Các đảo Trung Cộng xây phi pháp ở Biển Đông sẽ bị Mỹ tấn công?
Dù đã có nhiều cảnh báo về phía Hoa Kỳ bằng các chuyến bay thị sát, Trung Cộng được mô tả như vẫn ráo riết biến các đảo nhân tạo mới bồi đắp thành những pháo đài quân sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai.
Điều này chẳng những gây lo ngại cho các nước láng giềng chung quanh như Việt Nam và Philippines mà còn đe dọa trực tiếp đến Hoa Kỳ một khi con đường hàng hải Biển Đông bị khống chế.
Báo Người Đưa Tin dẫn nguồn tin hãng Reuters cho biết hôm 24/7/2015, phát biểu tại Diễn đàn an ninh ở thành phố Aspen, bang Colorado ngày 24/7, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry B.Harris Jr., nhấn mạnh tình trạng Trung Cộng ngày càng hung hăng ở Biển Đông là vấn đề mà công chúng Hoa Kỳ phải biết và chính phủ phải giải quyết.
Đô đốc Harris nhấn mạnh đến các cơ sở mà Trung Cộng đang xây dựng ở vùng quần đảo Trường Sa, rõ ràng mang tính chất quân sự hơn là dùng trong công tác cứu nạn nhân đạo như Trung Cộng từng tuyên bố. Đó là các hải cảng đủ độ sâu để các chiến hạm có thể neo đậu và một phi đạo dài hơn 3 km đủ để một máy bay ném bom B-52 cất cánh.
Thực tế cho thấy các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng đã có tiến hành cải tạo đất trong vùng Biển Đông nhưng chỉ vào khoảng 100 mẫu Anh (acre) trong vòng 45 năm. Điều này so với phạm vi và quy mô các công trình của Trung Cộng hiện nay, theo Đô đốc Harris đã lên đến gần 3.000 mẫu Anh chỉ trong 18 tháng.
Đây không còn là một mối nguy tiềm ẩn đối với Hoa Kỳ một khi Trung Cộng sử dụng các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa làm nơi tung ra các cuộc do do thám quân sự. Vị đô đốc Tư Lệnh khẳng định rằng trong trường hợp lợi ích Hoa Kỳ bị đe dọa, hay xảy ra một cuộc xung đột, các tàu chiến Mỹ có thể tấn công các đảo nhân tạo đó.
Và ông cũng nói rằng với khả năng của Mỹ hiện nay, việc tấn công các mục tiêu đó là điều dễ dàng. Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh trước bất kỳ mối đe dọa nào xuất phát từ các đảo nhân tạo này.
Ngoài những hệ lụy về nguy cơ xung đột quân sự, bài nói chuyện của Đô đốc Harry B. Harris Jr. còn chỉ ra 3 yếu tố làm thay đổi hiện trạng do hành động đơn phương của Trung Cộng gây ra. Thứ nhất, gây rối kinh tế toàn cầu bằng cách gây rối loạn tự do hàng hải, làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Thứ hai, hủy hoại môi trường biển khi bồi đắp các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, các đá và bãi cạn, gây thiệt hại thường xuyên và nhanh nhất đối với các rạn san hô. Thứ ba là đe dọa các nguyên tắc chung về bảo đảm an ninh và thịnh vượng trong khu vực đã được các nước tôn trọng và thực thi trong nhiều thập niên qua.
Cuối cùng kết luận của Đô đốc Harris đưa ra một sự thật mà Trung Cộng không bao giờ thừa nhận: Chính hành động Trung Cộng đã đẩy các quốc gia láng giềng của họ ở Biển Đông tăng cường quan hệ với nhau và với Mỹ, chứ không phải do nỗ lực can thiệp hay lôi kéo của Hoa Kỳ nhằm gây mất ổn định tình hình như Trung Cộng thường cáo buộc.
Tú Thanh / SBTN
Comments
Post a Comment