03-08-2015
Paulus Lê Sơn, một trong 14 người bị bắt và phải ra tòa về tội “âm mưu lật đổ chính quyền” vừa được trả tự do sau 4 năm ngồi tù.
“Niềm vui và nỗi buồn trộn lẫn trong con người tôi,” ông Lê Sơn nói với BBC Tiếng Việt ngay sau khi mới trở về nhà, hôm 2/8/2015.
“Niềm vui là tôi đã vượt qua được một cuộc thương khó đầy thử thách, đầy đau thương. Còn nỗi buồn là tôi chỉ có một người mẹ duy nhất, nhưng mẹ tôi đã qua đời khi tôi bị nhà cầm quyền bắt giam, khi về tôi không còn thấy mẹ tôi nữa.”
Ông chỉ được biết hung tin sau khi mẹ mất đã được hai năm, ông cho biết thêm. Ông nói cũng tới khi đó, trong phiên xử phúc thẩm hồi 2013 ông mới được biết luật sư bào chữa đã từng cố gắng xin giới chức cho ông về chịu tang mẹ, nhưng không được.
Bị bắt hồi 8/2011, Paulus Lê Sơn là một bị cáo trong vụ xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành trong vụ án hình sự quy định tại Điều 79.
Trong phiên tòa sơ thẩm hồi 1/2013, ông là một trong những bị cáo bị mức án nặng nhất, 13 năm tù.
Tại phiên phúc thẩm tháng 5/2013, ông được giảm xuống còn bốn năm tù giam, vì “đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội”.
“Tôi hy vọng là dư luận sẽ hiểu được điều này… Tôi không khai báo, công nhận gì cả, bởi những việc làm của tôi không phải là tội lỗi, không trái luân thường đạo lý… tôi chỉ muốn góp phần xây dựng đất nước.”
Ông Lê Sơn nói trước ngày xử phúc thẩm ba hôm, Bộ Công an cử người tới gặp ông và khuyên nên viết, ký nhận một số chuyện để được nhẹ tội, giảm án. Đó cũng là lúc ông được biết tin mẹ đã qua đời.
“Lòng tôi đau đớn, tâm trí tôi bị hoảng loạn… Và rồi tôi làm theo ý họ. Đó là những giây phút tôi ngã lòng,” ông nói.
“Sau đó, tĩnh tâm lại, tôi nghĩ rằng cuộc sống là một cuộc trải nghiệm mà chúng ta phải bước đi dù có đau khổ tới mức nào,” ông nói với BBC.
Tin liên quan: Paulus Lê Sơn ‘ăn năn hối hận’ — Vụ thanh niên Công giáo: cầu cứu sứ quán(BBC).
____
Hai tù nhân lương tâm mãn án tù được trả tự do
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
03-08-2015
Hai tù nhân lương tâm Paulus Lê Văn Sơn và Gioan Nguyễn Văn Oai trong nhóm thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt hồi tháng 8 năm 2011 vừa được tự do sau khi mãn án tù. Mỗi người bị tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế về tội danh theo điều 79 ‘hoạt động lật đổ chính quyền’.
Vào trưa hôm nay ngày 3 tháng 8, anh Paulus Lê Văn Sơn lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, ngay sau khi về đến nhà:
“Tôi về từ lúc 10:30’, có anh em trong gia đình đến Ủy ban Nhân dân xã đón về. Thực sự rất ngạc nhiên và vui mừng vì khi về đến nhà có rất đông anh em trong nam, ngoài bắc, Hà Nội, Vinh, Nghệ An… Rồi các ông, bà đến chia vui”
Anh Gioan Nguyễn Văn Oai vào ngày 3 tháng 8 cũng cho biết thông tin liên quan việc mãn án đối với bản thân anh như sau:
“ Cách khoảng 4-5 tháng về thì bên an ninh có khuyên tôi nhận tội để hưởng khoan hồng nhưng tôi không nhận. Sau đó trước khi tôi về 1 tháng thì họ tiếp tục đề nghị tôi viết cam kết về địa phương nhưng tôi không viết. Đến chiều ngày 1 tháng 8 họ gọi tôi ra làm thủ tục xuất trại nhưng tôi không ký giấy xuất trại nên họ lằng nhằng mãi đến tối mới đưa tôi về ăn cơm. Đến ngày 2 lẽ ra tôi được về nhưng họ tiếp tục gọi tôi lên làm việc đến hơn 10 giờ mới cho tôi về buồng và không thả tôi. Mãi đến 11:30’ họ mới cho tôi lên xe về. Và rồi họ chạy xe lòng vòng về đến huyện, và vòng lung tung mãi đến 5:20’ tôi mới được về đến nhà.”
Xin được nhắc lại cả hai tù nhân lương tâm Paulus Lê Văn Sơn và Gioan Nguyễn Văn Oai bị giam tại trại giam Nam Hà.
Anh Paulus Lê Văn Sơn bị bắt vào ngày 3 tháng 8 năm 2011 ở Hả Nội, còn anh Gioan Nguyễn Văn Oai bị bắt ngày 30 tháng 7 năm 2011 tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn khi từ nước ngoài trở về.
Cả hai bị đưa ra tòa cùng với hơn chục thanh niên Công giáo và Tin Lành khác trong phiên xử vào hai ngày 8 và 9 tháng giêng năm 2013. Tại phiên sơ thẩm Paulus Lê Văn Sơn bị tuyên 13 năm tù; đến phiên phúc thẩm ngày 23 tháng 5 năm 2013 án cho anh này còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế.
Hiện nhóm này có hai người bị án tù nặng nhất là anh Đặng Xuân Diệu và Hồ Đức Hòa, mỗi người 13 năm tù giam.
- Get link
- X
- Other Apps
- Get link
- X
- Other Apps
Comments
Post a Comment