Cứ mỗi buổi chiều, người bán bánh mì lại dạo xe quanh nhà tôi. Tiếng rao được thu sẳn vào máy, lặp đi lặp lại một điệp khúc đơn điệu “bánh mì đặc ruột đây”. Thoạt đầu tiếng rao cũng bình thường, nhưng càng nghe càng thấy lạ. Vì sao lại bánh mì đặc ruột? Chuyện một ổ bánh mì hiển nhiên không được rỗng ruột nay bỗng lại trở thành ngôn ngữ tiếp thị chính yếu, cứ nhấn vào tai người nghe.
Nói chuyện với người bán, mới biết rằng nhiều năm nay, bánh mì bị làm hỏng đi rất nhiều. Bột đã kém, ruột cũng bị rút đi, mới có tên gọi là “bánh mì giấy” - loại bánh mì vừa chạm vào là vỏ bánh rơi lả tả, da mỏng và không có chút ruột nào. Bánh mì Sài Gòn từng nổi tiếng với nhiều kiểu, nhiều lò và quen thuộc với mọi con người từ bình dân đến sang trọng đã trãi qua một giai đoạn, mà khốn khó đã bào mòn sự tao nhã và độc đáo của nó. Từ khoảng 2 năm nay, “bánh mì đặc ruột” - như lời rao của những người bán - đã quay trở lại, như một cách âm thầm dựng lại truyền thống đẹp nhất của mình, sự kiêu hãnh của người làm ra miếng bánh. Và quan trọng hơn, như một cách để cứu chuộc lại phẩm giá của đô thị đã bị nát nhàu bởi thời cuộc.
Cầm miếng bánh mì nóng và đẹp trên tay, tôi cứ nghĩ về những người làm nghề chân chính. Họ đã sống suốt một thời gian dài, chấp nhận làm ra những miếng bánh tệ hơn ước muốn của mình, chấp nhận sinh tồn cùng với gian dối trong một bối cảnh mà họ có cưỡng lại cũng không được. Và giờ đây, khi có điều kiện, những miếng bánh đúng và lương thiện đã tìm cách quay lại, tìm về phẩm giá đúng của người. Sự lương thiện được rao lên trong kiêu hãnh.
Con người Việt Nam cũng như những miếng bánh mì lương thiện đó, họ cũng phải chịu đựng nhiều sự thách thức để tồn tại với phẩm giá của mình – như người thợ làm bánh mì Sài Gòn, đau đáu luôn tìm một cơ hội để sống đúng với mình, tìm cách cứu chuộc lại phẩm giá của mình giữa cuộc sống xã hội chủ nghĩa hôm nay đang tràn ngập những điều buộc phải không thật.
Phẩm giá như một lựa chọn mang tính định mệnh. Nó nằm sâu thẳm trong con người, có thể im lặng cam chịu các vết thương chí mạng, nhưng lại sẳn sàng bùng lên và trỗi dậy sáng lòa từ một điều tổn thương nhỏ nhoi cuối cùng nào đó. Tương tự người nông dân mòn mỏi và chịu đựng với cuộc đời bị bóc lột khốn khó của mình, nhưng rồi bất ngờ đứng lên như một người khổng lồ chân đất. Giống như câu chuyện về người đàn bà gầy yếu ở tỉnh Hải Dương quyết đòi đối thoại công bằng về thửa ruộng con của mình bị những tên nhà giàu tư bản đỏ cưỡng đoạt. Bà đã sẳn sàng đứng trước máy xe xúc của chủ thầu đến đổ máu. Phẩm giá của một người nông dân ít chữ đôi khi có thể rực rỡ hơn cả phẩm giá của một kẻ đầy túi tiền và quyền lực lúc này. Mọi thứ có thể được chứng minh trong tích tắc nhìn thấy của định mệnh. Lịch sử Việt Nam hôm qua và hôm nay đã ghi lại không ít những câu chuyện như vậy.
Trên các trang mạng, có rất nhiều những bức ảnh về những cụ già vô danh, những người đàn bà vô danh, những đứa trẻ vô danh... đang đứng với tấm bảng đòi sự minh bạch, đòi giá trị của công lý, đòi sự thật. Những gia đình đang kêu cứu cho con em mình đang bị xét xử oan, về quê nhà bị cưỡng chiếm, những lời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng mạng để mọi thứ được hành xử đúng với luật pháp... Nhìn họ thật yếu đuối và bất lực. Thế nhưng phẩm giá Việt Nam không cho phép họ chấp nhận số phận, không có phép họ thua cuộc trong một đời sống mà họ còn tin vào lẽ phải. Phẩm giá bị vùi vập và cô đơn im lặng đó vĩ đại đó sẽ cứu chuộc nguyên khí của dân tộc này, vượt qua những bài diễn màu mè và dối trá của những nhà lãnh đạo mà ta bị buộc phải nhìn thấy mỗi ngày.
Cũng như những ngư dân Việt trên biển, đối diện bên ngoài khơi đầy những những ngư hạm vũ trang của Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá, những con người miền Trung chỉ có lưới và buồm vẫn ngày ngày dong thuyền ra biển. Ngay cả giai đoạn Trung Quốc ra lệnh vô lý cấm đánh cá trên biển Đông, họ vẫn yên lặng giã từ gia đình và ra khơi, không nghĩ ngợi đến bất kỳ một kết cục buồn nào. Bị bắt, bị cướp, bị giết... những ngư dân Việt vô danh đó rồi vẫn lại vay mượn, dành dụm đóng tàu và khởi hành. Dù không tuyên bố, những gương mặt chai sạm đó mang nặng trên vai phẩm giá của tổ quốc, cao quý hơn bất kỳ lời tuyên bố dũng mãnh nào về tình hữu nghị cộng sản trong phòng lạnh và trước ống kính mị dân. Những ổ bánh mì rỗng ruột, rụng rơi, vô giá trị.
Khác với ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH – Thượng Tướng, vẫn hùng hồn kêu gọi người Việt hãy nhẫn nhịn và giao “trách nhiệm đòi Hoàng Sa và Trường Sa cho thế hệ con cháu mai sau”, những ngư dân ít chữ và không chức phận ấy vẫn im lặng ra khơi, như một lời thề xác định phẩm giá của tổ quốc ngay tại làn nước xanh dưới con tàu của mình, bất chấp mọi đe dọa. Thật khác với ông Thượng Tướng đầy nhiệt huyết trong việc chối bỏ trách nhiệm trong cuộc tiếp xúc với đại biểu Đà Nẳng ngày 29/6/2015, những người đi biển quyết không giao phần xương máu và khó khăn đó cho con cháu mình, mà tự gánh lấy. Họ lại ra đi giữa mịt mù những đe dọa và hiểm nghèo. Chỉ có đủ phẩm giá, người ta mới có thể sống cho hiện tại và tương lai như vậy. Những ngư dân ấy, thậm chí đã cứu chuộc linh hồn cho cả những quan chức luôn hô to nhưng không bao giờ dám đặt bàn chân vào mép biển.
Khi bạn đọc những dòng này, vẫn có những ngư dân đang ra khơi, bất chấp mới đây, ngày 16/7, tàu Trung Quốc lại hung dữ tấn công tàu cá Việt Nam ở Quảng Ngãi. May mắn làm sao, người Việt vẫn còn có những con người vô danh giữ gìn phẩm giá của tổ quốc, không cần gọi tên hay chia phần lợi lộc. Những ngư dân ấy không quan tâm chuyện bộ trưởng quốc phòng sống hay chết, tổng bí thư đang chọn con đường nào. Họ không chọn đứng trong một cuộc cờ. Họ chọn ra khơi.
Tôi ăn miếng bánh mì đặc ruột Sài Gòn, và ca ngợi phẩm giá của những con người vô danh ấy.
Comments
Post a Comment