14-08-2015
Trong khi có một số quốc gia luôn tự sướng và tự ru ngủ với những huyễn hoặc mị dân dối trá thì cũng có những quốc gia luôn tự trách và tự vấn. Với Mỹ, việc “nghĩ lại đi” đã trở thành một cách sống. Giáo dục Mỹ chưa bằng ai; y tế Mỹ còn nhiều lỗ hổng; quân sự vẫn kém cỏi; thế kỷ này không còn là thế kỷ Mỹ; giấc mơ Mỹ đã chết… Báo chí Mỹ, hàng ngày, đầy những bài viết như vậy.
Có những nghiên cứu được thực hiện và chứng minh một cách khoa học, như khảo sát mới đây, “Is the United States Still the Best Country in the World? Think Again” của tiến sĩ Hershey H. Friedman (City University of New York) và tiến sĩ Sarah Hertz (State University of New York). Hai nhà nghiên cứu đã buộc người Mỹ phải “nghĩ lại đi” bằng một công trình dài đến 26 trang. Dưới đây là vài kết quả:
Tỉ lệ trẻ em nghèo tại Mỹ có cuộc sống tệ hơn bất kỳ nước nào phát triển nào, kể cả Hy Lạp và một số nước Đông Âu như Ba Lan, Lithuania và Estonia; * Thu nhập người trưởng thành tại Mỹ chỉ đứng thứ 27 thế giới, sau Cyprus, Đài Loan và Ireland; * Sự thỏa mãn đời sống thứ 12, sau Israel, Thụy Điển và Úc; * Giáo dục và kỹ năng đứng thứ 16 trong 23 quốc gia; * Tốc độ internet thứ 16 trong 34 quốc gia; *Y tế thứ 33 trong 145 quốc gia; * Tỉ lệ dân sống dưới chuẩn nghèo thứ 36 trong 162 quốc gia, thua Morocco và Albania; * Tham nhũng thứ 17 trong 175 quốc gia; * Chỉ số phát triển xã hội thứ 16 trong 133 quốc gia…
Người Mỹ có lẽ không biết “tự sướng”? Họ không hẳn luôn nhìn thấy cái xấu và sống với thái độ tiêu cực. Điều dường như đúng hơn khi nhận xét về họ là người Mỹ luôn muốn tự soi. Tự mãn làm cho họ thấp bé hơn – có thể như vậy. Nền giáo dục Mỹ là nền giáo dục dạy người ta phải biết đặt câu hỏi trong đó có cả việc đặt câu hỏi cho chính mình. Họ phải biết họ là ai trước khi họ muốn được “định nghĩa” họ là người trưởng thành. Bất luận xã hội hoặc thể chế nào cũng có khiếm khuyết và họ phải tìm hiểu hoặc phải có trách nhiệm chỉ ra những khiếm khuyết đó.
Một xã hội chỉ biết tung hô sáo ngữ là một xã hội u mê tự giới hạn biên giới phát triển của mình và xã hội đó chỉ cho ra đời những sản phẩm thui chột, từ văn hóa đến thậm chí con người. Người Mỹ không thích sống với ra rả “tự hào Hoa Kỳ” và họ là một trong số ít dân tộc rất hiểu lịch sử nhưng không đu bám quá khứ và nhìn vào tương lai bằng con mắt mù lòa. Làm thế nào có thể lớn lên khi không ý thức được mình còn nhỏ nhoi như thế nào?
Comments
Post a Comment