LTS: Khi những tin tức nhiều người quan tâm được lan truyền trên MXH, đăng tải trên báo chí, thì việc xác định ranh giới, chuẩn mực để thông tin cung cấp chính xác, tường minh luôn là yêu cầu sống còn. Xung quanh vấn đề này, VietNamNet nhận được bài viết của tác giả Hiệu Minh, mà chính chúng tôi cũng coi như một “sự nhắc nhở” để không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện tờ báo.
Mấy ngày qua, báo mạng liên tục nổi cơn lũ thông tin về vụ án mạng giết gia đình 06 người tại Bình Phước. Có hai nghi can bị bắt, vài tờ báo gọi họ là “hung thủ”, “kẻ giết người”, và lý lịch ba đời được đưa lên.
Một vụ khác liên quan đến tranh chấp đất đai giữa bên thi công và nông dân vì lý do giá đền bù không thỏa đáng tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, với một clip được lan truyền chóng mặt trên mạng.
Trước đó một cô hoa hậu ngủ hớ hênh một chút trên máy bay, một bác sỹ gác chân lên giường bệnh nhân và bạn đọc nổi đóa mà phần đông chẳng hiểu rõ đầu đuôi.
Biết bao những tin tức thật giả lẫn lộn được khai thác vì những mục đích khác nhau của người đưa tin, người dùng tin và kể cả người muốn thăng quan tiến chức hay thích nổi đình đám.
Cảnh sát bảo vệ hiện trường vụ thảm sát tại Bình Phước. Ảnh: Phước Hiệp/ Thanh Niên
Thảm án Bình Phước, báo mạng và... bão mạng
Hiệu Minh
Trách nhiệm của người đưa thông tin
Một người làm báo chuyên nghiệp, học hành tử tế phải biết 04 tiêu chí đạo đức nghề nghiệp sau: 1) Đưa tin chính xác và khách quan; 2) Tránh gây phương hại; 3) Độc lập; 4) Trách nhiệm và minh bạch.
Một khi chưa biết người bị cảnh sát câu lưu có phạm tội hay không, tuyệt đối không gọi họ là hung thủ, và không tới gia đình nhà họ để “đào bới lý lịch” cho mục đích tin nóng, câu view. Điều gì xảy ra nếu trước tòa những nghi can này trưng ra chứng cớ ngoại phạm.
Ngay cả khi tòa kết luận họ có tội thì việc khai thác đời tư đã làm phương hại tới gia đình, người thân của cả người bị hại và nghi can. Người phạm tội bị xử tù, thậm chí xử tử, thì những người còn lại vẫn cần một cuộc sống bình thường.
Hay trong vụ việc tại Hải Dương, việc các MXH đưa thông tin chính xác, có trách nhiệm là vô cùng quan trọng trong tình hình căng thẳng. Sự đồn đoán, cảm tính cá nhân là không thể chấp nhận được và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Trách nhiệm của người đọc
Mấy tuần gần đây báo mạng và facebook thi nhau ném đá… mấy cái chân.
Chân gác: Một bác sỹ thăm bệnh nhân đã gác chân lên giường dù ông đã bỏ dép. Ai đó chụp được và tung lên mạng. Vị bác sỹ bị kiểm điểm và cuối cùng đã xin từ chức trưởng khoa.
Sau này mới biết thực chất vấn đề “bác sĩ lúc đó bị đau chân, bệnh nhân lớn tuổi bị lãng tai, không có ai hỗ trợ nên bác sĩ phải gác chân lên giường, sát với bệnh nhân để có thể hỏi bệnh nhân được rõ hơn”.
Chân dạng: Một cô hoa hậu ngủ trên máy bay không may dạng chân dù cô vẫn mặc quần đàng hoàng. Ai đó chụp và tung lên internet, mạng xã hội sôi sục, lên án người đẹp, đổ lỗi cho giáo dục, rồi gia đình, xã hội và kết tội nàng không thương tiếc. Có người còn dạy nàng ngủ thế nào cho đẹp.
Chân giả: Tin VietNamNet cho hay, sở LĐ-TB- XH Đắk Lắk cho biết, từ năm 2012 đến nay đã phát hiện 137 trường hợp làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thương, bệnh binh. Tin này lẽ ra phải sôi sục mới đúng vì “chân giả thương binh” đã hoành hành cả chục năm nay.
Chân thật: Người viết bài tự nhiên muốn hỏi: Những người lên tiếng về y đức dựa vào bức ảnh đã bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh ra đời của bức ảnh, đã hỏi vị bác sỹ tại sao lại làm thế. Thay vì lên án kẻ chụp ảnh hoa hậu ngủ hớ hênh, báo giới ăn theo, có vị quay sang dạy hoa hậu cách ngủ, chỉ đạo gia đình.
Tại sao không thấy mạng xã hội lên án vụ thương binh chân giả. Chân giả có từ lâu lắm rồi, liên quan đến mua vé xe bus thời bao cấp, mua bìa cung cấp, nhưng vì sao bạn đọc im lặng trước những điều này?
Có bao giờ những người lên án tự hỏi, mình đã chân thật khi viết những rao giảng về đạo đức và lối sống hay chưa? Mạng xã hội có đủ loại thông tin, xấu tốt đủ cả, thật có, giả có, ngớ ngẩn vô tình cũng có. Người đọc mạng phải thật tỉnh táo. Tát nước theo mưa không phải là một cách hành xử văn minh.
Câu chuyện nước Mỹ: Twelve Angry Men
Cách đâu 11 năm (1-2004), dự một hội thảo ở The Wood (West Virginia), tôi được xem bộ phim đen trắng “Twelve Angry Men – 12 người đàn ông giận dữ”, nói về một phiên tòa đầy kịch tính, dự định kết tội đứa con trai giết cha. Phim này do Henry Fonda (cha của cô Jane Fonda từng phản chiến) đạo diễn và kiêm một vai. Không hiểu sao tôi ấn tượng với bộ phim đó cho tới bây giờ.
Theo luật của Mỹ, hai bên nguyên và bị đã tranh tụng xong, quan tòa lệnh cho một đội bao gồm 12 vị bồi thẩm đoàn được tranh cãi riêng, có tội hay không có tội, dựa vào những chứng cứ trong phiên tòa đã được chứng kiến từ trước.
Các vị này được chọn một cách ngẫu nhiên trong hồ sơ của phường (county) và phải có đủ các đại diện từ trí thức, lao động đến người về hưu. Sau đó luật sư hai bên chọn lọc, được sự đồng thuận của quan tòa, việc xử án mới tiến hành.
Phim về bối cảnh đó nên có 12 người đàn ông phì phèo thuốc lá, cãi nhau trong phòng kín. Việc buộc tội hay vô tội phải được tất cả đồng ý. Một ông “gà mờ” không đồng ý, phiên tòa coi như bị treo (hung jury) hay còn gọi là vụ án xử sai (mistrial).
Trước khi họp, dường như những vị bồi thẩm đoàn đã có “án lệ” kiểu “kết tội trước khi xử”, cho rằng chứng cứ khá rõ, lại thêm báo chí và dư luận thổi vào tai.
Bỏ phiếu lần đầu có tới 11 vị giơ tay “có tội”. Duy vị số 8 (do Henry Fonda đóng – các vị bồi thẩm được đánh số từ 1-12,) bỏ phiếu trắng vì cho rằng, cần xem lại chứng cứ, cậu con trai cần được xử một cách công bằng hơn. Ông đưa con dao đâm chết người có vẻ không bình thường và nhận xét vài nhân chứng trước tòa có lời khai khó tin cậy.
Rồi vị này đề nghị bỏ phiếu lần nữa mà không cần phiếu của ông, để xem 11 vị còn lại có nhất trí 100% “có tội” hay không? Tất cả đồng ý thì số 8 sẽ…theo đuôi. Nhưng nếu một người không bỏ phiếu “có tội”, phải tranh luận lại từ đầu.
Thật bất ngờ, anh chàng số 9 lại “ăn theo” số 8. Sau khi tranh cãi lần nữa, xem lại hồ sơ, số 5 chuyển sang phía “vô tội”, một phần vì anh ta lớn lên trong ngôi nhà ổ chuột như cậu con trai bị nghi là giết bố ở trên.
Câu chuyện tranh tụng và lắt léo rất dài vì phim kéo tới 97 phút, chỉ có 03 phút quay ngoài trời. Có lúc tỷ số đã hòa 6-6, và sau đó nghiêng về phía “vô tội”. Có anh vội đi xem trận bóng rổ nên bỏ phiếu cho qua bị lên án “lá phiếu đáng xấu hổ”.
Cuối cùng cả 12 người đều đồng ý là cậu con trai kia vô tội, trong khi ngay từ phút đầu tiên, đã có tới 11 phiếu “có tội”. Bộ phim muốn nói rằng, khi kết luận nghi can có tội, không có tội, đều phải dựa vào nhân chứng, vật chứng. Đừng dựa vào dư luận bên ngoài, nhận xét chủ quan, tình cảm cá nhân lấn át công lý trong phòng xử án, vì liên quan đến số phận của một con người.
Bao giờ báo chí, cảnh sát, người đưa tin, người đọc hành xử chuyên nghiệp, dù giận dữ như 12 người đàn ông trong bồi thẩm đoàn trong phim nhưng biết kiềm chế, hiểu lẽ phải trái, họ đã cứu một mạng người bị xử tử, và bão mạng sẽ không còn nóng vì những tin tức đáng ngờ, chưa được kiểm chứng.
Comments
Post a Comment