“Năm 1989, nhân dịp 20 năm ngày mất của ông Hồ chí Minh, ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký của ông Hồ chí Minh đã cùng tôi bàn nhau phải đưa toàn bộ Di chúc ra ánh sáng. Không thể mập mờ mãi được. Không thể quịt của người nông dân một năm thuế.
Ông Hồ chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ tháng 5-1965, sau đó cứ vào tháng 5 hàng năm lại viết lại, viết thêm. Cho nên có tới bốn bản di chúc bổ sung cho nhau. Ông Vũ Kỳ kể chuyện là ngày 2-9-1969, sau khi ông Hồ chí Minh mất, vào buổi tối ông Phạm văn Ðồng đến nơi đặt thi hài ông Hồ. Ông Vũ Ký đưa ra chiếc phong bì lớn đựng cả bốn bản Di chúc. Ông Phạm văn Ðồng đưa cả hai tay ra ngăn lại, “Không, tôi không nhận. Ðây là chuyện hệ trọng, để ngày mai, có đầy đủ bộ chính trị, đồng chí đưa ra.” Sáng 3-9-1969, có đầy đủ Bộ Chính Trị, ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn ấy. Ông Lê Duẩn liền cầm lấy rồi gọi ông Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân vào phòng nhỏ bên cạnh. Ông Duẩn tự quyết định chỉ đưa ra một bản, cắt bỏ, sữa chữa vài chỗ rồi giao cho ông Hoàng Tùng công bố. Tất cả các bản còn lại ông Duẩn giao cho ông Trần quốc Hoàn giữ như văn kiện tuyệt đối bí mật. Cho đến khi ông Trần quốc Hoàn thôi chức Bộ trưởng Bộ Công An và chức ủy viên Bộ Chính Trị (tháng 3-1982), ông Vũ Kỳ không tài nào lấy lại được tập Di Chúc ấy. Chỉ đến khi ông Trần quốc Hoàn ốm nặng, ông Vũ Kỳ mới moi được bí mật qua lời hấp hối của ông Trần quốc Hoàn,” ..trong két sắt đặt ở nhà riêng, ngăn thứ hai, tầng dưới cùng.” Thế là cả tập nguyên bản di chúc được tìm thấy.
Tháng 5-1989, tôi bàn với ông Vũ Kỳ, đặt ông viết một bài báo đặc biệt kể Chủ tịch Hồ chí Minh viết Di Chúc như thế nào, đăng trên tuần báo Nhân Dân chủ nhật do tôi trực tiếp biên tập. Phản ứng của lãnh đạo rất mạnh. Một số ủy viên Bộ Chính Trị đã lên án hai chúng tôi là làm một việc tầy trời, dám công bố văn kiện quan trọng bậc nhất của Chủ tịch Hồ chí Minh mà chưa được phép của Bộ Chính Trị. Trước những cặp mắt nghiêm nghị của bốn ủy viên Bộ Chính Trị Nguyễn thanh Bình, Ðào duy Tùng, Nguyễn đức Tâm, Ðồng sĩ Nguyên và Trưởng ban tư tưởng và văn hóa Trần trọng Tân, ông Vũ Kỳ rất điềm tĩnh. Ông trả lời,” Tôi đâu có công bố Di Chúc, tôi chỉ viết theo yêu cầu của anh Thành Tín ở báo Nhân Dân. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo suốt hai mươi năm nay tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cho đến khi nào toàn bộ Di Chúc của Bác đến được với nhân dân.” Sau đó Bộ Chính Trị phải họp hai lần để bàn riêng về việc này và cuối cùng phải đưa ra Quốc Hội bàn về việc công bố toàn bộ các bản Di Chúc, đồng thời quyết định giảm thuế nông nghiệp trong hai năm, mỗi năm 50%. Ông Vũ Kỳ và tôi rất mừng, cùng nhau cụng một cốc bia, nghĩ rằng thế là bà con nông dân ta bị hy sinh nhiều nhất về người và của trong chiến tranh cũng đỡ khổ được đôi chút.
Riêng về việc xây lăng Chủ Tịch Hồ chí Minh, rất nhiều trí thức, cán bộ và đồng bào cho rằng không nên làm điều ngược với nguyện vọng thiêng liêng của người sắp từ giã cõi đời, nhất là khi nguyện vọng ấy lại cao đẹp. Chủ Tịch Hồ chí Minh yêu cầu không nên phúng viếng linh đình, tốn kém, mong thi hài mình được hỏa thiêu, vậy mà nguyện vọng ấy không được thực hiện. Thi hài ông không được nhập vào đất đai của quê hương, vẫn nằm trong một chiếc lăng đồ sộ mà lạnh lẽo, tốn kém biết bao nhiêu vật liệu và công sức của nhân dân…..
( Trích Hồi Ký “Hoa xuyên tuyết” của cựu Ðại tá Bùi Tín, xuất bản năm 1991, trang 118, 119 , Nhà xuất bản Nhân Quyền )
Comments
Post a Comment