Ngày 22-5-2016 VOA đưa tin với tựa đề : “Tân chính phủ Việt Nam chuẩn bị ra mắt ông Obama” với câu kết thúc :
“Tháng trước, Việt Nam miễn nhiệm trước thời hạn một loạt các vị trí chủ chốt trong chính phủ, … .. việc làm đó nhằm chuẩn bị cho tân chính quyền “ra mắt” kịp trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ”.
Người ta khá là ngạc nhiên trước lời lẽ của bài viết này. Nó có vẻ như quan hệ giữa Mỹ và CSVN trong “triều đại Nguyễn Phú Trọng” là quan hệ mẫu quốc với chư hầu, Tổng thống Mỹ đến VN để làm lễ tấn phong tân nội các?… Đây là lời của VOA ( Tiếng nói của quốc gia Mỹ ) chứ không phải là lời đoán quẻ của các tiến sĩ giấy.
Phải chăng giờ đây quan hệ giữa Mỹ và CSVN còn mật thiết hơn triều đại Nguyễn Tấn Dũng; một triều đại được đánh giá là thân Tây Phương nhất ? Có lẽ là không phải, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Nguyễn Phú Trọng là người tiếp tục thân Mỹ sau Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài Nguyễn Phú Trọng, bộ sậu Bộ chính trị của CSVN cũng không ai tỏ dấu hiệu muốn tiếp bước Nguyễn Tấn Dũng. Trái lại BCT/CSVN công khai đòi hỏi Tổng thống Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với nước Cọng sản Việt Nam để chứng tỏ sự tin tưởng nhau, hợp tác với nhau như là đồng minh.
Đồng minh hay là liên minh ?
Trước sau Mỹ chưa bao giờ tuyên bố sẽ đi tới quan hệ đồng minh với nước Cọng sản Việt Nam, nhưng họ luôn luôn kêu gọi một liên minh cùng nhau chống lại Trung Cọng trên Biển Đông. Một khi liên minh thì có nghĩa là cùng nhau hợp tác trong một mục đích nào đó, có tính cách giai đoạn chứ không dài lâu.
Và một khi không đồng ý được với nhau thì có quyền chia tay, mỗi bên có quyền đi theo hướng riêng của mình. Cho nên không có hứa hẹn, không có cam đoan, cam kết, không có chuyện “mấy tốt” hay “mấy chữ vàng”. Tất cả đều sòng phẳng cho từng mục và từng giai đoạn.
Vì vậy hiện nay Mỹ không thể nào tiến tới đồng minh với CSVN như là CSVN mong đợi. Vả lại Mỹ cũng chưa giải quyết xong món nợ đồng minh với nhân dân Miền Nam Việt Nam. Và Mỹ cũng chưa giải quyết xong chuyện nồi da xáo thịt trong nội bộ nhân dân Mỹ vì cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hội nghị mổ xẻ những tranh cãi về chiến tranh Việt Nam của 5 ngàn người Mỹ tại Austin, TX trước khi Obama đi Việt Nam đã cho thấy vết thương trong lòng dân Mỹ vẫn còn đang còn chờ bộc phát chứ chưa giải quyết xong. Chẳng qua là lâu nay người ta đợi cho thời gian sẽ phôi pha nhưng những phát biểu trong hội nghị vừa rồi cho thấy mọi chuyện vẫn chưa qua.
Giờ đây chính phủ Mỹ chưa trả lại danh dự cho những chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại VN, chưa trả lại niềm tin cho nhân dân Miền Nam Việt Nam thì chính phủ Mỹ không có tư cách gì để tiến tới tình đồng minh với CSVN. Lâu nay CSVN nêu tiêu chí “tiến tới đồng minh với Mỹ” chỉ nhằm tranh thủ sự đồng tình của dân chúng mà thôi. Dĩ nhiên dân chúng Việt Nam sẽ rất mừng nếu được “kết đồng minh” với Mỹ.
Không phải là đồng minh thì không thể mua mọi loại loại vũ khí của Mỹ
CSVN cũng luôn luôn đòi hỏi Mỹ phải tỏ ra thành tâm thành ý liên minh với nhau bằng cách bán mọi loại vũ khí mà phía “bạn CSVN” thấy cần. Nhưng nước Mỹ có một đạo luật cấm buôn bán vũ khí với các nước Cọng sản hoặc các nước có đường lối, chính sách chống lại nhân loại ( Đạo luật Jackson-Vanik ). Một trong những chính sách chống lại nhân loại là không có nhân quyền.
Do đó CSVN không thể nào đòi hỏi chính phủ Mỹ phải bãi bỏ hoàn toàn luật cấm buôn bán vũ khí cho Cọng sản, tức là bãi bỏ đạo luật Jackson-Vanik. Hơn nữa, quốc gia nào cũng có luật hạn chế những loại vũ khí của nước mình bán ra nước ngoài. Cho nên việc CSVN đòi hỏi Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí chỉ có có tính cách trả treo chính trị chứ không thực tế.
Ngoài ra, có những loại vũ khí tối tân mà Mỹ có thể bán cho đồng minh đều phải nằm trong những quy định sử dụng sao cho những bí mật kỹ thuật của loại vũ khí đó không thể nào bị ăn cắp để bán cho nước khác. Cho nên dỡ “rào cản” ( barrier ) không có nghĩa là tháo bỏ rào cản.
Riêng giữa Mỹ và CSVN thì vấn đề bán những chiếc máy bay do thám PE.3 vẫn còn lấn cấn bởi vì CSVN đòi hỏi phi hành đoàn phải là người của CSVN. Nhưng phía Mỹ thì lo ngại có thể phi công CSVN lái máy bay đáp xuống đảo Hải Nam, hoặc nhân viên trong đoàn có thể đánh cắp bí mật kỹ thuật của các thiết bị để đem bán.
Ngược lại phía CSVN lại không muốn phi hành đoàn trên máy bay do thám là người Mỹ gốc Việt bởi vì nó chứng tỏ không tin tưởng nhau, trong khi trên danh nghĩa họ là chủ bỏ tiền ra mua các chiếc máy bay đó.
Thỏa thuận điều kiện mua bán xong thì mới hợp thức hóa giấy tờ nhân quyền
Một khi Mỹ và CSVN đã thỏa thuận mua bán một loại vũ khí nào đó thì sẽ ký hợp đồng mua bán. Nhưng muốn ký hợp đồng phải xin phép Quốc hội. Và Quốc hội chỉ chấp thuận gia hạn bỏ qua đạo luật Jackson-Vanik trong năm có ký hợp đồng để hợp pháp hóa tình trạng mua bán một loại vũ khí nào đó với một nước Cọng sản.
Vì vậy lâu nay phía Mỹ vẫn buộc phía CSVN phải đính kèm vấn đề nhân quyền với việc mua bán vũ khí. Hay nói một cách ngược lại, khi nào CSVN và Mỹ đã đạt được thỏa thuận mua bán thì lúc đó chính phủ Mỹ mới chạy giấy chứng nhận CSVN “đã có tiến bộ” về nhân quyền.
Không có một tiêu chuẩn nào ấn định như thế nào gọi là “đã có tiến bộ về nhân quyền” cho nên chỉ khi nào Mỹ tuyên bố CSVN đã có tiến bộ về nhân quyền thì người ta biết rằng hai bên đã thỏa thuận xong một thương lượng nào đó, về kinh tế hay về chính trị.
Một ví dụ có thể minh họa : Ngày xưa các quản giáo CSVN nói với những người bị giam trong trại tập trung rằng “Khi nào các anh học tập tốt thì các anh sẽ được thả về”. Nhưng nếu những trại viên hỏi lại “Như thế nào thì gọi là học tập tốt?”. Thì câu trả lời sẽ là “Khi nào các anh được thả về thì các anh biết rằng các anh đã học tập tốt” (sic).
Nghĩa là không có gì ấn định thế nào là học tập tốt, chuyện “tốt” đó chỉ là chuyện bịp thế gian. Còn thực tế là khi nào người ta muốn thả thì người ta nói “tốt”. Chuyện nhân quyền của Mỹ cũng y như vậy. Chỉ khi nào người ta thỏa thuận với nhau về một cuộc mua bán nào đó thì người ta sẽ tuyên bố CSVN đã có nhân quyền. Còn nếu như cuộc thương lượng mua bán bất thành thì người ta nói là “bất thành vì CSVN chưa có nhân quyền”.
Phải chăng là việc mua bán vũ khí không cần điều kiện nhân quyền ?
Ngày 23-5-2016 phóng viên VOA đưa tin từ Hà Nội :
“Tại cuộc họp báo chung ngày 23/5 cùng Tổng thống Mỹ, với tư cách chủ nhà, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang là người đã đầu tiên đưa ra thông tin Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ông Quang phát biểu: “Việt Nam đánh giá cao quyết định của Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Việc này cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn”.
Lời phát biểu trên đây của ông Quang cho thấy lệnh giải tỏa cấm bán vũ khí khiến cho ông vui mừng vì “quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn”, chứ không phải vui mừng vì ông có trong tay những thứ vũ khí khả dĩ có thể chống TC. Đối với ông Quang thì việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí chỉ có ý nghĩa là “Mỹ sát cánh với CSVN”. Còn chuyện bình thường hóa thì hai bên đã bình thường hóa từ 20 năm về trước.
Tuy nhiên câu phát biểu tiếp sau đó của ông Obama đã “khoanh vùng” ý nghĩa tuyên truyền của ông Quang : “ Cũng như các đối tác quốc phòng khác, việc bán vũ khí sẽ phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, kể cả những gì liên quan đến nhân quyền”.
Và bản tin của VOA cũng nhấn mạnh : “Tổng thống Mỹ cũng lưu ý việc bán các mặt hàng quân sự cho Việt Nam sẽ được xem xét về tính phù hợp của từng trường hợp một và điều này cũng áp dụng ngay cả với các đồng minh của Mỹ”
Nghĩa là Mỹ dỡ thanh chắn ( barrier ) “cấm bán vũ khí sát thương” cho chiếc xe mua vũ khí của CSVN chạy ra khỏi cổng. Nhưng thực ra những gì chứa trong xe chỉ được chất lên sau khi đã được kiểm soát bởi đạo luật Jackson- Vanik, tức là phải hội đủ tiêu chuẩn về nhân quyền. Và rồi sau khi chiếc xe chạy qua thì thanh chắn lại được hạ xuống như cũ. Lần sau muốn mua thì phải mang theo giấy chứng nhận nhân quyền mới.
Ảnh hưởng chính trị của lệnh dỡ rào cản cấm vận vũ khí
Báo chí trong nước và quốc tế nhanh chóng loan tin lệnh dỡ bỏ cấm vận vũ khí của ông Obama như là một bùng nổ quan trọng. Trong khi sự thực thì đâu vẫn vào đấy, vẫn là tùy từng trường hợp và tùy điều kiện nhân quyền.
VOA đưa tin :
“ Bày tỏ quan điểm của mình với VOA Việt ngữ về sự kiện này, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:
“Bởi vì nếu chính phủ Việt Nam đặt mua các vũ khí tối tân của Mỹ thì đó là để bảo vệ đất nước Việt Nam trước những đe dọa của nước ngoài, chứ không dùng những vũ khí tối tân, hạng nặng ấy để đối xử với nhân dân của mình. Chắc chắn đó là những vũ khí để bảo vệ tổ quốc, chứ không phải là những vũ khí để đàn áp nhân dân chẳng hạn”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đinh ninh lâu nay Mỹ cấm bán vũ khí cho CSVN chỉ vì sợ chính quyền đem vũ khí đó đi giết dân (sic)… Giáo sư dân biểu của CSVN mà còn suy nghĩ cao siêu đến như vậy thì những người dân trong nước với trình độ học trò của giáo sư sẽ lầm đến mức nào nữa !?
Trong khi đó tại Mỹ những người Mỹ gốc Việt cảm thấy hụt hẫng, không ít báo chí Việt ngữ cho rằng Obama đã biếu không vũ khí lợi hại cho CSVN mà chẳng lấy lại một xu nhân quyền nào cho dân chúng Việt Nam. Họ trách ông Obama, và trách Mỹ.
Thực ra họ không hiểu Mỹ. Và vì không hiểu cho nên họ đánh giá cao lời tuyên bố của ông Obama tại Hà Nội. Thực ra lời tuyên bố đó cũng như không, từ trước tới nay Mỹ luôn luôn khẳng định việc bán vũ khí phải đi đôi với nhân quyền. Bởi vì đó là quy định của luật pháp nước Mỹ, chứ không phải vì áp lực của các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền.
Còn đối với dân chúng trong nước thì họ không lo bị đàn áp bởi vũ khí của Mỹ, mà họ lo không có công ăn việc làm. Thay vì mong ông Obama tuyên bố dở bỏ lệnh cấm bán vũ khí thì dân chúng Việt Nam mong ông Obama hãy khẳng định rằng kế hoạch TPP có thực hiện được hay không để họ biết đường mà liệu hướng làm ăn cho tương lai.
Thực ra ông Obama có đề cập tới vấn đề đó : “Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì bản thân tôi sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa đến Mỹ. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất”.
Nhưng người Việt tin lời ông Obama được bao nhiêu phần trăm khi mà VOA đưa tin : “Một thượng nghị sĩ Dân chủ khác, Dick Durbin của bang Illinois, nói không ai trong số những ứng cử viên tổng thống còn lại Donald Trump, Hillary Clinton và Bernie Sanders ủng hộ TPP”.
Tất cả những người có thể kế vị Obama đều không ủng hộ TPP thì những lời động viên hão của ông Tổng thống sắp về vườn chỉ là những lời gió thoảng mây bay. Kế hoạh TPP sẽ ra đi cùng ông Obama.
BÙI ANH TRINH
Comments
Post a Comment