Skip to main content

Có lẽ vì chúng ta chưa đủ đau, đủ nhục


nhuc2
70 năm sau, học sinh Việt Nam cầm cờ 6 sao đón Tạp Cận Bình - Reuters 22/11/2011

Lại sắp đến ngày 2/9. Đúng 70 năm kể từ khi đảng cộng sản cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tư tưởng, đường lối của chủ nghĩa Mác Lênin, và 40 năm kể từ ngày Việt Nam thống nhất thành một, nhà cầm quyền sẽ lại tổ chức kỷ niệm tưng bừng, nhằm nhắc nhở người dân về những chiến thắng, những công lao tô vẽ trong quá khứ và cố làm người dân quên đi hiện thực ngổn ngang của đất nước. Nhưng có vẻ như những lời tụng ca quá khứ, công ơn của đảng của chính phủ ấy cứ mỗi năm mỗi nhạt đi chả mấy ai buồn nghe. Người dân bình thường còn phải chạy đuổi theo cuộc mưu sinh, chạy theo vật giá leo thang mỗi ngày, chạy trường cho con, chạy kiếm thêm tiền dành thân phòng khi tai nạn ốm đau, tuổi già sức yếu… ; còn đám trẻ vô tư vô lo thì chỉ coi ngày 2/9 như thêm một ngày nghỉ lễ tha hổ ăn chơi.

òn lại những ai có lòng với đất nước, cứ mỗi dịp 2/9, 30/4 và những ngày lễ khác của chế độ là chúng ta lại đối diện với những câu hỏi : độc lập thống nhất đã bao nhiêu năm rồi, nhưng tại sao Việt Nam vẫn cứ mãi đói nghèo lạc hậu, người dân chưa được hưởng tự do dân chủ, ấm no hạnh phúc thật sự, Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới và sẽ đi về đâu, bao nhiêu năm nữa thì người Việt có thể bắt đầu xây dựng lại từ đầu một nước Việt Nam theo một thể chế tự do, dân chủ, tam quyền phân lập ?

Tôi không muốn nhắc đến câu hỏi ngớ ngẩn vừa sai từ cách đặt vấn đề vừa tỏ ra mỵ dân của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam"Tại sao chúng ta tốt mà vẫn nghèo, bây giờ phải làm gì ?" Nhưng riêng phần tại sao Việt Nam vẫn cứ đói nghèo, có lẽ phần lớn trong chúng ta đều đã có câu trả lời từ thực tiễn đất nước, đó là đảng cộng sản Việt Nam đã đi sai đường, đã chọn sai mô hình thể chế chính trị, sau nhiều năm lại bị tha hóa biến tướng trở thành một đảng độc tài, tham nhũng nặng nề, và từ chối mọi cơ hội thay đổi theo hướng tự do dân chủ đa đảng. Khiến cho đất nước không những bị kềm hãm không thể phát triển mà còn tụt hậu hàng chục, hàng trăm năm về mọi mặt so với các nước láng giềng chỉ trong vòng vài thập niên, chứ chưa nói đến thế giới, đạo đức văn hóa xã hội sa sút, con người Việt Nam cũng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, chưa kể một phần lãnh thổ lãnh hải bị mất vào tay Trung Cộng, đất nước không chỉ bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng mà còn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất nước…

Tất cả những điều đó chúng ta, những ai đã nhìn ra sự thật sau 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản đều đã biết, đã nói quá đủ, quá nhiều trong suốt những năm qua. Nhưng có phải chỉ có mình đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi chuyện ?

Đúng là đảng cộng sản đã sai lầm. Lý thuyết cộng sản chủ nghĩa theo tư tưởng Mác Lênin cùng với mô hình thể chế chính trị độc đảng độc tài, bao cấp hoàn toàn về kinh tế theo kiểu Liên Xô cũ đã bị phá sản, bị vứt vào sọt rác ngay cả quốc gia sản sinh ra nó, sau đó đảng cộng sản Việt Nam học theo đảng cộng sản Trung Quốc, cố lắp ghép sửa đổi thành mô hình độc đảng độc tài kết hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một hệ thống kinh tế hoàn toàn mới, chưa hề có trong lịch sử, còn về mặt tư tưởng thì tư tưởng Mác Lên nin kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cũng không ai biết tư tưởng Hồ Chí Minh là gì. Sau gần hai mươi năm gọi là đổi mới, vận hành đất nước theo mô hình này thì kết quả như thế nào chúng ta cũng đã nhìn thấy.

Đúng là đảng cộng sản không vì dân vì nước, bất tài, bất lực, tham nhũng và phá hoại. Nhưng cứ thử hỏi vì sao cái đảng ấy vẫn tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ dân ta cho đến nay, khi chỉ còn lại đôi ba nước trên thế giới là chấp nhận ?

Chúng ta có thể bị lừa lúc đầu, thậm chí khi đảng hô hào đổi mới vào thập niên 90 của thế kỷ XX chúng ta vẫn có thể tiếp tục bị lừa, nhưng đến bây giờ, ai bắt chúng ta tiếp tục tự lừa mình sau chừng đó năm, chừng đó thông tin cho phép chúng ta thừa sức so sánh giữa những lời nhà cầm quyền nói với những việc họ làm, so sánh tình hình thực tế nước ta và các nước khác ?

Cho dù chung quanh chúng ta không ít những tấm gương vươn lên nhanh chóng thần kỳ từ những nước bại trận sau chiến tranh thế giới thứ hai như Đức, Nhật Bản hoặc là nước nghèo, lạc hậu, thua cả miền Nam Việt Nam những năm 60-70 như Hàn Quốc, trở thành những cường quốc về nhiều mặt, được thế giới kính nể như hiện tại. Tất nhiên, do những quốc gia này không bị họa cộng sản, đã chọn lựa đúng mô hình thể chế chính trị để xây dựng và phát triển, nhưng không loại trừ một lý do : lòng kiêu hãnh dân tộc và cả tinh thần yêu nước khiến họ biết đau biết nhục từ sự thất bại, nghèo hèn, và quyết tâm xây dựng đất nước trở thành hùng cường.

Nói như vậy không có nghĩa người Việt không yêu nước, nhưng phải chăng lòng yêu nước ấy chưa đủ mạnh, cả cái đau cái nhục cũng chưa đủ ?

Nhà cầm quyền chưa thấy đủ đau đủ nhục khi Việt Nam dưới sự lãnh đạo của họ luôn luôn bị xếp hạng cao trên thế giới về tham nhũng, độc tài, kẻ thù của internet, nhưng lại luôn nằm trong số những quốc gia xếp hạng chót về phát triển kinh tế, GDP tính trên đầu người, chỉ số chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, tự do báo chí, tự do ngôn luận…, và 40 năm sau khi thống nhất Việt Nam vẫn cứ phải vác mặt đi vay nợ thế giới, Việt Nam bây giờ không chỉ thua xa từ Indonesia, Singapore, Thái Lan mà ngay cả Campuchia có những khía cạnh cũng thua, ví dụ như chúng ta chỉ làm ra được con ốc vít trong khi Campuchia làm ra được xe hơi, Campuchia dù chính phủ cầm quyền vẫn độc tài nhưng dù sao cũng đã có đa nguyên đa đảng…

Họ cũng không thấy nhục khi người dân, thông qua mạng lưới báo chí bên ngoài, các trang blog, trang mạng xã hội… thường xuyên bày tỏ sự phẫn nộ, căm ghét, phê phán cái chế độ này, cái đảng và nhà nước này.

Họ cũng không thấy nhục trong mối quan hệ bất bình đẳng và luôn luôn thiệt hại với Trung Quốc, mối quan hệ đã khiến họ, dưới mắt người dân là một nhà cầm quyền hèn nhát, nhu nhược, thậm chí bị nhân dân chửi thẳng là bán nước, ghi thêm một vết nhơ muôn đời trong lịch sử.

Nhà cầm quyền thì như thế, còn người dân, dường như chúng ta cũng chưa đủ đau đủ nhục dù 40 năm sau khi thống nhất, quê hương vẫn lầm than, người Việt vẫn phải tha hương khắp nơi kiếm sống, đi làm thuê cho thiên hạ, đi làm dâu xứ người ; và vì cái nghèo, cái hèn nên nhiều người làm liều ăn cắp ở Nhật, đi buôn lậu, buôn cần sa ở Anh và các nước Đông Âu, đi làm gái ở Campuchia, Thái Lan, Singapore… Hình ảnh ngưởi Việt trên thế giới, do đó, cũng bị coi thường, rẻ khinh.

Người Việt chúng ta dường như chỉ biết lo vun quén cho bản thân, cho cái riêng mà ít khi nghĩ đến cái chung.

Vì chỉ nghĩ đến cái lợi riêng của đảng nên đảng cộng sản cương quyết không chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai, bất chấp lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Người dân thường thì chỉ lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, mũ ni che tai trước những bất công phi lý của xã hội và sự thối nát của chế độ, tự nhủ chuyện chính trị, chuyện nước đã có đảng, có nhà nước lo, mở miệng chỉ thiệt đến thân. Thói quen ít nghĩ đến cái chung bắt đầu từ những hành vi rất nhỏ trong cuộc sống, như nhà mình thì giữ thật sạch nhưng con hẻm chung có bẩn cũng mặc kệ, hoặc sẵn sàng vứt rác nơi công cộng, cái gì của mình thì tiết kiệm, dè sẻn nhưng của chung thì hoang phí. Chẳng hạn từ thời bao cấp, công nhân viên vì đồng lương không đủ sống đã tìm cách bớt xén, thủ lợi ở cơ quan từ việc xài điện chùa, nước chùa, điện thoại chùa cho tới dùng giờ công làm việc riêng…
Quan chức từ cấp thấp đến cấp cao khi đã ngồi vào chỗ chỉ biết nghĩ cách bám ghế cảng lâu càng tốt, lo vơ vét càng nhiều càng tốt, bớt xén, rút ruột các công trình, đẻ ra những dự án khổng lồ, những tượng đài hoàng tránh, vung tiển cho những dịp lễ lạc, kỷ niệm hàng năm… để ăn, bất chấp chất lượng và hậu quả ra sao, bất chấp nước còn nghèo dân còn đói khổ. Rồi nào mải mê tranh giành ghế, đấu đá nhau, vét cho sạch xây nhà to, mả to, nhà thờ họ to, đưa con đi du học, chuyển tiền ra nước ngoài…

Trí thức còn đang phải mải kiếm thêm cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nghệ sĩ còn đang phải chạy xin cái danh xưng nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Còn giới trẻ, một bộ phận còn đang than khóc cho một nhóm nhạc K-pop, cho một trận bóng đá thua của nước nhà, khóc thương theo những câu chuyện lâm li của những cuốn tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, say sưa theo dõi đời tư của ca sĩ này người mẫu kia, chạy theo mẫu điện thoại mới nhất, quần áo mốt nhất, hay xuống đường đánh nhau vì hai hot girl, thậm chí tệ hơn, ăn chơi đốt đời với ma túy thuốc lắc v.v. Chỉ một bộ phận giới trẻ chăm học, nghĩ tới tương lai nhưng cũng vẫn là tương lai của chính mình hơn là tương lai của đất nước.

Vì chưa đủ nhục đủ đau, vì làm việc gì cũng chỉ nghĩ tới mình nghĩ tới hai chữ Việt Nam sau, nên không thèm quan tâm đến cái nhìn của thế giới, từ chuyện hành xử thiếu văn minh, ăn cắp móc túi khi đi ra bên ngoài, cho tới những công trình thể hiện bộ mặt Việt Nam với thế giới mà cũng làm như mèo mửa, một ví dụ mới nhất là về sự nhếch nhác của Nhà Việt Nam tại Expo Milano 2015 (Ý), mà dư luận mới được biết sau khi chủ một Facebook đăng tải hình ảnh và bài viết phản ánh.

Chúng ta cũng thường chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái hại lâu dài, ví dụ như nạn chặt chém du khách nhất là khách nước ngoài, không nghĩ đến việc khách nước ngoài vì thế mà không muốn quay lại, gây hại chung cho đất nước trong đó có chính bản thân mình.

Nhiều người đã từng nhận xét Việt Nam không phải là nước đang phát triển hay chậm phát triển mà là khó phát triển. Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, trong bài nói chuyện trước các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tại Đà Nẵng mới đây, đã nói : "Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển ! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển !" - chuyên gia Phạm Chi Lan nói một cách khá chua chát" ("Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới : Nước… không chịu phát triển !" (Info.net).

Người Việt chúng ta cũng rất giỏi chịu đựng. Đường ống Sông Đà bị vỡ tới 13 lần, giữa thế kỷ XXI mà người dân thủ đô phải xếp hàng lấy nước như thời bao cấp nhưng chúng ta vẫn chịu được, bị Bộ giáo dục hành suốt bao nhiêu năm qua bao nhiêu lần cải cách, thay đổi xoành xoạch vẫn chịu được, tiền thuế của mỗi người dân chúng ta bị cái nhà nước này tiêu xài phung phí, ăn ngập họng, làm ăn thua lỗ, thất thoát, bắt dân phải gánh nợ, chúng ta vẫn chịu được v.v. và v.v.
Một chế độ tồi tệ đến thế chúng ta vẫn chịu được. Thì là lỗi của chúng ta hay lỗi của nhà cầm quyền ?

Có vẻ như lâu nay lối thoát duy nhất của chúng ta là… chửi. Chúng ta chửi chế độ, chửi bọn quan tham, bọn bán nước, bọn bất tài… Chưa bao giờ trước đây người dân Việt Nam từ ông tài xế taxi, bà bán bún ngoài chợ cho tới dân trí thức, các blogger, nhà báo tự do…có thể thoải mái chửi chế độ, chửi nhà cầm quyền đến thế. Nhà cầm quyền có biết không ? Thừa biết. Nhưng tại sao họ vẫn để lơ ? Thứ nhất là vì người ta chửi nhiều quá, nếu bất cứ ai chửi chế độ cũng bắt bớ, giam cầm thì có mà bắt mà giam hàng chục triệu người. Thứ hai, bởi vì chửi không làm cho chế độ này sụp được, thậm chí chửi nhiều khi còn là một cách xả xú páp, chẳng thà để dân chửi cho hả rồi dân lại lùi lũi lo kiếm ăn còn hơn dân ôm lấy nổi căm giận trong lòng và một ngày xuống đường, đấu tranh lật đổ chế độ.

Chúng ta chửi không làm cho chế độ này sụp đổ được, cũng như chúng ta chửi Trung Cộng không làm cho Trung Cộng sợ mà không dám tiếp tục gây hấn, cướp phá ngư dân Việt, hay xâm lấn dần lãnh hải lãnh thổ Việt Nam.

Những người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ cho tới các nước Bắc Phi đã phải xuống đường thay đổi chế độ độc tài, đòi lại quyền tự quyết vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

Còn người Việt. Bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động ?
Song Chi
Theo RFA, 23/08/2015 (songchi's blog)

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Orsay (Pháp), và ngay cả ngày nay, khi đối diện

AFGHANISTAN - LỊCH SỬ TÁI DIỄN

GỌI LÀ TRUYỀN THÔNG THỔ TẢ KHÔNG OAN TÍ NÀO -New York Times viết bài nhận định, ca ngợi cụ Biden khi ra lệnh tháo chạy, đã lấy một quyết định dứt khóa và can đảm -decisive and courageous-. Nếu vắt chân lên cổ tháo chạy lúc 3g sáng là can đảm thì tất cả tự điển trên thế giới này cần phải được sửa lại hết. -CNN, đài TV cấp tiến cuồng, đã biện hộ cho cụ Biden, nhận định mất Afghanistan sẽ là một vết dơ nhỏ -small stain- trong gia tài cụ Biden để lại. Hả? “vết dơ nhỏ”? ___________________________________________________________________________________________________________  AFGHANISTAN - LỊCH SỬ TÁI DIỄN     Tin tức thời sự từ đầu năm tới nay cho thấy nước Mỹ đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc xuống hố tự diệt. Chính quyền của cụ Biden trong hơn nửa năm qua đã đi từ khủng hoảng vĩ đại này tới khủng hoảng khổng lồ nọ. Mà đó chỉ là thành quả của hơn nửa năm, và cụ Biden sẽ còn ngồi đó gần ba năm rưỡi nữa, nếu còn sức khỏe thể xác và tinh thần, là việc càng ngày càng nhiều người ng

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không cần phải b