Em Vũ Thạch Tường Minh thẳng, phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, cô gái phố đèn đỏ... File photo
Cậu bé 14 tuổi
Chuyện được giới bloggers và mạng xã hội chú ý trong tuần qua là một cậu bé 14 tuổi lớn tiếng phê bình Bộ giáo dục Việt Nam là đã để cho nền giáo dục nước nhà đi đến chổ thối nát.
Có những ý kiến trách mắng cậu học sinh trẻ tuổi, có ý kiến nghi ngờ rằng người lớn đã mớm ý cho cậu. Nhưng một số đông cho rằng cậu bé đã nói hộ cho nhiều người dân Việt Nam, đã quá mệt mỏi chứng kiến sự tuột dốc của nền giáo dục bấy lâu nay.
Blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về những ý kiến chỉ trích cậu bé :
Trong lao xao những lời phản biện, cũng có không ít người mượn chuyện chỉ trích quan điểm về giáo dục của cậu bé 14 tuổi, mà nghe chừng chỉ như giới thiệu bản chất cơ hội của mình với chế độ, chờ một ơn mưa móc cho phận tôi đòi, chứ nào phải nói lời cho thế gian ?
Tuấn Khanh viết tiếp là trong lịch sử chính thống do đảng cộng sản viết về thời hiện đại, có rất nhiều anh hùng cách mạng cộng sản ở lứa tuổi thiếu niên. Tuấn Khanh kết luận rằng trẻ con thì có thể ủng hộ cách mạng, nhưng nếu chỉ trích chính quyền cách mạng thì không được.
Nhà báo Nguyễn Thông cũng có nhận xét tương tự về tiêu chuẩn kép trong cách nhìn của đảng cộng sản đối với những phong trào, hay ý tưởng phản kháng :
Cứ theo sử chính thống và bộ máy tuyên truyền của chế độ này thì những cuộc khởi nghĩa của người nông dân vùng lên chống lại nhà nước phong kiến (như Nguyễn Hữu Cầu, Lía, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật…) đều được coi là phong trào phản kháng tích cực, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần làm lung lay chế độ cai trị tàn bạo, đáng được sử sách ca ngợi.
Nhưng cũng chính bộ máy tuyên truyền ấy lại coi những cuộc đấu tranh của nông dân thời bây giờ đòi ruộng đất, chống cướp đất, chống bọn cường hào mới ức hiếp là chống chế độ, là xấu xa, vi phạm pháp luật. Thậm chí có những người như cựu binh đặc công Trịnh Khải ở huyện Kim Bảng, Hà Nam đứng lên chống lại cường quyền còn bị bắt giam, tử hình, còn bị mấy ông nhà văn kiểu Nguyễn Quang Thiều viết truyện (chuyện làng Nhô), làm phim miệt thị, bóp méo.
Ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) con giun xéo lắm cũng quằn đứng lên bảo vệ ruộng đất và quyền lợi chính đáng thì bị chính quyền đàn áp, kết án, tù tội, bị cả bộ máy tuyên truyền xúm vào cả vú lấp miệng em.
Về bản chất, sự vùng dậy, dù thời nào cũng là vi phạm pháp luật đương thời, thế sao người thì được ca ngợi, kẻ bị lên án và lôi ra đoạn đầu đài.
Ông Phó Thủ Tướng
Câu chuyện thứ hai được chú ý trong tuần là một câu nói của ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam. Vị Phó Thủ Tướng trẻ tuổi từng hạ bút ký phê duyệt khu tượng đài trị giá 1400 tỉ đồng nói rằng phải đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta tốt những vẫn nghèo !
Luật sư Lê Công Định bình luận :
Chúng ta tốt, thậm chí rất tốt, trong việc khoan mòn sức dân, triệt tiêu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chi tiêu lãng phí cho các công trình vô bổ, sử dụng hoang phí tài nguyên quốc gia, dung dưỡng tham nhũng, tạo cơ hội vơ vét cho các nhóm lợi ích, tiếp tay nước ngoài lũng đoạn nền kinh tế, vân vân và vân vân. Vậy tại sao chúng ta không nghèo thêm ?
Tuy nhiên, câu hỏi chính phải là : Ai đã làm đất nước chúng ta mãi nghèo và sắp tận mạt ? Ai ?
Những cô gái điếm
Chuyện thứ ba được bàn tới trong tuần qua lại là một câu chuyện đã cũ, chuyện các cô gái điếm người Việt ở nước ngoài. Câu chuyện kéo dài có lẽ vì nhiều người cảm thấy rằng đây là chuyện đáng xấu hổ.
32 mẫu phác thảo tượng đài Hồ Chí Minh được trưng bày từ năm 2013 tại UBND Tp HCM
Có blogger đưa ra hình ảnh các cô gái điếm còn rất trẻ người Việt Nam tại Campuchia, trong những khu vực nhà chứa chỉ cách Sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh vài chục cây số.
Blogger Viết từ Sài gòn, nhân chuyện chính quyền Singapore không cho phép nhiều phụ nữ Việt Nam nhập cảnh, đã viết bài Vì sao chúng ta bị đối xử tệ. Viết từ Sài gòn cho rằng :
Câu chuyện những phụ nữ Việt Nam, những cô gái Việt Nam sang Singapore bị hất hủi, bị đối xử tệ lại khiến chúng ta chỉ biết trách người khác tệ nhưng chúng ta cũng chẳng tỏ ra thương tình hay chia sẻ với các phụ nữ bị xử tệ. Trong khi đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm gì, đã mang đến đất nước văn minh này loại gió gì mà chúng ta bị ngăn chặn như một trận gió độc ? Và tại sao những phụ nữ Việt Nam lại chọn con đường bán dâm ở nước ngoài mặc dù đây là con đường nguy hiểm và tủi nhục ?
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết bài Bàn về triết lý sống. Trong bài này ông đưa ra phân tích để tìm kiếm cái nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên một xã hội Việt Nam hiện đại có nhiều tệ nạn như hiện nay :
Phải thẳng thắn chỉ ra vai trò của những người lãnh đạo, mà cụ thể là của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng theo chủ nghĩa Mác Lênin, chủ trương vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, tôn sùng vật chất, phản đối tâm linh, tuyên truyền dối trá, nặng về dùng mưu mô và đàn áp, nhẹ về lòng nhân ái, bao dung.
"Nguyên nhân gốc nhiều tệ nạn của xã hội Việt Nam hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là phần yếu kém trong nền văn hóa dân tộc, một bên là những độc hại của chủ nghĩa Mác Lênin". Tôi nghĩ đây cũng là nguyên nhân gốc của tệ nạn trong việc lựa chọn Triết lý sống của người Việt hiện tại.
Các blogger khác tìm thấy những nguyên nhân gần và cụ thể hơn. Viết từ Sài gòn so sánh nước Việt với Nhật bản, một quốc gia cũng nghèo khó và chịu nhiều tai ương chiến tranh, nhưng đã vươn lên thành cường quốc :
Họ không như chúng ta, tự ma mị mình bằng "rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú", bằng "người Việt Nam anh hùng, thông minh và giỏi giang" và bằng nhiều mỹ từ khác để nói về người Việt. Kết cục của sự ma mị này chính là chúng ta tự đánh lừa mình, đánh lừa tương lai của cả một dân tộc, quốc gia. Thay vì chúng ta nhìn vào sự lạc hậu của mình, hỏi vì sao chúng ta lạc hậu để mà nỗ lực học hỏi các nước tiến bộ, chúng ta lại xem mình là người thông minh, là "đỉnh cao trí tuệ". Và kết cục của nó là một thứ đỉnh cao của tội ác và lòng dối trá.
"Đỉnh Cao trí tuệ" chính là từ mà đảng cộng sản thường hay dùng để chỉ tư tưởng và học thuyết của mình.
Theo blogger Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc thì không phải là những người cộng sản không nhận thấy rằng xã hội mà họ độc quyền lãnh đạo sa sút ra sao, và họ đã tìm cách cứu chữa cho xã hội ấy bằng cách dựng nên hình ảnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh :
Nhưng có lẽ chưa bao giờ người ta cần Hồ Chí Minh như lúc này. Lý do là chưa bao giờ đảng Cộng sản bị nghi ngờ và phản đối như lúc này. Chưa bao giờ tính chính đáng (legimimacy) của đảng Cộng sản lại bị lung lay như lúc này. Dân chúng không những bất mãn trước các chính sách về kinh tế, xã hội, giáo dục của nhà cầm quyền mà còn đặt vấn đề về lòng yêu nước của giới lãnh đạo. Đối diện với sự sụp đổ của mọi niềm tin từ dân chúng, đảng và chính quyền phải cầu cứu đến uy danh của Hồ Chí Minh. Nhưng liệu chút uy danh của Hồ Chí Minh có đủ cứu họ không, đó mới là vấn đề
Blogger Người buôn gió cho rằng những nổ lực ấy đã thất bại, từ chuyện thần thánh hóa ông Hồ Chí Minh cho đến suy tôn sự ưu việt của học thuyết xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Người Buôn Gió viết bài Hồ Chí Minh, vị thánh không thiêng :
Hồ Chí Minh với một số người dân thì ông ta đã là thánh, thánh của tư tưởng trong tâm trí những người sùng bái ông nói riêng. Còn nói chung về mặt tâm linh dân tộc, ông Hồ Chí Minh chưa bao giờ được thành thánh cả.
Nguyên nhân tại học thuyết chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà ông Hồ được sự giúp đỡ của cộng sản quốc tế mang về Việt Nam áp đặt cho dân tộc Việt Nam. Học thuyết duy vật biện chứng, vô thần này coi mọi tôn giáo, phép mầu là mê tín, dị đoan, là kẻ thù của tư tưởng tiến bộ cần phải tiêu diệt. Bởi sự mâu thuẫn như vậy nên ông Hồ dù có xây đền thờ, đưa vào chùa, làm mọi điều để nâng ông ta lên thành ngang tầm thần thánh… nhưng ông ta chưa bao giờ thiêng. Hay nói chính xác về tín ngưỡng, tâm linh không ai coi ông là thánh cả.
Những phân tích và nhận định này cho thấy sự bất bình trước những dự án khổng lồ xây tượng ông Hồ trên khắp nước vẫn còn âm ỉ trong công luận.
Nhưng chẳng lẽ chỉ đứng yên không làm gì và qui trách nhiệm cho đảng cộng sản ?
Một số blogger cho rằng những phê phán của mạng xã hội, của những nhóm hội đoàn dân sự đã và sẽ ảnh hưởng phần nào đến quyết sách của chính phủ Việt Nam. Nếu tuần rồi blogger Kami cho rằng việc dừng lại dự án tốn kém ở Sơn La là do phản biện từ mạng xã hội, thì tuần này ông đề cập thêm một bước tiến nữa cho những hội đoàn dân sự là hãy tìm cách thăm dò ý kiến, quan điểm, và thái độ của người dân, vì điều đó là tốt cho cả hai phía chính quyền và người dân.
Cũng có blogger nhận xét rằng phiên họp của Quốc hội vừa qua tranh luận về những qui định cho các tổ chức tôn giáo, là một bước tiến của nhà cầm quyền, tôn trọng xã hội mà họ đang lãnh đạo hơn trước.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì xem câu chuyện Ngôi nhà Việt Nam ở Milan bên nước Ý là câu chuyện có hậu.
Ngôi nhà Việt Nam này vốn dùng để khuếch trương các nét văn hóa Việt Nam tại Ý, nhưng nó bị một người Việt Nam là chị Nguyễn Thị Oanh nhận xét về nhiều điều sai trái của nó, trong đó nổi bật nhất là các bộ y phục mang màu sắc Trung Quốc. Giáo sư Tuấn thấy rằng nhờ cộng đồng mạng xã hội, nhà cầm quyền đã phải lên tiếng, và cuối cùng thì cũng có những hành động để sửa chữa. Giáo sư Tuấn kết luận về trách nhiệm phải lên tiếng để làm cho xã hội tốt hơn :
Nên nhớ rằng "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa". Tất cả chúng ta phải lên tiếng trước những cất công và bất cập của xã hội để làm cho xã hội tốt hơn.
Kính Hòa, phóng viên
Theo RFA, 24/08/2015
Comments
Post a Comment