Đã đến lúc cần mạnh dạn đổi mới triệt để những màn "kính thưa, kính gửi", những nghi lễ đã lạc điệu...
Trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Man City đã khép lại. Khó có thể bình về mặt chuyên môn, bởi khoảng cách chênh lệch giữa 2 đội bóng. Tuy nhiên, ngay cả “chuyện bên lề” cũng có nhiều điều đáng nói, đó là mặt tổ chức và nó phản ánh một sự “lạc điệu” trong công tác tổ chức sự kiện hiện hữu nhiều nơi ở nước ta.
Những hạn sạn từ một trận bóng
Những nghi lễ là phần cần thiết của hầu hết các cuộc chơi. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên phản tác dụng nếu được vận hành một cách thiếu khoa học, không phù hợp với bối cảnh và nhất là đối tượng tham dự.
Ở trận đấu vừa qua, phần đọc lời khai mạc, tặng hoa, chụp ảnh chiếm đến 15 phút. Ba bài diễn văn cần mẫn được từng vị đọc mà chỉ có số ít khu vực khán đài A và khán giả xem truyền hình nghe được. Chuyện này thậm chí đã được 1 số tờ báo Anh như BBC, Daily Mail miêu tả không phải với ý… ca ngợi.
Công Vinh và thủ môn Joe Hart cầm lộn chiều bức tranh Tháp Rùa trong màn trao quà lưu niệm.Ảnh: VietNamNet
Cầu thủ đội khách dường như quá bất ngờ trước lối tổ chức xứ mình đến độ mất cả kiên nhẫn đứng nghe. Không ít cầu thủ rời hàng, khởi động tại chỗ, trò chuyện với nhau. Tôi đồng cảm với họ, bởi có nghe họ cũng chẳng hiểu do sự khác biệt ngôn ngữ.
Không hiểu có ở đâu cầu thủ phải đứng lâu như vậy trên sân chỉ cho phần “nghi lễ”. Văn hóa phát biểu, có “vai” này thì phải có “vế” kia, nặng về tính hình thức, nhiều lúc không ai nghe mặc người nói cứ say sưa “trầm bổng” đến bao giờ mới chấm dứt? Các vị có bao giờ đặt câu hỏi liệu bao nhiêu người lắng nghe lời “vàng ngọc” của mình?
Sau những bài phát biểu là màn tặng hoa, chụp ảnh. Người ta bắt đầu với hai đội trưởng rồi đến từng cầu thủ. Rồi một vài lời dẫn lạc điệu của người dẫn chương trình khiến nhiều người cảm tưởng đây không phải một trận đấu giao hữu đơn thuần.
Tổ chức sự kiện cho ai ?
Tổ chức sự kiện cho ai ?
Câu hỏi đầu tiên bất kì nhà tổ chức sự kiện kinh nghiệm nào phải tập trung trả lời là họ tổ chức sự kiện cho ai, nhằm mục đích gì? Một mẫu số chung được đồng thuận hiện nay là việc tổ chức phải hướng đến đối tượng chính, tức là phương thức tiến hành, quá trình chạy chương trình phải phù hợp với nhu cầu của họ, chứ không phải thiểu số khách mời.
Đối tượng chính của một trận bóng đương nhiên là khán giả và cầu thủ. Với họ, những nghi lễ mang tính chính trị, ngoại giao, thương mại cần phải được tối giản. Nhìn ra thế giới, liệu có bao giờ chúng ta chứng kiến những màn nghi lễ rườm rà phục vụ “quan khách” đến vậy, dù đó có là trận chung kết bóng đá thế giới.
Tương tự, một hội thảo khoa học phải là nơi các nhà khoa học được thoải mái thảo luận, tranh luận, nơi thứ bậc về tuổi tác, phẩm hàm, những phát biểu mang tính khẩu hiệu, hô hào được đặt sang một bên. Còn một lễ hội dân gian thì cần tạo tối đa không gian, cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người dân và không nên có những “đặc quyền” ưu ái dành cho bất kì đối tượng nào…
Các sự kiện luôn có mục đích cụ thể. Doanh nghiệp tài trợ cho trận bóng nhằm quảng bá hình ảnh, qua đó thu lợi. Thế nhưng, hiệu quả của sự “đầu tư” ấy phụ thuộc vào chất lượng trận bóng và công tác tổ chức liên quan, chứ không nhất thiết tỷ lệ thuận với số biển quảng cáo trên sân, số phút hiện hữu trên truyền hình của ông giám đốc. Thậm chí, hiệu ứng tiêu cực có thể xảy ra với DN khi sự kiện tổ chức không diễn ra như kỳ vọng.
Dường như đến giờ tâm lí tổ chức mang tính “ban phát” vẫn phổ biến ở nhiều nơi, dẫn đến các dịch vụ không được chuẩn bị tốt như cần có. Khán giả chấp nhận bỏ tiền mua vé vào sân với giá không hề rẻ, nhưng họ vẫn phải ái ngại khi bước vào nhà vệ sinh như ở trận bóng vừa qua. Đây là thực tế chung ở rất nhiều lễ hội, sự kiện khác nơi nhà vệ sinh, thùng rác thưa vắng như thể chúng là dịch vụ xa xỉ.
Sự lưu tâm thái quá tới thứ bậc đối tượng tham gia dẫn đến phân biệt đối xử là điều rất cần cẩn trọng trong tổ chức sự kiện, bởi nếu không phù hợp, nó dễ chia cắt sự kiện ấy thành những mảnh vụn và phản ánh tầm văn hóa của nhà tổ chức. Đành rằng người bỏ ra nhiều tiền, người có danh vọng có quyền đòi hỏi nhận được tiện nghi mặt vật chất nhiều hơn số còn lại, nhưng sẽ là kém khôn ngoan khi ngay đến “phần hồn” nhà tổ chức cũng lấy họ làm trung tâm quá mức.
Nếu để ý một chút, trong nhiều sự kiện, sau phần “lễ”, đa phần quan khách thầm lặng ra về. Họ đến vì phải đến chứ không hẳn vì yêu thích hay am hiểu sự kiện đó.
Đã đến lúc cần mạnh dạn đổi mới triệt để những màn kính thưa, kính gửi, những nghi lễ đã “lạc điệu”. Số đông khán giả phải là trung tâm, trừ phi nhà tổ chức muốn sự kiện đó là của riêng mình.
Comments
Post a Comment