Đặng Kiên Trung
13-8-2015
Báo Thế giới Tiếp thị số 32 (75) có bài “Ứng xử với ông trời kiểu gì?” của Lưu Nam. Một bài báo nhỏ đăng ở mấy trang cuối có cái tên ngồ ngộ làm cho tôi tò mò đọc xem tác giả muốn nói điều gì. Đọc qua một lần tôi thấy tác giả đề cập vấn đề không nhỏ chút nào, nên đọc lại nghiền ngẫm từng câu, từng chữ… Mở đầu bài báo viết: “Hình ảnh còn đọng lại trong tâm trí nhiều người Việt Nam về bà Yingluck Shinawatra – cựu Thủ tướng Thái Lan là cảnh bà khoát áo choàng mỏng, đi ủng lội trong dòng nước lụt ở Thủ đô Bangkok trong trận lũ lụt lịch sử năm 2011”…. Bài báo còn cho biết: Bà đến trung tâm tị nạn thăm hỏi người dân chạy lũ bằng xe buýt, đích thân nấu mì cùng ăn với dân và ngủ đêm với họ…
Bài báo viết tiếp: “Những ngày nay tại Việt Nam, các tỉnh miền Bắc cũng đang phải đối mặt với đợt mưa lũ tồi tệ, đặc biệt là Quảng Ninh… Chiều 31.7.2015, đoàn công tác Trung ương đã đến làm việc với tỉnh về việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Báo Quảng Ninh có bài lớn về chuyến công tác nầy trên trang điện tử với chín ảnh đi kèm. Đập ngay mắt người đọc là phòng họp sang trọng, đèn điện sáng choang, những khuôn mặt khi thì căng thẳng khi thì hồ hởi, chỉ có một điểm chung là tất cả đều sạch sẻ tinh tươm. Sự sạch sẻ tinh tươm đối nghịch với hình ảnh những người dân Mông Dương (Cẩm Phả – Quảng Ninh) oằn mình trong dòng nước lũ, đối nghịch với những khuôn mặt lấm lem, những ánh mắt tuyệt vọng của người dân khi nhìn dòng nước đen ngòm nuốt chửng cả gia sản của mình”.
Lãnh đạo trung ương hay quan chức đầu tỉnh nước ta đi thăm đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn hay biến cố nào đó không phải chuyện lạ, vì đó là trách nhiệm của họ. Nhưng nhìn hình ảnh trên vô tuyến truyền hình, hay trên báo viết đưa tin, người ta thấy họ đi như “cỡi ngựa xem hoa”, không đọng lại trong lòng người cảm xúc nào như báo Quảng Ninh viết ở trên. Khác với hình ảnh bà cựu Thủ tướng Thái Lan, bà biểu hiện sự đồng cảm với nỗi khổ của người dân chân thật chứ không đóng kịch, người dân rất tinh ý, bà đóng kịch họ sẽ tố giác và không tín nhiệm bỏ phiếu bầu cho bà, hay yêu cầu bà từ chức! Dưới thể chế chính trị hiện hành ở ta, cán bộ lãnh đạo các cấp không do dân trực tiếp bầu nên dân sợ họ, chứ họ không sợ dân như ở các nước “tư bản giãy chết”.
Cán bộ, viên chức Đảng và Nhà nước ta vô cảm trước khổ đau của dân, lâu nay các phương tiện truyền thông; nhất là các trang báo mạng đã nói nhiều, từ những chuyện nhỏ thường ngày, đến những chuyện không nhỏ như trước đây không lâu một số tỉnh đua nhau xây trụ sở hoành tráng như phủ Toàn quyền thực dân Pháp, mỗi cái tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng; nay tới dịch xây tượng đài mỗi cái thấp nhất như tượng Hồ Chí Minh ở Sài Gòn 7 tỷ đồng, cao nhất là tượng Hồ Chí Minh và quảng trường ở Sơn La dự kiến tốn 1.400 tỷ đồng, còn lại từ vài mươi tỷ đến 411 tỷ đồng như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam… Người ta xài tiền thuế của dân vô tội vạ để xây dựng những “công trình trời ơi” như vậy; chưa nói đến chuyện đổ tiền của cho những tập đoàn kinh tế nhà nước như thùng không đáy, vổ béo những kẻ cầm đầu bất tài, ăn hại…mặc cho hàng chục triệu người dân đời sống còn khốn khó, cơ cực… ! Sự vô cảm đến thế là cùng!!
Tôi vừa đọc bài “Bao giờ Việt Nam mới được như Cuba?” của Trí Lê trên một trang mạng. Lâu nay tôi nghĩ Cuba là một nước độc tài toàn trị, nghèo khó, cùng những vấn nạn xã hội như Việt Nam, nên tôi không có chút thiện cảm nào. Đọc bài nầy tôi rất thích thú, ngưỡng mộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, dù đất nước còn khó khăn, thiếu thốn nhưng hết lòng chăm lo phúc lợi cho người dân như: Trẻ em đi học miễn phí từ mẩu giáo đến tốt nghiệp đại học và trên đại học; người dân khám, chữa bệnh không mất tiền, được dùng những loại thuốc tốt nhất có thể, một ông ủy viên trung ương nằm chung phòng điều trị với một ông phó thường dân là chuyện bình thường; tất cả người lớn và trẻ em đều được uống sữa miễn phí… “Còn về trật tự xã hội thì quả thực đó là một thiên đường cho sự ngăn nấp, nền nếp, văn minh và sự tôn trọng các qui tắc trật tự đô thị, bảo vệ môi trường… Đi trên đường phố thủ đô La Habana hoặc đến bất cứ cửa hàng nào, không làm gì có cảnh người dân chen lấn, xô đẩy mua hàng hóa, hoặc chen lấn trên xe buýt… “ (trích nguyên văn). Đó chính là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cuba. Việt Nam cũng là một nước xã hội chủ nghĩa như Cuba nhưng sao không giống Cuba và biết bao giờ mới được như thế?!
Ôi! 85 năm “đời ta có Đảng”, 40 năm “non sông thu về một mối” nước ta vẫn nghèo! Với thể chế chính trị và đường lối xây dựng đất nước của Đảng như đi trong đường hầm hiện nay, bao giờ đất nước mới chuyển mình thành những “con hổ”, “con rồng”, người dân mới có tự do, hạnh phúc để ngẩng cao đầu “sánh vai cùng Năm châu Bốn biển”?!
Comments
Post a Comment