Những diễn biến thời sự đầu tháng 8 này tuy không lớn về tầm vóc nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng báo hiệu hồi cuối cùng của tiến trình đào thải của các chế độ cộng sản còn lại. Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc.
Trái với nhận định của nhiều người, bốn nước Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên chưa bước vào giai đoạn hậu cộng sản. Điều đã chấm dứt chỉ là điều ít quan trọng nhất của các chế độ cộng sản: mô thức kinh tế Mác-Lênin. Chính Lenin đã từng đình chỉ nó khi gặp khó khăn và ngay cả khi được coi là có hiệu lực nó vẫn sống chung với một sinh hoạt kinh tế thị trường chợ đen song hành. Bản chất toàn trị và khủng bố, bất chấp luật pháp và đặt đảng cộng sản lên trên dân tộc vẫn còn nguyên vẹn. Làn sóng dân chủ thứ ba – mà cao điểm là sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 - đã chấm dứt cuộc tranh luận về chủ nghĩa cộng sản nhưng đã chỉ xô ngã Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu. Bốn chế độ cộng sản còn lại vẫn sống sót nhờ chính sách đối ngoại thực tiễn của Hoa Kỳ và Châu Âu từ thập niên 1990. Giai đoạn ân huệ này đang chấm dứt.
Ngày 5/8 vừa qua tại Kualar Lumpur, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Sau đó Bắc Kinh thông báo là họ đã chính thức yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ về quân sự để tiêu diệt lực lượng mà họ gọi là "bọn khủng bố tại Tân Cương". Việc Bắc Kinh gác lại tự ái quốc gia để cầu viện Hoa Kỳ chứng tỏ tình hình an ninh của họ đã nguy ngập. Như để đáp lại Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan ngại trước những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Một cách gián tiếp Hoa Kỳ đã cho biết sẽ chỉ cứu xét yêu cầu này nếu Bắc Kinh chấm dứt những hành động khiêu khích. Ngay hôm sau ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng các hoạt động này đã chấm dứt. Quả là đầy thiện chí!
Hai ngày sau ông Kerry đến Hà Nội. Trong cuộc họp báo chung ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sớm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Ngoại trưởng Kerry đã đáp lại một cách rất thẳng thắn rằng nền tảng cho một quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước phải là sự tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp trị và điều này chỉ tùy thuộc ở Hà Nội. Ông Kerry nhấn mạnh thêm rằng một cách cụ thể Hoa Kỳ không thể chấp nhận sự kiện có những người bị cầm tù chỉ vì bày tỏ lập trường của mình một cách ôn hòa. Hà Nội đã không hề tỏ ra khó chịu trước đòi hỏi này.
Rõ ràng là Hoa Kỳ đã cứng rắn hẳn so với trước đây trong khi cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều đã nhân nhượng, không còn đòi Mỹ "đừng can thiệp vào những vấn đề nội bộ". Không thể khác, họ đang ở trong thế yếu của kẻ cầu xin. Cả khối độc tài tàn dư cộng sản đều đang nguy khốn. Nga đã suy sụp và Trung Quốc cũng không còn che giấu được tình trạng khủng hoảng nữa. Ngoại thương Trung Quốc đã giảm 8,5% trong tháng 7-2015 sau khi đã giảm 12% trong năm 2014; thị trường chứng khoán Thượng Hải vừa sụt nặng và vẫn còn chao đảo dù Bắc Kinh đã bỏ ra 120 tỷ USD để cứu nguy. Trong ba ngày 11,12 và 13 tháng này đồng Nhân Dân Tệ đã ba lần bị phá giá, một hiện tượng chưa từng có trên thế giới. Dù kinh tế không phải là mối nguy lớn nhất của Trung Quốc.
Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc. Myanma và Cuba tỏ ra đã hiểu là phải tìm cách để chấm dứt chế độ toàn trị một cách an toàn. Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam?
Ban biên tập Tổ Quốc
Đọc thêm:
Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới
Chúng ta đang ở trong một bối cảnh thế giới thuận lợi đầy triển vọng. Chưa bao giờ khả năng chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và bước vào kỷ nguyên dân chủ lớn bằng lúc này. Một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đã bắt đầu và đang tiếp tục dâng lên trong khi chế độ độc tài đã rã rượi, cạn kiệt về cả uy tín, trí tuệ, lòng tin và ý chí.
Lịch sử loài người có thể được nhìn như là cuộc hành trình của con người về tự do, để tự giải phóng khỏi sự ngu dốt, bệnh tật, đói khổ, nhọc nhằn, và nhất là khỏi ách thống trị của các bạo quyền; và vì dân chủ đã chứng tỏ là phương thức tổ chức xã hội hợp lý nhất để thực hiện tự do nên lịch sử thế giới cũng là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ.
Trong cuộc hành trình khó khăn đó dân chủ đã gặp sự chống trả ngoan cố của những quyền lực thống trị. Ngoài bạo lực trắng trợn các thế lực thống trị còn vận dụng cả những vũ khí ý thức hệ. Từ những triết lý bi quan coi cuộc đời là không đáng sống và do đó không đáng đấu tranh để cải thiện đến những ảo tưởng về một thiên đường tương lai đòi hỏi những hy sinh hôm nay, qua những chế độ thần quyền trong đó kẻ cầm quyền tự xưng là đại diện của một đấng tối cao và chỉ chịu trách nhiệm trước đấng tối cao đó, những chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những chủ nghĩa thực dụng coi thỏa mãn những nhu cầu vật chất là ưu tiên duy nhất hoặc cao nhất, những chủ nghĩa tập thể coi con người chỉ có ý nghĩa như là thành tố của một tập thể được coi là trên hết như tổ quốc, giáo hội, đảng, v.v. Đánh phá thâm độc và dai dẳng nhất nhắm vào dân chủ là đồng hóa chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của dân chủ, với chủ nghĩa vị kỷ, với hệ luận là dân chủ dẫn đến rời rạc và hỗn loạn.
Vì những chống phá đó dân chủ đã không tiến một cách đều đặn mà theo từng đợt mà chúng ta có thể gọi là những làn sóng dân chủ. Mỗi làn sóng dân chủ nhắm bác bỏ một chủ nghĩa chuyên chính và sau đó đánh đổ một số chế độ độc tài đặt nền tảng trên chủ nghĩa đó. Tiếp theo là một giai đoạn trong đó dân chủ khựng lại, thậm chí có thể lùi bước, do sự phản công của các thế lực chống dân chủ lợi dụng những sai lầm và lúng túng không tránh khỏi của các chế độ dân chủ mới thành lập trong những ngày đầu khó khăn.
Sự thăng trầm này có lý do của nó. Trước hết là vì dân chủ vừa khó đạt được lại vừa khó gìn giữ do sự phức tạp của nó. Bằng cớ là phải nhiều ngàn năm sau khi con người biết sống có tổ chức dân chủ mới ló dạng tại Hy Lạp rồi tắt lịm, phải đợi thêm hai ngàn năm nữa nó mới xuất hiện trở lại một cách rụt rè tại một vài nơi tại Châu Âu và mới chỉ phát triển mạnh gần đây. Một lý do quan trọng khác là bởi vì sinh hoạt dân chủ đặt nền tảng trên các chính đảng trong khi các chế độ độc tài sau suốt quá trình cấm đoán và tiêu diệt các đảng đối lập chỉ để lại một khoảng trống chính trị khi cuối cùng chúng phải sụp đổ. Nhưng dân chủ là cách sinh hoạt tự nhiên của xã hội văn minh nên sự thoái bộ nếu xẩy ra cũng không thể triệt tiêu những thành quả của làn sóng dân chủ trước đó, dân chủ vẫn chín muồi dần với đà tiến hóa của xã hội và tới một mức độ nào đó nó đủ mạnh để tạo ra một làn sóng dân chủ mới. Trào lưu dân chủ hóa không thể đảo ngược như thực tế đã chứng tỏ. Đầu thế kỷ 20, hơn một thế kỷ sau làn sóng dân chủ đầu tiên, chỉ có khoảng mười nước dân chủ: Mỹ và một vài nước Tây và Bắc Âu. Đã thế, trừ Hoa Kỳ, các nước này cũng chưa hẳn là dân chủ bởi vì đồng thời cũng là những nước thực dân vi phạm nhân quyền ở các thuộc địa. Mặc dù những thăng trầm, bước vào thế kỷ 21 hai phần ba trong tổng số gần hai trăm quốc gia trên thế giới đã có dân chủ. Hiện nay, năm 2015, tỷ lệ này là hơn ba phần tư và trong số các nước bị coi là độc tài cũng chỉ có vài nước dám công khai khẳng định chế độ độc đảng. Cuộc hành trình của thế giới về dân chủ đang gia tốc, một trật tự thế giới mới đang hoàn tất.
Cho tới năm đầu thế kỷ 21 thế giới đã chứng kiến ba làn sóng dân chủ.
Làn sóng dân chủ đầu tiên bắt đầu với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ năm 1776 và Cách Mạng Pháp 1789 và nhắm lật đổ các chế độ quân chủ tuyệt đối dựa trên thần quyền, dù là thần quyền Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay Khổng Giáo. Nó đã buộc các chế độ quân chủ Châu Âu phải từ bỏ thực quyền để trở thành quân chủ lập hiến, đã đánh gục đế quốc Ottoman và các chế độ quân chủ tại Nga và Trung Quốc.
Làn sóng dân chủ thứ hai đã bắt đầu cùng với Thế Chiến II và nhắm đánh đổ chủ nghĩa quốc gia sô vanh. Chủ nghĩa này, xuất hiện và phát triển sau sự sụp đổ của các chế độ quân chủ, coi xung đột giữa các dân tộc là tự nhiên vì mọi dân tộc đều phải bảo vệ và mở rộng không gian sinh tồn của mình. Làn sóng dân chủ thứ hai bác bỏ chủ nghĩa dân tộc quá khích này và khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc và quyền tự quyết của mọi dân tộc. Kết quả là các chế độ Quốc Xã Đức, Phát Xít Ý và Quân Phiệt Nhật bị tiêu diệt; cả ba nước Đức, Ý và Nhật đều trở thành dân chủ, Nhật trở thành nước dân chủ đầu tiên tại châu Á; hầu hết các thuộc địa của Anh cũng trở thành những nước dân chủ. Tuy nhiên làn sóng dân chủ này đã nhanh chóng khựng lại và nhường chỗ cho chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản được nhìn vào thời điểm đó như hai công thức dân chủ hóa cạnh tranh với nhau. Điều cần được nhấn mạnh là phong trào cộng sản đã ra đời như một phong trào dân chủ, nó đã là một phương thức xây dựng dân chủ sai lầm trước khi bị khai thác để trở thành một tội ác.
Làn sóng dân chủ thứ ba nhắm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản và loại bỏ các chế độ độc tài sản phẩm của chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu năm 1974 bằng cuộc cách mạng đánh đổ chế độ độc tài Salazar tại Bồ Đào Nha vào lúc cuộc tranh luận giữa hai công thức tự nhận là dân chủ, tư bản và cộng sản, đã ngã ngũ và khái niệm dân chủ đã có nội dung đủ chắc chắn. Sự thất bại của công thức cộng sản đã khá rõ rệt, các tiến bộ về giao thông và truyền thông đã phơi bày sự thua kém tinh thần cũng như vật chất của các nước cộng sản so với các nước tư bản. Chủ nghĩa cộng sản đã mất hết sức quyến rũ. Các nước dân chủ không còn lo ngại một thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản nữa và đã đủ tự tin để bỏ rơi các chế độ độc tài chống cộng ngay cả nếu cái giá phải trả là chúng sẽ nhất thời nhường chỗ cho những chế độ cộng sản. Làn sóng dân chủ này đã diễn ra trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu nó xô ngã các chế độ độc tài cánh hữu tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Philippines, Nam Cao Ly, Đài Loan, Nam Việt Nam và nhiều nước khác ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Một số trở thành những nước dân chủ, nhưng một số khác rơi vào quỹ đạo cộng sản, như Nam Việt Nam, Lào, Campuchia, Angola, Ethiopia, Yemen, Nicaragua. Nhưng ngay sau đó nó đã tràn tới làm sụp đổ hầu hết các chế độ cộng sản, kể cả Liên Bang Xô Viết, đất thánh của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Làn sóng dân chủ thứ ba này đã khựng lại từ giữa thập niên 1990. Nguyên nhân của sự suy thoái này trước hết là tâm lý lạc quan sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt. Người ta nghĩ rằng như thế là dân chủ đã thắng và các chế độ độc tài còn sót lại sẽ đủ khôn ngoan để tự chuyển hóa về dân chủ. Tâm lý này đã làm mất cảnh giác. Sau đó là chủ nghĩa thực tiễn được đẩy mạnh bởi các chính quyền Clinton tại Mỹ và Chirac tại Pháp. Về mặt quan hệ quốc tế chủ nghĩa này đặt quyền lợi, đặc biệt là quyền lợi kinh tế, lên trên hết và mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Thăng tiến dân chủ và nhân quyền không còn là quan tâm hàng đầu nữa và mọi chính quyền, dù độc tài và vi phạm nhân quyền, vẫn có thể là đối tác của Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ phát triển nói chung. Sang đầu thế kỷ 21 thế giới bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố, tâm lý lạc quan tuy không còn nhưng chính sách đối ngoại thực tiễn vẫn tiếp tục và còn được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ đầu của Obama. Thêm vào đó thể hiện kinh tế của chủ nghĩa thực tiễn là chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích tiêu thụ, ngay cả với cái giá phải trả là cán cân thương mại thâm thủng nặng, song song với đầu cơ bất động sản và chứng khoán. Chính sách này trong một thời gian dài đã hỗ trợ các chế độ độc tài bạo ngược tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác. Các chế độ này đã có thể thực hiện chính sách mở cửa kinh tế để khai thác sự nghèo khổ mà chính chúng là nguyên nhân: bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ, lôi kéo du khách nhờ dịch vụ du lịch rẻ. Chủ nghĩa thực tiễn đã cho phép các chế độ độc tài còn lại, kể cả các tàn dư của chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, tiếp tục tồn tại thậm chí mạnh lên về kinh tế.
Sau cùng chủ nghĩa thực tiễn đã dẫn tới khủng hoảng và buộc thế giới phải xét lại một cách triệt để cả chính sách đối ngoại lẫn mô thức kinh tế, nghĩa là một mặt cảnh giác bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền trong quan hệ quốc tế và mặt khác dành ưu tiên cho kinh tế sản xuất thay vì đầu cơ và thận trọng giữ thăng bằng cả ngân sách quốc gia lẫn cán cân mậu dịch. Các chế độ độc tài không còn được dung túng trong những vi phạm nhân quyền nữa và cũng không thể sống nhờ xuất khẩu như trước nữa. Chính sự xét lại này đã dẫn đến làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang chứng kiến. Chủ nghĩa thực tiễn đã là một ngoặc đơn trong lịch sử nhân loại. Ngoặc đơn đó đang khép lại, thời gian ân huệ của các chế độ độc tài đã chấm dứt.
Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, nhắm vào các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế.Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt. Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực. Và muốn đàn áp dễ dàng thì tập đoàn cầm quyền phải mạnh và ngược lại quần chúng phải yếu. Bóc lột và bất công phải gia tăng vì nằm ngay trong logic tồn tại của chế độ. Nhưng đâylà một logic tự sát, vì nó càng khiến chế độ bị thù ghét hơn trong khi dù muốn hay không sự mở cửa kinh tế và những tiến bộ ngoạn mục của các phương tiện truyền thông và giao thông cũng đã thay đổi hẳn con người, xã hội và các tương quan lực lượng. Người dân vừa không còn hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu vật chất hàng ngày vừa đủ thông tin để biết rõ sự tầm thường và gian trá của những người cầm quyền. Họ còn có những phương tiện hiện đại để trao đổi với nhau, động viên nhau và phối hợp với nhau. Các chế độ vô lý này đã tồn tại được nhờ sự thụ động nhu nhược của trí thức, nhưng ngày nay sự hiểu biết đã được đại chúng hóa, một đội ngũ trí thức mới cũng đã nhập cuộc. Sự thay đổi bắt buộc phải đến, và đã đến. Làn sóng dân chủ thứ tư đang trào dâng.
Tại Đông Á nó đã biến các chế độ dân chủ hình thức tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines thành các chế độ dân chủ có thực chất, tạo ra sự chuyển hướng đột ngột tại Myanma.
Tại Châu Mỹ La Tinh nó đã củng cố các nền dân chủ non trẻ, đem lại chỗ đứng và tiếng nói xứng đáng cho người bản địa và dần dần ép buộc Cuba phải mở cửa. Tại Bắc Phi và Trung Đông nó đã quật ngã ba chế độ độc tài lâu đời tại Tunisia, Ai Cập và Lybia và đang buộc các chế độ độc tài còn lại chọn lựa giữa dân chủ hóa hoặc sụp đổ. Tại đây nó cũng nhắm giải quyết luôn một vấn đề có tầm quan trọng thế giới là đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị để trở về vị trí đúng của một tôn giáo.
Tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển khác nó đòi hỏi một mức độ dân chủ lành mạnh hơn và liên đới hơn, dành ưu tiên cho hoạt động sản xuất tạo công ăn việc làm thay vì cho đầu cơ, tôn trọng môi trường, con người và các chọn lựa cá nhân. Môi trường trong sạch, nước sạch và không khí trong lành được coi là thành phần nền tảng của những quyền con người.
Làn sóng dân chủ mới này cũng đang xô đẩy chế độ dân chủ giả dối tại Nga và hai chế độ cộng sản còn lại tại Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành hai giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng.
Nét đậm nhất của thế giới hiện nay là tương quan lực lượng đã thay đổi, các chế độ độc tài còn lại không còn là một đe dọa cho các nước dân chủ nữa. Chúng đều rất tụt hậu về mặt khoa học kỹ thuật, hoàn toàn trần trụi về tư tưởng chính trị, không có cả một ảo tưởng để lừa mị, kém hẳn các nước dân chủ về sức mạnh quân sự và chỉ có một trọng lượng kinh tế chưa bằng 15% của kinh tế thế giới. Thế giới dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài nữa. Một thay đổi quan trọng trong bối cảnh thế giới là sự hóa thân của Liên Hiệp Quốc. Sứ mạng chính của Liên Hiệp Quốc từ ngày thành lập là làm dịu những căng thẳng để chiến tranh lạnh đừng trở thành chiến tranh thực sự. Sứ mạng đó ngày nay đã đạt được, Liên Hiệp Quốc phải tìm một sứ mạng mới để tiếp tục có lý do tồn tại. Sau một thời gian dò dẫm sứ mạng mới đó ngày càng được khẳng định là để phát huy những giá trị phổ cập mà cốt lõi là nhân quyền và để thiết lập trật tự dân chủ. Thời đại của chủ nghĩa đối ngoại thực tiễn -nghĩa là miễn cưỡng chấp nhận sống chung và hợp tác kinh tế với các chế độ bạo ngược vì hòa bình- đã chấm dứt. Đã thế, trừ một vài ngoại lệ không đáng kể, các chế độ độc tài còn lại đều lệ thuộc nặng nề vào ngoại thương và không thể thách thức thế giới dân chủ. Chúng đang sốngnhững ngày khó khăn cuối cùng.
Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên và chỉ hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo.
Chúng ta đứng trước một cơ hội rất thuận lợi để dân chủ hóa đất nước.
Làn sóng dân chủ thứ tư này sẽ áp đặt dân chủ trên mọi quốc gia. Sau đó hai vấn đề đặt ra cho từng quốc gia là, một mặt, hiểu rõ lộ trình của chính mình để hiểu những thử thách và hy vọng của mình trong một thế giới toàn cầu hóa và, mặt khác, không ngừng tự phê bình chế độ dân chủ của mình để liên tục cải tiến bởi vì đặc tính của dân chủ, hiểu như là phương thức tổ chức xã hội, là có thể và cần được liên tục cải tiến.
Cùng với làn sóng dân chủ này thế giới đang hoàn tất một cuộc chuyển hóa trọng đại để bước vào một kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên đặt nền tảng trên những giá trị đã tạo ra sức mạnh của các nước tiên tiến: hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác, lợi nhuận, môi trường và liên đới. Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và kinh tế quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc, với điều kiện có thể chế dân chủ ổn vững và lành mạnh để tiếp tục tồn tại. Giáo dục và đào tạo sẽ là cuộc thế chiến mới và là mặt trận sống còn của mọi dân tộc.
(Trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
Comments
Post a Comment