LTS: Trong đấu tranh cách mạng thắng lợi về tư tưởng và lý
luận cuối cùng sớm muộn cũng đưa tới thắng lợi chính trị; ngược lại một chính
quyền không còn gì để nói trước sau cũng bị đào thải. Do vậy chuẩn bị tư tưởng
cho quần chúng là một trong những nội dung quan trọng nhất trong cuộc vận động
dân chủ. Quần chúng càng được chuẩn bị kỹ càng về tư tưởng, nghĩa là quần chúng
càng hưởng ứng và ủng hộ một hình ảnh về nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, thì
cuộc đấu tranh giành dân chủ càng sớm thắng lợi trong trật tự và ổn định.
Giành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng và lý luận
(Khai
Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Trong đấu tranh cách mạng thắng lợi về tư tưởng và lý luận
cuối cùng sớm muộn cũng đưa tới thắng lợi chính trị; ngược lại một chính quyền
không còn gì để nói trước sau cũng bị đào thải. Hiện nay chính quyền cộng sản
đã hoàn toàn bối rối trên mặt trận ý thức nhưng đối lập dân chủ Việt Nam cũng
chưa giành được thắng lợi dứt khoát. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ tiếp tục đóng
góp tích cực vào cuộc đấu tranh tư tưởng để bẻ gãy hẳn những lý luận ngụy biện
có lợi cho chế độ độc tài và giải tỏa những lấn cấn còn tồn tại trong nhân dân
và một số người dân chủ. Cuộc đấu tranh tư tưởng này rất quan trọng, ngay cả
sau khi dân chủ đã được thiết lập, vì đó chính là cuộc vận động cốt lõi để thay
đổi cách suy nghĩ và hành động, nghĩa là thay đổi hướng đi của lịch sử.
Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng dân chủ sẽ đưa tới hỗn
loạn. Chúng ta cần chứng minh rằng dân chủ là điều kiện căn bản để bảo đảm
không có hỗn loạn, là phương thức sinh hoạt cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới
không ngừng trong trật tự. Chúng ta cần khẳng định rằng đất nước sẽ không thể
vươn lên được nếu không đẩy lùi được tham nhũng vì tham nhũng làm hỏng tất cả mọi
kế hoạch, dự án, công trình. Nhưng kinh nghiệm của mọi quốc gia trên thế giới
đã chứng tỏ rằng người ta không thể cải tiến một chính quyền tham nhũng mà chỉ
có một giải pháp duy nhất là thay thế chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền
khác. Dân chủ chính là thể chế cho phép thay đổi chính quyền mà không gây hỗn
loạn; dân chủ vì vậy là giải pháp bắt buộc cho những nước mắc nạn tham nhũng nặng
như Việt Nam.
Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng muốn phát triển cần
có kỷ luật và muốn có kỷ luật cần hy sinh dân chủ, giới hạn tự do và nhân quyền.
Nhân dân Việt Nam cần được giải thích rõ ràng không thể có kỷ luật quốc gia nào
khác hơn là hiến pháp và luật pháp. Nhân dân Việt Nam cũng cần được thuyết phục
rằng dân chủ, tự do và nhân quyền không những không là những trở ngại mà còn là
những điều kiện không có không được cho một phát triển lành mạnh, liên tục và bền
vững; những tiến bộ ban đầu tại một số nước độc tài như Trung Quốc và Việt Nam
chỉ là hậu quả của việc nới lỏng một số tự do và tháo gỡ một phần chính sách quản
lý độc đoán và sẽ mau chóng đạt tới giới hạn nếu không có chuyển biến thực sự về
dân chủ. Trên thực tế đà phát triển tại hai nước này đã khựng lại vì hai chính
quyền Trung Quốc và Việt Nam không chịu đẩy mạnh thêm cải tổ theo chiều hướng
dân chủ hóa.
Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng xã hội phương Đông
khác với xã hội phương Tây, và do đó không thể chấp nhận những giá trị của
phương Tây như tự do cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Tự do, dân chủ và nhân quyền
là những giá trị phổ cập của cả loài người, không riêng gì của phương Tây. Các
giá trị đó có mặt trong mọi nền văn minh, kể cả tại Việt Nam. Ưu điểm của các
nước phương Tây là đã biết phát huy mạnh mẽ những giá trị đó, nhờ thế họ đã phồn
vinh và vượt xa phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần phát huy những giá trị
đó để tiến lên. Và vì chúng ta đã chậm trễ nên cần phát huy một cách mạnh mẽ và
quả quyết.
Chúng ta cần phơi bày sự sai trái của lập luận cho rằng các
giá trị văn hóa Châu Á có lợi cho phát triển hơn các giá trị văn hóa phương
Tây. Đằng sau lập luận mị dân đó là ý đồ biện hộ cho những chế độ độc tài
chuyên chính. Không phải ngẫu nhiên mà chế độ cộng sản Trung Quốc đang cố gắng
phục hồi Khổng Giáo và cũng không có gì ngạc nhiên nếu chế độ cộng sản Việt Nam
sẽ hưởng ứng. Chúng ta phải cảnh giác để làm thất bại kế hoạch tuyên truyền
này. Dĩ nhiên các nền văn hóa Châu Á có nhiều điểm tích cực nhưng những điểm
tiêu cực còn nhiều hơn và trầm trọng hơn. Các nước Châu Á phát triển nhất đã
phát triển nhờ chấp nhận cách suy nghĩ, tổ chức và làm việc dân chủ của người
phương Tây chứ không vì phủ nhận phương Tây và đề cao những nét đặc thù của
mình. Vả lại, các nước Châu Á có những nền văn hóa và phong tục rất khác nhau,
nên không thể nói một cách chung chung tới những giá trị phương Đông hay Châu Á
được.
Chúng ta cần ý thức rằng đây không phải chỉ là những cuộc
tranh luận lý thuyết. Đằng sau những lập luận ngụy biện bênh vực cho các chế độ
độc tài là những nhà tù khắc nghiệt, những đày đọa thô bạo mà những con người
đáng quý nhất của đất nước là nạn nhân, trong khi một thiểu số cường hào tha hồ
vơ vét tài nguyên quốc gia.
Chúng ta cũng cần phải cực lực bác bỏ một thứ "chủ
nghĩa kinh tế" mà một số chính quyền, trong đó có chính quyền cộng sản Việt
Nam, đã lấy làm lý cớ để phủ nhận hoặc giới hạn tự do, dân chủ và nhân quyền.
Kinh tế không phải là tất cả, và ngay cả trên địa hạt thuần túy kinh tế tỷ lệ
tăng trưởng cũng không phải là tất cả. Một thành tích tăng trưởng kinh tế 10%
không cho phép một chính quyền tự mãn là có công rồi áp đặt một chế độ độc tài
lên dân chúng, nhất là khi sự tăng trưởng đó chỉ là rút ngắn một phần sự tụt hậu
do chính họ gây ra và đất nước phải trả bằng một giá rất đắt về văn hóa, đạo đức,
môi trường. Mục tiêu quốc gia mà chúng ta phấn đấu để toàn dân Việt Nam chia sẻ
là một xã hội phồn vinh, có văn hóa cao, có sự phân phối hợp tình hợp lý lợi tức
quốc gia, có cơ hội thăng tiến công bằng cho mọi người, có liên đới giữa người
và người và giữa mọi người với đất nước, có bảo đảm tự do và phẩm giá cho mọi
người, có khả năng không ngừng vươn lên, có môi trường thiên nhiên được bảo vệ
và liên tục cải thiện.
Một cố gắng khác, rất quan trọng, là thuyết phục mọi đảng
viên cộng sản và viên chức nhà nước rằng họ hoàn toàn không có lý do chính đáng
nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có
mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và
những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ
được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm
tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi
người, kể cả chính họ.
Cố gắng tranh thủ sự hưởng ứng của những cán bộ đảng viên cộng
sản không khó về mặt lý luận vì trong đại bộ phận họ cũng đều là nạn nhân của
chế độ và cũng rất bất mãn. Khó khăn là ở di sản tâm lý do cuộc chiến và cách
cai trị thô bạo của Đảng Cộng Sản để lại. Nhiều người không tin rằng hận thù có
thể xóa bỏ dễ dàng, trong khi đó thì vẫn còn những luận điệu cực đoan của một
thiểu số vô ý thức và vô trách nhiệm gây thêm sự lo ngại. Bởi vậy cuộc vận động
dân chủ, một mặt, phải khẳng định một cách thật quả quyết tinh thần hòa giải và
hòa hợp dân tộc và, mặt khác, phải cam kết một cách hùng hồn rằng sẽ không có bất
cứ một biện pháp phân biệt đối xử nào. Muốn như thế hàng ngũ dân chủ phải quy tụ
mọi người xuất phát từ mọi quá khứ chính trị. Một tập hợp chính trị dù có thiện
chí và đường lối đúng đắn đến đâu mà chỉ gồm những người xuất phát từ một trong
hai phe quốc gia cũ hay cộng sản cũ cũng vô vọng.
Để giành thắng lợi dứt khoát trong mặt trận tư tưởng và lý
luận chính những người dân chủ phải có tư tưởng và lý luận đúng. Cố gắng đầu
tiên và quan trọng nhất là thuyết phục những người muốn đóng góp cho cuộc vận động
dân chủ, trí thức cũng như quần chúng, rằng đấu tranh chính trị không bao giờ
có thể là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức.
Cuộc đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài đảng trị và thiết lập dân chủ là một
cuộc đấu tranh chính trị rất khó khăn. Nó phải có tổ chức, và tổ chức không thể
thành hình nhanh chóng được mà đòi hỏi những cố gắng thông minh và bền bỉ trong
rất nhiều năm. Nhưng xây dựng tổ chức là điều không thể tiết kiệm. Các chuyên
gia, nhà bình luận, văn nghệ sĩ có thể đóng góp với tư cách cá nhân những thông
tin, lý luận và tình cảm có lợi cho cuộc vận động dân chủ nhưng họ không đánh bại
được chế độ độc tài, đánh bại được chế độ độc tài hay không là ở các tổ chức
dân chủ. Chúng ta trân trọng những đóng góp đó nhưng cũng phải nhận định giới hạn
của chúng. Ngược lại những người này cũng cần nhìn thấy giới hạn của chính mình
và nhìn nhận sự cần thiết của tổ chức, ngay cả nếu họ có những lý do riêng để
không tham gia một tổ chức nào. Đấu tranh chính trị mà không tham gia một tổ chức
nào phải được coi là một ngoại lệ chứ không thể là một thông lệ.
Vấn đề là hiện nay vẫn còn nhiều người nghĩ rằng có thể đấu
tranh cho dân chủ mà không tham gia một tổ chức nào cả. Một số còn tự hào là
không thuộc tổ chức nào, coi đó là dấu hiệu của tinh thần khách quan và đúng đắn.
Họ cần được cảnh tỉnh rằng đây là một thái độ rất sai, có hại cho cuộc vận động
dân chủ và mâu thuẫn với ước vọng của chính họ. Họ cần hiểu rằng đấu tranh
chính trị cá nhân chỉ thực sự có hiệu quả nơi một số rất ít người có uy tín và
trình độ rất cao hoặc có địa vị rất đặc biệt, trong gần như mọi trường hợp tác
dụng tích cực không bằng tác dụng tiêu cực là đánh lạc sự chú ý khỏi cố gắng
đúng đắn và cần thiết nhất, nghĩa là xây dựng tổ chức dân chủ.
Một sai lầm lớn khác cần được cảnh giác là nghĩ rằng một tổ
chức chính trị có thể thành lập được một cách nhanh chóng. Niềm tin nông nổi
này đưa tới tình trạng đã quá quen thuộc là nhiều người háo hức thành lập vội
vã các tổ chức mỗi khi bối cảnh chính trị tỏ ra thuận lợi cho cuộc vận động dân
chủ, với kết quả sau cùng là đóng góp làm lỡ cơ hội vì đánh lạc sự chú ý khỏi
những cố gắng nghiêm chỉnh. Phân tích những điều kiện để một cuộc cách mạng
thành công và những giai đoạn phải đi qua đã cho thấy một tổ chức chính trị
nghiêm túc chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh, liên tục và bền
bỉ trong nhiều năm, khởi đầu từ một tư tưởng chính trị hoàn chỉnh. Kinh nghiệm
thực tế cũng đã cho thấy là trong bốn thập niên qua đã có hàng ngàn tổ chức được
manh nha nhưng hầu như tất cả đều đã tan biến, không những thế ngay cả những chính
đảng kỳ cựu đã đóng góp nhiều hy sinh và tranh thủ được nhiều uy tín cũng đã
tàn lụi đi vì không cập nhật được tư tưởng chính trị. Xây dựng một tổ chức
chính trị như vậy đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, cố gắng và thời gian, kể cả may mắn.
Những manh động thành lập tổ chức mới thay vì đóng góp cho một tổ chức nghiêm
chỉnh có sẵn vì vậy không nên được khuyến khích.
Cũng cần cảnh giác với một ngộ nhận cho rằng chỉ cần tập
trung mọi cố gắng xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. Đúng là sự thiếu vắng xã
hội dân sự đã là nguyên nhân chính khiến chúng ta thua kém so với thế giới và
khiến dân tộc ta bất lực trước một chế độ độc tài bạo ngược. Không ai phủ nhận
sự cần thiết của xã hội dân sự nhưng phải nhìn đúng vai trò của nó. Mỗi tổ chức
xã hội dân sự đúng nghĩa chỉ có thể dành quan tâm đặc biệt cho một vấn đề của
xã hội và vì thế có tiếng nói uy tín trên vấn đề đó nhưng, ngược lại, không
quán triệt mọi vấn đề của xã hội và cũng không thể có tham vọng chính trị. Mỗi
tổ chức phơi bày những sai trái của chế độ độc tài và gây áp lực trên một địa hạt
mà mình đặc biệt quan tâm và đã trải nghiệm nên có tiếng nói thẩm quyền. Sức mạnh
của các tổ chức xã hội dân sự chính là ở chỗ chúng có mục tiêu nhất định rõ rệt.
Chúng là những hỗ trợ quý báu cho cuộc vận động dân chủ nhưng chúng không có chức
năng lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ. Đó là chức năng của các tổ chức chính
trị.
Comments
Post a Comment