Phần 2: Hé lộ chuyện chủ tịch Ngân hàng Xây dựng rút 18 ngàn tỷ sử dụng cá nhân
Tác Giả: Thành Tâm
Đại Kỷ Nguyên VN – 24 July 2015
Đại Kỷ Nguyên VN – 24 July 2015
Đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, chỉ trong 16 tháng đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.414 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng để sử dụng cá nhân.
Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đăng tải trên trang web của bộ ngày 17-7-2015 về việc khởi tố và bắt tạm giam ông Tạ Bá Long nguyên Chủ tịch HĐQT và Đoàn Văn An nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng.
Cùng ngày 17/7, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cho biết vừa bắt tạm giam ông Hà Tấn Phước, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát của NH Xây dựng Việt Nam) và ông Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Long An (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát VNCB).
Số tiền Ngân hàng Xây dựng bị thiệt hại đến nay là 18.414 tỉ đồng
Thông tin đến ngày 17/7 thì ông Hà Tấn Phước và ông Lê Văn Thanh bị bắt do để VNCB thất thoát 9.000 tỷ, nhưng chỉ ngay sau đó, thông tin đưa ra là thất thoát 18.414 tỷ đồng. Đến thời điểm này, dư luận thực sự choáng váng với số tiền lớn lần đầu tiên được nghe thấy này.
Ông Danh bắt đầu tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín (tên cũ của Ngân hàng Xây dựng) từ tháng 2-2013, đến tháng 7/2014 thì bị bắt, như vậy chỉ trong 16 tháng sau, ông Danh không hề có kỹ năng quản lý ngân hàng mà đã kịp rút ra số tiền khủng như vậy.
Cũng trong thời gian đó, một tổ giám sát với sự tham gia của ông Phước, Tổ trưởng Tổ giám sát của NH Xây dựng Việt Nam, từ tháng 10/2013 đến tháng 5/2014, ông là người có quyền quyết định đối với các giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên, nếu thấy sai phạm của VNCB thì báo cho NHNN. Ông Thanh, Tổ trưởng tổ giám sát VNCB từ tháng 2-2012 đến 10-2013, là người có quyền quyết định với các giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên theo quy định của NHNN nhưng không báo cáo kịp thời.
Do VNCB bị giám sát đặc biệt nên mọi hoạt động của VNCB từ thu hồi nợ, cho vay, các khoản tiền chuyển ra, chuyển vào (kể cả huy động và chi trả cho người gửi tiền) đều phải thông qua tổ giám sát. Vậy mà ông Danh vẫn lấy ra được hơn 18.000 tỷ đồng.
Để làm sáng tỏ tổng số tiền thiệt hại là bao nhiêu, vì sao, bằng cách nào số tiền trên đã ra khỏi Ngân hàng Xây dựng để vào túi sử dụng cá nhân?
Làm sao có thể lấy ra một lượng tiền lớn thế
Sơ bộ ban đầu cơ quan điều tra xác định ông Danh và đồng phạm dùng sổ tiết kiệm của doanh nghiệp để thế chấp 39 khoản vay tại VNCB; các chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản… Khi quá hạn, không có khả năng thu nợ, gây thiệt hại cho VNCB gần 9000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, những người có tiềm lực vốn ở Việt Nam thời gian qua đã cố gắng để sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần. Khi đã bỏ tiền ra để làm chủ ngân hàng thì họ sẽ thế chấp cổ phần đó để vay từ ngân hàng, như vậy họ sẽ chẳng mất đồng vốn nào mà vẫn sở hữu ngân hàng đó, đồng tiền đó sẽ quay vòng đầu tư vào công ty khác để làm chủ sở hữu, rồi lại thế chấp cổ phần để vay và đồng tiền cứ như vậy quay vòng. Còn một cách xấu hơn là cho cho vay vào các công ty sân sau của chính mình mà không cần tài sản thế chấp, hoặc rất ít tài sản thế chấp, với cách này thì họ có thể vay ra số tiền rất lớn, lớn hơn nhiều số tiền họ đã bỏ ra mua ngân hàng. Rồi các doanh nghiệp đó xù nợ, phần thiệt thòi sẽ thuộc về ngân hàng và những người mua cổ phần nhỏ lẻ.
Đó là một phần những lý do tại sao chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng trên dưới 10 năm những người giàu Việt Nam có thể từ tay không trở thành chủ sở hữu hàng nghìn tỷ.
Khi NHNN mua lại VNCB 0 đồng, các cổ đông không còn quyền lợi gì, họ đã trắng tay, nhưng NHNN sẽ phải bỏ ra số tiền tương ứng số đã thất thoát để trả người gửi tiền nhằm để ổn định hệ thống ngân hàng.
Vậy tiền của NHNN là từ đâu? Đó đều là từ ngân sách nhà nước, từ những đồng tiền thuế của người lao động một nắng hai sương gom góp vào để cho các người giàu hưởng lợi.
Comments
Post a Comment