Skip to main content

Một Xã Hội Việt Nam Băng Hoại

Phạm Phú Minh (DĐTK) – Vài nhận xét nhân đọc cuốn Người Việt Nam Tồi Tệ của Lâm Nhược Trần, 359 trang, do Người Việt Books, California, xuất bản tháng 5, 2016. 
Thông tin từ Việt Nam trong ít nhất một hai chục năm qua, ngày càng dày đặc, dù là trên báo lề phải hay lề trái, dù là nhận định của người sống trong nước hay người ở nước ngoài về thăm quê hương, đều cùng nhau đồng ý một điểm: xã hội Việt Nam hiện đang trong tình trạng xuống cấp, ngày càng trầm trọng. Một nhận xét đồng loạt như vậy về sự suy thoái của phẩm chất con người, của nền giáo dục, nền y tế, về công cuộc làm ăn sinh sống, về đạo đức của quan và của dân v.v… thì không thể là những nhận xét vô căn cứ, nặng về cảm tính, mà là những lời báo động của những ai còn có lương tâm trước cái Xấu đang lấn dần cái Tốt, cái Ác đang thắng cái Thiện.
Ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm ra nguyên nhân của tình trạng này, nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất chỉ có một: do sự toàn trị của đảng Cộng sản suốt mấy chục năm qua. Nói một cách khác, nếu không bị cái họa cộng sản thì đất nước chúng ta ngày hôm nay CHẮC CHẮN không đối diện với cái họa đang lao xuống vực thẳm như chúng ta đang chứng kiến.
Cuộc cách mạng cộng sản thế giới bắt đầu từ năm 1917 tại nước Nga, sau đó đã xưng hùng xưng bá trên gần nửa quả địa cầu, nhưng đã cáo chung một cách khá đột ngột mà rất triệt để sau khi tồn tại được 70 năm. Dù còn một số nước nhỏ nhoi gọi là xã hội chủ nghĩa có thể đếm bằng các ngón trên một bàn tay, nhưng thực chất không còn chủ nghĩa cộng sản trên mặt đất, vì các nước này coi như đã quy hàng thế giới tự do khi đã thay đổi hẳn phương thức sản xuất để sống còn giữa một thế giới giàu mạnh và tự do.
Vì sao đã có lúc tỏ ra khá hùng mạnh, chủ nghĩa cộng sản lại chết một cách bất đắc kỳ tử như vậy? Vì căn bản tồn tại của nó chỉ dựa trên hai điều: dối trá và bạo lực. Nó phủ nhận những thành tựu trong quá khứ của con người về tinh thần và sản xuất, đặt ra những giá trị tinh thần mới và phương thức sản xuất mới dựa trên thuyết duy vật và lý thuyết về giai cấp vô sản, và dùng bạo lực để cưỡng bách mọi lý luận cũng như việc tổ chức xã hội mới của mình. Về lâu về dài, con người không thể chịu đựng mãi sự dối trá và sự áp bức là những gì đi ngược lại căn bản hướng Thiện trong suốt quá trình thành người của mình, chủ nghĩa cộng sản phải sụp đổ. Nó sụp đổ vì cái ảo tưởng thành lập một xã hội hoàn toàn mới, trong khi không đem lại một chút tốt đẹp gì cho đời sống vật chất lẫn tinh thần cho con người; nó chỉ sản sinh ra toàn những điều xấu xa, mà rõ rệt nhất là tình hình xã hội hiện tại của đất nước Việt Nam.
Chủ nghĩa cộng sản đã vào Việt Nam với tất cả bản chất đặc thù của nó. Hãy nhớ lại những gì họ đã làm: ra sức đánh đổ những phong tục tập quán xa xưa của dân tộc Việt Nam để xây dựng cái họ gọi là “đời sống mới”; đập phá đình chùa miếu mạo là những cấu trúc tượng trưng cho thành tựu đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc; thẳng thay giết những ai không đồng ý với chủ thuyết của họ, dù đó là thành phần ưu tú của đất nước; xóa bỏ tinh thần tương thân tương ái của xã hội Việt Nam mà tiền nhân nhiều đời đã dày công bồi đắp để chỉ còn một tinh thần quy phục đảng một cách nô lệ; chủ trương đấu tranh giai cấp để phá vỡ hồn tính của dân tộc chúng ta đã được xây dựng nên từ hàng nghìn năm sau lũy tre xanh… Với cái gọi là “bạo lực cách mạng” họ thẳng tay tàn phá đất nước Việt Nam của chúng ta tận gốc rễ.
Họ thay thế bằng những gì? Bằng những hứa hẹn không tưởng về một thiên đường trên mặt đất, nghĩa là bằng một mớ bánh vẽ. Và trên con đường vô tận để đến “thiên đường” ấy, họ dẫn dắt cả dân tộc vào các cuộc chiến tranh “đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc”, bằng nền sản xuất tập thể không hiệu quả gây ra nghèo nàn, đói khổ. Và nhất là tất cả mọi quyền tự do của con người đều bị tước đoạt.
Nhìn lại, nguyên do chính khiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ chỉ vì nền tảng chế độ ấy chỉ dựa vào cái GIẢ. Thiên đường mà họ dựng lên chỉ dựa toàn vào ảo tưởng không bao giờ có thể thực hiện được (xã hội không giai cấp, triệt tiêu tư hữu v.v…, toàn là những chuyện không thể có trong loài người) nên họ phải dựa thêm vào cái DỐI. Cái cứu cánh đã giả thì không thể không dối trá, nói trắng ra là phải BỊP. Và tất cả những món Giả, Dối và Bịp ấy dĩ nhiên không thể tồn tại nếu không có một Bạo Lực đi kèm, với giết chóc, khủng bố, tù đày.
Cho đến khi đảng cộng sản Việt Nam phải đi vào con đường Đổi Mới để sống còn thì trên đất nước Việt Nam lại bày ra một tấn thảm kịch khác. Có đổi thay một phần phương thức sản xuất để dân chúng có thể làm ăn sinh sống; có đổi thay về đối ngoại, thôi không còn gào lên câu “tư bản đang dãy chết” nữa để hòng được các nước tư bản giúp đỡ, đầu tư, nhưng về căn bản vẫn giữ nguyên sự độc tài toàn trị. Đảng độc quyền về báo chí, truyền thông để tiếp tục thông tin một chiều; chương trình giáo dục vẫn theo lối ngu dân, với những môn “thầy không muốn dạy trò không muốn học” là triết học Mác-Lênin; với môn lịch sử bị bóp méo thành dị dạng để làm triệt tiêu lòng ham muốn nghiên cứu về quá khứ dân tộc của học sinh. Đảng độc quyền về đất đai để từ cái vốn ông cha bao đời gầy dựng và con cháu bao đời vun xới bỗng biến thành một nguồn tiền khổng lồ vô tận chạy vào túi một lớp lãnh đạo cao cấp, mặc kệ cho dân mất đất, mất nhà cửa, mất cả phương tiện sinh sống.
Về mặt văn hóa của dân tộc, họ đã làm gì? Bao nhiêu vốn liếng quý báu của xã hội Việt Nam đã bị cộng sản triệt hạ sau khi họ cướp được chính quyền, lấy cớ đó là sản phẩm của phong kiến lạc hậu phải diệt trừ đi để xây dựng một xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa. Nhưng như trên đã nói, những thứ họ mang từ xa về toàn là đồ giả, nên sau mấy mươi năm “xây dựng” xem ra chẳng đem lại chút giá trị đích thực nào cho xã hội và con người Việt Nam, ngoài việc dạy cho người dân sự giả dối và bạo lực. Rồi họ bắt đầu nghĩ tới việc phục hồi các phong tục tập quán cũ mà họ đã đánh đổ suốt mấy mươi năm qua. Nhưng với não trạng chỉ làm những gì có ích cho đảng chứ không cần dân tộc, họ lại bắt đầu xây dựng nên cái giả. Những phong tục tập quán của dân Việt Nam chúng ta bắt nguồn từ sự sống ngàn năm của tổ tiên, đã qua sàng lọc để còn lại những gì rất tinh túy hầu nhắc nhở, giáo dục con người sống cho xứng đáng, thì khi qua tay đảng cộng sản khi làm mới lại, đã thành các khí cụ gớm ghiếc. Họ “tổ chức” lại các lễ hội nhưng xóa hẳn ý nghĩa cũ để tạo cho chúng một linh hồn mới, dựa trên mê tín, khai thác tối đa tính tham lam của con người với mục đích thu tiền càng nhiều càng tốt.
Các lễ hội truyền thống đều mang ý nghĩa sâu xa của sự minh triết qua kinh nghiệm sống từ nhiều ngàn năm của dân tộc. Khi những nhà vô thần –và có lẽ vô học nữa– đứng ra làm sống lại các phong tục cũ thì họ không cần tìm hiểu cái phần tinh túy của phong tục đó là gì, họ tùy tiện bày ra các hình thức hào nhoáng nông cạn để thu hút quần chúng, một quần chúng đã là nạn nhân lâu năm được đảng đào tạo về tính  thực dụng, tham lam và dễ tin vào một thần linh mới. Dù các nhà mác xít thừa biết là chẳng có thần linh nào cả, nhưng họ có rất nhiều kinh nghiệm tạo ra thần linh. Đó là nghề suốt đời của họ. Họ đã bái lạy các tên đồ tể của lịch sử như Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, và cả Hồ Chí Minh nữa, thành thần linh và bắt buộc cả một dân tộc chúng ta phải tin theo. Đến khi sự thật phơi bày không che giấu được nữa, thì họ lại tạo nên thần linh khác dựa vào phong tục tập quán sẵn có của dân tộc Việt. Lại là trò giả mạo! Và trò giả mạo nào cũng tạo ra những kết quả vô cùng tiêu cực cho một nền văn hóa.
Nói chung, cách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam trên mọi lãnh vực rất hạ cấp, không có thiện chí làm cho dân tộc và đất nước được phát triển tươi đẹp, mà chỉ nhằm giữ cho vững đảng của mình thôi, chính vì thế hậu quả hiển nhiên là xã hội cứ ngày một suy đồi. Con người Việt Nam trong hiện tại trở thành một giống người mà đi đến nước nào người ta cũng phải dè chừng và khinh ghét vì những đặc tính “ưu việt” như trộm cắp, lường gạt, dữ tợn, bất lương. Đó là kết quả sau mấy mươi năm đảng cộng sản “giáo dục” dân chúng bằng “đạo đức xã hội chủ nghĩa” và khuyến khích toàn dân “theo gương Bác Hồ”. Đơn giản chỉ vì đạo đức ấy, tấm gương ấy toàn là đồ giả, được mang ra dùng chỉ với một động lực duy nhất là bịp bợm, chứ bản thân chúng nó chẳng có một giá trị nội tại nào cả.
Những lời báo động từ Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp nền tảng tinh thần là có thật. Tốc độ suy sụp nhanh như một ngôi nhà bị mối mọt ăn ruỗng bên trong, đang từ từ khụy ngã. Nhưng mãi đến gần đây mới có người tổng hợp những mối lo ấy lại, trình bày trong một cuốn sách. Đó là cuốn sách độc giả đang cầm trên tay của tác giả Lâm Nhược Trần, có nhan đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”. Dĩ nhiên tác giả đang sống và làm việc trong xã hội Việt Nam bây giờ, đã quan sát, chứng kiến từng bước băng hoại của xã hội, ghi lại và trình bày như một lời cảnh báo lớn cho tất cả chúng ta. Qua những trang viết, chúng ta thấy được đây đó chân dung của tác giả, là một nhà trí thức ở tuổi trung niên, đã du học tại Anh Quốc và có dịp thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới, và đang hành nghề chuyên môn (Bác sĩ Tâm lý lâm sàng) tại miền Nam Việt Nam. Chính kinh nghiệm sống nhiều năm ở nước ngoài đã cho tác giả những hiểu biết rộng rãi và những tiêu chuẩn khách quan để đánh giá về cuộc sống và con người. Và chính nhờ những năm làm việc ở quốc nội tác giả đã chứng kiến sự xuất hiện của những hiện tượng lạ lùng kỳ quặc của xã hội Việt Nam. Cả hai đều là những vốn sống quý báu giúp tác giả mạnh dạn cầm bút viết nên cuốn sách này.
Phương pháp của tác giả là quan sát và cảm nhận các hiện tượng, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp của mình trong cuộc sống, hoặc qua các thông tin của các phương tiện truyền thông. Tiếp theo là phân loại, mô tả, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh. Đôi khi tác giả mang các hình ảnh tích cực từ các xã hội lành mạnh trên thế giới mà mình đã sống qua so sánh với những tiêu cực trong đất nước mình như là một cách tô đậm thêm sự quái gở ngày càng phát sinh dày đặc trong xã hội Việt Nam.
Tác giả đã áp dụng một phương pháp viết sát thực tế, “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ bắt nguồn từ các nhận thức trừu tượng. Nhiều chương sách cho chúng ta cảm tưởng như một phóng sự tâm lý xã hội. Nhiều chương như một nghiên cứu sâu về hiện tượng thành hình tội ác. Có chương lại giống một tùy bút mô tả cung cách và tâm lý của một “giai cấp mới” vừa nảy sinh. Chính nhờ lối xây dựng từng vấn đề, từng hiện tượng và lối viết đa dạng của tác giả mà khi gấp sách lại, người đọc có cảm tưởng như vừa được đối diện với một xã hội rộng lớn đầy sinh động, trong đó biết bao lớp người đang diễn vai trò của họ. Bi có, hài có, quan có, dân có, “đại gia” có, trộm cướp có… đủ mặt của một xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhưng tất cả đều ngọ nguậy diễn trò trong một môi trường độc hại, thê thảm, mà mỗi động tác, mỗi ngôn từ của họ lại tô đậm sắc thái bi đát của một sự vong thân nếu so với con người bình thường lương thiện trong một xã hội chân chính.
Nhưng dù đề cập những hiện tượng đã rất hiển nhiên, tác giả cũng đã tiên liệu những phản ứng của một bộ phận chỉ thích biện hộ và bao che cho những cái xấu của dân tộc mình, do tình trạng thiếu hiểu biết hoặc tự ái không đúng chỗ của họ. Ông cũng khẳng định một cách cương quyết và can đảm:
“Là người hoàn toàn độc lập, tác giả không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, viết lại những điều mắt thấy tai nghe, thể hiện đúng vai trò của một công dân chân chính, những ý kiến và cảm nghĩ riêng tư khó có thể tránh khỏi mang ít nhiều dấu ấn cá nhân, nhưng nó bao quát và xác đáng, tác giả sẽ cố gắng trình bày sự việc một cách vô tư, trung thực và khách quan nhất.”
Với tinh thần ấy, tác giả đã thực hiện và trao cho chúng ta tác phẩm này.

Trong những năm gần đây, đọc các lời than phiền, cảnh báo của một số truyền thông trong nước (lề trái và cả lề phải) về sự xuống cấp thê thảm của xã hội, tôi để ý nhiều cây bút đã không ngần ngại nhắc lại xã hội miền Nam trước 1975 như một mẫu mực đáng sống. Là một người lớn lên tại miền Nam, ngẫm lại tôi thấy nhận xét trên đây rất chí lý. Dĩ nhiên xã hội nào mà không có mặt trái của nó, tôi xin thành thật nói rằng xã hội miền Nam trước 1975 cũng không ra ngoài quy luật muôn đời tốt xấu lẫn lộn ấy. Nhưng cái xấu của xã hội miền Nam, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy là “cái xấu trong vòng lễ giáo”! Có tham nhũng không? – Có chứ. Nhưng người công chức họa hoằng có nhận tham nhũng thì chỉ trong một mức độ không phá vỡ đạo đức của một nền công quyền nghiêm minh, trí tuệ và lương tâm. Có xã hội đen không? – Đương nhiên là có, nhưng ở mức độ rất “nhân bản” tựa như trong cái đen ấy vẫn tồn tại những quy luật đạo đức điều khiển hành vi của các tay giang hồ một cách hoặc tiềm tàng hoặc có ý thức. Nghĩa là con người tại miền Nam trước kia không hề bị băng hoại và xã hội miền Nam là một xã hội lành mạnh. Sau 1975, đồng bào miền Nam vượt biên ra nước ngoài có thể hội nhập vào thế giới văn minh với đầy đủ tư cách đạo đức và học thức của một dân tộc có trình độ ngang ngửa với thế giới. Con người Việt Nam –hoặc thuộc bất cứ quốc gia nào– chỉ bị xuống cấp, thậm chí mất tính người, khi phải sống trong chế độ cộng sản, từ nhỏ đã bị sự dối trá và bạo lực bao trùm và nhiễm sâu vào người.
Vì thế bây giờ nghe nhắc đến xã hội miền Nam trước 1975, tôi có cảm tưởng như người ta đang nói tới một thời Nghiêu Thuấn nào đó. Nhắc lại để thấy cái tương phản của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, đã sản sinh ra một lớp người đông đảo mà tác giả Lâm Nhược Trần gọi là “Người Việt Nam Tồi Tệ”.
Little Saigon, Nam California, 17 tháng Năm, 2016.
Phạm Phú Minh


Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...