Skip to main content

Mồ côi trên đỉnh Cao nguyên!

phi trường Cù Hanh (Pleiku)

đoàn xuân thu
Thưa, Quân đoàn II, thời mình, gồm 7 tỉnh Cao nguyên Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức và Lâm Đồng; 5 tỉnh duyên hải: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đặc khu Cam Ranh.
Vùng Cao nguyên là chặng cuối của Đường mòn Hồ Chí Minh, là đầu cầu của tuyến đường Trường Sơn, mà Cộng sản Bắc Việt tuồn vũ khí, đạn dược vào, nhằm xâm chiếm Miền Nam Việt Nam.
Và nổi tiếng nhứt, thời chinh chiến, có lẽ là thành phố Pleiku qua bài thơ ‘Còn một chút gì để nhớ’ của thi sĩ Vũ Hữu Định:
Phố núi cao phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ anh khách lạ đi lên đi xuống/ may mà có em đời còn dễ thương.
Phố núi cao phố núi trời gần/ phố xá không xa nên phố tình thân/ đi dăm phút đã về chốn cũ/ một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng.
Em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ nên mắt em ướt và tóc em ướt/ da em mềm như mây chiều trong.
Xin cảm ơn thành phố có em/ xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới/ còn một chút gì để nhớ để quên.”
Còn thành phố Kon Tum thì lại nổi tiếng với trận đánh dữ dội, cực kỳ khốc liệt trong Mùa hè đỏ lửa 1972.
Kon Tum là một vị trí chiến lược vì có Ngã ba Đông Dương (Cũng gọi là ngã ba Tam biên (Việt, Miên, Lào), một cảnh sắc biên cương, một nỗi buồn biên tái!)
Hơn bốn mươi năm về trước, Lê Nguyên Ngữ, một nhà thơ lính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đồn trú tại đây để trấn Trường Sơn, viết:
“Trường Sơn nhón gót trông Lào Hạ/ Mù cuối chân mây sắc lá rừng/ Sừng sững bắc phương thành núi dựng/ Đụng đầu dội ngược gió mây xuân.
Xuân đến áp lưng sườn đá dựng/ Nhìn rừng vây núi núi vây mây/ Chẳng biết phương nào phương cố quận/ Phương nào cũng thấy khói mây bay.
Tráng sĩ đồn quân trên đất lạ/ Đón xuân chẳng tốn pháo mừng xuân/ Nghe trong lòng chảy nghìn sông Dịch/ Nhìn bóng Trường Sơn ngỡ nước Tần…”

Bốn mươi năm sau, cuộc chiến tranh tàn, tưởng chừng đất Cao Nguyên thôi bom đạn, nhà xưa dựng lại, ruộng rẫy, rừng xưa lại xanh lá… ai dè dân còn khổ quá qua bài ký của Matthew Clayfield vừa thăm Kon Tum trở về, đăng trên trang web của đài ABC, Úc Châu, viết về thân phận những đứa trẻ mồ côi trên đỉnh Cao nguyên với tựa đề là: Vietnam’s orphans: Lives of hope and poverty. (Những đứa trẻ mồ côi Việt Nam: Cuộc đời của hy vọng và nghèo đói)
“Từ đồng bằng ven biển ẩm ướt và những cánh đồng lúa hình như kéo dài vô tận, Matthew Clayfield đã trèo lên vùng cao có thể đến 2000 bộ, lẫn trong sương mù của Cao nguyên Trung Phần, Việt Nam để đến Kon Tum, thăm Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4; nơi đang nuôi dưỡng hơn 157 trẻ , mà đa phần là người thiểu số Ba na (Bahnar), đông hàng thứ ba trong 6 sắc dân thiểu số vùng Cao nguyên.
Dân tộc Bahnar tự gọi mình là Degar, nghĩa là những người con của núi. Người Pháp thì gọi họ là dân miền sơn cước. Người Kinh thì gọi những sắc dân thiểu số trên Cao nguyên nầy là người Thượng.
Còn ai có đầu óc kỳ thị chủng tộc, gọi họ một cách khinh miệt là đồ Mọi, là dân tộc bán khai, không văn minh. Cái từ ngữ sặc mùi kỳ thị ‘đồ Mọi’ ngày nay ít ai còn dám mở miệng ra nói.
Trong chiến tranh Việt Nam, những sắc dân thiểu số Cao nguyên nầy thường ủng hộ vì có cảm tình với người Mỹ, dĩ nhiên VC không dễ dàng tha thứ, bỏ qua cho những hành động trong quá khứ nầy.
Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4, thuộc thôn 10, xã Đăk Tờ, huyện Kon Rẫy, cách Kontum khoảng 22 km 6 về phía Nam.
Nguyên tên huyện là Kon Rẫy (một từ vô nghĩa trong tiếng địa phương, vì do CS dốt đặt tên) vốn là một làng cổ tên Kon Braih của người Sedan, có nghĩa là làng Cát.
Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4 nầy do 4 nữ tu thuộc Hội Dòng Ảnh Làm Phép Lạ cùng vài thiện nguyện viên điều hành! Vì thế các Sơ (soeur) phải tổ chức cho các em tự quản và chăm sóc cho nhau.
Vị nữ tu 58 tuổi, Sơ Augustine y Lieng, người thiểu số Sêđăng (Sedang) đã thành lập Trại Mồ Côi nầy vào năm 1999; sau khi nằm mơ thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.
“Người thiểu số sống chủ yếu nhờ săn bắt, hái lượm trong rừng. Mỗi gia đình có từ 5 đến 10 đứa con. Đông quá nuôi không nổi, đành phải cắt ruột mà gởi con cho các vị nữ tu nuôi dưỡng dùm!”
Em Matthew Long, một trẻ mồ côi bảy tuổi, nhưng ốm yếu, suy dinh dưỡng, thân hình trông giống như trẻ vừa lên bốn.
Long được 3 ngày tuổi, mẹ Long đã chết trong khi sinh con. Và theo hủ tục của người thiểu số, Long sẽ bị chôn sống theo mẹ. May mắn thay các sơ đã cứu được mạng sống của em; đem về Trại Trẻ Mồ Côi Vinh Sơn 4 nuôi dưỡng.
Các trẻ mồ côi hoặc trẻ bị cha mẹ bỏ rơi mới vào phải mất từ 2 đến 6 tháng trời, các em mới quen được với môi trường mới.
Khi ký giả Úc nầy đến thăm thì mấy em đang học làm toán trong lớp; có vài em nhỏ hơn đang chạy loăng quăng ngoài sân hay đứng bên ngoài nhón cẳng để nhìn vào.
(Các trường học tại Việt Nam đang nghỉ hè nên có một số thầy cô người địa phương tình nguyện đến Trại để giúp các em học tập. Và lâu lâu cũng có một chủng sinh từ Sài Gòn ra cắt tóc cho các em!)
Trên một vách Trại làm bằng tôn có treo một tượng Chúa Jesus Christ trên Thánh giá được bọc cẩn thận bằng một tấm nilon trắng, cho khỏi bám bụi.
Sáng lúc 5 giờ, các em đã thức dậy, cầu kinh vang vọng. Xong, một vài em lớn quét sân. Những em lớn khác đang sắp xếp chăn màn trong phòng ngủ, và chuẩn bị quần áo cho các em nhỏ đến trường.
Trưa đi học về các em được ăn cơm (hoặc cháo cho những em còn quá nhỏ!). Đồ ăn có bữa là thịt kho, bữa trứng chiên, bữa cá mòi chiên. Cơm chiều cũng na ná như thế.
Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên nơi núi rừng heo hút, và nụ cười tíu tít của các em trước khi đọc kinh đi ngủ làm mình thấy xót xa hơn!
Chúa Nhựt thì toàn thể các em được dẫn đi nhà thờ cách Trại chừng 7 cây số để xem lễ.
Những em còn quá bé thì chen chúc đứng, ngồi lổm ngổm trong thùng sau xe tải của đồn điền cao su. Các em lớn hơn thì sắp hàng lội bộ.
Tan lễ, giáo xứ nhà thờ cho các em ăn khoảng 300 ổ bánh mì ngọt.
Chính các nữ tu là những người Mẹ chăm sóc cho các em được ăn uống, đi học và làm việc để cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chia sẻ và bù đắp phần nào những thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất của các em nơi núi rừng heo hút gió này.
Nuôi dưỡng gần cả hai trăm em như vậy nên Trại cần tới 1,200 ký gạo mỗi tháng, đa phần phải mua chịu trước, trả sau.
Những nhà thờ Công giáo, những người từ tâm, lâu lâu cũng có giúp gạo, mì gói, nhu yếu phẩm!
Các sơ và các em rất biết ơn nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho việc thiếu đói triền miên…
Sơ Bernadine nói: “Hỗ trợ của chính phủ cho Trại Trẻ Mồ Côi nầy chẳng có bao nhiêu. Mỗi em được cấp một số tiền tương đương 15 đô Úc cho một niên học 9 tháng. Ngoài ra không có giúp gì hơn thế nữa”.
Dẫu vậy chánh quyền địa phương thường hay đến kiểm toán, xem thu nhập từ làm rẫy và chăn nuôi bao nhiêu? Tiền hiến tặng từ thiện được bao nhiêu?… Các sơ không dám than phiền vì sợ bị trù dập.
Băng ngang con suối, trước Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4 là mười mẫu đất! Ở đó một vị nữ tu và các em đã lớn nuôi heo, làm bánh mì và trồng bắp, trồng cao su để kiếm tiền cho trại. Con heo đầu tiên của trại mua được là nhờ vào tiền của sơ Augustine mượn của những người bà con ở Sài Gòn.
Những năm được mùa, ruộng rẫy của Trại Mồ Côi nầy kiếm được khoảng 50 triệu đồng tiền Việt Nam, tương đương với khoảng 2800 đô Úc, chỉ đủ cho nhu cầu căn bản cho các cháu mồ côi trong 5 tháng.
Nhà báo Úc đến thăm lần nầy có mang theo nhiều bao đựng quần áo cũ và một trăm ký gạo… chỉ đủ cho các em ăn chưa được tới 2 ngày.
Năm ngoái, có phái đoàn từ Sài Gòn ra ủy lạo và trong đời côi cút, lần đầu các em mới được ăn cái bánh Trung Thu… rồi cứ nhắc hoài… vì ngon quá!
Chưa ở đâu mà trẻ mồ côi nhiều đến như vậy! Thiếu thốn đến như vậy! Tỉnh Kon Tum còn có Trại Mồ Côi Vinh Sơn 1, 2, 3, 4, 5 và 6.
Sơ quản nhiệm Trại Mồ Côi Vinh Sơn 4 nói: “Gia đình tôi cũng là nông dân rất nghèo. Thế nên lòng tôi rộng mở với những trẻ đang lâm vào cảnh khốn cùng cũng giống như tôi”.
Còn các em tương đối lớn khôn đã trải lòng mình: “Từ khi có trí khôn đến nay, em chỉ biết đây là nhà. Em cảm ơn quý sơ và mọi người đã giúp đỡ chúng em, nhưng em luôn mong có ngày gặp lại được cha mẹ”.
Một em khác thì: “Con đang theo học lớp 8 buổi sáng, chiều về con phụ quý sơ làm bánh mì, gấp quần áo cho các em còn nhỏ. Con ráng học giỏi để sau này đi làm, con phụ lại quý sơ”.
Sơ Augustine nói: “Những đứa trẻ mồ côi sau khi được nuôi dạy khôn lớn tới 18 tuổi thì ra ngoài sống, nhưng thường quay trở lại để xin thực phẩm, tiền bạc hay việc làm. Chúng có vợ, có chồng, có con nhưng không thể nào nuôi nổi. Cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo đeo bám các em làm tim tôi quặn thắt!”
Thưa, Chúa đã dạy rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)
“Mỗi mùa Chay Thánh, luôn nhắc nhớ chúng ta hãy trao ban những gì mình đã lãnh nhận, để một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng những gì mình sở hữu thực sự, lại chính là những gì mình đã trao ban”.
Còn chánh quyền CS thì đang mắc bận tập diễn hành, lễ lạc ăn mừng Quốc khánh ở Hà Nội và xây tượng đài 1400 tỷ bạc ở Sơn La.
Thôi còn mong gì ở tụi nó! Mình chỉ còn cách lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách nát… để mong một ngày nào đó đất nước tự do, không còn cảnh kẻ ăn ngập mặt người lần không ra.
Nhà báo Úc đến thăm, ra về, lòng bùi ngùi tấc dạ, “Tạm biệt các em nơi đại ngàn, gởi trao tình thương đến với các em mồ côi nơi rừng núi Tây Nguyên, Việt Nam.”
Thưa ông Matthew Clayfield, ký giả tự do của đài ABC Úc Châu!
Đọc xong bút ký nầy của ông, dẫu ông không cùng màu da, cùng chủng tộc với đồng bào tôi; dẫu quà tặng của ông chỉ là những bao quần áo cũ và một trăm ký gạo cho các em ăn chưa tới hai ngày… Nhưng tấm lòng của ông thiệt quảng đại biết bao!
Tôi xin cám ơn ông!
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
đoàn xuân thu
melbourne

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...