Chuyện bắn 21 tiếng đại bác để chào đón các vị lãnh đạo quốc gia, hay trong những buổi lễ quan trọng, hoặc để tôn vinh một nhân vật nào đó đã từng có công cho đất nước là nghi thức rất là bình thường xảy ra trên thế giới này.
Tuy nhiên, chuyện bắn 21 tiếng đại bác để chào đón lãnh đạo của các quốc gia là chuyện không phải ai cũng được vinh dự này. Để được vinh dự này, (1) người đó được quốc gia đón nhận quý trọng (2) hoặc là vì lý do chính trị mà quốc gia đón nhận phải đón chào bằng 21 tiếng súng đại bác.
Trong hai ngày thăm viếng của ông Tập Cận Bình đến VN trong ngày 5 và 6 tháng 11 năm 2015 thì ông Tập Cận Bình được vinh hạnh đón nhận nghi thức này. Câu hỏi được đặt ra là 21 tiếng đại bác này mang ý nghĩa gì với nhà cầm quyền VN, đồng thời mang ý nghĩa gì với những người yêu nước nhưng không yêu đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn?
Ý nghĩa 21 phát đại bác đối với nhà cầm quyền VN
Nhà cầm quyền VN, dưới sự lãnh đạo của đãng csvn, họ rất “tài giỏi” trên lãnh vực ngoại giao, đặc biệt là chuyện đi dây giữa các nước lớn để thủ lợi cho đãng csvn. Điều này đã chứng minh trong quá khứ khi mà thời chiến tranh Nam – Bắc, đãng csvn đã đi dây giữa Trung Quốc và Liên Xô để nhận viện trợ từ hai phía trong vài trò tay sai của quốc tế cộng sản.
Khi Nguyễn Phú Trọng qua Mỹ và được Tổng Thống Obama tiếp đón tại Phủ Tổng Thống, một sự tiếp đón hiếm có cho một nhân vật không phải đại diện cho chính quyền, mà là đại diện cho đãng csvn. Có lẽ với sự vận động của nhà cầm quyền VN, sự “tài giỏi” trong ngoại giao của họ đã thì thầm với bên đại diện của ông Obama là mặc dù Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư của đãng, không phải đại diện cho nhà nước VN, nhưng quyền hành và mọi quyết định của nhà nước VN đều phải qua đãng csvn, cho nên chức vụ Tổng Bí Thư còn cao hơn là đại diện của một vị thủ tướng. Và có lẽ chính vì thế, đại diện của bên ông Obama chấp nhận đón tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Tổng Thống mặc dù vài tháng trước khi qua Mỹ, lịch trình gặp Obama không hề được bên Mỹ đón nhận. Nhưng rồi cuối cùng sự muốn gặp Obama của ông Nguyễn Phú Trọng đã xảy ra như ý muốn của ông Trọng. Có thể nói rằng, đây là bước ngoại giao thành công của VN trong chuyến công du Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng. Tạm thời bỏ qua giả thuyết là Mỹ có mục đích chính trị bên trong, cao hơn con cờ VN đang đi, cho nên Obama chấp nhận đón tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Tổng Thống.
Rồi sau đó Nguyễn Phú Trọng qua bên Nhật để xin viện trợ với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cả Nhật và Mỹ biết rằng đãng csvn không hề quan tâm đến chuyện biển đảo bởi qua thái độ của nhà cầm quyền VN, người dân bình thường trong nước (và ngoài nước) còn thấy được sự nhu nhược và hèn nhát của đãng csvn đối với Trung Quốc — thì với những quốc gia như Nhật và Mỹ, lúc nào cũng có những nhà chuyên gia quốc tế nhìn sự kiện cho đúng bản chất thật của vấn đề thì làm sao họ không thấy điều đó (hèn với giặc nhưng ác với dân của đãng csvn). Tuy nhiên, cả hai muốn sử dụng thế cờ TPP vào VN, muốn viện trợ cho VN để mục đích phục vụ quyền lợi cho Nhật và cho Mỹ. Họ thấy đảng csvn đang cần họ nhiều hơn nhưng theo lối ngoại giao quốc tế, họ rất ưu đãi những nước nào có thể đem lại lợi cho họ và luôn luôn ứng xử với đãng csvn như là một vị thượng khách. Chúng ta cần phải hiểu một sự thật là bất cứ sự viện trợ nào của quốc gia bạn cho một quốc gia khác đều là sự viện trợ hai bên điều có lợi, và quốc gia cho viện trợ luôn luôn là quốc gia có lợi nhiều hơn. Và vì thế, chuyện VN được thông qua để vào TPP, chuyện Nhật viện trợ tàu tuần dương và những viện trợ khác nhằm mục đích để phục vụ quyền lợi của họ nhiều hơn cái số tiền mà họ bỏ ra.
Đối với Trung Cộng, họ từng biết là đãng csvn đã tình nguyện làm tay sai quốc tế cộng sản kể từ khi đãng csvn ra đời. Họ cũng biết rằng đãng csvn hoàn toàn tình nguyện làm tay sai cho họ khi hiệp ước Thành Đô đã được ký kết. Khi thế giới cộng sản sụp đổ, đãng csvn hoang mang lo sợ cho chính mình.
Thế là đãng csvn tìm đến Trung Quốc để nhận được sự bảo trợ giống như chuyện vua Lê Chiêu Thống ngày xưa qua cầu viện Trung Hoa (nhà Thanh lúc bấy giờ) nhằm mục đích giữ ngai vàng cho chính mình. Dĩ nhiên nếu đóng vai Trung Cộng thì Tập Cận Bình (TCB) rất là lo cho các thái thú tại VN mà Trung Cộng đã thuần phục trong hiệp ước Thành Đô. Chuyến đi Mỹ và Nhật của Nguyễn Phú Trọng bắt buộc Trung Cộng phải mở chiến dịch phản công lại Mỹ và Nhật. Chuyến đi Việt Nam của TCB là chuyến đi cần thiết để Trung Quốc cạnh tranh lại những thế cờ mà Mỹ và Nhật đang sử dụng Việt Nam cho tiến trình ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh.
Đối với đãng csvn, chuyện TCB đến Việt Nam là lúc đãng csvn tiếp tục chơi màn đi dây để hưởng lợi từ phía thiên triều cũng như từ phía tư bản. Nhưng để màn đi dây được tốt đẹp hơn, đãng csvn tìm đủ mọi cách dập tắt tất cả những cuộc biểu tình chống TCB và đồng thời chào đón TCB bằng 21 tiếng đại bác, một vinh dự lớn dành cho quốc khách. Ở một góc nhìn nào đó thì Trung Quốc thực sự là quốc khách của đãng csvn bởi tất cả kinh tế của VN đều có bàn tay lông lá của Trung Quốc nhúng vào. Tất cả những dự án lớn mang tính quốc gia của VN, Trung Quốc trúng thầu nhiều nhất bởi vì Trung Quốc biết cách đút lót cho các thái thú tại VN. Tất cả những khu chiến lược quan trọng, Trung Quốc mướn dài hạn hơn thời gian luật pháp VN quy định. Chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam để đánh giá xem phản ứng của đãng csvn ra sao và họ thấy rằng phản ứng của csvn rất là yếu mềm. Chính vì thế mà họ chẳng ngần ngại gì bồi đấp những san hô trên biển thành đảo trong vùng Hoàng Sa, Trường Sa mà đãng csvn không làm gì được ngoài chuyện lên tiếng rất là yếu ớt.
TCB đến VN để tiếp tục chiêu dụ các thái thú của mình là hãy cùng nhau đoàn kết để hai bên đều có lợi. Đãng csvn cho TCB nói chuyện tại Quốc Hội Việt Nam với ba mục đích rõ rệt: (1) xoa dịu những đãng viên bất mãn có ý chống lại thiên triều để nghe những lời hứa hẹn ngon ngọt của Trung Quốc; (2) tạo thế chính trị cho chính mình với quốc tế và từ đó tạo thế ép Trung Quốc phải tiếp tục bảo trợ thêm tài chính hầu cứu nguy những món nợ khổng lồ mà đãng csvn đang mang; (3) tiếp tục đi dây giữa các cường quốc để nhận viện trợ hầu cứu nguy kinh tế đồng thời cứu nguy chế độ.
Trung Quốc thấy được đường đi nước bước đu dây của đãng csvn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ở một thế bắt buộc, bằng mọi cách, phải thần phục các thái thú của mình một thời gian nữa, khi mà họ có đủ sức mạnh pháp lý để xóa bản đồ VN nhập vào bản đồ của Trung Quốc. Lúc đó họ sẽ bắt và thu hết tài sản của thái thú thời đại là đãng csvn và thay thế những người do họ tin tưởng vào vị trí lãnh đạo trên phần đất mà họ sẽ chiếm trong thời gian tới, dựa vào luật pháp mà không một quốc gia nào có thể can thiệp.
Như đã nhận định trong sự viện trợ của Nhật và Mỹ cho VN vào TPP — thì sự việc này có lợi cho Nhật và Mỹ nhiều hơn là cho VN. Và khi Trung Quốc đến Việt Nam qua sự viếng thăm của Tập Cận Bình, bao nhiêu hứa hẹn âm thầm giữa hai đãng với nhau trong chuyến công du này, chắc chắn Trung Quốc sẽ có lợi gấp trăm lần mà đãng csvn đang nhận từ Trung Quốc.
Cho nên 21 tiếng đại bác đón chào TCB đối với đãng csvn là quá rẻ tiền, là điều cần phải làm để lấy lòng của thiên triều, cũng như tạo thế chính trị của mình (đãng csvn) hầu có thể thương lượng với các nước khác trong vấn đề đi dây của đãng csvn.
21 tiếng đại bác mang ý nghĩa gì với đại khối dân tộc Việt Nam trong chuyến viếng thăm của TCB?
Nếu chuyện bắn 21 phát đại bác của đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn chào đón Tập Cận Bình (TCB) vào tháng 11 năm 2015 là để thực hiện chiến dịch đi dây của đãng csvn thì đối với đại khối dân tộc Việt, 21 tiếng súng đại bác này mang ý nghĩa gì với đại khối dân tộc Việt?
Ý nghĩa 21 phát đại bác đối với đại khối dân tộc Việt
Trước chuyến viếng thăm của TCB thì cộng đồng mạng ở khắp mọi nơi đã tỏ thái độ chống đối chuyến viếng thăm của TCB. Đối với người Việt ở khắp nơi trên thế giới, thái độ đối xử của Trung Cộng với người Việt là thái độ của thiên triều phương Bắc ngày xưa đang hiện hữu ở thế kỷ 21 của hôm nay. Chủ trương thôn tính Việt Nam của Tàu ngày xưa đang hiện hữu ở thế kỷ 21 hôm nay. Chính vì thế mà cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi chống lại chuyến viếng thăm của TCB tại Việt Nam.
Những cuộc biểu tình chống TCB đã được bộ máy côn (cố ý viết thiếu chữ g) an đánh đập, bao vây nhằm giảm sức mạnh của cuộc biểu tình. Con số người tham gia biểu tình chống TCB quá ít so với con số người biểu tình chống Trung Quốc trong sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan vào lãnh hải Việt Nam năm 2014. Và rồi sự kiện chào đón TCB với 21 tiếng súng đại bác, sự kiện TCB nói chuyện trước Quốc Hội VN mà không hề được trực tiếp truyền hình để xem TCB nói gì. Rồi những xe côn an chạy trên đường phố phóng loa với câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” ở những nơi có người tập trung để biểu tình. Tất cả những hình ảnh trên nói được tinh thần của đại khối dân tộc Việt hôm nay đã bị liệt kháng.
Các thái thú thời đại đã bị liệt kháng là chuyện chẳng có gì phải thắc mắc. Nhưng cả đại khối dân tộc Việt với 4 ngàn năm văn hiến; với sử sách phá Tống bình Chiêm; với Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ; tất cả những hình ảnh đó hôm nay được thể hiện một đại khối dân tộc liệt kháng, hoàn toàn bị liệt kháng trước 21 tiếng đại bác bắn rền trời thành Hà Nội. Đó là 21 tiếng đại bác ăn mừng của giặc phương Bắc, đó là 21 tiếng đại bác chào đón thiên triều của các thái thú thời đại mà đãng csvn là đại diện, đó là 21 tiếng đại bác bắn vào quá khứ của một dân tộc Việt với những thành tích chống sự đô hộ và xâm lăng của giặc phương Bắc hơn một ngàn năm Bắc thuộc và thoát khỏi sự cai trị của thái thú ngày xưa. Cuối cùng đại khối dân tộc Việt hôm nay im lặng, hoàn toàn im lặng trước sự thôn tính và đồng hóa Việt Nam của thế kỷ 21 này.
Cuộc bầu cử và thắng thế của đảng dân chủ Miến Điện do bà Aung San Suu Kyi vào tháng 11 năm 2015 làm cho những người đấu tranh cho một VN dân chủ trong nước mong đợi Việt Nam sẽ như Miến Điện ở tương lai. Đây là sự mong đợi hoang tưởng bởi người dân Miến Điện trong quá khứ đi biểu tình với con số trăm ngàn người và cuộc biểu tình này đã khởi đầu từ năm 1962 với cao điểm là cuộc nổi dậy vào ngày 8 tháng 8 năm 1988 mà người ta gọi là cuộc nổi dậy 8888. Cuộc nổi dậy này khởi đầu là sinh viên và sau đó lan rộng cả nước với sự tham dự của các tu sĩ, giới trí thức, các bà mẹ nội trợ, và trẻ em đứng lên chống nhà quân phiệt Miến. Kết quả cuộc nổi dậy là hơn 3 ngàn người bị nhà độc tài Miến Điện giết chết. Nhưng không vì đó mà dân tộc Miến Điện bỏ cuộc. Họ tiếp tục chống đối nhà cầm quyền độc tài để xảy ra cuộc biểu tình mà người ta gọi nôm na là cuộc cách mạng áo vàng do các tu sĩ Miến Điện và toàn dân Miến Điện tham gia vào năm 2007 cho nền dân chủ của Miến Điện hôm nay.
Nhìn về đại khối dân tộc Việt, các thái thú thời đại đón tiếp thiên triều bằng 21 tiếng súng đại bác, số người Việt biểu tình chống đối với con số có thể chưa đến vài trăm ở mỗi nơi từ Hà Nội đến Sài Gòn. Con số này sẽ không bao giờ, không bao giờ thay đổi được cục diện của Việt Nam. Con số này chứng minh là đại khối dân tộc Việt thực sự liệt kháng, chỉ chờ ngày bản đồ Việt Nam thành bản đồ của Trung Quốc mà trên mặt pháp lý, không một quốc gia nào có thể can thiệp bởi hiệp ước Thành Đô mà đãng csvn và đãng cstq đã ký vào năm 1990.
21 tiếng súng đại bác tiếp đón TCB là 21 tiếng đạn phát tan tất cả sức kháng cự còn lại của dân tộc Việt bằng hình ảnh máu đổ trên mặt của cựu sĩ quan bộ đội Trần Bang trong cuộc biểu tình tại Sài Gòn do côn an đánh đập. 21 tiếng đại bác đã bắn xong nhưng âm vang của nó vẫn còn vang vọng đâu đây trên đất nước Việt với hơn 4 ngàn năm văn hiến. Âm vang tiếng đại bác hỏi chính số đông dân tộc Việt: Tại sao im lặng trước hành động bán nước của đãng csvn, im lặng trước cái ác đang xảy ra cho người Việt Nam do chính côn an Việt Nam áp đặt vào người dân và những luật sư bênh vực cho những dân oan? Tại sao thờ ơ nhìn người đi biểu tình mà không cùng vận động bạn bè, làng xóm mình cùng đi biểu tình? Tại sao chúng ta có 87 triệu dân nhưng sợ hãi 3 triệu đãng viên đang cướp tài sản và mạng sống của đồng bào mình?
Nếu đại khối dân tộc hôm nay nhìn 21 phát đại bác này là tiếng nổ thức tỉnh thì hãy cùng nhau hành động. Các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi mọi người cùng ra ngoài đường biểu dương tính đoàn kết của người dân bằng hình ảnh người từ thành phần sinh viên, học sinh, cựu đãng viên, cựu bộ đội, các nhà giáo, các nhà nội trợ và tất cả các thành phần khác trong xã hội xuất hiện khắp nơi trên thành phố. Khi tất cả mọi người tham gia tiếng gọi này thì lúc đó, từ hình thức biểu dương tính đoàn kết đó sẽ tạo ra làn sóng biểu tình dễ dàng hơn mà điểm tập trung sẽ được thông báo sau khi sức mạnh của đại khối dân tộc lan tràn trên khắp đường phố. Khi số đông xuất hiện trên đường phố để chuẩn bị cho một cuộc biểu tình thì miệng truyền miệng nơi nào cần phải tập trung. Lúc đó 21 tiếng đại bác là tiếng thúc quân của đại khối dân tộc Việt. Còn bây giờ 21 tiếng đại bác này đã phá tan những sức đề kháng còn lại của dân tộc, sức đề kháng quá yếu ớt trước hình ảnh giặc phương Bắc đang hiện diện trên đất nước mình bằng các thái thú thời đại của hôm nay.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 11 năm 2015
New Orleans, LA
Comments
Post a Comment