Skip to main content

Sự bí ẩn của các nhà lãnh đạo cộng sản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Ông Phùng Quang Thanh cuối cùng đã xuất hiện trong một buổi lễ tại Bộ quốc phòng vào tối ngày 27/7. Việc này xóa đi đồn đoán là ông đã bị chết vì bệnh tật hay bị ám sát. Tuy nhiên người ta vẫn đặt câu hỏi là tại sao những chuyện bình thường như đi chữa bệnh lại được truyền thông nhà nước Việt nam loan truyền một cách nhỏ giọt và không có hình ảnh nào trong thời đại của phim ảnh kỹ thuật số?
Và không chỉ là hành tung của ông Phùng Quang Thanh, mà đời sống của nhiều lãnh đạo trong thế giới cộng sản xưa và nay cũng thường được bao bọc bởi một lớp màn bí ẩn. Tại sao như vậy?
Sức khỏe lãnh tụ là bí mật quốc gia
Luật sư Nguyễn Văn Đài sống ở Hà nội, nhận xét về cách thức công bố không rõ ràng về tình trạng sức khỏe của các lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay:
Đó gọi là di sản hay cái gì đó từ xa xưa để lại. Tức là từ sức khỏe, từ đời sống cá nhân của những người cộng sản luôn luôn được giấu kín và bưng bít. Và tất cả những thông tin mà họ đưa ra nó phải theo ý đồ của ban tư tưởng trung ương, bây giờ là ban tuyên giáo. Họ không thể công khai cuộc sống của họ cho người dân biết được. Đấy coi như là bí mật quốc gia, ngày xưa xem như là bí mật quốc gia, sức khỏe hay là những hoạt động của các vị lãnh đạo của họ, qui định từ cấp nào, bộ chính trị hay là cấp nào đấy từ trung ương trở lên là thuộc hàng bí mật.”
Ngoài ra ông cũng nêu lên một giả thuyết về sự cạnh tranh quyền lực, theo đó các phe phái giấu diếm thông tin để chờ thời cơ. Ông lấy ví dụ là chuyện Đại tướng Lê Đức Anh đã từng biến mất một khoảng thời gian dài trước khi xuất hiện trở lại vào thời điểm mà các đối thủ chính trị của ông đã bị loại trừ.
Nhà văn Thùy Linh, sống ở Hà nội cho rằng con đường đi đến quyền lực của các viên chức cộng sản không bao giờ là chuyện minh bạch cho nên tất cả những gì bao quanh cuộc sống của họ cũng bí ẩn.
“Với những vị trí, những chức vụ trong đảng cộng sản, nó không có một sự minh bạch nào cả cho nên là tất cả những gì đi theo nó đều được phủ lên một cái màn rất bí ẩn. Cái ghế ngồi của từng vị trí không được chọn lựa một cách minh bạch. Những gì kèm theo vị trí đó, như cuộc sống cá nhân đều phải che phủ bởi sự bí ẩn.”
Sự bí ẩn là bản chất của chế độ cộng sản
Nhà bất đồng chính kiến Tiến sĩ Hà Sĩ Phu hiện sống ở Đà Lạt thì cho rằng chuyện không nói lên sự thật là bản chất của chế độ:
Đại tướng Phùng Quang Thanh đến hội trường Bộ Quốc phòng tối ngày 27/07/2015
Đại tướng Phùng Quang Thanh đến hội trường Bộ Quốc phòng tối ngày 27/07/2015. Ảnh: Việt Dũng/TT
Về mặt vĩ mô mà nói thì cộng sản đương nhiên là phải nói dối, như lời của ông Gorbachev, ông ấy nói cộng sản đương nhiên phải nói dối. Đấy là cái tổng thể của cái chủ nghĩa. Còn riêng cái chuyện các lãnh tụ tại sao lại phải giữ bí mật, cái gì cũng bí mật, từ ông Nguyễn Ái Quốc trở đi, thì cái đó là họ phải bịp dân thôi, phải tạo ra cái hào quang. Cái đường đi nước bước của họ để vì đảng là chính. Quần chúng nhân dân mà biết thì sẽ không được, thế cho nên họ phải giấu.”
Về cái hào quang của người cộng sản mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu vừa nhắc tới, người ta đã từng nói nhiều đến việc thần thánh hóa các lãnh tụ của họ. Từ vị lãnh tụ đầu tiên thiết lập nhà nước cộng sản là Lenin ở Liên xô cũ trở đi. Cách đây khá lâu tờ báo An ninh thế giới của cơ quan công an tại Việt nam có đưa tin về một cơ quan lưu giữ và nghiên cứu bộ não của ông Lenin. Theo báo này thì về nguyên tắc Lenin là người xuất chúng nhất của nhân loại. Tại Triều tiên thì những câu chuyện huyền thoại về gia đình của lãnh tụ Kim Nhật Thành được tuyên truyền rất rộng rãi. Còn tại Việt nam thì ngay trong thế kỷ 21 này, việc tôn vinh ông Hồ Chí Minh là một vị thánh cũng rất phổ biến.
Các lãnh tụ độc tài và sức khỏe
Người ta cho rằng với thói quen dùng hình ảnh mạnh mẽ và thánh thần như thế, các lãnh tụ cộng sản, cũng như các vị đứng đầu các thể chế độc tài đều rất e ngại chuyện đưa hình ảnh bị bệnh tật của mình ra công chúng. Nhà báo Đoan Trang nhận xét rằng:
Tất cả các lãnh tụ ở các nước độc tài đều sợ bị dân chúng thấy là mình ốm yếu. Hoặc là sợ lộ những hình ảnh ốm yếu của mình trước dân chúng. Tức là họ sợ lộ ra là mình yếu thì không còn đủ sức để lãnh đạo dân chúng nữa, dân chúng sẽ lật đổ mình.”
Điều này cũng từng được một tác giả Mỹ là Giáo sư Bruce Bueno de Mesquita nhận xét trong một bài viết cách đây khá lâu. Trong bài viết về chuyện các nhà lãnh đạo độc tài thường hay giữ kín bệnh tật của mình được nhà báo Thủy Trúc dịch ra tiếng Việt cách đây 3 năm, ông Mesquita liệt kê một loạt những vị lãnh tụ độc tài từ thế giới cộng sản cũ cho đến các vị nắm độc quyền cai trị quốc gia ở Mỹ Latin, châu Phi, châu Á. Trong danh sách đó người ta thấy cả các vị đương còn sống như ông Tập Cận Bình bên Trung quốc, hay ông Fidel Castro bên Cuba.
Ông Mesquita cho là trong xã hội độc tài luôn có mầm mống một cuộc nổi dậy, cho nên nếu tin tức về sức khỏe suy yếu của lãnh tụ được loan truyền thì dễ có nguy cơ loạn lạc. Ông dẫn chứng chuyện trong một thời gian dài vào thập niên 1990 ở Trung quốc người ta không biết ông Đặng Tiểu Bình còn sống hay đã chết. Trước đó nữa, người ta cũng không biết ông Mao Trạch Đông sức khỏe như thế nào trước khi mất. Và tất cả những việc đó là nhằm để giữ ổn định cho đảng và nhà nước cộng sản Trung quốc. Ở Việt nam người ta cũng cho rằng hồ sơ sức khỏe của ông Hồ Chí Minh cũng bị giấu đi trước khi ông qua đời.
Song song với chuyện giấu giếm bệnh tật, các nhà lãng đạo độc tài cũng thường được cho là hay chứng minh sức mạnh thể lực cường tráng của mình như ông Putin hay biểu diễn những trò thể thao, còn ông Mao Trạch Đông, người sáng lập ra nhà nước cộng sản Trung quốc đã bơi qua sông Trường Giang vào tuổi 73 để chứng minh thể lực khỏe mạnh của mình.
Với sự xuất hiện của truyền thông điện tử, việc giữ sự bí ẩn của các lãnh tụ cộng sản trở nên khó hơn. Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài thì sự minh bạch của những người cầm quyền ở Việt nam có khá hơn lúc trước.
Nhà văn Thùy Linh thì không đồng ý như thế vì bà cho rằng chủ nghĩa cộng sản luôn là tư tưởng lạc hậu so với thời đại. Và bà nói thêm là bà cũng không để ý đến câu chuyện vừa qua của ông Phùng Quang Thanh, chỉ khi nào các vị lãnh tụ Việt nam được bầu lên một cách minh bạch thì bà mới để ý đến.

Kính Hòa, 
phóng viên RFA

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...