỗi, quí vị không thể rút tiền bây giờ).”
Các nhà phê bình gọi đây là một “cuộc nghiên cứu thành công rực rỡ mang tính bước ngoặt,” một tường thuật về tài chánh của người di dân, một “đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối, theo thông cáo báo chí của Đại Học Pomona.
“Tôi nảy ý định viết cuốn sách này là vì tôi nhìn thấy sự tiêu xài gần như vô độ của Việt kiều khi về nước,” giáo sư Hưng nói.
Giáo Sư Thái Cẩm Hưng trong một buổi thuyết Giảng. (Hình: Pomona.edu)
|
“Cho nên tôi muốn tìm hiểu để coi có nguyên nhân gì khiến họ làm như vậy, nguyên nhân sâu xa hơn là khoe khoang, “lấy le””.
Cũng là người Việt di cư, vượt biên đến Mỹ đầu thập niên 1980, nghiên cứu này có ý nghĩa sâu xa cho chính bản thân tác giả.
“Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở tiểu bang Mississippi, tôi từng chứng kiến cảnh cha mẹ tôi gởi tiền về Việt Nam để rồi người nhà trong nước lâm vào cảnh phá sản, mất cả chì lẫn chài,” giáo sư Hưng thuật chuyện.
Một trong những điểm đáng chú ý, ông nhận định rằng rất nhiều mối quan hệ gia đình của người Việt đã bị “tài chánh hóa,” nghĩa là nền tảng tình cảm gia đình được xây dựng dựa trên tiền bạc.
Gởi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam là cách biểu lộ tình thương.
Rất đông gia đình gốc Việt ở nước ngoài gởi tiền cho thân nhân với giá quá đắt, bất chấp sự bấp bênh tài chánh của họ ở ngay tại đây.
Những gia đình này làm chỉ vừa đủ "trên mức nghèo," theo ấn định của chính phủ là $23,000/năm cho gia đình bốn người, hoặc $14,000/năm cho một người.
Thế mà, vì gởi tiền về Việt Nam, họ phải chịu sống cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Họ tự đặt mình vào một tầng lớp mà các nhà xã hội học gọi là “the missing class,” một giai cấp bị lãng quên, trong các cuộc thảo luận về an sinh xã hôi hoặc cơ hội tìm việc làm, giáo sư Hưng ghi nhận.
“Họ tiện tặn, không dám tiêu xài để gởi tiền trên mức họ làm ra cho nên trong khi họ có thể trợ giúp cho thân nhân ở Việt Nam có được cuộc sống thoải mái, bao nhiêu người đã mang công, mắc nợ.”
“Đây là một hy sinh lớn.”
“Khổ nỗi, rất hiếm người nhận tiền ở Viêt Nam thấu hiểu được sự hy sinh này bởi vì chả bao giờ người gởi lại nói thật hoàn cảnh tài chính của mình, của những người đã sang đến Mỹ.”
“Họ muốn để người nhà nghĩ rằng họ đã đạt được “giấc mơ Mỹ” và đón nhận sự nể phục và tôn kính của thân nhân.”
Ở chương Sáu, sách bàn về chuyên gởi tiền lâu dần thành một thói quen.
“Đa số, khi đã gởi tiền vài lần thì thân nhân bắt đầu có hy vọng, trông mong, nên người gởi buộc phải tiếp tục gởi vì không muốn người nhà thất vọng.”
Chương Bảy bàn về tình tạng những đòi hỏi của người trong nước bị cám dỗ bởi những nhu cầu vật chất phải xài đồ ngoại một cách thiếu thực tế nên tạo áp lực thân nhân nước ngoài.
Chương Chín đề cập đến những câu chuyện thương tâm: Một ông và một bà coi việc gởi tiền như một bổn phận, vì gởi quá nhiều tiền trong thời gian dài nên lâm vào hoàn cảnh phá sản.
Xấu hổ và mặc cảm với thân nhân đã khiến họ không dám liên lạc nữa; họ cắt đứt với gia đình. Trong lúc ấy, gia đình ở Việt Nam không hiểu lý do gì.
“Ở góc nhìn khác, khi về nước, những Việt kiều này thường tiêu tiền phung phí khiến thân nhân không thể ngờ rằng Việt kiều người nhà của mình lại có thể lâm vào cảnh túng thiếu ở nước ngoài được.”
Tác giả Thái Cẩm Hưng. (Hình do ông Thái Cẩm Hưng cung cấp)
|
“Tôi xin nhấn mạnh, cuốn sách này hoàn toàn không phê bình hay châm biếm những người gởi tiền được đề cập mà là để chúng ta cảm thông cho họ, cho hoàn cảnh của họ.”
“Tôi có hai cảm giác rất trái ngược khi viết cuốn 'Tiền không đủ," một là buồn và một là thích thú. Buồn cho những cảnh sống quá thê thảm và tạm bợ, còn thích thú là vì những tình thương sâu đậm qua sự hy sinh cho thân nhân.”
Giáo sư Hưng nêu rằng, người di cư có những lợi điểm hơn những sắc dân khác như dân da trắng hoặc da đen nghèo vì họ có chỗ để cho và tiêu xài.
Người Việt di cư tìm được giá trị và nhân phẩm mà họ không thể có được nếu không có quê hương nghèo nàn để quay lại.”
“Tôi cảm động vô cùng khi nghe về quyết định của một số người. Có người cố tình lấy hết tiền trong thẻ tín dụng để gởi về Việt Nam bởi vì họ có được sự hài lòng.”
Nhân phẩm, cảm giác thương yêu gia đình, cảm giác thành đạt là những gì chúng ta tìm được khi giúp đỡ thân nhân ở Việt Nam.
Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2015, ước tính số tiền Việt kiều ở Mỹ gởi về Việt Nam là $6.8 tỷ trong tổng số $12 tỷ từ các nước khác.
Năm 2008, giáo sư Thái Cẩm Hưng cho phát hành cuốn sách khác mang tựa đề “For Better or for Worse: Vietnamese International Marriages in the New Global Economy,” tạm dịch: “Tốt Hơn hay Tệ Hơn: Những Cuộc Hôn Nhân Quốc Tế của Người Việt Trong Bối Cảnh Kinh Tế Toàn Cầu Mới."
Phụ lục:
Ước Tính Tiền Gởi Về Việt Nam Năm 2015: $12 tỷ
American Samoa: $1 triệu
Úc: $1 tỷ
Áo: $15 triệu
Azerbaijan: $1 triệu
Bangladesh: $80 triệu
Belarus: $1 triệu
Bỉ: $10 triệu
Bulgaria: $2 triệu
Cambodia: $111 triệu
Canada: $843 triệu
Trung Quốc: $124 triệu
Cộng Hòa Czech: $209 triệu
Đan Mạch: $47 triệu
Phần Lan: $25 triệu
Pháp: $53 triệu
Đức: $647 triệu
Guam: $2 triệu
Hong Kong: $53 triệu
Hungary: $14 triệu
Iceland: $3 triệu
Ấn Độ: $2 triệu
Ireland: $7 triệu
Italy: $21 triệu
Nhật: $167 triệu
Bắc Hàn: $2 triệu
Nam Hàn: $522 triệu
Lào: $34 triệu
Malaysia: $109 triệu
Moldova: $1 triệu
Mông Cổ: $1 triệu
Hà Lan: $58 triệu
Tân Caledonia: $4 triệu
Tân Tây Lan: $26 triệu
Na Uy: $72 triệu
Philippines: $1 triệu
Ba Lan: $12 triệu
Nga: $52 triệu
Cộng Hòa Slovak: $6 triệu
Tây Ban Nha: $6 triệu
Thụy Điển: $74 triệu
Thụy Sĩ: $58 triệu
Thái Lan: $62 triệu
Timor-Leste: $1 triệu
Ukraine: $11 triệu
Anh: $124 triệu
Mỹ: $6.8 tỷ
Uzbekistan: $2 triệu
(Nguồn: Migration and Remittances Factbook 2015 - World Bank)
Comments
Post a Comment