Skip to main content
1

Dân chủ là một ý niệm khó tưởng tượng trong truyền thống Đông Á.  Dân chủ không chỉ hiện hữu trong các khát vọng mà chủ yếu phải là thực tiễn chính trị.  Nếu hiểu theo chiều hướng này thì chưa có giai đoại nào trong lịch sử Trung Hoa có thể lấy làm thí dụ.
Trung Quốc có một truyền thống quân chủ chuyên chế lâu bền và liên tục nhất so với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.  Mô hình chuyên chế đó biểu lộ dới ba dạng thức: chuyên chế quân phiệt, chuyên chế pháp quyền và chuyên chế quan liêu..
Chuyên chế quan liêu chịu ảnh hưởng của Nho Giáo đã có truyền thống đậm nét nhất, liên tục nhất và lâu dài nhất.  Nho Giáo đã tạo Trung Quốc thành một “xã hội luân thường” gồm toàn những con người chức năng và nghĩa vụ.  Họ đã vì luân lý của Khổng Tử mà chịu hy sinh tự do để dựng nên những đế chế tồn tại quá lâu trong lịch sử.
So sánh với các xã hội Tây Phương ta thấy có một sự tương phản rõ rệt.  Cá nhân trong xã hội Tây Phương là loại cá nhân đồng loạt, tương tác hàng ngang trong xã hội. Cá nhân đó buộc phải chấp nhận sự tồn tại của các cá nhân khác trong tư cách đồng hạng, bình quyền và bình đẳng. Loại cá nhân này cần đến các khế ước xã hội, đến pháp luật, đến tư hữu để bảo vệ tự do của mình.  Họ coi tự do là một vấn đề sinh tử, vì thế cho nên một số nước Tây Phương đã nhanh chóng trờ thành dân chủ.
Một ngộ nhận nguy hiểm
Sau cuộc trấn áp Thiên An Môn năm 1989, Đảng CSTQ bị phá sản về mặt đạo đức.  Trong nước gần như không còn ai tin vào những khẩu hiệu mà Đảng vẫn hô hào về xã hội chủ nghĩa.  Ngoài nước mô hình chính trị Trung Quốc bị cả loài người ghê tởm.
Mặc dầu bị tai tiếng như thế, nhưng 20 năm sau, Đảng CSTQ đã tạo được sự ủng hộ mới của quần chúng qua thành tích đã đem lại một sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc và qua cố gắng làm hồi sinh chủ nghĩa Đại Hán.  Những việc này tạo ấn tượng chế độ đang tìm cách tự do hóa, nhưng đây là một ngộ nhận nguy hiểm.
Ưu tiên hàng đầu của Đảng CSTQ vẫn như cũ là nắm giữ quyền lực tuyệt đối.  Tăng trưởng kinh tế không bao giờ dẫn đến dân chủ khi mà chế độ độc tài, độc đảng vẫn còn tồn tại.  Thật ra Đảng CSTQ chỉ đang cố gắng hiện đại hóa chủ nghĩa chuyên chế để thích ứng với thời đại.
Trong khi kinh tế tăng trưởng, Đảng tìm cách liên hiệp với các lãnh tụ kinh doanh, sẵn sàng ủng hộ chế độ chuyên chế để đổi lại sự giàu có.  Thay vì xuất hiện như giai cấp trung lưu với khả năng thách thức chính quyền, nhóm lãnh tụ kinh doanh này ủng hộ đường lối cai trị bằng biện pháp mạnh để dẹp yên những bất ổn trong dân chúng.
Điều đáng chú ý hơn cả là Đảng CSTQ đang tìm cách xuất cảng sách lược nói trên ra nước ngoài và yểm trợ tài chánh cho những nơi mà mô hình “tư bản chutyên chế” này đang được sao lại.  Việt Nam đang nhắm mắt sử dụng chiếc phao cứu vớt đó.  Mô hình tư bản chuyên chế là một thách thức đối với các giá trị dân chủ, một thách thức cần cảnh giác.
Sự lạm dụng nguyên tắc dân chủ
Nguyên tắc dân chủ bị Trung Quốc và các nước độc tài Đông Á lạm dụng nhiều nhất là nguyên tắc “chủ quyền quốc gia”.  Thuật ngữ này xuất phát từ tư tưởng của Macheaveli và Jean Bodin, và qua dòng chảy của lịch sử đã được các quốc gia Âu Châu bồi dưỡng khi ký kết Hiệp Ước Wesphalia (1648)  để xác nhận chủ quyền của Thụy Sĩ và Hòa Lan.  Việc sử dụng ý niệm này rất hạn chế trong thế kỷ 17  và phải đợi đến thế kỷ 20  mới trở thành thông dụng.
Trong Bản Tuyên Ngôn Bangkok năm 1993, một số nước Á Châu đã căn cứ vào ý niệm “chủ quyền quốc gia” để đòi hỏi phía Tây Phương phải tôn trọng lãnh thổ, không được can thiệp vào công việc nội bộ và không được sử dụng “nhân quyền” để tạo áp lực chính tri.
Hiển nhiên là tất cả những nguyên tắc dân chủ và tự do nói trên đều là những sản phẩm của văn hóa Tây Phương nhưng đã được nhóm người bênh vực các giá trị Á Châu đem ra sử dụng một cách lạ kỳ.  Lạ kỳ ở chỗ trong khi họ đả kích dữ dội các ý niệm vềnhân quyền thì họ lại trân qúy một cách quá đáng ý niệm chủ quyền quốc gia.
Họ không hiểu rằng sự phát triển của ý niệm chủ quyền quốc giavà ý niệm nhân quyền là sự phát triển song hành.  Không những thế, giữa hai ý niệm đó còn có ba mối liên hệ mật thiết.
Thứ nhất, quy chế bình đẳng và độc lập của chủ quyền quốc gia trong sinh hoạt quốc tế, chỉ là sự quảng diễn của cùng một loại quy chế ban cho nhân quyền trong sinh hoạt giữa con người và con người.  Nếu nguyên tắc chủ quyền quốc gia được đặt ra để bênh vực những quốc gia nhỏ yếu chống lại sự đàn áp và hà hiếp của các quốc gia lớn mạnh hơn, thì cũng chẳng khác gì trường hợp nguyên tắc nhân quyền được đặt ra để bênh vực những cá nhân và tập thể nhỏ bé chống lại sự lạm dụng của các lực lượng xã hội lớn mạnh hơn.  Cả hai ý niệm đó đều nhằm tái phân phối sự bất bình đẳng về quyền lực.
Ngày nay khi giá trị của ý niệm chủ quyền quốc gia dần dần trở thành lỗi thời thì những nước bị hội chứng thuộc địa ám ảnh vẫn chưa theo kịp đà tiến hóa của tiến trình thay đổi này. Lạ kỳ hơn nữa là khi sử dụng ý niệm chủ quyền quốc gia để lưu ý các nước Tây Phương không được hà hiếp các tiểu quốc đang phát triển, thì chính các tiểu quốc này lại dùng ý niệm đó như một chiếc lá chắn để tự do vi phạm quyền của con dân trong nước họ.  Làm như vậy không chỉ là một sự vi phạm luân lý mà còn hạ thấp tư cách và trình độ văn minh của giai cấp lãnh đạo quốc gia họ trước mắt cộng đồng thế giới.
Thứ  hai, nếu xét về phương diện chức năng thì nhân quyền còn bổ túc cho chủ quyền.  Thật vậy, trong thời kỳ Trung Cổ, cá nhân chỉ sống và phụ thuộc vảo quyền hành của những đơn vị dân cư nhỏ như bộ lạc, xóm làng…   Sang thời hiện đại, những cấu trúc xã hội này bị loại bỏ để nhường chỗ cho Nhà Nước.  Chính vì có sự thay đổi này mà Nhà Nước nắm trong tay một quyền lực quá lớn, đã đe dọa nhân quyền.  Trái lại, cá nhân chỉ có tay không nên khó có thể bảo vệ những quyền tự do bẩm sinh của chính mình.
Vì thế, người ta nghĩ ra ý niệm nhân quyền để trang bị cho cá nhân phương tiện tự bảo vệ hầu chống lại sự bạo ngược của kẻ cầm quyền.  Đó là một bài học về liên hệ chức năng giữa hai ý niệm chủ quyền và nhân quyền không thể nào không biết tới.
Thư ba, giữa chủ quyền và nhân quyền còn có một liên hệ khác về phương diện luân lý.  Về mặt này, người ta đưa ra quan điểm Nhà Nước không được phép ỷ vào quyền lực của mình để vi phạm nhân quyền.  Trái lại Nhà Nước có trách nhiệm phải bảo vệ những quyền đó.  Trách nhiệm này là trách nhiệm giải phóng con người khỏi sự quản chế quá chặt chẽ của bộ lạc, xóm làng, mà Nhà Nước đã được nhân dân giao phó.  Cho nên chủ quyền phải được nhân quyền bổ túc và tăng cường để có chính danh tồn tại.
                                                                                    *
Chủ quyền có thể mang tính tuyết đối trong sinh hoạt quốc tế giữa các quốc gia với nhau để thực hiện bình đẳng, nhưng không thể được coi như vô giới hạn trong snh hoạt quốc nội. Từ thực tế này, có thể khẳng định rằng : không có chủ quyền nếu không có nhân quyền và can thiệp vào sự đàn áp nhân quyền của một quốc gia không phải là can thiệp vào việc nội bộ của xứ này.
Những người muốn làm giảm giá trị của các ý niệm nhân quyền Tây Phương thường nói rằng : “Thế giới được phân chia thành hai khu vực văn hóa : khu vực Á Châu gồm các nước Đông Phương và khu vực Tây Phương gồm các nước Âu Châu và Bắc Mỹ.  Cho nên mọi xâm phạm của bên nào vào lãnh vực văn hóa của bên kia phải được coi như một “hành động đế quốc văn hóa” và mọi giá trị văn hóa mỗi bên nêu ra chỉ có giá trị tương đối.
Thật ra, nếu muốn vô tư thì phải nói rằng, thế giới không có hai hệ giá trị văn hóa ngang hàng Tây Phương và Đông Phương. Nếu phải so sánh hai nền văn hóa này thì chỉ có thể là sự so sánh giữa cái “hiện đại” và cái “lỗi thời”.  Tây Phương với sức phát triển về mọi mặt tương trưng cho cái ‘hiện đại”.  Còn Đông Phương với sự tụt hậu về mọi mặt tượng trưng cho cái “lỗi thời”.  Bằng chứng dễ nhận biết nhất là các “giá trị” Á Châu đã tỏ ra bất tương hợp với các giá trị hiện đại của nhân loại như nhân quyền và dân chủ.
Kết luận .
Cách nhìn và sự lưỡng phân tuyệt đối nói trên không được người Tây Phương công nhận, vì chủ nghĩa dân chủ tự do với sự nhìn nhận các quyền dân sự, chính trị và các quyền của thiểu số không xa lạ gì đối với Á Châu mà trái lại còn phù hợp với điều kiện của vùng này.  Giữa hai chủ nghĩa thật ra không có bất cứ một tình trạng đối chọi nào như nhiều người tưởng tượng.
Nhìn vào tình trạng thay đổi hiện nay ở Á Châu, ta thấy sự phát triển kinh tế đã kéo theo hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng và sự lan tỏa của kinh tế thị trường vào các ngõ ngách của xã hội. Kinh tế thị trường cũng kéo theo sự phổ biến việc sử dụng nhân tài, tinh thần thi đua trong mọi lãnh vực, cơ hội nâng cao giáo dục quần chúng, nâng cao hiểu biết kỹ thuật  và nới rộng hoạt động thông tin.  Tất cả những thay đổi đó đều là những lực phát triển theo hướng hỗ trợ cho tính phổ quát của cá nhân chủ nghĩa.
Nói như vậy để chứng minh là các dân tộc Á Châu không xa lạ gì với tiêu chuẩn của tự do nhân quyền trong dĩ vãng cũng như trong hiện tại và chủ nghĩa tự do không phải là khó chấp nhận đối với các dân tộc trong vùng./.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...