ChuaBenh.Info - Thoát ( thoái ) vị đĩa đệm cột sống là một bệnh khá thường gặp, có thể gây tàn phế suốt đời do bị liệt, teo cơ chi, hay chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Đĩa đệm là cấu trúc nằm ở giữa 2 đốt sống, được cấu tạo từ các vòng xơ dày, chắc, bên trong có nhân nhày có tính đàn hồi. Nhờ đó, đĩa đệm có tác dụng như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ và giúp cột sống thực hiện chức năng của mình.
Bệnh thoái vị đĩa đệm ngày càng trở nên phổ biến và rất khó chữa trị. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 40 năm theo nghề y, lương y Nguyễn Vinh Quang (SN 1963, ngụ xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho rằng có thể chữa khỏi căn bệnh trên bằng cây thuốc nam.
Lương y Nguyễn Vinh Quang cho biết bài thuốc chữa bệnh thoái vị đĩa đệm gồm sáu loại thảo dược, trong đó cây chìa vôi giữ vai trò chủ đạo. Theo lời thầy thuốc Quang mô tả, đây là một giống cây thân leo thường mọc gần bờ suối hoặc những nơi ẩm ướt, rất dễ kiếm.
Cây chìa vôi còn có tên khác là: Bạch liễm, Đau xương, Bạch phấn đằng, tua cuốn không phân nhánh, mọc đối diện với lá. Thân màu xanh lục, lóng dài, tiết diện tròn, láng, phủ một lớp bột trắng mốc mốc. Rễ củ nhỏ, hình dạng không cố định, lớp vỏ mỏng màu nâu đất.
Theo ông, tác dụng chữa bệnh của cây chìa vôi từ xa xưa các tài liệu y học cổ từng nhắc đến, là cây thuốc nam chữa được nhiều bệnh phổ biến như phong thấp, đau xương, thoái hoá cột sống.
Cách thức sử dụng cây chìa vôi làm thuốc như lời ông Quang hướng dẫn khá đơn giản: “Hái cây về rửa sạch, thái nhỏ, sau đó đem phơi khô hoặc sao vàng bằng lửa rồi đun lấy nước uống hằng ngày”. Ngoài vị thảo dược “chủ đạo” trên, bài thuốc chữa trị bệnh thoái vị đĩa đệm còn có thêm 5 loại thảo dược phụ khác là cây cỏ xước, dền gai, tầm gửi, cỏ ngươi và lá lốt.
Lương y Quang cho hay mỗi vị thảo dược đều có tác dụng đặc trưng. Tuy nhiên tác dụng chung của chúng là thu phong, giảm đau, điều trị xương khớp từ đó bổ trợ điều trị đĩa đệm bị thoái vị.
“Sau khi phơi khô, mỗi vị dùng khoảng 20 – 30gr trộn đều với nhau đun lấy nước uống trong ngày. Nước thuốc có vị đắng nhẹ và thơm, hễ khát lúc nào cứ uống lúc đó chứ không cần phải băn khoăn liều lượng, bởi thuốc không hề gây ra tác dụng phụ nào. Người bệnh cũng không cần kiêng cữ bất cứ điều gì. Nếu kiên trì uống thuốc đều đặn, sau vài tháng sẽ cho kết quả rõ rệt. Khác với tây y, thuốc nam cho kết quả chậm mà chắc, thậm chí người không bị bệnh uống thuốc hàng ngày sẽ rất có lợi cho sức khoẻ”, lương y Quang chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài cách dùng phơi khô đun lấy nước uống, ông Quang cho biết thêm có thể kết hợp sử dụng lá cây chìa vôi trị bệnh thoái vị đĩa đệm ở dạng tươi như sau: Đem lá cây giã mịn, trộn thêm ít muối sống rồi cho hỗn hợp này vào túi vải, đắp lên vị trí bị đau nhức.
Ông không quên căn dặn tỉ mỉ: “Chú ý sử dụng lá tươi phải rửa thật kĩ, bởi trên bề mặt lá chìa vôi có lớp bột phấn gây ngứa. Muối sống sẽ có tác dụng khử chất ngứa này. Nếu trong quá trình đắp thuốc mà bị ngứa quá, người bệnh chỉ cần giảm lượng hỗn hợp lại là xong. So với sắc nước uống, sử dụng lá tươi cho kết quả nhanh hơn, thường đắp thuốc chỉ vài hôm sẽ giảm đau ngay”.
Ngoài tác dụng chữa trị bệnh thoái vị đĩa đệm, ông Quang tiết lộ thêm bài thuốc gồm sáu vị thảo dược trên còn có tác dụng trị chứng thấp khớp, đau nhức xương và giúp “ăn ngon ngủ ngon”.
Hậu quả của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Thứ nhất, bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động. Tất cả các biến chứng đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chưa kể những tốn kém do chi phí điều trị.
Tóm lại, thoát vị đĩa đệm cột sống là một bệnh khá thường gặp, có thể để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Do vậy khi bệnh nhân có các triệu chứng nói trên cần đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa, tốt nhất là gặp các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Comments
Post a Comment