Luật sư Đào Tăng Dực (BVN) (The Vung Ang disaster, the concepts of transparency and accountability in the process of national governance) – ….rõ ràng thể chế độc tài đảng trị chuyên chính CSVN là nguyên nhân lớn nhất của sự vắng bóng yếu tố minh bạch, tinh thần chịu trách nhiệm, đưa đến không những đại họa môi trường Vũng Áng, mà còn đưa đến sự lụn bại của đất nước về văn hóa, đạo đức, kinh tế và niềm nhục quốc thể khôn nguôi của toàn dân tộc…
I. Dẫn nhập
Trong cuộc biểu tình tại Việt Nam chống ô nhiễm môi trường thiên nhiên các ngày 1 tháng 5 và 8 tháng 5 vừa qua, chúng ta thấy hàng ngàn đồng bào xuống đường, trong tinh thần bất bạo động, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải công khai hóa những thông tin chính xác về tai họa môi trường, tại đặc khu công nghiệp Vũng Áng và có những biện pháp thích đáng bảo vệ môi trường sống của toàn dân.
Chúng ta cũng chứng kiến cảnh đàn áp và bắt bớ dã man của công an CSVN, đối với những người dân không tấc sắt trong tay, đi ngược tinh thần Hiến pháp và luật pháp hiện hành.
Nổi bật nhất là biểu ngữ trong tay của một nhà tranh đấu dân chủ quen thuộc là Luật sư Lê Công Định. Biểu ngữ nội dung như sau:
“Cá cần nước sạch và dân cần minh bạch”
Hai khuôn mặt rất quen thuộc nữa và cũng là một cặp vợ chồng tranh đấu được ngưỡng mộ là anh chị Huỳnh Anh Tú – Phạm Thanh Nghiên cũng giương cao một biểu ngữ tương tự:
“Cá cần nước sạch và nước cần minh bạch”.
Theo Cơ quan Minh bạch Quốc tế (Transparency International), thì chỉ số minh bạch của Việt Nam năm 2015, được công bố ngày 27 tháng 1 năm 2016 tại Berlin, Đức Quốc rất thấp là 31 điểm trên 100 và sắp hạng 112 trên tổng số 168 quốc gia.
Câu hỏi chúng ta đặt ra là tại sao quý anh chị LS Lê Công Định, Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Anh Tú nêu ra vấn đề minh bạch liên hệ đến đại họa môi trường phát xuất từ Vũng Áng, và yếu tố minh bạch có tầm mức quan trọng thế nào trong quá trình quản trị quốc gia.
II. Tại sao cần minh bạch (Transparency)?
Để trả lời vấn nạn đầu tiên, chúng ta chỉ cần duyệt lại những phản ứng tiền hậu bất nhất, bao che, dấu diếm và hoàn toàn vô trách nhiệm của giới chức CSVN ngay tại các cấp bậc cao nhất.
Trước hết- Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết là Đoàn công tác không vào kiểm tra tại Khu Kinh tế Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này. Như vậy theo quan điểm của một viên chức CSVN cấp cao, chính quyền đã trao chủ quyền của dân tộc cho Trung Quốc trong lãnh địa Vũng Áng.
Sau đó, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố một cách vô trách nhiệm rằng hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.
Thêm nữa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định hầu như cố ý bao che cho Formosa rằng đường ống xả thải ra biển của Formosa có giấy phép và Formosa không làm điều gì sai trái cả.
Tệ hại nhất là, sau khi vừa tuyên thệ trước Quốc hội của các nhân vật lãnh đạo cao nhất CSVN như Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì tam trụ triều đình này lại im thin thít trước đại họa của dân tộc.
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi cho đến hôm nay vẫn im lặng như tờ. Hình như ông là dân biểu Quốc hội và TBT của một Đảng Cộng sản tại một hành tinh xa vời ngoài Thái Dương Hệ, không liên quan gì đến nước Việt Nam cả.
III. Yếu tố minh bạch
III.1. Định nghĩa thế nào là yếu tố minh bạch?
Để trả lời vấn nạn thứ hai, chúng ta phải khẳng định rằng yếu tố minh bạch là trọng tâm không thể thiếu của quá trình quản trị quốc gia, trong một nền dân chủ chân chính.
Yếu tố đó có thể được định nghĩa đơn giản như là trách nhiệm bạch hóa cùng nhân dân tất cả mọi sự kiện liên quan đến mọi tiến trình nghiên cứu, hình thành, quyết định và thi hành mọi sách lược hay dự án của quốc gia.
Khi áp dụng ở mức độ một khu công nghiệp tự trị như Vũng Áng, thì những dữ kiện nghiên cứu của các chuyên gia ủng hộ hay phản đối, chi tiết về hình thành dự án, cá nhân các quan chức quyết định thông qua dự án, các thủ tục giám sát dự án, những nhân vật chịu trách nhiệm trong công tác giám sát vân vân, đều phải được công bố minh bạch.
Mục đích là tránh tham nhũng, nhận diện nhanh chóng những viên chức tắc trách, có biện pháp chế tài, sửa sai nhanh chóng và rút tỉa bài học kinh nghiệm cho các dự án hoặc sách lược tương lai.
III. 2. Làm sao yếu tố minh bạch có thể phát huy trọn vẹn?
Yếu tố minh bạch chỉ có thể phát huy tột đỉnh trong môi trường của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính với một xã hội dân sự phồn vinh.
Trong một nền dân chủ thật sự các điều kiện sau đây sẽ củng cố cho tính minh bạch của mọi chính sách quốc gia:
a. Sắc luật thành lập các hội đoàn xã hội hoạt động hiệu năng trong đó các tổ chức bảo vệ môi sinh được chính quyền và dân chúng ủng hộ mạnh mẽ.
b. Trong xã hội dân sự sẽ có sự hiện diện thiết yếu của một hệ thống báo chí tư nhân phồn vinh và cạnh tranh mãnh liệt. Các báo chí tư nhân này hoàn toàn độc lập với chính quyền và các phóng viên của họ sẽ truy tìm sự thật từ nhiều góc cạnh và từ những viên chức thấp nhất đến các chức vụ hoặc định chế cao cấp hay tôn kính nhất của quốc gia. Chính vì thế tự do báo chí, một khi thực thi triệt để, thường được gọi là đệ tứ quyền, ngang hàng với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của quốc gia.
c. Trong một chế độ dân chủ chân chính, báo chí do chính quyền thành lập và tài trợ vẫn hiện hữu. Tuy nhiên họ cạnh tranh công bằng với báo chí tư nhân và có mộtTuyên ngôn Độc lập về Truyền thông (Charter of Media Independence) một mặt bảo đảm những thông tin của họ trung thực và không bị chính quyền ảnh hưởng, đồng thời chính quyền cũng không có quyền ảnh hưởng đến sự độc lập nghề nghiệp của họ.
d. Quốc hội tại các quốc gia dân chủ thực sự là cơ quan lập pháp và hình thành các chính sách tối cao của quốc gia. Chính vì thế tại các quốc gia theo đại nghị chế hoặc quốc hội chế, lừa dối quốc hội (misleading Parliament) như tại Úc là một vi phạm vô cùng nghiêm trọng và người thượng nghị sĩ hay dân biểu có thể chịu những chế tài nghiêm trọng như, nếu giữ các chức vụ trong chính phủ thì phải từ chức. Tại Hoa Kỳ, theo Tổng thống chế, nếu khai gian trong một ủy ban điều trần của Hạ viện hoặc Thượng viện, có thể phạm tội khai gian hữu thệ (perjury) là một trọng tội hình luật.
e. Khai gian hữu thệ (perjury) có nghĩa là trước khi cho lời khai, cá nhân đã tuyên thệ trước Thánh Kinh (nếu là người có đạo), hoặc bằng danh dự (nếu là người lương). Sau khi đã tuyên thệ, nếu bị chứng minh là khai gian sẽ phạm tội perjury.Tội Perjury là một trong những biện pháp củng cố cho yếu tính minh bạch trong một nền dân chủ chân chánh.
f. Yếu tố đa nguyên chính trị và sự hiện diện hiến định hoặc luật định của những đảng phái đối lập, không những trên chính trường, mà ngay cả trong quốc hội, củng cố mạnh mẽ yếu tính minh bạch trong một nền dân chủ chân chính.
g. Những sắc luật về tự do thông tin (Freedom of Information Legislation) là một phương tiện quan trọng hầu quần chúng và các thành phần khác của xã hội dân sự (civil society) có thể tiếp cận những thông tin chính quyền (the state) không muốn bạch hóa. Các sắc luật này, buộc các cơ quan công quyền, từ cấp trung ương đến địa phương, phải cung cấp những thông tin liên hệ đến các quyết định của mình, liên hệ đến những lãnh vực công ích (the public interests), qua một vài thủ tục điền đơn giản dị.
Trong một môi trường như thế, không những chính quyền, các tổ chức bảo vệ môi sinh mà ngay cả những công dân cá thể, nếu quan tâm, đều có đầy đủ dữ kiện và thông tin hầu ảnh hưởng đến tiến trình hình thành và hoạt động tại KCN Vũng Áng từ các giai đoạn khởi đầu đến giai đoạn sản xuất. Những sơ xuất đã sớm được nhận diện, thẩm định và sửa sai.
IV. Tại sao yếu tố minh bạch phải song hành với yếu tố tinh thần chịu trách nhiệm (accountability)?
Yếu tố minh bạch luôn song hành với tinh thần chịu trách nhiệm.
Lý do đơn giản là vì nếu chỉ minh bạch hóa một vấn đề mà không có một quyền lực cao hơn và hiệu năng hơn, hầu phán xét và chế tài những sai trái nếu có, thì yếu tính minh bạch sẽ không có giá trị thực tế.
4. 1. Thế nào là tinh thần chịu trách nhiệm?
Chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát rằng hệ thống chính quyền trong một quốc gia, trong bản chất là một hệ thống hành xử quyền lực. Tuy nhiên sự hành xử quyền lực đó không phải vô điều kiện. Bên cạnh quyền lực còn có trách nhiệm.
Có hai loại trách nhiệm: hàng ngang (horizontal) và hàng dọc (vertical).
Trách nhiệm hàng dọc là khi một cấp bậc thấp chịu trách nhiệm trước một cấp bực cao hơn. Hàng ngang là khi một cơ quan hành pháp chịu sự chế tài của hệ thống tòa án thuộc tư pháp. Hàng dọc cao nhất, là hành pháp của một chính quyền dân chủ thì chịu trách nhiệm là trước toàn dân, trong một cuộc bầu cử đa đảng, công khai và công bằng. Hàng ngang cao nhất là khi một nguyên thủ quốc gia (như tổng thống) bị quốc hội truy tố vì phạm tội và hành pháp bị lập pháp xét xử.
Trong trường hợp thảm họa môi trường Vũng Áng, hàng dọc, thì Ông Vụ phó Vụ Thủy sản Phạm Khánh Ly chịu trách nhiệm trước ông vụ trưởng, ông Phó chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn chịu trách nhiệm trước ông chủ tịch UBND, Thứ trưởng Võ Tuấn nhân chịu trách nhiệm trước ông bộ trưởng, và cứ như thế tuần tự theo nấc thang quyền lực và trách nhiệm đến cấp bực cao nhất.
Về hàng ngang thì nếu họ có tắc trách, hối lộ, tham nhũng với Formosa Hà Tĩnh thì sẽ bị các cơ quan hữu trách truy tố trước tòa án, về hình luật (có thể bị tù đày) hoặc về hộ (có thể bồi thường thiệt hại cho nhà nước hoặc cá nhân liên hệ).
4.2. Làm sao yếu tố tinh thần chịu trách nhiệm có thể phát huy tối đa?
Tương tự như yếu tố minh bạch, tinh thần chịu trách nhiệm cũng sẽ phát huy thuận lợi trong môi trường một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Tuy nhiên nếu muốn chi tiết hóa hơn thì các yếu tố sau đây vô cùng quan trọng:
a. Trước hết cốt lõi của tinh thần chịu trách nhiệm là những biện pháp chế tài chí công vô tư. Điều này chỉ có thể đến từ một hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập với hành pháp và lập pháp.
b. Ý niệm tính tối cao của ngành tư pháp trong việc duyệt xét các tác động hoặc quyết định của hành pháp (judicial review of administrative actions or decisions) phải được long trọng hiến định hóa hoặc luật hóa. Theo đó, hành pháp không phải là tối cao hoặc có thể hiện hữu ngoài khung sườn của luật pháp và hiến pháp. Khi cần thiết, tòa án cấp liên hệ sẽ chiếu rọi ánh sáng của công lý vào bất cứ giai đoạn nào của tiến trình quản trị quốc gia và khi cần thiết sẽ có những biện pháp chế tài đối với những tắc trách (derelict of duty), cẩu thả (negligence), lạm dụng quyền lực (abuse of power) hoặc tham nhũng (corruption).
c. Ngoài khái niệm perjury nêu trên, ở giai đoạn này, một khái niệm vô cùng quan trọng nữa của quan điểm pháp trị cũng phải được hiến định hóa hoặc luật hóa. Đó là tội cản trở hoặc làm ô uế tiến trình thi hành công lý (obstructing or perverting the course of justice). Đây phải là một trong những trọng tội hình luật chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất. Khái niệm này là một công cụ vô cùng hữu hiệu một khi tai họa xảy ra cho dân tộc vì sự tắc trách của các viên chức chính quyền. Bất cứ một sự xem lấn nào của quan chức, dù là Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ, TBT Đảng, Chủ tịch Quốc hội, vào tiến trình xử án của một quan tòa hay một ủy ban đặc nhiệm của chính phủ điều tra về Vũng Áng, đều vi phạm tội này và sẽ bị chế tài hình luật. Như thế chân lý và công lý mới được bảo vệ. Vì sự vận hành của ý niệm perjurynêu trên, không ai dám khai gian trước một tòa án hoặc một ủy ban điều tra, vì hình phạt sẽ vô cùng nghiêm khắc.
d. Sự hiện diện của một Luật sư đoàn độc lập, đứng ngoài vòng kiềm tỏa của chính quyền, như một rường cột của xã hội dân sự (civil society) từ đó không những người dân, kể cả những dân chài của Vũng Áng có nơi nương tựa và đòi hỏi công lý, mà từ luật sư đoàn này sẽ có những luật gia xuất sắc, uyên bác, chí công vô tư, trở thành những chánh án uy vũ bất năng khuất, thiết diện vô tư làm rường cột cho tinh thần pháp trị nghiêm minh của đất nước.
Trong một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, quyền lợi tối thượng của tổ quốc (the supreme national interests) sẽ được bảo vệ, hoàn toàn độc lập với các thế lực từ đảng phái, chính quyền hoặc xã hội dân sự và nhất là mỗi người dân chài lưới miền Trung, như những công dân cá thể, có thiệt hại, sẽ được bồi thường xứng đáng.
Trong một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, với cuộc tổng tuyển cử ngày 22 tháng 5 này, chắc chắn đảng nắm quyền là CSVN sẽ thất cử, rút về, rèn cán chỉnh binh để chờ cuộc bầu cử tiếp theo. Các lãnh tụ chóp bu sẽ bị đảng cho về hưu vì lãnh đạo yếu kém. Một equipe mới có khả năng hơn sẽ lên lãnh đạo.
Chính đảng đối lập sẽ lên nắm quyền, thành lập chính phủ.
Trong khi đó, tiến trình công lý sẽ có những bước đi bình thường, triệt để và toàn diện. Tất cả nhân dân, xã hội dân sự và các cấp chính quyền đều phải tuân thủ tiến trình công lý, nghiên mình kính cẩn trước sự vận hành “pháp bất vị thân” của ý niệm dân chủ pháp trị chân chính và các vị quan tòa uy vũ bất năng khuất.
V. Kết luận
Qua yếu tố minh bạch, khi một viên chức tắc trách bị nhận diện thì vị này phải chịu trách nhiệm trước một cơ quan cao hơn (hoặc hàng dọc, hoặc hàng ngang), có thẩm quyền và bị chế tài.
Cấp bực cao nhất, như một chính quyền tắc trách, thì sẽ bị nhân dân chế tài, qua một cuộc bầu cử dân chủ đa đảng hầu người dân có thể chọn một chính đảng khác lên thay thế.
Chính vì thế, yếu tố minh bạch và tinh thần chịu trách niệm là hai thành tố không thể thiếu trong quá trình quản trị quốc gia của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.
Tuy guồng máy quảng trị quốc gia đa diện và phức tạp, nhưng tinh thần của nó vốn căn cứ trên công bằng và lẽ phải (justice and equity), sẽ luôn nhất quán qua mọi giai đoạn, nhờ yếu tố minh bạch và tinh thần chịu trách nhiệm, dưới sự soi sáng của quan điểm pháp trị là yếu tố chiến lược nhất, trong 3 yếu tố hình thành một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Như vậy, rõ ràng thể chế độc tài đảng trị chuyên chính CSVN là nguyên nhân lớn nhất của sự vắng bóng yếu tố minh bạch, tinh thần chịu trách nhiệm, đưa đến không những đại họa môi trường Vũng Áng, mà còn đưa đến sự lụn bại của đất nước về văn hóa, đạo đức, kinh tế và niềm nhục quốc thể khôn nguôi của toàn dân tộc.
Điều 4 Hiến pháp, hiến định hóa độc tài đảng trị, rõ ràng đã tước quyền phán xét tối cao của nhân dân, khi CSVN tùy tiện cướp đi từ tay nhân dân quyền chọn lựa chính đảng nào xứng đáng lèo lái con thuyền quốc gia.
Xóa bỏ độc tài, xây dựng một nền dân chủ chân chính cho Việt Nam, đem lại yếu tố minh bạch và tinh thần chịu trách nhiệm trong mọi giai đoạn của quá trình quản trị quốc gia sẽ hồi sinh nguyên khí của dân tộc và chắc chắn sẽ phục hưng đất nước trên trường quốc tế.
Đ.T.D
Tác giả gửi BVN.
Comments
Post a Comment